Ðaminh Henares Minh (1765-1838)

Vào một ngày cuối tháng 10-1790 dưới thời vua Quang Trung, Cha Đa-minh Hê-na-rét cùng với ba linh mục dòng Đa-minh của tỉnh dòng Mân Côi (Ma-ni-la) qua ngả Áo Môn đặt chân lên Bắc Việt, hai vị tướng trong bốn vị này sau làm Giám mục và được nhận lãnh triều thiên tử đạo.

Một trong hai vị Giám mục hiển danh đó là Đức Cha Đa-minh Hê-na-rét.

Buổi thiếu thời

Cậu Đa-minh Hê-na-rét sinh ngày 19-12-1765 ở làng Ba-ê-na (Baéna) thuộc địa phận Coóc-đu (Cordoue) nước Tây Ban Nha, trong một gia đình giàu có sau bị sa sút. Cậu bé tính nết hiền lành, có lòng đạo đức. Năm 16 tuổi, cậu theo ơn Chúa, gia nhập dòng Thánh Đa-minh ở thành Go-rơ-nát (Grenade) và năm 1783 thày được khấn trọng thể. Sau đó vị tu sĩ trẻ tuổi này xin gia nhập tỉnh dòng Mân Côi để thực hiện ý muốn giảng đạo cho dân ngoại.

Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi Phi Luật Tân

Ngày 21-7-1587, 15 vị tông đồ nhiệt thành truyền giáo đặt chân lên đất Phi Luật Tân và ngày 25 tháng ấy các ngài tiến vào thủ đô Ma-ni-la giữa niềm vui của dân chúng và của các chính quyền đạo, đời. 15 vị này ở trong số 18 chiến sĩ tiên phong xây dựng tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi mở đường cho biết bao chiến sĩ thừa sai vượt trùng dương gia nhập vào đoàn quân truyền giáo của tỉnh dòng. Ngày 10-8-1588, Hội đồng tiên khởi của tỉnh dòng được nhóm họp lần đầu tiên và sau một thời gian thử thách năm 1592 Hội đồng chung của toàn dòng họp ở Vơ-ni-sa (Venisa) mới chính thức nhận tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi là một tỉnh dòng thực thụ của dòng với đầy đủ quyền lợi pháp lý.

Mục đích riêng của tỉnh dòng Mân Côi là truyền giáo cho các dân ngoại vùng Viễn Đông.

Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Hê-na-rét tình nguyện sang giảng đạo ở Trung Quốc và Việt Nam. Ngày 20-9-1789, Cha được cử sang giúp địa phận Đông Đàng Ngoài và ngày 29-10-1790 Cha đặt chân lên quê hương thân yêu thứ hai của mình.

Đấng chăn chiên trẻ tuổi

Năm ấy Cha mới 25 tuổi, Cha học tiếng Việt nhanh chóng dễ dàng và chỉ 6 tháng sau, Cha bắt đầu công cuộc hoạt động tông đồ. Cha được trao trách nhiệm điều khiển chủng viện Tiên Chu (Hưng Yên), chuyên dạy tiếng Latinh và huấn luyện nhân đức cho các linh mục tương lai.

Rồi lần lượt Cha được cử giữ các chức vụ quan trọng: làm Cha Chính địa phận và làm Bề trên các anh em dòng trong địa phận. Sau vì nhu cầu truyền giáo và với tài ba đức độ của Cha Hê-na-rét, nên ngày 9-9-1800, Đức Thánh Cha Pi-ô VII đặt Cha làm Giám mục hiệu tòa Phép (Feg), làm phó Giám mục địa phận Đông Đàng Ngoài, vị chủ chăn trẻ mới 35 tuổi và sang Việt Nam được 10 năm. Đức Cha Hê-na-rét rất khiêm tốn hết sức từ chối chức vị cao sang này, nhưng sau phải vâng lời chấp nhận theo ý Cha Bề Trên Giám tỉnh Ma-ni-la. Hai năm sau sắc phong đến nơi, và lễ tấn phong được cử hành trọng thể ngày 9-2-1803 ở Phú Nhai trong bầu khí tưng bừng phấn khởi.

Chữa bệnh phần xác đi đôi với chữa bênh phần hồn

Vua Gia Long lên ngôi, Giáo Hội Việt Nam được thở bầu khí an bình sau hàng trăm năm cấm cách. Vị tân Giám mục lợi dụng dịp tốt này chăm lo thánh hóa bản thân và hăng hái tận tụy truyền giáo. Đức Cha Phó là cánh tay phải đắc lực của Đức Cha Chính, và chia sẻ gánh nặng địa phận với ngài.

Đức Cha Hê-na-rét rất khiêm nhường, hãm mình, nhất là người có lòng bác ái tuyệt vời, thương yêu người nghèo khó bệnh tật. Người luôn tự tay vá quần áo cho mình hay để phân phát cho người nghèo. Người học làm thuốc để có thể giúp đỡ các bệnh nhân và cũng là một phương thế dùng để giúp việc truyền giáo. Đi đâu người cũng mang một túi thuốc để phát cho cả người giáo người lương. Người chữa bệnh nhiều khi rất lạ lùng khiến người ta tin do lời cầu nguyện của người hơn là do thuốc. Người chữa bệnh phần xác để chinh phục phần hồn.

Một lần Chúa quan phòng đã dùng túi thuốc để cứu Người thoát hiểm nguy. Trong cuộc hành trình đi kinh lược, một đêm quân gian lẻn vào nhà người trọ, bắt người đem đi để giáo dân phải nộp tiền chuộc. Chúng vơ vét cả hòm bao, túi của Người. Vừa ra đến ngoài làng bỗng túi thuốc bật tung ra, chai lọ, thuốc men, nhất là mấy dụng cụ bằng kim loại rơi xuống đất óng ánh trong đêm tối, kẻ gian lầm, tưởng là vàng bạc, chúng bỏ Người một mình, xô nhau đến tranh cướp, thế là Đức Cha chạy thoát.

Mơ ước phúc tử đạo

Đức Cha Hê-na-rét nghe tin em ruột ở Tây Ban Nha mới sinh cháu gái. Người viết thư mừng em, có đoạn rằng: “Khi nào cháu biết nói, em dạy nó học thuộc lòng bản kinh anh gửi kèm theo đây và đọc kinh này hàng ngày để cầu cho anh”.

Nội dung bản kinh như sau :

“Lạy Chúa Giêsu dịu hiền là Cha linh hồn con, cậy nhờ sự thương khó thánh thiện của Chúa, cậy nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thánh Chúa, con nài xin Chúa thương bác con là Giám Mục dòng Thánh Đa-minh, xin Chúa gìn giữ bác con khỏi mọi sự dữ, cho bác con yêu mến Chúa nhiều và hết tâm phụng sự Chúa cho đến chết, và nếu điều này làm sáng danh Chúa, xin Chúa cho bác con được đổ máu, hiến dâng mạng sống vì yêu mến Chúa và để làm chứng Đức Tin thánh thiện của chúng con. A-men”.

Sự hiện diện cần thiết của chủ chăn trong cơn bách hai

Vua Minh Mệnh lên ngôi, mở đầu một giai đoạn bách hại mới. Đức Cha Hê-na-rét dù vẫn ước mong được đổ máu làm chứng cho Chúa, nhưng người biết phúc tử đạo là một đặc ân cao trọng Chúa ban cho, không được tự tìm kiếm cách liều lĩnh, vả lại người là chủ chăn, sự hiện diện của người là rất cần thiết cho giáo hữu trong cơn bách hại, vì thế người cố trốn tránh.

Ở làng Tiên Chu không được bảo đảm, người cùng Thày Chiểu về Kiên Lao ẩn với Đức Cha Đen-ga-đô (Y). Ít lâu sau, Đức Cha Đen-ga-đô bị bắt, người chạy thoát vào nhà bà Tư, trốn ở chân cối xay lấy nong che kín. Ngay tối hôm ấy, người trốn sang làng Trung Thành là nơi có nhiều bổn đạo, rồi đến các làng Quần Anh, Xương Điền. Vẫn thấy mình bị theo dõi, nên Người xuống thuyền vượt biển đến Hải Dương, nhưng gió ngược, nên lại phải đến ẩn ở nhà ông Nghiễm làng Hà Quang thuộc xứ Trung Thành , nhưng ngày 9-5-1838 Người bị bắt ở đây cùng với Thày Chiểu và một người bổn đạo. Người bình tĩnh xin quan tha cho người này, quan không nghe cho đến khi người ấy chịu khóa quá mới được tha về.

Quan Phủ Thiên Trường bắt được Đức Cha thì mở cuộc tra vấn ngay. Quan khâm phục thái độ nhẫn nại, dịu dàng, cách nói năng lịch sự hòa nhã. Quan tỏ lòng kính Người, mời người uống nước chè với mình. Dù thương Người quan Phủ cũng không thể làm được gì hơn là phải đưa Đức Cha về phủ, đóng cũi giải lên tỉnh Nam Định, vì quan biết rõ ý vua Minh Mệnh và lệnh vua mới truyền cho quan Trịnh Quang Khanh.

Cuộc hội ngộ của “Trùm Cả” và “Trùm Hai” trong tù

Ngày 11-6, Đức Cha Hê-na-rét và Thày Chiểu tới Nam Định, khi đến cửa thành, Thày Chiểu thấy tượng Thánh Giá đặt ở đấy để mọi người bước qua, thày cầm Thánh Giá lên, dù quân lính đánh đập dữ tợn, thày nhất định không chịu bỏ xuống cho đến khi cũi Đức Cha đã đi qua. Hai cha con phải ra công đường ngay, cuộc tra hỏi không được kết quả như ý các quan vì Đức Cha hiên ngang xưng Đức Tin, không tiết lộ gì có thể gây thiệt hại cho giáo đoàn. Rồi Đức Cha phải giam trong cũi gần công đường, còn Thày Chiểu phải đưa vào ngục. Bỗng một hôm lính khiêng cũi Đức Cha Đen-ga-đô đến cạnh cũi Đức Cha Hê-na-rét và hỏi có phải hai Đức Cha còn có tên là “Trùm Cả” và “Trùm Hai” không ? Hai Đức Cha trả lời : “Đúng thế”, đó là bí danh của hai Đức Cha khi trốn tránh. Quan cho phép hai Đức Cha nói chuyện với nhau. Hai ngài dùng tiếng Tây Ban Nha không ai hiểu gì chỉ thấy hai ngài lộ vẻ hân hoan. Thực ra hai ngài rất có nhiều lý do để vui mừng. Sau nửa thế kỷ cùng nhau chia sẻ buồn vui, cộng tác trong cánh đồng truyền giáo, giờ đây sắp được Chúa ban phần thưởng trọng hậu và trong cơn thử thách, hai tông đồ Chúa lại được gặp nhau để an ủi, khuyến khích nhau xông pha vào trận chiến cuối cùng

Khi lính đã khiêng cũi Đức Cha Đen-ga-đô đi, quan án Lê Văn Đức đòi Đức Cha Hê-na-rét ký biên bản thẩm vấn, người đòi phải được đọc lại cho nghe rồi mới ký. Trong biên bản có chữ “tả đạo”, “mê hoặc ngu dân”, Đức Cha lên tiếng phản đối rằng: “Các quan phải sửa những tiếng ấy tôi mới ký, phải thay chữ “tả đạo” thành “đạo Đức Chúa Trời”, phải bỏ chữ “mê hoặc ngu dân”, vì tôi sang đây dạy dân chúng một đạo chân thật, tốt lành, không lừa dối ai”.

Các quan chịu, và Đức Cha ký vào biên bản.

Vinh dự khiêng cũi cha hiền

Ngày 12-6, các quan khép án Đức Cha phải trảm quyết. Bản án đệ vào kinh, vua châu phê, truyền xử ngay và bêu đầu ba ngày.

Trưa ngày 25-6, án tới Nam Định, các quan muốn xử ngay chiều hôm ấy nhưng không chuẩn bị kịp nên giãn đến hôm sau.

Ngày 26-6-1838, tông đồ của Chúa ngồi trong cũi tiến ra pháp trường Bảy Mẫu. Nhiều binh sĩ giữ đạo bí mật phải đưa tiền hối lộ mới được vinh dự khiêng cũi Cha hiền. Lúc sắp khởi hành, một số lính đã khóa quá quỳ khóc trước mặt Đức Cha xin Người cầu nguyện cho. Ngoài Thày Chiểu ra còn 5 người lính nữa các quan nói là đưa đi xử, nhưng thực ra chỉ để dọa cho họ khiếp sợ, ba người trong số này cũng được phúc tử đạo. Khoảng 1 giờ chiều, đoàn áp giải tới Bảy Mẫu, Đức Cha ra khỏi cũi, quỳ xuống đất cầu nguyện hiến dâng mạng sống cho Chúa, cầu xin cho dân tộc mà người hết lòng yêu quý được ơn nhận biết đạo thật.

Đức Cha xin xử Thày Chiểu trước để chính mình được chứng kiến của lễ hy sinh toàn thiêu của con yêu dấu. Đến lượt Cha, lính chém một nhát, đầu rơi xuống đất, lý hình tung đầu lên ba lần cho quan Giám sát trông thấy. Ngay lúc đó, một đám người cả giáo lẫn lương xô vào thấm máu, nhổ cỏ, bốc đất, có người cắt cả áo, cả râu tóc Đức Cha giữ làm kỷ niệm.

Xác Đức Cha chôn ngay ở đây, còn đầu phải bêu ba ngày rồi buộc vào đá vất xuống sông. 16 ngày sau bổn đạo đến đào trộm xác, thấy xác vẫn còn nguyên vẹn tươi tốt lại xông mùi thơm ngào ngạt, họ đưa về táng ở họ Lục Thuỷ Hạ, còn đầu người, ba ngày sau khi bỏ xuống sông lọt vào lưới của người thuyền chài, bổn đạo lấy đưa về chôn cùng với xác. Về sau lại đưa xác người về Bùi Chu.

Đức Cha Đa-minh Hê-na-rét được phúc tử đạo ngày 26-6-1838 thọ 73 tuổi , truyền giáo ở Việt Nam 48 năm. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho người ngày 27-5-1900, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh cho người ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments