Luca Vũ Bá Loan (1756-1840)

Nói về cha thánh Lu-ca Vũ Bá Loan thì có rất nhiều điều để nói. Trước hết Ngài là vị thánh niên trưởng trong số 117 vị Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam. Lúc bị tử hình vì đạo Chúa Ngài đã 84 tuổi.

Cha Lu-ca Vũ Bá Loan sinh năm 1756 ở Trác Bút thuộc xứ Bái Vàng, nay thuộc xứ Bút Đông, xã Trác Bút, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Cha chịu chức linh mục đời vua Tây Sơn, được cử đi giúp xứ Nam Xang 6 tháng, rồi giúp xứ Sơn Miêng 10 năm, rồi Cha làm Phó xứ Kẻ Vồi giúp Cha già Liêm. Đến năm thứ tám đời vua Minh Mệnh, Đức Cha Longer (Gia) chia xứ Kẻ Vồi làm hai, Cha coi xứ Kẻ Sở là xứ mới và ở đấy cho đến khi bị bắt.

Trên trần gian Thánh lễ là cao trong nhất

Đức Cha Khiêm khen Cha Lu-ca Loan rằng: “Từ khi chịu chức linh mục cho đến khi chịu chết vì đạo, Cha Loan cứ một mực đạo đức, thánh thiện, khôn ngoan, ta thấy từ đây trở về trước không có linh mục nào sánh được với Người”.

Khi Cha đọc kinh lần hạt, Cha cầm trí, mắt trông lên trời, ai động đạt bên cạnh Cha cũng không biết.

Cha làm Lễ thong thả nghiêm trang, sốt sắng. Một lần, thày giảng xin Cha làm lễ nhanh hơn, Cha bảo: “Chúng ta sống ở trần gian việc thờ phượng tế lễ Thiên Chúa là việc cao trọng nhất, phải làm nghiêm trang cho xứng với Chúa cả trời đất. Chúng con vội gì mà giục Cha?” Thánh lễ xong, Cha còn quỳ cám ơn lâu giờ. Cha dùng lời lẽ đơn sơ, dễ hiểu giảng dạy bổn đạo và nhất là Cha làm gương sáng để chứng minh lời mình giảng. Cha khiêm nhường lạ lùng, khi đã già, Bề trên cử Cha phó đến giúp, Cha vui vẻ nói với Cha phó rằng: “Tôi đã già yếu chậm chạp, xin Cha thay tôi coi sóc mọi người trong nhà và coi sóc cả tôi nữa”. Cha giữ đức khó khăn cách riêng, ăn uống thanh đạm, đồ gì cũ các thày xin Cha bỏ đi, Cha bảo rằng: “Còn dùng được, nó ở với Cha đã lâu, nó rất có công với Cha, Cha chưa bỏ nó được”.

Cha Luca Loan bị bắt

Cha già Loan coi xứ Kẻ Sổ yên ổn sống ở Chuôn Thượng khoảng 12 năm, ai cũng tưởng Cha sẽ bình an về với Chúa, và chính Cha cũng không ngờ, giông tố đang chờ đợi Cha, không ngờ sau quãng đường đời dài thì chặng đường cuối cùng của Cha lại là đường Thánh giá thực sự, đường lên đỉnh núi Canvê dâng chính mình làm của lễ toàn thiêu. Chúa muốn đội trên đầu vị tông đồ già cả nhiệt thành một triều thiên rực rỡ hơn, là triều thiên tử đạo.

Ở phố Vồi có một người tên là Đô Cang và ở làng Bún có ông Bá Hộ Kiếng là thủ kho, cả hai phải án giảm giam hậu, chúng muốn lập công đền tội, xin đi bắt những người làm ngụy với vua. Chúng đưa năm sáu đầy tớ xuống thuyền đến Chuôn Thượng, Cha Loan vừa ăn cơm chay xong, chúng giả như đến thăm Cha, rồi mời Cha xuống thuyền đưa về làng Bún, hôm ấy là ngày 6 tháng 12 năm thứ 20 đời vua Minh Mệnh.

Bổn đạo thấy Cha phải bắt, vội xuống thuyền xin cho được chuộc Người. Chúng đòi hai nghìn quan, thấy thế Cha bảo rằng: “Các ông có đòi hai trăm quan, may mới chạy được, chứ hai nghìn quan không thể lo nổi”. Ông Đô Cang muốn gỡ tội mình, nhất định không cho chuộc.

Khi đang tạm giam Cha ở nhà ông Bá Kiếng đã xảy ra một sự kiện chứng tỏ uy quyền Chúa. Ông này lấy một khăn thánh hồ cứng đưa cho đầy tớ đem ra bể nước và sạch hồ để làm khăn mặt, khăn thánh vừa chạm vào nước thì một tiếng nổ lớn và cái bể vững chắc vỡ tan tành.

Lập công bị quở trách

Chúng giải Cha nộp cho quan Huyện Phú Xuyên, quan đuổi chúng vì không muốn can dự vào việc đổ máu người vô tội. Chúng phải giải Cha lên Hà Nội, vừa ra trước mặt quan tỉnh, chúng đã bị quở trách nặng lời rằng: “Quân dại dột gian ác kia! Sao chúng bay đang tâm bắt người đạo đức tuổi tác thế này, cụ hơn tuổi cha ông chúng bay, chúng bay nỡ lòng nào làm hại người lành, chúng bay không sợ trời phạt ư?” Nhưng việc đã đến đây, quan không thể tha được nữa.

Chết rồi là bùn đất là của nuôi giòi bọ

Cha phải giam ở trại quan án, vì Cha có tuổi nên các quan xử lịch sự. Cha phải ra tòa hai lần. Lần thứ nhất quan hỏi quê quán ở đâu, học đạo với ai, đã ở những nơi nào? Cha nói rằng: “Thưa quan lớn, quê tôi ở Trác Bút, xã Thượng Thôn, tôi học đạo ở Phú Đa và Kẻ Bèo, các Đấng dạy dỗ và truyền chức cho tôi đã qua đời từ lâu. Vua cấm đạo, tôi phải trốn ẩn nay đây mai đó, có khi người ta sợ không dám chứa, tôi phải ẩn ở đình, ở chùa”. Quan bảo Cha khoá quá, rồi tha, Cha từ chối.

Lần thứ hai, cố ép Cha khoá quá không được, các quan bảo rằng: “Cụ già thế này mà phải giam tù cực khổ, có khi phải án chết, cụ khoá quá đi để được sống”. Cha đáp: “Tôi già thế này mà còn tham sống, sợ chết ư? Lẽ nào tôi dám đạp lên ảnh Chúa tôi thờ. Quan thương tôi được nhờ, quan giết, tôi bằng lòng không dám kêu ca phàn nàn”.

Quan lại hỏi Cha rằng: “Vua cấm đạo ngặt, sao các ông còn cố tình theo đạo ngoại quốc, bỏ đạo cha ông nên bị vua nghiêm phạt, truyền phải trảm quyết”. Cha thưa rằng: “Tôi thờ Chúa cả trời đất, Chúa mọi dân, mọi nước, chẳng phải Chúa riêng nước nào. Vua dạy sự phải, tôi xin vâng ngay, còn sự bỏ Chúa tôi thờ thì thà chết chẳng thà phạm tội ấy. Tôi là đạo trưởng mà quan lớn bảo tôi khoá quá sao được?”.

Cha phải giam năm tháng, các quan thương Cha già yếu không nỡ tra tấn, Cha phải mang gông xiềng nhẹ, chỉ phải cùm hai ba đêm, sau các thày giảng chạy tiền cho lính canh xin tháo cùm vì Cha già không thể trốn được, họ tha ngay.

Quan Án cũng thương Cha, có lần quan xuống trại giam thăm Cha, quan dặn đội canh rằng: “Cụ đã có tuổi, phải xử tử tế với cụ, có ai đến thăm thì đừng cấm”. Vì thế bổn đạo kéo đến rất đông, biếu nhiều quà bánh, Cha dùng không hết phát cho lính canh và các bạn tù nên họ quý mến Cha.

Có hai bà ở Chuôn Trung và Chuôn Thượng tranh nhau xin Cha làm di chúc lối xác cho họ. Lời qua tiếng lại xôn xao, Cha vừa cười vừa bảo họ rằng: “Xác Cha là bùn đất, chết rồi ra tanh hôi, là thức ăn của giòi bọ, chúng con xin làm gì?” Bà ở Chuôn Trung nhất định thưa rằng: “Lạy Cha, dù thế nào, cả họ chúng con cũng quyết xin được xác Cha, Cha được phúc tử đạo, xác Cha là báu vật của chúng con, di chúc chúng con đã làm sẵn rồi, xin Cha thương ký cho chúng con”. Họ nài nẵng mãi, Cha phải nhượng bộ đáp rằng: “Được, đưa giấy đây để Cha ký”.

Cuối tháng hai Cha bị phù và bị suyễn nặng, ông đội canh sợ Cha chết trước khi xử và Cha cũng sợ mình không được đổ máu ra làm chứng đức tin, Cha xin ông đội trình quan cho phép người ngoài vào coi sóc mình. Quan xuống thăm và cho một người ở Chuôn Trung vào giúp Cha cho đến khi Cha bị xử. Người ấy làm chứng rằng: “Dù ốm đau, già yếu mặc lòng, Cha vẫn đọc kinh nguyện ngắm cả ngày, và nhiều khi Cha như ngất trí, mặt ngửa lên trời, trông thấy Cha tôi thêm động lòng sốt sng. Còn lúc khác, Cha tươi tỉnh vui vẻ, không phàn nàn bao giờ”.

Luật nước dạy không được xử tử người đã ngoài 60 tuổi. Vì vậy các quan sợ làm án xử Cha, trong kinh sẽ bác, đàng khác không làm án xử đạo trưởng lại sợ có tội với triều đình nên các quan rút tuổi Cha, rồi đệ án vào kinh, vua châu phê ngay.

Ngày án đến Hà Nội, Cha Tuấn vào trại giải tội và đưa Mình Thánh cho Cha. Chiều hôm ấy quan đòi Cha ra công đường, ở đây đã trải sẵn một áo lễ và một ảnh Chuộc tội lớn để Cha bước qua. Quan bảo rằng: “Cụ ở đây đã lâu, bây giờ cụ nghĩ thế nào. Nếu cụ không chịu khoá quá, sự chết đã gần?” Cha từ chối.

Cuộc xử án kỳ lạ

Một buổi chiều mùa hạ, khí nóng đã dịu xuống, ở pháp trường và hai bên đường đến Ô Cầu Giấy, người ta tập hợp rất đông. Đám áp giải tù vừa xuất hiện, mọi người nhớn nhác hỏi: “Đạo trưởng đâu?” – Quan Giám sát đâu? “Thì ra, các quan thương Cha Loan già yếu nên cho Cha nằm võng, và vì kính Cha, quan Giám sát đi bộ, còn ngựa giao cho lính dắt theo sau.

Bổn đạo khóc lóc thảm thiết, Cha khuyên rằng: “Chúng con đừng khóc, cầu nguyện cho Cha thì hơn”.

Đến lúc xử mới rắc rối, Cha cầu nguyện xong, lính trói Cha vào cọc thì mười tên lính được chỉ để chém Cha trốn hết, để lại mười thanh gươm trên pháp trường, tìm mãi không thấy, đành phải thuê ông Cai Minh là người rượu chè, và giao cho ông mười thanh gươm của các lính đã bỏ trốn để họ phải chuộc.

Ông Minh đến bái Cha và nói: “Lạy cụ, việc vua truyền, tôi phải thi hành, xin cụ tha lỗi cho tôi, tôi xin xử cụ êm ái, khi nào cụ lên trời xin cầu cho tôi”. Ông chém một nhát, đầu Cha rơi ngay, linh hồn Cha bay thẳng về trời hưởng hạnh phúc vô cùng.

Các quan thổi loa cho phép lấy xác, bổn đạo xông vào thấm máu, nhổ cỏ, cạo đất đã dính máu vị tử đạo. Xác Cha được đưa về táng ở Kẻ Chuôn.

Cha Luca Vũ Bá Loan được phúc tử đạo ngày 5-6-1846. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments