Trải qua 300 năm cấm cách, Giáo Hội Việt Nam đã hiến dâng lên Thiên Chúa 100.000 vị tử đạo, 117 vị đã được tôn phong lên bậc hiển thánh. Đấng tử đạo nào cũng đòi phải có lòng cam đảm đến bậc anh hùng, nhưng có lẽ không đấng nào chịu cực hình dã man, chịu cái chết ghê rợn như Cha Mác-săng, linh mục hội thừa sai Pa-ri Địa phận Đàng Trong. Một khuôn mặt hiền từ thảm thương nổi bật lên với đôi mắt lộ vẻ đau đớn dữ dằn luôn ngước lên trời van xin ơn sức mạnh, một thân xác tả tơi với 100 vết thương bị cắt xẻo trước khi phải chặt làm bốn mảnh, đầu bị nghiền nát ném xuống biển. Với con người, thật quá sức chịu đựng, nhưng ơn thánh đã đạt được kết quả rực rỡ nơi môn đệ trung kiên của Chúa Ki-tô với Đức Tin sắt đá mà không cực hình nào ở trần gian có thể lay chuyển được.
Bền vững theo tiếng gọi truyền giáo
Cậu Giu-se Mác-săng sinh ngày 17-8-1803 ở Pát-sa-văng (Passavant) thuộc hạt Đúp (Doubs) nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo. Từ bé các nghi lễ phụng vụ đã hấp dẫn cậu, cậu thường tụ tập các bạn bày bàn thờ trang trí hoa nến rồi bắt chước làm các nghi lễ thánh. Sau khi rước lễ lần đầu, tiếng gọi truyền giáo bắt đầu chớm nở trong tâm hồn cậu. Cậu xin cha mẹ dâng mình cho Chúa. Nhưng cha mẹ cậu từ chối vì nhà nghèo không đủ tiền để cậu theo học chủng viện, hơn nữa gia đình lại cần cậu giúp đỡ. Đến năm 18 tuổi, cậu vẫn còn giữ ý nguyện ấy, cha mẹ không dám ngăn cản nữa. Cậu Mác-săng vào chủng viện Bơ-săng-xông (Besançon) và năm 1826, thày phó tế Mác-săng vào đại chủng viện Hội Truyền Giáo Pari. Năm tháng sau chịu chức linh mục và được cử sang truyền giáo ở Việt Nam.
Quyết tâm ở lại chiến trường
Đầu tháng 3-1830, Cha Mác-săng đặt chân tới địa phận Đàng Trong, ở đây đang bao trùm bầu khí nặng nề với sắc chỉ của vua Minh Mệnh cấm các giáo sĩ ngoại quốc nhập cảnh. Để sống hoà mình với dân Việt, từ đây cha mang một tên Việt gọi là cố Du, Cha bắt đầu học tiếng Việt ở chủng viện Lái Thiêu và học các phong tục địa phương. Sau mấy tháng Cha được cử đi Nông Pênh coi sóc các giáo hữu Việt kiều ở Cao Mên. Ít lâu sau Cha về dạy chủng viện Lái Thiêu và trông coi mấy xứ chung quanh. Kỳ này đang xảy ra vụ án Cha Giắc-ca (Phan) và họ Dương Sơn với dân làng Cổ Lão báo hiệu cơn giông tố sắp xảy đến cho các thừa sai. Cha Du gặp một dịp may có thể thoát khỏi, Đức Cha Ta-be (Từ) cử Cha về làm giám đốc đại chủng viện Hội Thừa sai Pa-ri, nhưng Cha từ chối vinh dự này, quyết ở lại chiến trường của tông đồ truyền giáo.
Nhà truyền giáo có trái tim lửa
Thay vì cuộc sống bình an, Cha Mác-săng được cử coi hạt Bình Thuận. Trong một bức thư viết về cho Cha xứ ở quê nhà, Cha đã bộc lộ một tâm hồn nóng nảy luôn tận tụy lo lắng kéo nhiều chiên lạc về cùng Thiên Chúa. Tạ hãy nghe Cha tâm sự: “Khu vực truyền giáo của con có hơn bảy nghìn giáo dân rải rác trong 25 xứ ở cách xa nhau. Muốn chu toàn bổn phận đầy đủ như lòng con ước nguyện, con phải lợi dụng mọi giây phút, từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm, không lúc nào rỗi rãi. Con chỉ dành được chút thời giờ lo phần rỗi linh hồn mình, còn luôn luôn phải làm việc thánh hoá kẻ khác. Nhưng xét cho cùng, đó là mục đích của đời con, con đã chấp nhận bao nhiêu hy sinh để đến đất nước này và ở đây con đã thực hiện được lòng mong ước của con, con thật có phúc, con chỉ phàn nàn là không thể tận tuy hơn được nữa để giúp các linh hồn, con không thể đến mọi nơi để rao giảng Nước Chúa cho lương dân vì con thường phải đi bằng thuyền”.
Nhà truyền giáo có trái tim lửa này mới rảo qua khu vực của mình được hai lần thì phong ba nổi dậy. Ngày 6-1-1838, vua Minh Mệnh ra sắc truy nã các giáo sĩ ngoại quốc. Cha Mác-săng phải bỏ Bình Thuận, sống lén lút ở vùng Lục Tỉnh qua các họ Cái Nhum, Cái Mơn, Bèn San, Giồng Rum, Mặc Bắc, sau cùng sợ giáo dân phải liên lụy, Cha trốn ẩn trong rừng.
Từ rừng Mặc Bắc đến thành Phiên An (Sài Gòn)
Đêm ngày 18-5, năm vua Minh Mệnh thứ 14 (1833), Phó Vệ Úy Lê Văn Khôi ở Gia Định nổi lên chống triều đình, đột nhập thành Phiên An, giết quan Bố chánh Bạch Xuân Nguyên và Tổng Đốc Nguyễn Văn Quế, chiếm giữ thành, tấn công chiếm hai tỉnh Biên Hoà và Định Tường, ba ngày sau chiếm nốt các tỉnh An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long.
Ông Lê Văn Khôi muốn lợi dụng các giáo sĩ để gây thanh thế cho mình, sau khi dò la biết Cha Mác-săng đang trốn ở rừng Mặc Bắc, ông sai lính đến, ra lệnh Cha phải trở về Chợ Quán, rồi cho voi đến đón Cha đưa vào thành Phiên An. Ở đây, ông Khôi xin Cha ký các giấy tờ ông đã thảo sẵn gửi cho các xứ họ, kêu gọi giáo dân ủng hộ ông. Cha nhất định từ chối, ông Khôi cố nài, Cha cầm hết giấy tờ ném vào lửa. Ông tức giận, nhưng chưa làm hại được Cha vì ông chết ngay sau đó, khoảng đầu năm 1834. Cha phải giam lỏng trong thành 18 tháng, đọc kinh nguyện ngắm và giúp một số ít giáo dân trong thành. Hai năm sau, ngày 8-9-1835, thành thất thủ sau một thời gian dài bị vậy hãm, lính triều đình kéo quân vào tàn sát 1994 người dân thành trong đó chỉ có 66 giáo dân mà 40 người là đàn bà, trẻ em. Cha vừa dâng Thánh Lễ xong thì bị bắt, phải đánh đập và nhốt vào cũi. Cha bị liệt vào hàng đầu sỏ cùng với 5 người theo Lê Văn Khôi.
Ta hãy nghe cuộc đối đáp giữa quan Án và Cha Mác-săng trong phiên tòa đầu tiên theo các nhân chứng trong cuộc điều tra phong chân phúc. Quan hỏi:
– Ông đến xứ này từ bao giờ?
– Tôi đến đã lâu.
– Đến làm gì ?
– Tôi đến giảng đạo Thiên Chúa.
– Đến giảng đạo sao lại ở trong thành giặc?
– Họ bắt tôi về Chợ quán rồi đưa vào thành.
– Ông đã làm gì giúp giặc?
– Tôi chỉ lo việc giảng đạo.
– Ông có vợ con không?
– Không, tôi khấn ở độc thân.
– Giặc đưa ông vào thành, ông lại không giúp chúng ư?
– Tôi chỉ lo giảng đạo.
– Giảng đạo là thế nào?
– Là đọc kinh, dâng lễ, dạy giáo lý cho bổn đạo.
– Ông có biết làm bùa để dụ dỗ quân giặc không?
– Tôi chỉ lo việc giảng đạo:
Cha còn bị hỏi cung một lần nữa, rồi bị giải về Huế cùng với 5 người đứng đầu cuộc khởi loạn.
Kìm chín
Tới Huế ngày 15-8-1835, Cha bị giam trong ngục Võ Loan, gần tòa Tam Pháp. Hôm sau Cha phải ra tòa ngay.
Các quan cố ép Cha nhận tội theo giặc, Cha cương quyết không nhận, còn sự có mặt ở trong thành Thiên An là do giặc bắt đưa vào và Cha đưa đầy đủ bằng cớ để chứng minh.
Các quan truyền lính tra tấn Cha bằng kìm nung đỏ. Một tên lính lấy kìm kẹp vào đùi trái của Cha, mùi thịt khét bốc lên, lính phải quay mặt đi để thở. Cha ngước mắt lên trời, kêu lên một tiếng rồi bất tỉnh. Nửa giờ sau, kẹp đùi bên phải, Cha lại ngất lịm. Quan truyền để Cha vào cũi khiêng về ngục.
Các quan cố tạo ra chứng gian để khép tội phản loạn, họ dụ dỗ đứa con 7 tuổi của ông Lê Văn Khôi cùng bị bắt trong nhóm này, hứa sẽ tha nó nếu nó khai ‘ông tây kia đã giúp Cha nó làm loạn. Nhưng các quan thất bại, đứa bé thành thật nói: Cha không dính líu gì đến việc này và nó còn kể thêm bố nó đã hứa hẹn nhiều điều để dụ dỗ Cha nhưng vô hiệu.
Gán ghép tội phiến loạn không xong, các quan xoay sang tội giảng đạo. Quan án bảo Cha: “Ông chối không nhận tham gia vào việc làm loạn chống lại triều đình, ta sẽ xếp việc đó sang một bên. Vậy ông đã nhận đến đây giảng đạo dù ông biết rõ vua đã cấm. Ông sẽ phải trừng phạt nghiêm khắc vì tội ấy, nhưng ông còn có thể cứu vãn nổi nếu ông bỏ đạo và đạp ảnh”. Cha cương quyết từ chối và thà chịu mọi thứ cực hình còn hơn bỏ Chúa”.
Sau đó Cha Du lại phải giam ở trại Võ Loan, bị nhốt trong cũi có lính canh đêm ngày rất ngặt, nhưng ông đề lao cho phép ai muốn vào thăm cũng được. Có nhiều người mang thức đến biếu Cha, họ thấy lúc nào Cha cũng vui vẻ và thường đọc sách luôn. Cha phải giam hơn sáu tuần các quan mới làm án. Bản án vẫn nêu tội làm loạn và vu cáo thêm cả việc viết thư cầu viện với Xiêm và Hồng Mao cho ngụy Lê Văn Khôi.
Bản án viết: “Tây dương đạo trưởng Mác-săng, quen gọi là Du, giảng đạo Gia-tô; theo ngụy Khôi, thú nhận đã viết thư cầu viện người Hồng Mao và Xiêm đến giúp quân Ngụy. Truyền xử bá đạo”.
Dù thế cũng không thể che giấu nổi lý do đích thực của bản án và lý do ấy được chứng minh rõ ràng trong cuộc tra tấn sau cùng.
Chỉ vì danh Chúa Ki-tô
Hồi 5 giờ sáng ngày 30-11-1835, 7 tiếng súng thần công phá tan cảnh tĩnh mịch của kinh thành Huế, đánh thức dân chúng và gọi họ đi xem xử vụ án mà triều đình cố mặc cho vẻ quan trọng nhất để rửa mối hận thù mất thành Phiên An hai năm. Cha Mác-săng cùng với bốn người bỉ xử (một người đã chết trong ngục) được ra khỏi cũi và phải giải về Hoàng Cung. Vua Minh Mệnh và triều đình đang chờ sẵn như để đích thân xử vụ án mà họ cho là vụ án phản quốc lớn. Hai sĩ quan kéo Cha Mác-săng đến trước mặt vua và bắt lạy năm lạy. Vua Minh Mệnh ném một lá cờ nhỏ xuống đất, đó là hiệu lệnh lên đường. Cha và bốn người phải dẫn vào công đường. Trong khi bốn người kia được nghỉ ngơi chờ giờ hành quyết thì một mình Cha Mác-săng còn bị tra tấn bằng kìm nung đỏ trước khi chịu án bá đạo.
Quan hỏi: “Tại sao trong đạo Gia-tô các ông lại móc mắt người chết?” Cha Mác-săng bình tĩnh đáp: “Đó là điều bịa đặt, không bao giờ có”.
Năm người lính cầm kìm nung đỏ chờ sẵn kẹp vào đùi Cha cho đến khi kìm nguội mới thôi. Trong khi chờ kìm đỏ để tra tấn lần thứ hai, quan lại hỏi: “Tại sao vợ chồng mới cưới phải đến trước mặt các ông?” Cha cố thu hết tàn lực đáp: “Để đạo trưởng chứng nhận và chúc phúc cho họ trước mặt toàn thể giáo dân”.
Rồi lại qua đợt tra tấn thứ ba. Quan hỏi: “Trong khi ăn uống tiệc tùng, người có đạo dã làm phù phép gì?”
– Chúng tôi không làm phù phép gì.
– Vậy tại sao các ông lại cho người xưng tội ăn bánh gì, để họ tin đạo thế.
Cha không còn hơi sức để trả lời. Các quan sợ Cha chết trước khi tới pháp trường nên thôi không tra tấn nữa. Chúa quan phòng cũng là Chúa sự thật đã cho phép xảy ra cuộc tra tấn này để cải chính bản án bịa đặt trên kia. Chính những người trực tiếp theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình không phải chịu cuộc tra tấn cuối cùng, chỉ mình Cha phải chịu tra khảo mà chỉ tra khảo nguyên về vấn đề tôn giáo và một kết luận rõ ràng xác thực được đặt ra là Cha đã phải chết vì danh Chúa Ki-tô.
Xử bá đao
Để khủng bố dọa nạt tinh thần giáo dân, họ đạo Thợ Đúc, ở ngoại ô Huế được chỉ định làm pháp trường xử Cha. Ở đây, Cha Du phải trói chặt vào hình Thập Giá vây quanh Cha có bốn người: Một người cầm kim, một người cầm dao, người thứ ba ghi các vết thương, người thứ tư ghi con số.
Một hiệu lệnh nặng nề được ban hành, người lính cầm dao cắt da trán kéo xuống che lấp hai con mắt, rồi cứ sau một tiếng cồng họ lấy kìm kéo thịt, rồi lấy dao cắt thịt từ ngực cho đến bàn chân Cha cho đủ một trăm vết thương rùng rợn của bản án “bá đao. Như Chúa Giêsu trên Thánh giá, cha tuy bị trói chặt nhưng sau mỗi tiếng cồng, Cha không khỏi run rẩy và quằn quại, nhưng mặt Cha vẫn hướng về trời xin ơn hộ giúp, chờ đợi giây phút ca khúc khải hoàn. Cha không còn đủ sức để chịu nổi đủ trăm mảnh như bản án, vì ít giờ trước đây thân xác Cha đã tả tơi đầy những vết thương do kìm nung đỏ gây ra; khi lính cắt được khoảng chục miếng, vị tử đạo của Chúa gục đầu xuống và linh hồn đã được rửa bằng máu bay thẳng về trời lĩnh triều thiện chiến thắng. Cuối cùng Cha bị chặt đầu, thi thể phải xẻ ra làm bốn quăng xuống biển, đầu phải đem bêu ở mấy cửa thành lớn, sau đưa về kinh đô, nghiền nát đổ xuống biển.
Đến đây kết thúc cuộc tử đạo anh hùng nhất trong lịch sử bách hại tôn giáo ở Việt Nam. Sau khi Hội Thánh đã tra xét cách kỹ lưỡng cẩn thận, ngày 27-5-1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha.
Cha Giu-se Mác-săng chịu tử đạo ngày 30-11-1835, đúng ngày lễ thánh An-rê tông đồ, hôm ấy trong các thánh lễ vang lên lời tiên tri I-sa-i-a rằng: “Đẹp thay bước chân những người đi rao giảng tin lành”.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Cha Giu-se Mác-săng lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn
Nguồn: TGP Hà Nội