Niềm vui đích thực – Chúa Nhật XIV Thường niên – Năm C

“Niềm vui” trong cuộc sống là điều ai trong chúng ta cũng mong ước, và nó cũng đồng nghĩa với hạnh phúc. Con người dù giàu hay nghèo, cũng muốn sống vui vẻ. Niềm vui không thể mua bằng tiền bạc hay những mưu mô tính toán. Niềm vui đích thực là niềm vui trong tâm hồn. Người có niềm vui đích thực, kể cả lúc ốm đau hoạn nạn hay gian nan thử thách, vẫn cảm nhận được tâm hồn thư thái an bình. Phụng vụ hôm nay muốn hướng chúng ta đến với niềm vui diệu kỳ ấy.

Trước hết, đó là niềm vui được Thiên Chúa tha thứ. Mỗi chúng ta đều là tội nhân, dù ở bậc sống nào. Bởi lẽ xung quanh chúng ta là những cảm dỗ vây bủa, ranh giới giữa “tội” và phúc”, “tốt” và “xấu” vô cùng mong manh. Ki-tô hữu tin rằng, những ai phạm tội mà thành tâm sám hối thì được Chúa tha thứ. Thánh Gio-an tông đồ đã viết như sau: “Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính, sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,8-9). Bài đọc I trích từ sách ngôn sứ I-sa-i-a đã diễn tả niềm vui của dân Do Thái trong tương lai. Giữa cảnh lưu đày, vị ngôn sứ loan báo sẽ có ngày Thiên Chúa can thiệp và giải phóng dân Ngài. Ngày ấy, đau khổ sẽ chấm dứt. Cảnh tha hương sẽ chẳng còn. Niềm vui ấy được diễn tả với những hình ảnh sinh động: “Này Ta sẽ tuôn đổ xuống Thành Đô, ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân, chảy về tràn lan như thác vỡ bờ… như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”. Thiên Chúa giải phóng dân Người, tức là Thiên Chúa chấp nhận tinh thần sám hối và tha thứ cho họ. Bởi lẽ, dưới cái nhìn của các ngôn sứ, sự kiện dân bị lưu đày gần 50 năm tại Ba-by-lon chính là một “liều thuốc đắng” để dân tỉnh ngộ và từ bỏ tội lỗi. Khi một tội nhân được ơn tha thứ, tâm hồn họ thanh thản an vui, như trút được gánh nặng, như được giải phóng khỏi cảnh lưu đày. Chúng ta hãy vui lên, vì Thiên Chúa nhân hậu từ bi và sẵn sàng tha thứ tội lỗi của chúng ta.

Ki-tô hữu còn hân hoan vui mừng vì được thuộc về dân của Thiên Chúa, dân được cứu chuộc nhờ máu của Đức Giê-su. Thánh Phao-lô đã diễn tả niềm hãnh diện của ngài. Niềm hãnh diện này không giống với lối suy nghĩ thông thường, nhưng rất khác lạ: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta!”. Thập giá là biểu tượng của đau khổ và hận thù. Thập giá cũng nhắc chúng ta về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa qua Đức Giê-su. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su mà tín hữu trở nên thụ tạo mới, là nghĩa tử của Thiên Chúa. Những lo lắng đời thường dễ bóp nghẹt niềm vui của chúng ta. Nhiều Ki-tô hữu không thực sự cảm nhận được niềm vui thuộc về Đức Ki-tô và Giáo Hội của Người. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết: “Có những Ki-tô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh. Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn. Niềm vui tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm tin chắc chắn  của chúng ta rằng, bất luận thế nào, chúng ta được thương yêu vô bờ” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 6). Vâng, vẫn còn đó những nỗi âu lo trăn trở trong cuộc sống đời thường, nhưng tín hữu được mời gọi nhận ra tình thương của Thiên Chúa, phó thác nơi Ngài để Ngài soi sáng cho mình một hướng đi. Chúng ta hãy hãnh diện vì được làm con Thiên Chúa và được tháp nhập vào thân thể huyền nhiệm của Đức Ki-tô, tức là Giáo Hội của Người.

Niềm vui càng lớn lao hơn khi nó được chia sẻ. Tình yêu đích thực chỉ đạt được khi bản thân mình mong muốn và đem lại hạnh phúc cho người khác. Ki-tô hữu có sứ mạng chia sẻ niềm vui Tin Mừng với những người xung quanh. Chúa Giê-su chọn và sai bảy mươi hai môn đệ, với những lời dặn dò kỹ lưỡng. Điều cốt yếu đối với các nhà thừa sai, không phải là những nhu cầu vật chất, mà là làm sao để sứ điệp được loan báo và được đón nhận. Các môn đệ đã thực sự cảm nhận được hạnh phúc, khi thấy nhờ lời họ rao giảng mà quyền lực ma quỷ bị đẩy lui. Tuy vậy, niềm vui đích thực của người tông đồ không ở việc đưa nhiều người về với Chúa hay tiêu trừ được nhiều ma quỷ, mà là tên của họ đã được khắc ghi trên trời, trong trái tim của Thiên Chúa. Bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả lúc bị xua đuổi, người môn đệ vẫn nỗ lực đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.

Loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội và là sứ mạng của mọi Ki-tô hữu. Tiếc rằng, nhiều tín hữu chưa ý thức được điều này. Biết bao phong trào truyền giáo; biết bao lời kêu gọi và chương trình của Giáo Hội, hoàn vũ cũng như địa phương, nhưng kết quả truyền giáo vẫn còn hết sức khiêm tốn. Phải chăng chúng ta, tôi cũng như quý vị chưa thực sự có được “lửa truyền giáo” nơi tâm hồn và trong hành động hằng ngày? Xin Chúa ban ân sủng và phù giúp chúng ta. A-men.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Nguồn: TGP Hà Nội

TIN MỚI NHẬN

TIN HÀNH HƯƠNG

TIN GIÁO XỨ

SUY NIỆM LỜI CHÚA

Translate »
Lên đầu trang