Trang chủTư LiệuĐức cha Paul Francois Puginier Phước – Giám mục Đại diện Tông...

Đức cha Paul Francois Puginier Phước – Giám mục Đại diện Tông Tòa tại Tây Đàng Ngoài từ 1868 đến 1892 (an nghỉ tại Cung Thánh Nhà thờ Sở Kiện)

Lm. Tô-ma Aq. Nguyễn Xuân Thuỷ

Paul-Francois Puginier sinh ngày 04 tháng 7 năm 1835 tại Saix thuộc tỉnh Albi ở miền Nam nước Pháp. Sau khi hoàn tất chương trình Tiểu chủng viện ở Castres, thầy xin nhập học Chủng viện Hội thừa sai Paris ngày 01 tháng 7 năm 1854. Được chịu chức linh mục ngày 29 tháng 5 năm 1858, Cha Puginier đã lên tàu ngày 29 tháng 8 để tới Địa phận Tây Đàng Ngoài. Vì Đàng ngoài lúc đó đang bị bách hại Đạo nên Cha phải ở lại Sài Gòn chờ thời cơ. Tại đây, Cha mở một trường dạy tiếng Pháp để cung cấp cho Giáo hội cũng như xã hội những người làm thông ngôn. Ngài cũng giúp mục vụ cho vùng ven Sài Gòn, đặc biệt là ở Thị Nghè và Gò Vấp, truyền giáo cho người ngoại ở đó rất thành công.

Năm 1862, sau cuộc hành trình nhiều gian nan nguy hiểm, ngài đã tới được Đàng Ngoài, tại đây ngài nhận tên Việt Nam là Phước. Đức cha Jeantet Khiêm gửi ngài đến làm mục vụ ở xứ Kẻ Lõi (nay là xứ Thạch Bích). Giáo dân ở đây rất quý mến và bảo vệ ngài, có lần ngài bị quan huyện bắt, nhưng giáo dân đã lập tức tập hợp lại và giải thoát cho ngài. Được đặt làm Giám đốc hội Tiểu nhi, ngài đã thiết lập một trại trẻ mồ côi tại Kẻ Lõi. Đồng thời, Cha cũng cho in lại những sách đạo tiếng Nôm đã bị đốt trong các cuộc bách hại và cho khắc chữ in những cuốn khác nữa.

Ngày 4 tháng 11 năm 1865, Cha Puginier Phước được bổ nhiệm làm cha chính Địa phận, được giao trách nhiệm thăm viếng giáo dân ở tỉnh Sơn Tây và Hưng Hóa. Tháng 12 năm 1867, Đức cha Theurel Chiêu chọn ngài làm Giám mục phó và đưa ngài đi thăm các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, với ý định lập một địa phận mới để ngài làm giám mục ở đó, nhưng dự định này phải 34 năm sau mới thực hiện được.

Cha chính Phước được Toà thánh bổ nhiệm làm giám mục hiệu tòa Mauricastre, được tấn phong ngày 26 tháng 01 năm 1868 tại nhà nguyện Chủng viện Hoàng Nguyên, sau đó ngài trở về Phúc Nhạc và lập một Tiểu Chủng viện ở đó. Cuối năm 1868, Đức cha Chiêu lâm bệnh nặng và qua đời ngày 3 tháng 11, Đức cha Phước lên kế vị và đặt trụ sở giám mục tại Kẻ Sở. Lúc đó Địa phận có 140.000 giáo dân ở trong 48 giáo xứ và 800 họ đạo. Sau một thời gian dài cấm cách, từ năm 1868-1873 là những năm tương đối an bình, những công việc đầu tiên ngài làm trong cương vị Giám mục của mình là: Tĩnh tâm cho các linh mục Việt Nam tháng 2 năm 1869; điều chỉnh lại một số quy định hành chính; lập các hồ sơ phong thánh cho các đấng tử đạo Đàng Ngoài theo Giáo luật; tách tràng Kẻ Giảng ra khỏi Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên và lập ở Kẻ Sở; in lại các sách đạo bằng chữ quốc ngữ ở nhà in Kẻ Sở; thăm các xứ đạo trong Địa phận; yêu cầu các quan tôn trọng quyền tự do tôn giáo theo Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 mà triều đình đã ký với Pháp[1].

Từ năm 1872, thỉnh thoảng ngài được mời lên Hà Nội để làm trung gian dàn xếp những cuộc xung đột của các quan triều đình với những người Pháp, như vụ nhà buôn Dupuis đòi mượn đường sông đi ngược lên Vân Nam (Trung Quốc), đến vụ viên sĩ quan Francois Garnier bị giặc Cờ Đen giết ở Cầu Giấy. Đứng giữa những yêu sách căng thẳng của triều đình và quân đội Pháp, Đức cha đưa ra những giải pháp ôn hòa tránh gây xung đột thương tổn cho hai bên, ngài luôn theo một nguyên tắc ứng xử: “Là nhà truyền giáo chúng tôi làm việc cho Chúa, cho đất nước chúng tôi và đất nước chúng tôi đã hiến thân phục vụ.”[2] Người Pháp không quan tâm đủ để giải quyết các vấn đề xung đột, nên dẫn đến phong trào Văn Thân “bình Tây diệt tả” tấn công vào những cộng đoàn Ki-tô hữu mà họ cho là thân Pháp. Đức cha phải đích thân vào tận Sài Gòn để giải thích thảm họa này cho đại diện chính quyền Pháp ở miền Lục tỉnh[3]. Mặc dù Đức cha không nhận được sự giúp đỡ bảo vệ của quân đội Pháp như mong đợi, nhưng những lời khuyên của ngài cũng được đón nhận giúp cho việc soạn thảo Hiệp ước Giáp Tuất 1874 đem lại bình an cho giáo dân.

Một kỷ nguyên mới mở ra với những mùa gặt dồi dào với những ơn trở lại chưa từng thấy: Năm 1877 có 2.358 người lớn xin rửa tội; năm 1878 có 3.720; năm 1879 có 5.388. Nhà thờ Kẻ Sở được xây dựng từ năm 1877-1882 và một trụ sở ở Hà Nội. Từ năm 1878, Đức cha bắt đầu công cuộc truyền giáo bên Lào, ngài lần lượt gửi các cha thừa sai ưu tú sang đó như cha Fiot, Pinabel, Perreaux, Gélot, Thoral…

Sự kiện đại uý Rivière mang quân ra gây hấn ở Đàng Ngoài và triều đình yếu nhược đã nhờ giặc Cờ Đen bên Tàu giúp chống quân Pháp đã lại một lần nữa mang đến những thử thách khủng khiếp cho Địa phận, vì sự thù ghét người Pháp đã đổ xuống trên cộng đoàn Ki-tô giáo: bảy cha thừa sai và hàng trăm giáo dân bị tàn sát bên Lào, nhiều cộng đoàn Công giáo bị phá huỷ và cướp bóc, may mắn là tình trạng đó sớm được ngăn chặn và không làm giảm những thành quả truyền giáo: Năm 1887 có 3.269 người trở lại; năm 1888 có 4.602; năm 1889 có 6.779 và năm 1890 có 6.026. Tổng cộng trong bốn năm có 20.694 người được rửa tội. Ngày 8 tháng 12 năm 1884 Đức cha đã khai trương trường tiếng Pháp đầu tiên tại Hà Nội và khởi công xây Nhà thờ lớn thánh Giu-se tại thành phố này, đến cuối năm 1886 thì ngôi nhà thờ Hà Nội được hoàn thành.

Trong nhiệm kỳ giám mục của mình, Đức cha đã tấn phong giám mục cho Đức cha Pigneau, Đại diện Tông tòa ở Vinh, và Đức cha Gendreau Đông, Giám mục phó của ngài; ngài đã truyền chức cho 120 linh mục Việt Nam và Địa phận tăng thêm 70.000 tân tòng. Ngay từ những năm đầu trong cương vị giám mục, ngài đã dâng Địa phận cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, rồi những năm sau này ngài cũng dâng Địa phận cho Thánh Tâm Chúa, cho thánh Giu-se và ngài nhắc lại lời dâng hiến này hàng năm. Ngài cũng cho thiết lập tháng Đức Mẹ, tháng Mân Côi, tháng Thánh Tâm và tháng thánh Giu-se. Ngài thiết lập những quy định thiết thực quan trọng cho đời sống mục vụ trong Địa phận. Tinh thần đức tin và lòng đạo đức của ngài được thể hiện qua khẩu hiệu giám mục của ngài: “scio enim cui credidi ”[4] (2Tm 1,12).

Đức cha qua đời tại Hà Nội ngày 25 tháng 4 năm 1892 và được an táng tại nhà thờ Kẻ Sở. Cả cuộc đời tông đồ ở Đàng Ngoài, ngài đã cống hiến cho xứ truyền giáo này những đóng góp to lớn cả cho Giáo hội và xã hội, đúng như lời vị quan toàn quyền Đông dương Chavassieux đã nhận xét về ngài: “Danh của Đức cha sẽ vĩnh viễn gắn liền với những tên tuổi lẫy lừng nhất được tưởng nhớ ở Bắc Kỳ”.

                                      (Dựa theo Hồ sơ thừa sai của MEP Số 720)


[1] Khoản 2: Thần dân hai nước Pháp và Tây Ban Nha được hành Đạo Ki-tô ở nước Đại Nam, và bất luận người nước Đại Nam ai muốn theo đạo Ki-tô, đều sẽ được tự do theo, nhưng những người không muốn theo đạo Ki-tô thì không được ép họ theo.

[2] Biographie de Paul Puginier – IRFA Document de missionnaire 0720

[3] Lúc đó là Đô đốc hải quân Duperré đang là Thống đốc coi sáu tỉnh miền Tây do triều đình nhượng lại.

[4] Tôi biết tôi đã tin vào ai.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments