Tôma Toán (1764-1840)

Thầy Toán sinh năm 1767 ở làng Căn Bản tỉnh Thái Bình. Thầy dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời từ nhỏ, chịu khó giữ các luật phép, nết na đức hạnh. Bề trên thấy thày chín chắn, có lòng chung nên đặt thày coi sóc các việc dòng ở xứ Trung Lãnh, thày giữ chức này lâu năm. Thày cũng khấn dòng ba Thánh Đa minh. Khi cấm đạo ngặt thày ẩn ở làng Trung Lãnh với Cha già Tuyên.

Sự việc không ngờ

Hồi ấy trong làng có ông lang Tư tố giác với quan Phủ Xuân Trường rằng: “Có hai đạo tưởng ẩn trong làng”. Quan đem quân đến vây làng Trung Lãnh ngay. Cha già Tuyên ẩn dưới hang nên không bị bắt, còn thầy Toán tưởng không ai tố cáo mình nên nhận tên là Thi và ra điểm mục với dân làng. Nhưng người tố giác đã nói cho quan biết trước hai cụ, có một cụ hói đầu. Vừa trông thấy thày quan bảo rằng: “Tên này là đạo trường bỏ khăn ra để ta xem”. Thầy vừa bỏ khăn vừa nói: “Tôi không phải là đạo trưởng, nhưng quan không tin, truyền đóng gông giải về phủ”.

Đến nơi quan Phủ bảo thầy: “Hễ xuất giáo ta sẽ tha”. Thầy thưa rằng: “Quan đánh đòn hay giết tôi, tôi cũng không dám khóa quá”. Dù quan Phủ dỗ dành hay trách mắng, thầy vẫn vững vàng.

Quan Phủ giải nộp thầy cho quan Trịnh Quang Khanh ở Nam Định. Quan này làm khổ thày mọi cách cũng không làm thầy sờn lòng nản chí, nên quan bắt thầy già hiệu, có lần phải lột hết quần áo trói ở sân giữa mùa đông giá rét, bị mọi người chê cười sỉ nhục, nhưng cũng không thể làm thày đổi ý.

Sa đi ngã lại hai lần

Nhưng ý Chúa mầu nhiệm vô cùng để thày sa ngã hai lần cho mọi người biết lòng nhân lành vô biên của Chúa vẫn thương xót thày và ban ơn cho thày không những được trở về cùng Chúa lại được phúc tử đạo.

Vậy có một người bổn đạo làng Trung Lễ phải bắt cùng một hôm với Thày Toán, ông này dù đã xuất giáo mà vẫn chưa tha, quan đòi ông phải làm được cho quan Thày Toán xuất giáo, nếu không ông sẽ phải chết và cả làng sẽ bị vạ lây. Ông này với ba người làng ra sức cám dỗ thày, họ cũng thuê cả lính canh giúp, họ kể lể kêu trách mãi khiến Thày Toán động lòng vị nể họ đã khóa quá. Quan, quân lính và các người đang ở đấy reo lên rằng: “Khóa quá rồi, khóa quá rồi!”. Quan bảo thày rằng: “Nếu ông cứ một mực thế này thì ta mừng cho vì đã vâng lời vua nhưng cứ tạm giam lại xem có thật lòng không? Mấy hôm nữa sẽ tha về”.

Xem gương này chúng ta phải lo sợ vì Thày Toán chịu được mọi hình khổ nhưng lại bị thua tình cảm. May thay, vừa về đến nhà giam được ơn Chúa soi sáng, thày nhận ra mình đã phạm tội rất trọng, thày khóc lóc than thở rằng: “Lạy chúa tôi, xin thương xót tôi, tôi đã dại dột nghe người ta mà phạm đến Chúa, xin Chúa ban ơn cho tôi thật lòng ăn năn”. Nghe tin thày đã xuất giáo, Cha già Tuyên viết thư khuyên thày. Cách mấy hôm, Cha Giuse Hiển cũng phải giam cùng với thày, Cha giải tội cho thày và giúp thày cất gương xấu của mình. Ở trong ngục thày ăn năn thống hối tội lỗi, ra sức hãm mình hy sinh, xin Chúa ban thêm sức mạnh để xưng đạo ra trước mặt quan.

Đến tháng tư, quan lại truyền gọi thày và hai người có đạo nữa đã xuất giáo lên công đường, quan bảo rằng: “Người nào trước đã phạm đến vua mà sau ăn năn và xuất giáo thì vua cũng tha và cả ta nữa cũng thương tha ngay”. Thày Toán thưa lại rằng: “Thưa quan lớn, lần trước tôi đã dại dột phạm tội rất nặng, bây giờ tôi không bao giờ dám xuất giáo nữa”. Quan nổi giận truyền đánh thày hết sức dã man rồi giam vào nơi bẩn thỉu, làm khốn đủ cách cho đến khi bỏ đạo. Thày Toán vui lòng chịu mọi sự cách can đảm vững vàng cho được đền vì tội mình. Hai ngày sau quan lại truyền điệu thày lên và vì thày cương quyết không chịu xuất giáo nên quan dạy lính đánh đập tra khảo thày dữ tợn hơn nữa mà cũng không được kết quả gì. Quan lại giao thày cho hai người đã xuất giáo và dọa rằng: “Nếu chúng bay không làm cho tên này xuất giáo, sẽ bị giết”.

Thế là cả một đám người lại ra sức dụ dỗ thày xiêu lòng. Họ chửi rủa, đánh đập, sỉ vả nhưng thày vẫn kiên gan bền chí, họ tức giận nói những lời phạm đến Chúa và Đức Mẹ, thày nghe những lời phạm thượng ấy thì buồn phiền đau đớn quá rồi cũng vị nể người ta, thày lại khóa quá một lần nữa. Quan thấy vậy truyền tháo gông cho thày, cho thày mặc áo sạch sẽ và để thày nghỉ ngơi ở nơi rộng rãi. Nhưng vừa vào đến đấy, thày suy đến tội lỗi gớm ghiếc mình đã phạm vì dám chối Chúa hai lần. Thày nhớ đến tội ông Thánh Phê-rô đã phạm xưa, thày khóc lóc đau đớn xin Chúa thương mình là kẻ rất yếu đuối, những người chung quanh cố hết sức yên ủi thày cũng không được, cả ngày thày chỉ khóc lóc, đấm ngực ăn năn.

Chúa không nỡ để tôi tớ Chúa phải thất vọng, 15 ngày sau Cha Trạch phải bắt và bị giam vào ngục với thày. Cha giải tội cho thày và thày quyết xưng đạo ra trước mặt mọi người để cất gương xấu mình đã làm.

Quan Thượng nổi giận

Quan Thượng Nam Định vui mừng hoan hỉ vì đã thắng trận, nhưng niềm vui của quan không được bao lâu và thay vào đó một cơn tức giận điên cuồng. Trước khi trả lại tự do cho Thày Toán, quan đòi thày lên công đường để xét lại. Quan bảo thày: “Khóa quá đi, rồi ta tha ngay”. Thày Toán thưa rằng: “Những lần trước tôi đã dại dột phạm tội rất nặng, bây giờ tôi không dám bỏ đạo nữa, tôi sẵn lòng thà chết, chẳng thà vâng lời quan”. Câu trả lời dũng cảm này làm quan Thượng bẽ mặt nổi giận đùng đùng, lồng lộn như con thú dữ bị cướp mất mồi ngon. Quan truyền lính lôi thày qua ảnh Thánh Giá, nhưng thày nhất định cưỡng lại, quan truyền lính bắt thày nằm ngửa rồi đập đánh dữ tợn cho nên mình thày nát ra, rồi lại bắt thày nằm sấp trên Thánh giá mà đánh, khi đó thày chỉ ăn năn tội và kêu lớn tiếng rằng: “Tôi không bỏ Chúa tôi”. Rồi quan truyền đóng gông rất nặng và bắt lính phải liệu hết cách để thày khóa quá, nên họ làm khốn thày quá sức, nhưng lần này dù cả hoả ngục nổi lên cũng không làm cho đầy tớ Chúa xiêu lòng. Quan lại truyền trói thày giữa nơi trống trải cho mọi người vả, chửi bới, chịu nắng mưa, gió rét, bắt thày nhịn ăn 13 ngày, có những người xấu nết độc ác còn giật tóc, giật râu, nhổ vào mặt và làm những điều vô phép với thày. Thày Toán im lặng nhẫn nhục chịu đựng không phàn nàn nửa lời. Sau 13 ngày, quan đòi thày lên công đường, ở đây một mâm cỗ đã dọn sẵn, quan bảo thày: “Ăn xong rồi xuất giáo. Thày thưa: “Ăn xong rồi phải xuất giáo, tôi không dám ăn”. Quan cho giải thày về ngục và ra lệnh không được cho ăn gì. Quan sợ vua không truyền giết thày ngay, nên cố ý để thày chết đói. Năm ngày liền, không những thày phải nhịn đói, lại còn phải chịu thêm cực hình mới nữa. Các lính lấy dùi nung đỏ, xiên từ gót chân đến đùi, rồi giam thày vào nhà vệ sinh thối tha, thày im lặng chịu, như tảng đá lớn vững vàng giữa sóng gió. Ngày 9-5, các quan bắt Cha Hiển và Thày Toán đứng sau ảnh Thánh giá và sau lưng cha con là hai con voi có ý để hai đấng sợ, nhưng cũng không thể làm được cho Cha Hiển và Thày Toán khóa quá.

Quan cấm ngặt không được cho thày ăn, nhưng đôi khi bổn đạo đưa tiền nhờ lính canh nuôi thày, lại có ông đội người ngoại rất thương thày, thường cho thày ăn cơm.

“Khi ông lên trời xin nhớ đến tôi”

20 ngày gian khổ trôi qua, quan lại đòi thày lên công đường, quan lấy làm lạ vì bị nhịn đói bấy nhiêu ngày mà thày vẫn sống. Quan hỏi rằng: “Chúa Gia-tô mày thờ chữa mày, hay mày giấu vật gì trong người mà không chết?” Thày thật thà thưa: “Có người thương cho tôi ăn”. Quan giận quá truyền đánh thày rất đau rồi giam thày một mình một nơi trống trải, rào giậu chung quanh không cho ai vào, ngày đêm thày ở giữa trời, may có hai bà đạo đức cố lo liệu cho thày một cái chõng và một chiếc chiếu, cả một ít cơm nữa. Thày luôn than thở rằng: “Khốn cho tôi, tôi đã nghe người ta mà dám chối Chúa tôi, tôi đã phụ ơn Chúa nhiều quá, tôi lo buồn ăn năn dốc lòng không dám phạm đến Chúa tôi nữa, tôi xin chịu mọi sự khốn khổ này để đền tội tôi. Xin Chúa thương xót tôi”.

Sau bao khổ hình, Thày Toán kiệt sức dần và chết rũ tù ngày 27-6-1840, thọ 73 tuổi. Khi thày sắp qua đời, ông đội người ngoại thương cho cơm thày, đến thay quần áo khác cho thày, ông giữ lấy quần áo cũ của thày để làm kỷ niệm, ông nói với thày rằng: “Lạy ông, khi ông lên trời, xin ông nhớ đến tôi”.

Nghe tin thày qua đời, quan bắt chôn xác thày ở nơi chôn xác các tù nhân. Bổn đạo thu xếp được quan tài và chôn xác thày hẳn hoi. Khi khiêng quan tài thày ra, hai bà đạo đức vẫn quen giúp thày từ khi thày phải giam, ước ao được trông thấy mặt thày lần sau hết, thì mở quan tài ra, thấy mặt thày đẹp đẽ tươi tắn, hai bà cắt một ít tóc của thày làm kỷ niệm, giữ như của thánh vậy. Bảy tháng sau, người ta đem xác thày về táng ở nhà trường họ Lục Thuỷ.

Chúng ta hãy cảm tạ đội ơn Chúa nhân lành, không những Chúa đã tha cho người tội lỗi biết ăn năn chừa cải, Chúa lại còn ban cho phúc rất trọng là đã nhẫn nại chịu muôn vàn cực hình cho đến chết vì Chúa.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Thày Tô-ma Toán ngày 25-7-1900, sau Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II lại phong hiển thánh cho thày ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

Translate »
Lên đầu trang