Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sinh năm 1756 tại làng Kim Long, Phú Xuân (nay là Thừa Thiên-Huế). Thân phụ cậu là ông Nguyễn văn Lương, một võ quan Công giáo phò chúa Nguyễn đã tử trận trong một cuộc chiến với Tây Sơn. Sớm mồ côi cha, cậu Triệu sống với mẹ ở xứ Thợ Đúc, gia nhập quân đội của vua Lê chúa Trịnh và tham gia chiếm thành Phú Xuân năm 1774. Đến khi Tây Sơn trở thành chủ nhân mới của thành này, vệ binh Nguyễn Văn Triệu đành theo chúa Trịnh rút về Thăng Long (1786) rồi từ giã binh nghiệp khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt được họ Trịnh.
Emmanuel Triệu bước vào một khúc quanh mới lúc 30 tuổi. Anh được Đức Cha Obelar Khâm, cai quản địa phận Đông Đàng Ngoài (từ tả ngạn sông Hồng đến vùng ven biển) nhận vào trường thần học Trung Linh. Năm 1793, năm 37 tuổi thầy được Đức Cha Alphongsô Phê truyền chức linh mục. Cha Emmanuel Triệu trở thành mục tử hăng say nhiệt tình, làm việc có phương pháp và thu hoạch được nhiều kết quả.
Tháng 05-1789, vì thương nhớ mẹ già, cha Triệu trở về Thợ Đúc. Xót xa trước cảnh mẫu thân phải ăn nhờ ở đậu nhà người khác, cha quyết định ở lại dựng cho mẹ một mái nhà nhỏ. Thời gian này, cha nhân tiện đi thăm viếng và dâng lễ tại các họ đạo gần đó.
Vì vua Cảnh Thịnh (1792-1802) đang giao tranh với Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) kẻ đang được Đức Cha Bá Đa Lộc hỗ trợ, nên tháng 08-1789, Cảnh Thịnh ra chiếu chỉ cấm đạo.
Ngày 07-08-1798, bốn cơ binh bất thần bao vây bốn giáo xứ vùng Kinh đô. Tại xứ Thợ Đúc, quan quân bắt một số giáo hữu trong đó có lẫn cha Triệu để tra hỏi về các linh mục. Cha Triệu tự nguyện cung khai. Quân lính liền trói tay cha dẫn đi. Thấy mẹ già khóc lóc thảm thiết, cha khuyên nhủ: “Thiên Chúa đã cho con vinh dự làm chứng cho Người. Xin mẹ đừng khóc nữa, một hãy vui lòng vâng theo ý Chúa.”
Tiếp đó là 40 ngày đêm thử thách trong cảnh ngục tù: cổ mang gông, tay chân đeo xiềng, bị đưa ra tòa nhiều lần, chịu ba trận đòn dữ dội. Khi các quan thẩm tra lý lịch, cha nói rõ mình sinh quán ở Phú Xuân, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mới phải ra Đàng Ngoài để làm ăn, rồi được học giáo lý trong đạo và làm linh mục.
Ngày xử được ấn định là 17-09-1798. Sáng hôm đó, quan hỏi cha lần cuối: “Thầy có muốn bỏ nghề đạo trưởng về quê quán sinh sống không? Nếu đồng ý, ta sẽ xin vua tha cho.” Cha khẳng khái trả lời: “Thưa không, tôi là đạo trưởng, tôi thà chết chớ không bỏ việc giảng đạo.” Thế là đến 10 giờ sáng, cha Triệu bị điệu ra pháp trường cùng với 6 tên trộm cướp cũng bị tử hình hôm đó.
Tại Bãi Dâu, nơi thi hành bản án, cha Triệu quỳ xuống cầu nguyện. Đúng ngọ, tới giờ hành hình, cha giơ cổ cho lý hình chém. Thi hài vị tử đạo được các tín hữu an táng gần đó.
Năm 1803, giáo xứ Dương Sơn vừa dựng lại nhà thờ mới, nên Đức Cha Labartette An cho cải táng Thánh Emmanuel Triệu rước về đặt trong nhà thờ. Đông đảo giáo dân kinh đô Phú Xuân có mặt trong cuộc thỉnh hài cốt vị tử đạo về nhà thờ Dương Sơn. Ngày 21-07-1996, Đức Tổng Giám Mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể cho đưa hài cốt thánh nhân đến giáo xứ Thợ Đúc (quê mẹ, nơi ngài chịu phép rửa tội). Còn phần xương đầu của thánh nhân vẫn được lưu giữ tại nhà thờ giáo xứ Dương Sơn, Tổng Giáo phận Huế.
Linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu được nâng lên hàng chân phước ngày 27-05-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-06-1988.