Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamLaurensô Nguyễn Văn Hưởng (1802-1856)

Laurensô Nguyễn Văn Hưởng (1802-1856)

Vững vàng theo ơn kêu gọi

Cậu Lô-ren-sô Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1802 ở Kẻ Sài thuộc huyện Hoài Yên, làng Tụy Hiền thuộc địa phận Hà Nội, trong một gia đình đạo gốc có năm con, bốn con trai, một gái; cậu Hưởng là con thứ tư.

Gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ cậu làm ăn vất và không đủ nuôi con. Từ bé cậu đi ở chăn trâu cho chú là ông Thang. Ông này không có con trai, thấy cháu mình hiền lành dễ bảo, chịu khó làm việc, nên ngỏ ý muốn nuôi làm con, nhưng cậu Hưởng lại ước ao dâng mình cho Chúa. Cha Duyệt, Cha xứ Sơn Miêng nhận coi sóc cậu bé mồ côi này. Sau ba năm học chữ nho ở nhà xứ, cậu được gia nhập Tiểu chủng viện Vĩnh Trị. Nhưng đến năm thứ tư đời vua Minh Mệnh, có sắc chỉ cấm đạo ngặt, Đức Cha Ha-va (Du) phải tạm giải tán Chủng viện, chú Hưởng về quê ba năm làm thuốc sinh sống. Dù ở giữa đời, chú vẫn giữ phép tắc nết na như ở nhà trường. Ông Thang tiếc cháu, cố dỗ dành cháu về nhà và hứa sẽ cho của cải ruộng nương, lại có ông Tổng Phạn là người trong họ thấy hoàn cảnh bấp bênh của chú thì thương bảo rằng: “Có quyết đi tu nữa thì thôi, còn nếu định về, ta sẽ tìm chỗ hẳn hoi, lo liệu có chỗ ăn chỗ ngồi với dân làng”. Chú Hưởng tỏ rõ ý mình, dù gặp hoàn cảnh trắc trở cheo leo thế nào cũng quyết theo Chúa đến cùng. Khi cơn cấm đạo đã dịu, chú về học La-tinh ở Kẻ Lường rồi đến Kẻ Vĩnh.

 

Hồi ấy ông Thang ngã bệnh nặng, tìm cháu về đọc sách và khuyên bảo giúp cho được chết lành. Ông lợi dụng dịp này dỗ chú, nhưng chú trả lời cương quyết: “Cháu đã nhất định dâng mình cho Chúa đến cùng, không bao giờ cháu đổi ý”. Ông tức giận quát: “Tao đã hết lòng thương mày, mà mày không vâng. Thôi xéo đi, đừng khuyên tao nữa, đừng đọc sách nữa, tạo không thèm nghe”.

Khi đã học xong, Thày Hưởng được cử đi giúp xứ; đây là đợt thử thách rèn luyện lâu dài trước khi chịu chức linh mục.

Thày để giúp Cha Tuấn ở Kim Sơn hai năm rồi giúp Cha Duyệt ở Bạch Bát, làm thày cai ở đây. Thày nghiêm trang nết na, tận tâm làm việc bổn phận, coi việc đọc kinh sách trong nhà thờ, thỉnh thoảng thày khuyên bảo an ủi người ta. Thày giữ đức khó khăn, ăn mặc đơn sơ. Tính tình hiền lành, không quát mắng ai bao giờ, vì thế mọi người đều quý mến và khen thày đạo đức sốt sắng.

Làm việc ở Bạch Bát năm, sáu năm, thày nhiệt thành đưa hết khả năng của tuổi trẻ dâng cho Chúa, phục vụ cánh đồng truyền giáo đầu tiên và Chúa đã quan phòng nơi đây cũng là cánh đồng truyền giáo bé cùng của thày, nơi thày đã dâng lên Chúa những giọt máu cuối cùng.

Thày được gọi về Đại chủng viên. Trí khôn bình thường, nhưng có trí phán đoán chắc chắn rõ ràng. Sau đó Đức Cha Rơ-to (Liêu) truyền chức linh mục cho thày.

Từ Lạc Thổ đến Yên Lộc, Bạch Bát

Vị tân linh mục theo Đức Cha Giăng-tê (1) (Khiêm) đi làm phúc Kẻ Đầm độ hai tháng, rồi đến họ Quán, Khoái và mấy họ khác thuộc xứ Kẻ Non. Sau đó Cha về giúp Cha già Tường ở xứ Giang Sơn hai năm.

Qua hai năm thi hành chức vụ linh mục, Cha Hưởng được Đức Cha cử vào Lạc Thổ. Lạc Thổ là vùng dân tộc ít người ở phía Tây Bắc Hà Nội. Núi rừng rậm rạp, thung lũng hẹp, đường đi hiểm trở, có chừng 2000 người. Vùng nước độc, ai lên đấy thường bị sốt rét ngã nước và có nhiều người đã chết. Phong tục dân địa phương khác hẳn với vùng đồng bằng. Trong thời cấm cách, nhiều người có đạo sợ hãi, bỏ làng đem vợ con trốn vào Lạc Thổ, lập nghiệp ở đấy. Đời vua Quang Trung, Cha Thạch, Cha thừa sai ngoại quốc, đã lên đây giảng đạo lâu năm, khuyên được nhiều người trở lại. Cha Trạc đến sau còn thu được nhiều kết quả hơn nữa, vì hồi ấy dân Mường ở đây phải dịch nặng, Cha làm thuốc chữa được nhiều người nên họ theo đạo rất đông. Năm Minh Mệnh thứ 12, Đức Cha Ha-va mới vào Lạc Thổ kinh lược. Đến năm Thiệu Trị thứ 6, Đức Cha Rơto cùng với 4 Cha và 20 thày giảng cũng vào đây. Trong một lá thư Đức Cha Rơ-to kể lại cuộc hành trình vất vả như sau: “Sáng sớm hôm ấy chúng tôi ở Đồng Gianh thắt lưng cho chặt, sắn quần thật cao, chống gậy đi cả ngày hôm ấy, đến trưa, nghỉ một lúc để ăn cơm nắm với vài quả trứng và uống nước suối. Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy nhọc mệt như hôm ấy. Đường lên thiên đàng là đường chông gai chật hẹp, trơn dốc khó đi thế nào thì đường lên Lạc Thổ cũng chẳng kém. Khi thì lội bùn đến bắp chân, lúc phải theo dòng khe lởm chởm những đá tai mèo. Lúc qua suối, qua đèo, khi leo núi cao chót vót, khi qua những đường kẽm hai bên cỏ mọc ngập đầu. Chiều mới đến nơi, mỏi mệt hết hơi, hết sức, nhưng khi thấy đàn ông, đàn bà, trẻ con, người có đạo, người bên lương, ăn mặc sạch sẽ, kiểu lạ khác với dân vùng xuôi, ra đón rước vui vẻ, làm chúng tôi quên hết nỗi vất vả”.

Đức Cha Rơ-to vào kinh lược Lạc Thổ hai năm thì Cha Lô-ren-xô Hưởng vào làm phúc ở đây. Cha thấy bổn đạo không hiểu biết lẽ đạo thì thương, Cha chịu khó giảng dạy ngày hai buổi trong nhà thờ vào buổi sáng và buổi chiều, dạy kinh bổn trẻ em, người lớn, giúp người ta biết cách xưng tội chịu lễ cho nên. Bổn đạo khô khan, mê tín dị đoan nên Cha rất lo lắng, lúc thì lấy lời hiền lành khuyên bảo, có khi phải đe phạt giúp họ sửa tính mê nết xấu.

Ở trong này được ba tháng, Cha mắc bệnh sốt sét ngã nước phải ra Kẻ Sải ít lâu, rồi lên Kẻ Nhàu ở với Cha Chính Tân uống thuốc, khi khỏi hẳn, Cha lại vào Lạc Thổ lần nữa. Về sau, Đức Cha cử Cha về làm Cha phó xứ Yên Lộc với Cha già Lân.

Ở Yên Lộc hai năm, Cha Hưởng lại về với Cha già Chất xứ Bạch Bát. Quanh năm Cha đi làm phúc các họ, chỉ ở nhà xứ khoảng một tháng vào mùa gặt. Đi đến đâu, Cha dễ dàng thu phục được mọi người. Dù bận thế nào, Cha cũng giữ nguyện ngắm, đọc kinh đều đặn, còn việc giải tội ai muốn xưng lúc nào cũng được, có khi cha giải đến tối khuya hết người mới thôi. Cha chịu khó đọc sách, dọn bài giảng kỹ lưỡng cẩn thận. Cha thường xuyên khuyên giáo dân, nếu bạn không xem được lễ thì ít ra ở lại nghe một đoạn sách để biết cách giữ đạo.

Còn việc đi làm các phép cho người ốm, thì dù lúc nào, ban đêm, mưa gió, Cha đi ngay, không bao giờ hỏi người ốm nặng hay nhẹ, có để đến lúc khác được không. Cha hiền lành, hòa nhã với bổn đạo, nói ít lời, dù khi phải sửa phạt ai, Cha cũng cầm mình không nóng nảy, nhưng cũng không kém thắng nhặt.

Cha bắt các chú phải học hành, tập viết, tập đọc sách. Ngày chủ nhật, Cha bó buộc các người nhà phải tập hát lễ, chính Cha tập cho họ.

Cha tôn kính Cha xứ, làm việc gì cũng theo ý Người, giữ cặn kẽ phép nhà dù những điều nhỏ mọn. Cha có lòng thương các chị em dòng Mến Thánh Giá, săn sóc họ cách riêng và khuyên bảo giúp các chị sống xứng bậc mình. Cha giữ đức khó khăn cẩn thận, ăn mặc đơn sơ, có tiên là nộp cho Cha xứ ngay.

Điểm nổi bật ở nơi Cha là lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Kính mến và trông cậy Đức Mẹ trong mọi việc, lần hạt hàng ngày, mặc áo Đức Bà, ăn chay các ngày thứ tư kính Đức Mẹ.

Phúc tử đạo đối với Cha là phúc rất trọng, Cha thường ước ao và cầu xin được phúc trọng ấy. Đi làm phúc ở họ nào, Cha thường đem theo ảnh Đức Cha Bộ-ri[1] (Cao) tử đạo ở Bố Chính và treo trong phòng.

Một hôm, Cha Chính Sác-bon-ni-ê[2] (Đoài) phàn nàn với Cha Hưởng là Cha Sép-phơ-lơ[3] (Đông) đã được phúc tử đạo, còn mình vẫn phải đợi chờ, thì Cha nói rằng: “Cha đừng phàn nàn, chính con cũng ước ao ơn này đã lâu, nhưng Chúa có chọn, có ban cho ai mới được”.

“Việc này là việc Chúa định”

Đầu năm 1856, Cha già Chất và Cha Hưởng đang cấm phòng ở xứ Bạch Bát thì người họ Đãi Vương đến đón Cha đi làm các phép cho người ốm nặng. Cha già Chất có tuổi, nhọc mệt, nên cử Cha phó đi thay. Cha Hưởng đi lối Quảng Nạp, đến cầu Mễ thì xuống thuyền vì đi đường bộ phải qua nhiều làng ngoại đạo rất nguy hiểm. Chẳng may thuyền đang qua làng Vân Du, ở dưới làng Trà Tu gặp ông phó tổng Thùy coi thợ xây cống. Thấy thuyền có mui biết là thuyền chở đạo trưởng, ông gọi thuyền đứng lại để khám. Mấy người dưới thuyền mải miết chèo chạy trốn, ông phó tổng sai thợ xây đuổi bắt. Hôm ấy nước sông cạn, thuyền không đi nhanh được nên Cha bảo họ ghé sang bờ bên kia thuộc đất Thổ Hoàng để Cha chạy về phía Hải Nạp, như thế nếu bị bắt, Cha sẽ bị bắt một mình, không liên lụy đến ai. Thợ xây lội qua sông đuổi theo, Cha chạy được mấy bước thì bị bắt cùng với ba người chèo thuyền. Chúng trói tất cả giải về làng Vân Du, Cha phải giam ở điếm canh còn ba người kia giam ngoài đình làng.

Phó Tổng Thùy định ăn tiền. Đến tối ông nhắn cho làng Bạch Bát biết Cha Hưởng bị bắt và nếu muốn chóng xong việc phải cho người lên thu xếp ngay. Phó Tổng đòi 600 quan, Cha Hưởng biết, sai người về trình Cha già Chất rằng: “Việc này là việc Chúa định, con bằng lòng chịu, xin Cha già đừng chạy tiền”. Cha già Chất không nghe, thu xếp được 300 quan tiền sai người gánh lên cầu Mễ nộp cho phó tổng, nhưng việc đã trống, ông này không dám tha, vả lại quan huyện biết tin đã cho quân về giải Cha lên huyện.

Cha Hưởng phải giam ở Vân Du mấy ngày rồi giải về huyện Yên Mô. Quan Huyện không tra khảo chỉ bảo: “Việc này là việc triều đình, không phải việc của tôi mà tôi cũng chẳng muốn thế. Nhưng mọi người đã biết không tha được”. Quan giải Cha lên tỉnh Ninh Bình.

Quan án hỏi Cha là đạo đồ hay đạo trưởng, Cha nhận mình là đạo trưởng. Quan bảo: “Ông phải khóa quá ta mới thương làm án nhẹ được”. – Thưa quan lớn, tôi là đạo trưởng, giảng đạo cho người ta lẽ nào lại khóa quá? Có bao giờ con cái dám đạp đầu cha mẹ? Tôi không khóa quá, quan muốn chém hay làm gì cũng được”. Quan án quát lính lôi Cha qua Thánh Giá. Vị tuyên xưng Đức Tin vừa co chân lên vừa kêu đi kêu lại rằng: “Tôi không khóa quá, tôi không khóa quá”. Quan truyền nọc đánh 100 roi, mới 80 roi, Cha đã bất tỉnh.

Chức sư chùa Non Nước và chức đạo đồ

Lần khác quan án lại ép Cha Hưởng khóa quá. Cha mạnh bạo thưa: “Tôi thà chết còn hơn phạm tội quái gở ấy, xin quan kết án cho tôi sớm”.

– Không, tôi không muốn giết ông, ông khóa quá tôi sẽ đặt ông làm sư coi chùa Non Nước, như thế ông sẽ được sống hạnh phúc và chết bình an.

– Tôi không bao giờ thờ tượng thần, chúng là ma quỷ, chúng đáng ghét và đáng khinh.

– Ông là đạo trưởng Gia-tô, ông đọc cho tôi nghe một vài kinh.

Cha Hưởng đọc kinh “Mười Điều Răn”. Nghe xong quan nói: “Kinh tốt lắm, nhưng đạo các ông không thể kính cha mẹ đã qua đời, đó là tội bất hiếu rất nặng. Đáng phải mang hai gông”.

– Thưa quan, chúng tôi không thờ cha mẹ đã qua đời theo như cách bên quan lớn là bày cỗ bàn sau 3 ngày, 5 ngày, một tháng, một năm. Những ngày đêm lòng chúng tôi hằng yêu mến kính trọng các ngài.

– Cái gì làm chứng điều đó

– Sáng chiều chúng tôi cầu nguyện xin Chúa Trời đất tha thứ tội lỗi cho cha mẹ chúng tôi và chóng đưa các ngài về nơi vinh hiển muôn đời. Chúng tôi lại luôn thực hành những lời các ngài dạy bảo để trở nên tốt trước mặt mọi người xung quanh, để một ngày chúng tôi xum họp với các ngài trên trời.

Quan án yên lặng và truyền điệu Cha về ngục

Lần thứ ba, quan ép Cha khóa quá không được, truyền lính đánh đòn. Cha Hưởng không giãy giụa, chỉ kêu tên cực trong Giê-su Ma-ri-a. Đang khi ấy ngoài sân, thợ rèn kéo bễ nung kìm, Cha tưởng mình sẽ phải khảo kìm chín, nhưng lính đánh 30 roi Cha đã bất tỉnh, nên lính khiêng Cha về ngục.

Khi Cha Hưởng mới bị bắt, Đức Cha Rơ-to sai Thày Bá và ông cai Tổng Trạch là người có đạo, quê ở làng Tôn Đạo, ông có thân thế với quan Tuần, lo liệu cho Cha Hưởng bớt phải khổ hình và được án nhẹ. Quan Tuần nhận 6 nén bạc và khép án cho Cha là đạo đồ bất khẳng khoá quá phải phát lưu, nhưng Cha Hưởng nhất định không ký án và thưa rằng: “Tôi là đạo trưởng, khép án là đạo trưởng tôi mới ký”.

Ba lần quan Tuần làm án có ý cứu Cha khỏi chết, ba lần vị tuyên xưng Đức Tin cương quyết từ chối, lần sau cùng Cha nói: “Cám ơn, quan đã có lòng thương cứu tôi khỏi chết, nhưng cũng không thể cứu tôi thoát nơi lưu đày, vì thế tôi xin chết còn hơn sống khốn nạn ở đấy. Xin quan thương khép án đạo trưởng bất khẳng khóa quá cho tôi”.

Không thể nào làm khác được, các quan bắt Cha viết tờ khai. Cha khai rằng: “Cha mẹ chết sớm, còn bé ở với Cha Duyệt, khi Cha này bị bắt, vào chủng viện học làm đạo trưởng. Từ đó cấm đạo ngặt luôn, phải trốn tránh nay nơi này mai nơi kia, hôm ở rừng Trà Tu xuống, giữa đường bị bắt”. Cha Hưởng không khai rõ làng nào, quan Tuần cũng nhận cho xong, khép án đạo trưởng bất khẳng khóa quá và Cha Hưởng ký án. Người xứ Bạch Bát lên tỉnh theo án cùng xin nộp 6 nén bạc, nhưng vì Cha cương quyết một mực nên lại đem bạc về.

“Hãy cầu nguyện cho tôi được phúc tử đạo”

Án đệ vào kinh. Vị tử đạo còn phải ở trong tù lâu ngày, đời sống của Cha ở đây đỡ khổ vì Đức Cha R. cử hai Thày Bá và Thuần lên giúp và lo liệu quà cáp với các quan, với lính canh.

Bổn đạo được phép vào thăm Cha rất đông, Cha khích lệ họ, nói với họ hạnh phúc cao trọng đang chờ đón Cha. Ai khóc lóc thương tiếc, Cha an ủi rằng: “Đừng khóc, hãy cầu xin cho Cha được lãnh nhận phúc tử đạo, ở trong tù chịu khổ vì Chúa, Cha rất vui mừng, những niềm vui của Cha chưa trọn vẹn vì không biết Cha có được đổ máu ra làm chứng Đức Tin không? Đừng khóc nữa, hãy vững vàng và cầu cho Cha”.

Chú Phê-rô Ngọc về sau chịu chức linh mục và làm Cha xứ Hướng Đạo, là con Cha, vào ngục thăm Cha, Cha khuyên chú rằng: “Con đừng lo gì, cứ ở lại với Cha già, người sẽ lo liệu coi sóc con thay Cha; còn Cha, Chúa đã ban cho Cha phúc tử đạo, cha rất mừng, con hãy cầu cho Cha dọn mình xứng đáng lĩnh ơn cao trọng ấy”.

Hai chị dòng Mến Thánh Giá làm cơm cho Cha kể lại rằng: “Gặp chúng tôi lần nào Cha cũng khuyên chúng tôi vững vàng theo ơn kêu gọi, phải xin Đức Bà giúp làm các việc bậc mình cho nên. Thương yêu hòa thuận với nhau và nhất là phải kính mến Chúa hết lòng hết sức”.

Bổn đạo biếu Cha nhiều quà bánh, thức ăn. Cha phân phát cho bạn tù, cho những người nghèo. Thỉnh thoảng Cha cũng lấy tiền để làm phúc cho họ hay nhờ các chị dòng mua vải may quần áo phát cho các tù thiếu thốn, vì thế trong tù, từ cai đội, lính canh đến hết mọi người đều kính nể, quý mến Cha.

Cha siêng năng đọc kinh lần hạt, hãm mình ăn chay như ở nhà. Cha được Cha Khoản vào thăm giải tội và kiệu Mình Thánh ba, bốn lần. Thầy Bá đưa Cha Khoản đến gặp ông đội canh, Cha này nhận mình là bạn học với Cha Hưởng, nghĩ đến tình nghĩa anh em muốn vào thăm bạn trong lúc bạn gặp cơn gian nan. Ông đội canh cho phép ngay vì ông vốn có lòng kính yêu Cha Hưởng. Cha Khoản xin gặp Cha Hưởng ở ngoài vườn, ông cũng bằng lòng. Hai Cha đưa nhau ra sau trại, Cha Hưởng xưng tội chịu lễ xong, quay về trại nói chuyện với ông đội một lúc, rồi Cha Khoản về.

Đàn bồ câu bay lượn trên pháp trường Cánh Diều

Cuối tháng 4-1856, án vua châu phê đến Ninh Bình. Bản án như sau: “Nguyễn Văn Hưởng, 54 tuổi, gốc Hà Nội, không rõ làng, xã huyện nào; theo Gia-tô tả đạo, nhận mình là đạo trưởng. Đã phải tra khảo, bất khẳng khóa quá, luận trảm quyết”.

Ông đội canh vừa khóc lóc vừa báo tin cho Cha Hưởng, Cha lộ vẻ hân hoan vui mừng. Đáng lẽ các quan xử Cha ngay ngày hôm ấy nhưng là ngày kiêng, nên giãn đến hôm sau. Thày Bá đưa tin về Nhà Chung Kẻ Vĩnh. Đức Cha đi vắng, Cha Phao-lô Tịnh, Bề Trên chủng viện, cử Cha Khoản lên giải tội và kiệu Mình Thánh cho Cha Hưởng, vì vậy chính ngày xử, Cha được xưng tội chịu lễ.

Chiều hôm trước ngày xử, Cha ăn chay dọn mình về đời sau, dù Thày Thuần và hai chị dòng khẩn khoản nài ép thế nào Cha cũng không ăn. Sáng sớm hôm xử, các chị dòng nấu cháo gà, ông đội canh thưa Cha rằng: “Xin cụ xơi một chút lấy sức kẻo nhọc quá”. Cha Hưởng từ chối: “Ông đừng ép tôi, tôi không ăn của thế gian nữa. Mời ông xơi”. Ông cảm động thưa: “Tôi ăn thế nào được, nghĩ đến lát nữa cụ phải xử, tôi nuốt sao nổi”. Cha Hưởng cũng dặn với Thày Bá và Thày Thuần têm 2000 miếng trầu mời lính canh và các bạn tù để từ giã họ.

Ông đội đưa vợ con đến chào Cha Hưởng. Ông khóc lóc nói: “Lạy cụ, chúng tôi không đi đạo, hồi ở trong Nghệ, tôi cũng phải canh một cụ, tôi biết các cụ không có tội gì, nên tôi không dám ở ngặt làm khổ các cụ. Bây giờ phép vua truyền đem cụ đi xử, xin cụ về thiên đàng nhớ đến tôi”. Cha cám ơn ông và từ giã mọi người rằng: “Anh em nghỉ lại, chúng ta ở với nhau bấy lâu, chẳng có điều tiếng gì, hôm nay triều đình dạy xử tôi, anh em cũng biết tôi phải chết vì đã giảng đạo thật. Phép đạo chúng tôi dạy trước khi chết phải cầu nguyện, vậy xin anh em im lặng để tôi làm việc ấy”. Rồi Cha quỳ nguyện ngắm cho đến khi lính điệu đi xử.

Đến trưa, quan Giám sát đòi Cha ra khỏi trại, Cha vui vẻ đi ngay. Tới cửa thành, Cha lên võng hàng xứ Bạch Bát thuê để đưa Cha đến nơi xử. Cha nằm trên võng, tay cầm sách nguyện đọc kinh to tiếng.

Người có đạo, người ngoại đi theo sau rất đông. Ai cũng nói: “Người hiền lành thế này mà phải xử, thật đáng thương”. Bà đội canh, các bà quan ở Ninh Bình vừa đi theo vừa khóc thương tiếc người.

Đến cầu Lim đoàn áp giải tù dừng lại để Cha ăn uống, nhưng Cha từ chối nên cả đoàn tiếp tục đi đến pháp trường ở núi Cánh Diều.

Đến nơi, Cha đứng cầu nguyện dâng mình làm của tế lễ, rồi Cha quỳ xuống. Ba hồi trống lệnh nổi lên, lính chém một nhát, đầu vị tử đạo rơi xuống đất, hôm ấy là ngày 25-4-1856. Mọi người ồ ạt xông vào thấm máu, tranh giành nhau, dù lính đánh rất dữ. Xác Cha, Thày Bá đưa xuống thuyền, đem về Kẻ Vĩnh. Còn đầu Cha, trong lúc xôn xao, ông Phu coi nhà thờ Bạch Bát lên vào cướp đầu Cha chạy về phía núi Cánh Diều, lính đuổi theo kéo rách cả áo ông mà cũng không bắt được. Ông đưa đầu xuống thuyền chở xác Cha về Vĩnh Trị.

Đám đông giải tán ra về, bàn tán với nhau những sự lạ xảy ra lúc xử. Cả ngày hôm ấy trời trong xanh, bỗng tối sầm, vì bỗng dưng có đám mây đen nổi lên. Một đàn bồ câu ở đâu bay tới lượn trên nơi xử như các thiên thần Chúa đến đón linh hồn vị anh hùng tử đạo về nơi vinh hiển. Xử vừa xong, mây và đàn chim biến mất.

Xác Cha Lô-ren-sô táng trong nhà thờ Kẻ Vĩnh, nằm ở gian thứ ba dưới xác Cha Bô-na[4] (Hương) táng ở gian thứ hai. Về sau hài cốt đưa về Kẻ Sở.

Ngày 2 – 5 – 1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho Cha Lô-ren-sô Nguyễn Văn Hưởng.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh.


[1] Borie.

[2] Charbonnier.

[3] Schoeffler.

[4]Bonnard

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

 

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments