Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamAugustinô SCHOEFFLER Đông (1822-1851)

Augustinô SCHOEFFLER Đông (1822-1851)

Một cu bé sớm nhận ra ơn kêu gọi thừa sai của mình

Cha Au-gu-ti-nô Đông là người Pháp, nên các giáo hữu quen gọi là Cố Đông. Người sinh năm 1822, ở thành Mít-ten-bơ-rông (Mittelbron) thuộc địa phận Năng-xi (Nan-cy). Thuở bé, cậu Au-gu-ti-nô ngoan ngoãn nết na, chăm chỉ học hành và sốt sắng siêng năng đọc kinh cầu nguyện. Cha xứ thấy thế thì xin cho cậu vào học trường La-tinh của địa phận. Cậu tôn kính các Cha, yêu mến các bạn, học hành thông minh, khi mãn tràng La-tinh, lại xin lên trường Lý đoán ngay, trong lòng đã cảm thấy muốn dâng mình cho Chúa

Học trường Lý đoán được gần một năm thì thày Au-gu-ti-nô bắt đầu ước ao đi giảng đạo cho các dân ngoại. Bấy giờ thày mới 20 tuổi. Cha mẹ thày thấy con định đi xa xôi như vậy thì tiếc xót lắm, không muốn cho đi. Thày cố gắng hết sức khuyên nài và thuyết phục để cha mẹ đổi lòng, rồi thày đến thành Pa-ri, vào trường Lý đoán dạy riêng những người có chí hướng đi giảng đạo cho các dân ngoại. Thực ra, thày cũng cảm thấy trong lòng đau đớn xót thương cha mẹ mình lắm, nhưng vì nhớ lời Chúa Giê-su phán xưa rằng: “Ai yêu mến cha mẹ hơn Ta thì chẳng đáng làm môn đệ Ta”, nên thày quyết tâm theo tiếng Chúa gọi ngay, không còn nghĩ tới sự gì khác nữa.

Trong một thư viết cho bạn học thày Au-gu-ti-nô tâm sự rằng: “Muốn theo thánh ý Chúa, thì gặp phải biết bao khó khăn ngăn trở. Còn ai muốn theo tính tự nhiên, dù có đi đàng tội lỗi, liều mình mất linh hồn cũng chẳng ai nói gì, có khi lại khen người ấy khôn ngoan giỏi giang. Phần tôi bây giờ muốn chịu khó một chút, muốn vác Thánh Giá theo chân Chúa thì người ta đều chê tôi là kẻ dại dột mơ màng hoặc kiêu căng. Vì vậy, tôi muốn thoát ra khỏi thế gian này mà không được. Tôi chỉ tìm được yên hàn và an ủi trong việc chầu Mình Thánh và cầu khấn Đức Mẹ. Mỗi lần tôi dâng mình cho Đức Mẹ thì tôi quên hết mọi sự khó đời này và cảm thấy vững lòng chịu mọi sự đau khổ để làm việc lành, theo thánh ý Chúa cho trọn”.

Có thày bạn khác khuyên người rằng: “Ai giảng đạo là việc rất hệ trọng, ai không được Chúa gọi mà tự ý gánh việc ấy thì liều mình mất linh hồn”. Thày Au-gu-ti-nô không mảy may lưỡng lự lại nói quyết rằng: “Phần tôi đã thấy nhiều dấu hiệu làm chứng Chúa gọi tôi đi giảng đạo, mà cứ nghĩ đến việc ấy là tôi cảm thấy được bình an vui vẻ trong lòng, cho nên tôi tin thật Chúa gọi tôi, bởi vậy dù có phải bước qua cha mẹ để đi theo tiếng Chúa thì tôi cũng sẵn lòng, để thực hiện đúng lời Sách Thánh dạy rằng: “Phải vâng lời Chúa hơn vâng lời loài người”.

Thày Au-gu-ti-nô sốt sắng dường ấy nên khi nghe tin địa phận Đàng Ngoài ở miền Bắc nước Việt Nam đang gặp cơn cấm đạo, thì tự nhiên ý người cũng muốn đến đấy để được chịu khó vì Chúa. Nhưng người không hề xin điều ấy, mà chỉ chờ đón thánh ý Chúa. Có một bức thư người viết cho Cha linh hồn đã làm chứng rõ như vậy. Người viết thư này khi sắp đi giảng đạo mà kể rằng: “Các học trò trường Lý đoán thường muốn đến những nơi đang cấm đạo ngặt, còn tôi ngày nào cũng xin Chúa ban cho được sẵn lòng theo ý Chúa, đi đâu cũng được, không ước ao chỗ nọ hơn chỗ kia, tôi nghĩ nếu cả đời chỉ giúp được cho một người rỗi linh hồn mà thôi thì tôi cũng mừng lắm rồi, vì chính Chúa đã đổ Máu Thánh để cứu người ấy. Ngày nào tôi cũng đọc kinh riêng có ý xin cho được phúc chịu tử đạo theo chân Chúa Giê-su như các tông đồ xưa. Nhưng sau này Chúa ban ơn ấy hay không, tôi xin vui lòng theo Thánh ý Chúa”.

Cuộc đời linh mục thừa sai

Từ lúc học ở trường Lý đoán, thày Au-gu-ti-nô đã sốt sắng như vậy, nên sau khi chịu chức linh mục, được sai đi giảng đạo ở Việt Nam, người lấy làm vui mừng lắm. Năm 1847, Cha Au-gu-ti-nô xuống tàu đi giảng đạo. Dọc đường, Cha đã làm việc tông đồ khuyên giúp mấy người lính thủy bỏ xưng tội chịu lễ lâu năm và ăn ở buông tuồng mất nết. Họ đều thật lòng ăn năn trở lại.

Đầu năm 1848, Cha đến Hồng Kông, ở lại đấy mấy tháng chờ các giáo hữu Việt Nam đến đón. Cha con gặp nhau lên tàu vui vẻ, ghé thăm họ La Phù thuộc Giáo Hội Trung Quốc, ở biên giới miền Bắc nước Việt Nam. Chẳng may gặp kẻ cướp ở đây, Cha phải trốn tránh và mất ít nhiều hành lý. Rồi sau khi chịu nhiều nỗi khổ dưới biển trên đất, Cha tới Hà Nội là nơi Bề Trên chỉ cho Cha làm việc tông đồ.

Bấy giờ Đức Cha Rơ-to (Liêu) đang làm Bề Trên địa phận Đàng Ngoài, người thường gọi Cha Au-gu-ti-nô là Cố Đông như các giáo hữu Việt Nam quen gọi, mà nói về Cha rằng: “Từ khi đến Hà Nội, Cố Đông rất chịu khó học tiếng địa phương. Chỉ 6 tháng sau, người đã dùng được ngôn ngữ Việt Nam để giảng dạy và giải tội cho các giáo hữu. Người học cả chữ Nho, dù ít kết quả nhưng cũng không hề tiếc công tiếc sức.

“Người cũng rất chăm lo làm phúc cho bổn đạo. Lúc đầu, khi tôi đi kinh lược xứ Kẻ Báng thì cho người cùng đi với tôi, về sau, tôi sai người lên xứ Đoài. Trong một năm, người rửa tội được 41 trẻ em và 23 người lớn, giải tội được 4707 người, xức dầu cho 125 người ốm nặng và kiệu Mình Thánh như của ăn đàng được 59 lần. Mặc dầu người ốm đau luôn, ba lần suýt chết, nhưng khi tôi sai lên xứ Đoài, người tỏ ra mừng rỡ, xem ra khoẻ mạnh hơn, phấn khởi vì được đi một nơi xa xôi có nhiều người chưa biết đạo Chúa, mà đoán sau này sẽ mở mang đạo Chúa thêm rộng ra miền ấy”.

Còn các giáo hữu đã được quen biết Cha thì đều công nhận Cha ngoan đạo đặc biệt, dù ốm đau luôn vẫn cố gắng đọc kinh làm lễ, nói năng dịu dàng, cư xử êm ái, ăn mặc đơn sơ. Cha không hề tiếc công sức và thời giờ khuyên bảo răn dạy những người khô khan tội lỗi. Họ được nghe Cha giảng rất sốt sắng trong nhà thờ, nhiều lúc lại được Cha tìm đến hướng dẫn riêng ngay ở nhà Cha, rồi có khi còn được Cha giao cho các thày giúp đỡ săn sóc thêm.

Cha chu toàn bổn phận như vậy rồi mà trong lòng vẫn nghĩ đến và ước ao phúc tử đạo. Chính Cha kể lại rằng hằng ngày, khi làm lễ, bao giờ Cha cũng cầu xin phúc ấy, và mỗi lần dâng Mình Máu Thánh Chúa lên, thì Cha cũng dâng mình có ý đền tạ Chúa đã đổ Máu ra vì tội lỗi nhân loại. Chúa nhận lời Cha, nên chẳng bao lâu sau, Cha được chịu khó, rồi đổ máu làm chứng cho đạo như lòng Cha hằng mong ước.

Lĩnh nhn ơn trong trong Năm Thánh

Năm 1851, Đức Cha Rơ-to rao sắc của Đức Thánh Cha và mở Năm Thánh trong địa phận mình. Bấy giờ Cha đang đi làm phúc cho các họ ở mạn trên, thuộc xứ Đoài. Vừa giúp họ Bầu Nọ (làng Nỗ Lực bây giờ) xong, thì Cha dọn đồ lễ sang họ khác gần đấy.

Hồi ấy, xứ Đoài thường có trộm cướp giặc giã xôn xao, nên các quan lập tuần phòng để đi canh gác các nơi mà giữ cho dân được bình an. Một người giáo hữu họ Bầu Nọ biết Cha sắp lên đường đến họ khác làm phúc, thì tìm gặp ông Tuần Tổng, tố cáo Cha, rồi dẫn ông ta đi đón đường bắt Cha để nộp cho quan.

Ra khỏi làng Bầu Nọ, đường đi quanh co, phải qua những đồi vắng vẻ ở giữa những bụi tre bụi rậm hoặc những đám cây to mọc chi chít. Ông tuần Tổng cắt người đến nấp ở các bụi cây và các bờ ngòi ở gần đường cái mà chực sẵn và dặn rằng: “Hễ thấy ai đi qua mà anh em không biết mặt thì bắt lấy đem nộp lên quan”. Cha Phượng và hai chú đi trước dò đường, bị bắt ngay, những người nấp trong bụi rậm chạy ra khám, thấy bình đựng Mình Thánh, bình dầu Thánh và các sách kinh nên đoán là ba đầy tớ của Cha đi trước, chắc Cha sắp tới. Mà thật, Cha Au-gu-ti-nô và một thày giảng cũng đang đi lối này, Cha gặp mấy người đi săn về đưa tin có kẻ đang rình bắt Cha. Cha đã có ý ẩn trong bụi rậm, nhưng kẻ dẫn đường cho ông Tuần Tổng cũng giả vờ vào xin Cha cái khăn đội đầu rồi bỏ đi. Đúng lúc ấy, các người đi tuần xông ra vậy Cha tứ phía mà không ai dám chạm đến Cha. Ông Tuần Tổng quát quân đánh Cha thì Cha thản nhiên đáp lại rằng: “Việc gì mà đánh, đừng lo, thày không trốn đâu mà sợ”. Ông Tuần Tổng không có ý nộp lên quan, chỉ muốn ăn tiền, nên bảo Cha rằng: “Hãy cố liệu đủ một nén vàng và một trăm nén bạc thì ta tha cho”. Cha chối ngay là không thể liệu được nhiều của như vậy, nhưng ông Tuần Tổng cứ đòi tiền mãi thì Cha dùng chính dịp ấy để cứu Cha Phượng và ba người theo giúp, mà phân trần rằng: “Nếu ông nhất định lấy tiền, thì hãy tha cho mấy người này về, vì chỉ có họ biết tiền bạc ở đâu”. Ông Tuần Tổng thì tha ngay cho Cha Phượng với hai chú theo giúp và một thày đi giúp Cha.

Cha còn lại một mình thì mừng vì không còn ai bị liên lụy, nên bảo ông Tuần Tổng đưa mình lên nộp quan ngay. Nhưng ông chưa theo ý Cha. Đêm hôm ấy Cha Phượng vay được 10 nén bạc, đem nộp cho ông Tuần Tổng để làm bằng, có ý xin làm giấy khất, thiếu bao nhiêu sẽ nộp sau, nhưng dọc đường Cha gặp mấy giáo hữu vừa đi thăm Cha Đông về trình rằng: “Ông Tuần Tổng có ý bắt Cha lần nữa nên chờ Cha tới nộp tiền sẽ nhận rồi giữ cả Cha lại để nộp lên quan cùng với Cha Đông”, vì vậy Cha Phượng quay về ngay.

Cha Au-gu-ti-nô ước ao được chịu khó ở nơi cấm đạo hơn là giảng đạo ở nơi bình an

Ông Tuần Tổng không thấy Cha Phượng đến thì đưa Cha Đông về huyện, để ở đấy nửa ngày, rồi điệu về tỉnh Sơn Tây. Lúc ở huyện ra, Cha gặp một giáo hữu vội nhắn ngay rằng: “Con về bảo anh chị em bổn đạo đừng lo, dù các quan làm thế nào thì thày cũng không xưng ai ra”.

Tại công đường tỉnh Sơn Tây, các quan hỏi Cha quê ở đâu? Tên là gì, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, sao lại sang nước này, từ khi sang đây đã làm những gì, trú tại những nhà nào, đi qua những làng nào, các đồ dạo người ta bắt được là của ai, trước khi sang An Nam có biết vua cấm đạo rất ngặt và không cho người Tây sang đây giảng đạo chăng?

Cha Đông thưa các quan rằng: “Tên tôi Au-gu-ti-nô, 29 tuổi, quê nước Pháp, làm đạo trưởng trong đạo Thiên Chúa, tôi sang nước An-nam có ý giảng đạo và từ khi tới đây, tôi chỉ làm một việc ấy. Lúc còn ở nhà, tôi đã biết nước An-nam đang cấm đạo ngặt, người tây đến giảng đạo mà bị bắt thì sẽ phải xử tử, nhưng nghe nói thế, chẳng những tôi không sợ hãi mà lại ước ao sang nước ấy hơn là đi nơi khác. Quan còn hỏi tôi đã ở những đâu, thì tôi thưa thật là tôi đã đi qua nhiều tỉnh, đã trọ nhiều nhà, mà không nhớ tên các nơi ấy đọc thế nào, vả lại, dù tôi có nhớ cũng không nói ra, nên xin quan đừng hỏi điều ấy”.

Hôm sau các quan lại xét hỏi những điều đã hỏi hôm trước, và Cha cũng thưa lại đúng như hôm qua. Quan bảo khóa quá, nhưng Cha không chịu. Quan thấy không được việc nên kết án ngay và sớ vào kinh như sau:

“Tên Au-gu-ti-nô là người Tây cả dám khinh dể luật nước ta, đến đây giảng đạo lừa dối dân. Chúng tôi đã tra xét kỹ và thấy tội nó đã rõ. Cứ theo nghị định đức vua đã ra, chúng tôi xin làm án cho tên Au-gu-ti-nô phải chịu chém, đầu vứt trôi sông để dân trông thấy mà sợ, không ai dám theo đạo ấy nữa.

“Chúng tôi đã tra hỏi tên Au-gu-ti-nô đã dạy đạo cho những ai, đã trọ những nhà nào, nhưng nó không nói, dù hỏi thế nào, nó cũng nhất định không khai vì nó thương những kẻ ấy. Chính Tuần Tổng bắt nó cũng không rõ điều ấy. Chúng tôi có xét hỏi thêm thì sẽ có nhiều người phải khổ, cho nên chúng tôi xin theo lời cơ mật đã dạy mà thôi không tra khảo điều ấy nữa.

“Còn lý trưởng và những kẻ đã có công bắt đạo trưởng ấy, chúng tôi xin theo lời vua truyền mà thưởng cho chúng 300 lạng bạc. Riêng Tuần Tổng đã liệu được việc ấy thật đáng khen, chúng tôi cũng thưởng cho nó nữa. Các đồ đạo thì xin vua ban phép đốt ngay.

“Chúng tôi chờ lĩnh ý đức vua dạy thế nào, xin theo đúng, không làm sai điều gì”.

Vui vẻ giảng đạo Chúa trong nhà tù

Từ hôm đệ án vào kinh tâu vua thì Cha không phải tra hỏi, không phải đòn phải cũi, nhưng lính bắt Cha đeo gông mang cùm suốt ngày đêm và giam chung với những người đã có án xử. Dù khốn khổ như vậy Cha vẫn vui vẻ, mừng rỡ và bằng lòng chịu khổ để nên giống Chúa.

Khi Đức Cha Rơ-to nghe tin Cha Au-gu-ti-nô đã bị bắt thì sai bổn đạo mang thư và tiền cho Cha, cùng ít nhiều quà biếu quan. Cha con gặp nhau mà không nói được chuyện gì, nhưng cũng liệu xong việc cho Cha khỏi phải giam chung với những người tù khác, để đến ở riêng trong phòng ông đề lao gần nhà tù, được tháo cùm và thỉnh thoảng đi bách bộ ngoài sân chuyện trò với lính canh. Lính canh cũng đối xử hẳn hoi và cung kính Cha. Nhiều lần Cha dạy đạo cho họ và khuyên họ theo đạo. Cha dặn anh Chi trong số lính này rằng: “Khi thày chịu xử rồi, thày sẽ nhớ đến con, mà con có muốn được bằng yên thật, thì con hãy theo đạo và tìm đến nơi có đạo mà ở”. Anh Chi nghe theo lời khuyên ấy, nên ít lâu sau, xin trở lại, rồi bền lòng giữ đạo đến chết.

Tuy lính mến phục Cha Au-gu-ti-nô như vậy, nhưng vẫn phải canh giữ Cha rất kỹ vì có lệnh quan cấm không cho ai ra vào thăm, sợ bổn đạo đánh tháo Cha. Dù người đàn bà ngoại đạo quen thổi nấu cho Cha cũng không được vào bao giờ, chỉ bưng đồ ăn lên giao cho lính đưa vào cho Cha.

Thế mà có một thày giảng mặc áo kiểu lính đã vào được vài ba lần, hai cha con chỉ trông thấy nhau và không nói được điều gì, rồi khi thấy trong mình xúc động quá thì phải tránh ngay, sợ lính biết. Hôm khác có một người bổn đạo xin ông đội cho phép vào biếu Cha mấy quả chuối, thấy Cha bị giam cực khổ nên cảm thương chảy nước mắt. Đúng lúc ấy quan Thượng đi qua trông thấy thế, đổi ngay ông đội đi chỗ khác và cấm ngặt hơn trước, không cho người có đạo nào được vào. Dù vậy, Cha Phượng vẫn cải trang làm người bán kính vào thăm và giải tội cho Cha.

Niềm vui ngày đầu tháng kính Đức Mẹ

Ngày 11-4-1851, có án trong kinh phát ra như sau: Dấu son – “Ta đã xem các giấy tờ về việc người Tây dương đạo trưởng đã bắt được ở tỉnh Sơn Tây. Luật nước ta cấm đạo Gia-tô rất ngặt mà đạo trưởng Au-gu-ti-nô cả dám đến đây giảng trộm lừa dối dân. Nó đã phải thú nhận điều ấy. Vì vậy, ta ra án, truyền cho tên Au-gu-ti-nô phải chém đầu bỏ xuống sông để làm gương mà triệt những kẻ có tội”.

Theo đúng phép vua thì Cha Au-gu-ti-nô phải xử ngay khi án đến tỉnh Sơn Tây, nhưng không rõ tại sao quan còn hoãn thêm chưa cho chém vội.

Quan Thượng truyền tháo gông rồi cho Cha đeo cái xiềng nhẹ hơn và đưa Cha vào công đường. Quan hay chuyện trò với Cha, bề ngoài tỏ ra tôn kính và rất phàn nàn vì thấy Cha phải cực khổ như vậy. Nhưng quan không cho một ai vào thăm Cha. Vì vậy Cha nhận được ba bốn thư hỏi thăm mà không viết được một thư nào trả lời.

Các quan định xử Cha Au-gu-ti-nô ngày mồng một tháng ba âm lịch năm ấy, trùng với ngày 1-5 dương lịch. Cha vui mừng sấp mình xuống đất hết lòng tạ ơn Chúa và Đức Mẹ thương ban phúc rất trọng này cho mình đúng ngày đầu tháng Đức Mẹ.

Hôm ấy, quan có ý đề phòng sợ các giáo hữu đánh tháo, nên truyền cho lính sắp quân kéo đi rất đông, có tới hàng trăm người, và sửa soạn sẵn voi ngựa cùng súng ống nữa.

Khi có lệnh đưa Cha Au-gu-ti-nô ra, thì nha lại và các bạn tù của Cha đều buồn sầu thương tiếc, còn chính Cha thì hết sức vui mừng vì đã đến lúc được chịu chết vì Chúa Giê-su. Cha muốn đi nhanh nên bỏ dép ra cho nhẹ nhàng.

Cha đi giữa hai hàng lính cầm gươm, mỗi bên bốn người, đàng trước là người lính cầm thẻ án xử, ghi mấy hàng chữ này: “Dù đã cấm đạo Gia-tô rất ngặt, mà tên Au-gu-ti-nô là đạo trưởng Tây cũng cả dám vào trộm nước này giảng đạo ấy lừa dối dân ta. Nó đã phải bắt và đã nhận tội. Vậy án truyền cho nó phải chịu chém, đầu vứt trôi sông. Tự Đức ngũ niên tam ngoạt sở nhất nhật”. Ngoài cùng lại còn 100 lính xếp hàng đôi, đi hai bên. Hai quan cưỡi voi làm giám sát đi sau cùng.

Đám xử đi qua cửa Bắc, ra khỏi thành, rồi theo phố Nghệ cho đến nơi xử tù quen gọi là Năm Mẫu. Dọc đường, Cha Au-gu-ti-nô tỏ vẻ vui mừng chẳng khác gì một quan tướng vừa thắng trận trở về chầu vua mình. Cha vừa bước đi vừa đọc kinh sốt sắng, một tay nâng xiềng lên cho dễ bước. Những người đi xem thấy thế thì ngạc nhiên bảo nhau rằng: “Kìa xem ông Tây mạnh bạo quá, đi chịu chém mà mặt mũi vui mừng hớn hở như đi xem hội; hình như ông ấy không sợ gì; mà trông người cũng hiền lành, trắng trẻo, tốt đẹp, không biết có tội gì mà phải xử”.

Khi tới Năm Mẫu, Cha Au-gu-ti-nô quỳ xuống đọc kinh lần hạt đủ năm chục, rồi cầm mẫu ảnh Thánh Giá Cha thường đeo ở cổ, nâng lên mà hôn ba lần cách rất sốt sắng.

Lý hình bảo Cha cởi áo ra, Cha cởi ngay. Lý hình buộc hai tay Cha ra sau lưng, Cha ngửa mặt lên trời mà bảo rằng: “Việc anh phải làm thì hãy làm cho mau”. Quan Giám sát thấy Cha nói, nhưng nghe không rõ, nên hỏi lại lý hình xem Cha nói gì. Lý hình bẩm quan rằng: “Nó bảo tôi làm việc phải làm cho mau”. Quan Giám sát truyền rằng: “Không, không được, cứ phải chờ hiệu lệnh”.

Lý hình sợ quá, run tay, chém ba nhát mà đầu chưa rơi, nên nó phải lấy gươm cắt thịt mới xong việc. Lập tức, đám đông dân chạy ùa vào lấy các đồ dùng của Chá Au gu-ti-nô như: quần áo, khăn, dây buộc tay, lại đem vải đem giấy vào thấm máu Cha nữa.

Khốn cho những kẻ ngỗ nghịch dám bắt các đấng”

Lý hình mang đầu Cha ra buông sông, vì tóc ngắn quá nên phải cầm bằng râu, nhưng râu đứt ngay, và đầu Cha rơi vào vũng bùn. Một người bổn đạo đứng đấy nâng lên lau sạch và xin giữ lại, nhưng lý hình không nghe, cứ mang xuống thuyền, bắt chèo ra giữa sông mới bỏ đầu Cha xuống. Về sau, các giáo hữu tìm mãi mà không thấy.

Còn xác Cha thì liệm vào quan tài bổn đạo đã sắm sẵn ở đấy, rồi chôn cất ở chính nơi xử. Lính canh giữ chỗ ấy hai ngày hai đêm, đến đêm thứ ba thì bổn đạo lấy được xác Cha lên, đưa về họ Bách Lộc mà chôn cất trong nhà ông Lý Ngọc là người có đạo.

Ông này ốm đau đã lâu và buồn phiền vì không có con. Nay ông cầu nguyện với Cha Au-gu-ti-nô và được Cha ngay, nên chỉ ít lâu sau ông khỏi dứt bệnh cũ, lại sinh được một con trai.

Còn những người có ý làm khổ Cha, xem ra như Chúa đã phạt họ tỏ tường. Ông Tuần Tổng, tên là Sĩ, đã bắt Cha, thì sau khi xử Cha chưa đầy một tháng, bị chết mất một đứa con, và về sau, chính ông cũng gặp nhiều nỗi khổ cực nặng nề. Anh Đinh là người đi báo nộp Cha, sau khi lĩnh phần thưởng vua ban, vào rừng được mấy tuần thì chết, còn vợ con ra nghèo túng phải đi ăn xin.

Nhiều người thấy những điều khác thường như vậy xảy ra thì sợ hãi bảo nhau rằng: “Khốn cho những kẻ ngỗ nghịch dám bắt các đấng”.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã tra xét các việc Cha Au-gu-ti-nô làm khi còn sống, thì phong Cha lên bậc chân phúc ngày 27-5-1900.

Chúng ta hãy vui mừng trông cậy công nghiệp Cha đã chịu khó vì Chúa mà xin Cha cầu bầu cho Tổ quốc chúng ta được bình an, cho đạo Thánh Chúa được mở rộng khắp nơi trên quê hương chúng ta là nơi Cha đã sống yêu thương và chết đổ máu để mang Tin Mừng Cứu Độ đến cho dân tộc ta.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments