Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamEmmanuel Lê Văn Phụng (1796 – 1859)

Emmanuel Lê Văn Phụng (1796 – 1859)

Lịch sử họ Cù Lao Giêng và gia đình họ Lê

Họ Cù Lao Giêng cũng gọi là Đầu Nước vì thời ấy ngược sông Cửu Long không còn họ đạo nào nữa. Năm 1780, ba chị em có đạo ngoài Bắc vào lập cư ở Gia Định, rồi vì cơn cấm đạo của nhà Tây Sơn, nên ba người lánh nạn đến Cù Lao Giêng. Cả ba người và gia đình các bà lập nghiệp ở đây.

Năm 1782, có hai anh em là ông Trùm Thiềng và bà Quỳnh từ Cái Thia tỉnh Đinh Tường (Mỹ Tho) cũng di cư đến.

Năm 1783, gia đình ông Lê Văn Sanh là ông nội Chân Phúc Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng cũng đến đây lập nghiệp. Cù Lao Giêng toàn đất phù sa rất tốt, nên chẳng bao lâu bổn đạo các nơi về đông và lập thành một họ đạo gọi là họ đạo Giêng. Năm 1823, họ đạo có 23 gia đình

Từ đó họ Cù Lao Giêng trở thành nơi trú ẩn của các linh mục.

Ông nội của chân phúc Em-ma-nu-en là ông Lê Văn Sanh. Tên Sanh là tên người con trưởng nam, còn tên thật ông không ai biết vì thời ấy người ta quen lấy tên con cả mà gọi người cha. Ông Sanh quê ở Đồng Nai, năm 1783 di cư đến Cù Lao Giêng với bốn người con.

Chân phúc Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng là con ông Lê Văn Sanh, sinh năm 1796. Vợ ông Phụng là bà An-na Của, quê ở Tham Buôn. Ông bà sinh được 9 người con: năm trai, bốn gái.

Ông làm lý trưởng trong làng nên quen gọi là ông lý Phụng. Đức Cha Lơ-phe (Ngãi) cử ông làm trùm trưởng thay mặt các linh mục ở phủ An Giang.

Tông đồ giáo dân gương mẫu

Ông Phụng có lòng đạo đức sâu xa nhờ nền giáo dục từ bé. Vì hoàn cảnh gia đình, ông không được học hành bao nhiêu, nhưng nhờ những thiên tư bẩm sinh sẵn có nên ông có một cuộc sống hạnh phúc. Trong gia đình, vợ chồng con cái an vui, trên thuận dưới hòa, kinh tế sung túc, có địa vị và có thể nói là gương mẫu cả về hai mặt đạo đời. Hai người con trai là ông Sang và ông Hiền thay ông làm trùm họ và dòng dõi ông có nhiều linh mục và nữ tu.

Cha Bô-ren (Hòa) quen biết ông nhiều, đã nhận xét ông Phụng như sau: “Ông người cao lớn, tính tình cương trực can đảm, ai ai cũng kính trọng. Giữa thời cấm cách, ông dám xây cất một nhà thờ được kể là lớn nhất vùng ấy, lập một tu viện Con Cái Đức Bà, xây nhà xứ để các Cha các thầy đến ở, mở trường cho trẻ em học kinh bổn. Ông đặc biệt lo giúp các em vì ông nghĩ chúng là tương lai của Giáo Hội, phải lo cho chúng nên thánh thiện. Đức Cha Lơ-phe đặt ông làm trùm lo việc đạo trong phủ An Giang thay mặt các Cha, đối với các  họ đạo và nhất là họ Cù Lao Giêng, ông thu xếp có Cha đến thường xuyên để giải tội, làm lễ. Lâu không thấy các đấng tới, ông đích thân đi mời. Ông tôn kính vâng phục các đấng Bề trên, với giáo dân ông yêu thương giúp đỡ, ông khuyên bảo những người lười biếng, bất hòa, mắc ngăn trở, cũng có khi ông phải sửa phạt những kẻ ương bướng.

Một lần ông Phụng đến họ Bò Ót thăm một bệnh nhân. Người này giàu có, trục lợi cho vay lấy lãi quá nặng. Sắp chết mà không lo việc linh hồn, chỉ lo đòi nợ, làm giấy tờ… Ông Phụng nhẫn nại khuyên bảo lâu giờ, sau cùng người này bằng lòng xé hết giấy nợ, lúc ấy ông Phụng mới đón Cha về làm phép xức dầu.

Chính ông đích thân dạy dỗ kinh bổn cho các trẻ em, tập luyện cho chúng những thói lành nết tốt.

Ông Phụng bị cáo và bị bắt

Hồi ấy vào cuối tháng 12 năm 1858 có Cha Péc-nô (Định) và Cha Phê-rô Đoàn Công Quý đang ẩn trong nhà ông. Cha Péc-nô đến đã lâu để giúp đỡ bổn đạo, ban ngày không dám ra khỏi nhà, ban đêm mới ra vườn sau cho thoáng khí, còn Cha Quý mới tới, có thể ra ngoài trà trộn với bổn đạo.

Ở Cù Lao Giêng có hai người tên là Nguyễn Văn Mưu và Nguyễn Văn Nến, biết nhà ông Phụng chứa Tây dương đạo trưởng, chúng đi báo quan để lấy tiền thưởng. Các quan ở đây không ghét đạo, dù có biết cũng làm ngơ, nhưng nếu có ai báo thì phải đem quân đi bắt, nếu không sợ có tội với triều đình. Quan huyện Châu Đốc là bạn thân với ông Phụng, nên hai lần ông Phụng bị cáo, quan cho người báo tin trước rồi mới kéo quân đến, vì thế hai lần ông Phụng đề vô can,… Hai tên Mưu và Nến bị khiển trách, nên chúng tức giận.

Ông Phụng và ông lý trưởng có quyền trừng trị chúng, nhưng ông hiền lành quảng đại, hay tha thứ không nỡ phạt.

Còn hai tên này quyết tâm làm cho ra việc. Muốn nắm chắc phần thắng trong tay, chúng đến rình ở vườn ông Phụng vì chúng đoán rằng Tây đạo trưởng ban ngày không dám ra ngoài, thế nào đêm cũng ra hóng mát. Vậy đêm ấy Cha Péc-nô ra vườn như mọi khi, chúng trông thấy, thế là sáng sớm hôm sau chúng lên thẳng tỉnh Châu Đốc trình với quan Thượng rằng: “Nếu quan muốn bắt Tây dương đạo trưởng thì xin sai quan khác, đừng sai quan huyện mà hỏng việc”.

Quan thượng truyền lệnh cho quan Lãnh binh, đem 300 quân với 15 chiếc thuyền cấp tốc xuống Cù Lao Giêng, vây nhà ông Lý Phụng ngay đếm ấy mà quan huyện không biết. Quân kéo xuống Vàm Nao, trời còn sáng nên đỗ lại.

Khi quân kéo đến Chợ Thủ, quan mới cho quân biết đi bắt Tây dương đạo trưởng ở nhà ông Lý Phụng. Ở đội quân này có ông Phê-rô Dẹp là người có đạo phải trói ngay. Quân kéo ngang qua họ Chợ Thủ thì ông biện Phan Văn Vĩnh sinh nghi, vội chèo thuyền xuống Cù Lao Giêng cấp báo. Ông Lý Phụng không tin vì chắc có thế nào quan Huyện đã báo, mãi khi nghe tiếng chèo khua nước ồn ào, lúc ấy ông Ga-bi-ri-e Vị mới đưa Cha Péc-nô đi trốn. Cha Phê-rô Đoàn Công Quý nán lại dọn đồ đạo vì sợ gia đình phải liên can, thì quân đã bao vây chặt chẽ, nên Cha bị bắt.

Không mua mạng sống ở đời này

Ông Em-ma-nu-en Phụng phải giải về Châu Đốc cùng với Cha Phê-rô Đoàn Công Quý và 34 bổn đạo. Phải ra công đường nhiều lần, các quan khuyên giục khóa quá sẽ được tha, ông không chịu. Các quan có lòng nhân đạo không nỡ tra tấn đánh đòn. Dụ dỗ không xong các quan làm án về kinh để vua Tự Đức xét. Theo các sắc lệnh cấm đạo thì Cha Quý phải trảm quyết, còn ông Phụng phải án bá đao về tội oa trữ đạo trưởng. Ông cùng được giam cùng một nơi với chân phúc Phê-rô Quý, được rước lễ nhiều lần. Quan cũng cho vợ con, bổn đạo vào thăm tự do. Ông lợi dụng dịp này khuyên mọi người chịu khó giữ đạo. Một lần, hai tên Mưu và Nến đến xin tiền bà An-na Của là vợ của ông Phụng, bà giận trách móc chúng đã làm chồng bà phải tù tội, gia đình phải tan nát. Ông nghe thấy thì can gián và cho chúng 2 quan tiền. Ông đã thực hiện đúng lời Chúa: “Hãy thương kẻ ghét con và làm ơn cho người làm khổ con”.

Bà Phụng đưa thuyền đến bến Châu Đốc để tiện việc giúp đỡ chồng. Bà bán thuốc chữa bệnh nhức nhối, tê bại. Thuốc bà có tiếng cứu được nhiều người. Quan Tổng đốc bị bệnh tê bại nan y, nghe tin thuốc hay, sai ông đội đem 5 quan tiền đến mua. Bà biếu một chai không lấy tiền, quan uống thấy đỡ nhiều lại sai người nhà đưa 10 quan tiền mua thêm, nhưng bà biếu và quan khỏi bệnh. Quan muốn trả ơn, bà không nhận gì, quan không chịu thua, quan gọi bà và bảo rằng: “Bệnh tôi nan y, may nhờ thuốc bà Lý tôi được bình phục. Để trả ơn bà, tôi muốn tha cho ông Lý, nhưng phải có 80 quan tiền để bưng bít mới yên”. Bà Lý xin về hỏi ý kiến chồng. Vừa nghe vợ nói, ông trả lời ngay: “Để mặc lượng quan trên xét, vàng thật không sợ lửa, lẽ nào tôi lại mua mạng sống ở đời này sao? Để rồi sau này chưa chắc đã được nước thiên đàng”.

Quan Tổng đốc nghe biết, tỏ lòng kính trọng và thương xót ông, có tìm dịp khác để trả ơn. Còn ông Phụng muốn theo ý Chúa hoàn toàn, dù chỉ tốn 80 quan tiền mà được sống, về với vợ con, ông cũng không muốn, ông muốn chết tỏ lòng trung hiếu với Chúa và nắm chắc phúc thiên đàng.

Ngày 30 – 7 – 1859, 7 giờ tối, án vua Tự Đức châu phê tới Châu Đốc. Cha Quý phải trảm quyết và ông Phụng phải án bá đao. Quan Tổng đốc muốn dùng dịp này đền ơn bà Lý, quan bàn với quan Bố và quan Án rằng: “Xử cách nào người ta cũng chết, mà xử bá đao thì tội nghiệp quá, ta nỡ nào làm điều độc ác thế, tôi xin các quan đổi án bá đao thành án xử giảo cho gọn chuyện”. Các quan đồng ý.

Sáng hôm sau là ngày 31 – 07 – 1859,  ông Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng phải điệu đi xử cùng với Cha Phê-rô Đoàn Công Quý. Trong khi khởi hành, quan còn khuyên dụ hai đấng, nhưng hai chứng nhân của Chúa Ki-tô sẵn lòng đổ máu ra vì chân lý, vì Chúa là Đấng tạo thành trời đất.

Khi đi dọc đường, thỉnh thoảng lính lại rao thẻ rằng: “Tự Đức thập tam, Kỷ tị niên, thất ngoại, sơ nhị nhật. Nhứt thẻ phượng chỉ: Lê Công Phụng, vi Câu cả, thiết lập giáo đường, oa tàng đạo trưởng, đạo đồ, đạo chủng, đạo thơ, bất khẳng xuất giáo, giảo quyết”.

Tư thẻ.

Nhờ rao thẻ, vợ con ông Phụng và mọi người khác mới biết ông phải xử mà đi theo. Thấy họ khóc lóc, ông Phụng an ủi: “Thôi, đừng khóc, hãy yên tâm, chịu khó giữ các điều răn Chúa và Hội Thánh, siêng năng đọc kinh sớm tối, hòa thuận thương yêu hết mọi người”.

Đến pháp trường là xóm Chà và gân cây mét, quan Giám sát cho phép từ giã bà con thân thuộc. Ông Phụng lấy ảnh Chuộc tội và ảnh đeo đưa cho cháu nội là cô An-na Nhiên, cùng dặn dò hãy lo giữ đạo và giúp bà nội. Sau khi đã chào hỏi mọi người, Cha Quý làm phép giải tội cho ông, rồi Cha phải trảm quyết trước. Đến lượt ông Phụng nằm sấp xuống, hai tay giang ra. Sau ba hồi chiêng lệnh, lính xiết chặt hai đầu dây rồi vặn mặt lại sau lưng. Linh hồn ông Em-ma-nu-en Phụng bay về trời hồi 10 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 31 – 7 – 1859. Ông thọ 63 tuổi và làm Trùm họ được 8 năm.

Quan đặt quân canh xác đến 7 giờ tối mới cho chôn. Vợ con và bạn hữu ông đưa xác về an táng ở nền nhà thờ Cù Lao Giêng.

Ngày 13 – 2 – 1870, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã tôn phong Cha Phê-rô Đoàn Công Quý và ông Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng lên bậc đáng kính. Hài cốt hai đấng cho vào hai quan tài riêng, để ở chủng viện Cù Lao Giêng.

Ngày 02 – 5 – 1906, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong Cha Phê-rô Đoàn Công Quý và ông Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng lên bậc chân phúc.

Tại đài kỷ niệm hai chân phúc ở Châu Đốc, nhiều người xa gần đã đến cầu xin và họ đã được như ý nhờ lời cầu bầu của hai đấng.

Ngày 19 – 6 – 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong ông Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments