Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamPhêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861)

Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861)

Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 7/04/1861 tại Mỹ Tho dưới đời vua Tự Ðức. Ngày 02.05.1909, Đức Piô X đã suy tôn cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 07/04.

Đọc lại toàn bộ lịch sử thời tử đạo Việt Nam, hầu như trong bất cứ cuộc tử đạo nào cũng thấy bóng dáng một linh mục bản quốc. Dầu hoàn cảnh khó khăn hiểm nguy, các vị đã can đảm hiện diện, hoặc hóa trang vào thăm giáo hữu ở trong tù, ban bí tích hòa giải và trao Mình Thánh Chúa; hoặc ít ra kín đáo đón các tín hữu bị đưa ra pháp trường và bí mật giải tội cho họ. Linh mục Phêrô Nguyễn văn Lựu là trường hợp tiêu biểu cho sự kiện này. Cha bị bắt khi đang lén vào làm việc mục vụ trong ngục.

Mục tử săn sóc đàn chiên

Phêrô Nguyễn văn Lựu sinh năm 1812 tại Gò vấp, Gia Định (Sài Gòn). Lớn lên cậu dâng mình cho Chúa, vào chủng viện và được gởi đi học ở Pénang, rồi được thụ phong linh mục. Cha được bổ nhiệm phụ trách nhiều giáo xứ như Mặc Bắc, Sa Đéc, Mỹ Tho… Cha thực thi nhiệm vụ một cách rất chu đáo, Cha chú tâm nhiều đến việc giảng dạy giáo lý, quan tâm đến từng gia đình trong sứ đạo, thường xuyên thăm viếng khuyên bảo họ. Các giáo hữu quý mến và sẵn sàng nghe theo lời của cha, ngay cả khi bị cha khiển trách lỗi lầm của họ.

Cha Lựu chỉ mắc một tật nhỏ nhưng đã bỏ được. Vì gặp gỡ với dân đồng bằng Cửu Long, cha thường uống rượu với họ. Một hôm đang đi trên thuyền, cha mời linh mục Thuyết ở thuyền khác qua làm vài “xị”, nhưng vị này nhất mực từ chối : “Tôi không uống vì nhiều lý do, uống rượu vừa tốn kém, vừa mất tỉnh táo, lại chẳng phải là gương tốt cho tín hữu”. Ngay lúc đó cha Lựu đã ném ngay chai rượu xuống sông và nói : “Từ hôm nay tôi không uống rượu nữa”. Và cha đã trung thành giữ lời hứa đó.

Đầu năm 1853, cha Lựu thoát chết một cách may mắn. Khi đó, cha đang là cha sở họ Mặc Bắc và vừa được bổ nhiệm đến nơi khác thì quan trấn phủ Vĩnh Long, theo mật báo, đến vay bắt cha. Cha Philipphê Phan văn Minh và ông trùm Giuse Lựu bị bắt thế mạng.

Năm 1860, cha Phêrô Lựu đang phụ trách xứ Ba Giồng thì có lệnh quan trấn bắt tất cả các tín hữu có tên tuổi ở Xoài Mút và Ba Giồng (gần Mỹ Tho) đưa về giam tập trung ở tỉnh. Vì thương anh em bổn đạo cha thường cải trang vào thăm viếng, ủy lạo.

Các tín hữu coi cha như thiên thần Chúa gởi đến đem cho họ lương thực Thánh thể, ân sủng và bình an. Để thực hiện điều này, có lúc cha phải bỏ tiền mua chuộc lính canh và thận trọng lời nói với cấp trên của họ.

Gương sáng trong ngục tối

Tháng 12.1860, một hôm trong lúc đang gặp các tín hữu trong tù, vô tình cha để một lá thư chìa ra miệng túi áo. Viên quan thanh tra trại giam đi qua trông thấy liền ra lệnh bắt giam. Biết không thể giấu được nữa, cha liền nhận mình là linh mục. Thế là cha được chia sẽ đòn đánh, tra khảo, dọa nạt chung với các tín hữu của mình. Từ nay cha không chỉ an ủi, động viên anh em bằng lời nói suông nữa, mà bằng chính mẫu gương cuộc đời của mình : Bất chấp mọi đau đớn sỉ nhục, nhất quyết giữ vững niềm tin, chứ không bỏ đạo. Các quan bắt cha xuất giáo, cha trả lời : “Đạo đã thấm nhập vào trong xương tủy, tôi làm sao bỏ được. Vả lại một người giáo hữu thường, một thày giảng còn không có quyền bỏ đạo, huống nữa tôi đây là đạo trưởng”.

Nhận thấy mọi hình khổ đều vô ích, quan tỉnh Mỹ Tho liền lên án trảm quyết cha. Ngày 07.04.1861, quân lính dẫn vị chứng nhân đức tin ra khỏi cửa thành độ một cây số, rồi chém cha ngay bên vệ đường. Viên đao phủ vì mê tín, sợ người đã chết nhập vào mình, nên vừa chém xong liền quăng dao chạy trốn.

Thi hài vị tử đạo được các tín hữu thu lại đem về an táng chung với gông cùm và một chiếc bình đất vấy máu ngài. Về sau hài cốt của cha được dời đến đặt tại bàn thờ chính thánh đường Mỹ Tho. Năm 1960, hài cốt ngài lại được cải táng về nhà thờ chính tòa Sài Gòn.

Ngày 02.05.1909, Đức Piô X đã suy tôn cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Nguồn từ thư viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.

Phêrô Nguyễn Văn Lựu linh mục
Sinh Tân Mùi (1812) quê thực Sài Gòn (Gò Vấp)
Một lòng mến Chúa sắt son
Pénang du học về còn giảng rao

Ðược Ðức Cha ban trao Linh Mục
Giúp nhiều nơi tiếp tục giảng khuyên
Tông đồ phục vụ khắp miền
Quan tâm giáo lý thường xuyên tận tình

Chỉ phiền nỗi lưu linh quá độ
Với giáo dân Cha cố thi đua
Ngà say Cha Lựu giỡn đùa
Một hôm đã sẵn rượu mua trên thuyền

Gặp Cha Thuyết ngồi trên thuyền khác
Cha kéo sang, tôi bác cụng ly
Cha này từ chối tức thì
Tốn tiền gương xấu bỏ đi rượu chè

Ngay lúc đó, Cha nghe, chai ném
Xuống dòng sông hứa hẹn sẽ chừa
Rồi từ đó hết say sưa
Và Cha giữ đúng lời xưa trên thuyền

Ông quan trấn bắt liền tín hữu
Có tuổi tên uy tín Ba Giồng
Ðưa về thị trấn quá đông
Cha Nguyễn Văn Lựu Ngài không đành lòng

Ðã cải trang vào trong thăm viếng
Các giáo dân chứng kiến chủ chăn
Ngài vào ủy lạo khuyên răn
Ðưa Mình Máu Thánh, của ăn phần hồn

Ngài chuẩn bị cho hôm gặp khó
Phải sẵn tiền để đó chuộc mua
Lính canh dễ dãi đón đưa
Cha vào thăm viếng sớm trưa dễ dàng

Một bữa nọ đi ngang nhìn thấy
Viên thanh tra khi ấy sinh nghi
Liền cho lục soát tức thì
Bắt ngay Mục Tử giải đi giam liền

Cha vui vẻ chẳng phiền lo sợ
Ðược nhốt chung giúp đỡ giáo dân
Ngài bị tra tấn nhiều lần
Mẫu gương nhẫn nhục trọn phần đức tin

Quan trấn dụ lối tìm xuất giáo
Tôi Linh Mục bỏ đạo làm sao
Trong xương trong tủy thấm vào
Chấp nhận cái chết Chúa cao phượng thờ

Án trảm quyết xin nhờ quan chuyển
Ðể xử tôi diễn tiến thật mau
Hồng ân Thiên Chúa nhiệm mầu
Pháp trường đao phủ chém đầu tôi rơi

Ðược Triều Ðình phê lời y án
Dẫn chứng nhân ra mạn cửa thành
Vệ đường nghìn mét chém nhanh
Ðao phủ mê tín quăng thanh kiếm chuồn

Thi hài giáo hữu luôn thu lại
Về chôn chung với cái cùm gông
Và luôn hũ đất máu đông
Mộ Cha chôn cất, phía đông nhà thờ

Phúc tử đạo bấy giờ Tân Dậu (1861)
Mất người cha hiền hậu tài ba
Kỷ Dậu (1909) Toà Thánh Roma
Suy tôn Chân Phước nay ta tôn thờ

Lời bất hủ: Các quan bắt cha xuất giáo, cha trả lời: “Ðạo đã thấm nhập trong xương trong tuỷ, tôi làm sao bỏ được, vả lại một người giáo hữu thường, một thầy giảng còn không có quyền bỏ đạo, huống nữa tôi đây là đạo Trưởng”.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments