Phaolô Tống Viết Bường (1773 – 1833)

Phao-lô Tống Viết Bường quen gọi là ông Đội Bường được phúc đổ máu ra vì Chúa Ki-tô sau Cha Ga giơ-lanh[1] (Kính) sáu ngày. Ông sinh ở Phủ Cam, gần Huế trong một gia đình danh tiếng, có đạo từ lâu đời. Ông nội và ông thân sinh ra ông đều làm quan trong triều. Bản thân ông ở trong quân đội, sau nhờ tài đức được giữ chức đội trưởng, ông có thẻ ngà và làm quan thị vệ trong đền vua. Vua Minh Mệnh biết và quý trọng ông. Vua thường khen ông rằng: “Ông Đội Bường rất hăng hái và tận tâm chu toàn việc bổn phận”.

Nhưng chức tước không làm sao nhãng bổn phận người có đạo. Ông chăm chỉ xưng tội rước lễ, siêng năng giúp các việc trong họ, trong xứ.

Bị cách chức vì Chúa Ki-tô

Hồi ấy vùng dân tộc ít người Đa Vách ở tỉnh Quảng Ngãi nổi lên chống lại triều đình, vua sai ông đi thanh tra công cuộc dẹp loạn. Ông thi hành mệnh lệnh ngay và trở về tường trình lên vua mọi việc.

Vua hỏi ông: “Ông có đến viếng chùa Non được không?” Ông thưa: “Tâu đức vua, không, vì đức vua không sai tôi đến đấy”. Vua bảo: “Đi thanh tra cuộc hành quân phải đi xem xét mọi nơi, tại sao ông lại không đến chùa Non được?”

– Thưa đức vua vì tôi có đạo.

Câu trả lời này làm vua Minh Mệnh nổi giận, vua trách mắng ông thậm tệ và ra lệnh trảm quyết ông ngay.

Một quan trong số bạn hữu ông Đội Bường can gián nhà vua, khoan hồng tha chết nhưng phạt ông phải 80 roi và cách chức xuống làm lính thường. Ông Đội Bường lấy tiền mua chuộc các quan và được về quê làm ăn.

Lệnh mới của vua Minh Mệnh

Ông Đội Bường về quê được hơn một năm thì vua ra lệnh phải khai tên những người lính có đạo trong đội thị vệ. Người ta nộp danh sách ấy lên vua. Vua hỏi: “Đội trưởng chỉ huy đâu?” Quan Thượng Thư Bộ Hình thưa: “Tâu đức vua, ông đã bị cách chức làm lính thường”. Vua ra lệnh: “Phải bắt nó ngay”

Ông Đội Bường bị bắt giam ở ngục Trấn Phủ chừng 5, 6 tháng, trong một phòng chật chội hôi hám. Ông phải mang gông nặng 7, 8 cân, sau lại bị xiềng xích, các mắt xích xiết chặt vào chân làm da thịt thối ra.

Quan cai ngục thương muốn thay xích nhẹ hơn, nhưng ông Đội Bường bảo: “Không cần, cho tôi xích khác nặng hơn thì càng tốt. Xích nhẹ chả có lợi gì”.

Khi thân xác chết, linh hồn sẽ bay về trời

Mười ngày đầu ông bị hỏi cung liên tục, lần nào cũng chỉ hỏi về việc đạo. Quan án hỏi ông: “Ông có khóa quá không?” Ông Đội Bường mạnh dạn thưa: “Không, Chúa tôi là Chúa dựng nên trời đất, mọi loài mọi vật, tôi phải thờ phượng, làm sao tôi có thể bỏ Chúa tôi được?” Và lần nào, đáp lại câu trả lời dũng cảm này là trận đòn khủng khiếp, thường phải 20 roi, có khi nhiều hơn, thịt nát, máu chảy, nhưng ông Phao-lô Bường không phàn nàn một tiếng. Bốn lần lính lôi ông qua thập giá là bốn lần ông chống cự.

Một lần quan ăn sai lính cầm chân ông đạp lên Thánh Giá, ông phản đối kêu to: “Tôi không bằng lòng, đây là việc quan làm”. Quan án tức giận quát: “Tên ngỗ nghịch, dám chống lại ta, quân đâu, đánh cho nó chết”. Trận đòn hôm ấy dữ tợn hơn thường lệ.

 Ý quan muốn cho ông khóa quá công khai để làm gương cho mọi người bắt chước, nhưng ông cựu Đội trưởng thị vệ này kiên cường trước mọi thử thách. Đôi khi ông ngất đi sau những trận đòn dã man; thân xác gục ngã, nhưng tinh thần không chút nao núng.

Hai, ba lần ở trước công đường quan Thượng Thư Bộ Hình Võ Xuân Cần dùng lời ngọt ngào thương xót mà quan đã làm bao người có đạo phải nao núng, quan nổi với ông Đội Bường rằng: “Bạn ơi, hãy vâng lời vua, hãy chối đạo đi. Vua đang thịnh nộ, bạn hãy theo ý vua, còn việc đạo sẽ liệu sau”. Vị tuyên xưng đức tin chân thành đáp lại: “Cảm ơn quan có lòng thương khuyên tôi. Tôi xin quan chuyển lên đức vua lời thỉnh cầu của tôi là tôi nguyện trung thành với Chúa tôi cho đến cùng”.

Hôm ấy trở về ngục, ông Đội Bường khẽ thở dài mấy cái, nhưng ngay lập tức ông lại vui vẻ như thường, nói chuyện với các bạn và khuyến khích họ rằng: “Hãy bằng lòng chịu đau khổ cho đến khi Chúa muốn cách khác và để cho các quan đánh chúng ta thỏa thích theo ý họ”. Rồi ông nói tiếp: “Khi thân xác chết, linh hồn sẽ về trời. Hãy mặc cho họ xử khắc nghiệt với chúng ta. Người ta đánh đập chúng ta nhưng chúng ta vác Thánh giá theo chân Chúa và nếu đau đớn quá, hãy xin Đức Mẹ giúp đỡ để chúng ta kiến tâm chịu khó đến cùng”.

Các quan bạn ông đến thăm khuyên ông rằng: “Sao ông cứ cam lòng chịu khốn khó làm gì? Phải biết thức thời một tí, khốn khó quá đi, sẽ liệu sau”.

Ông Đội Bương đáp: “Các ông đến thăm tôi khuyên những lời lẽ ấy thật không phải, tôi không muốn nghe.”

Với các bạn tù khuyên ông, ông tỏ vẻ không bằng lòng và bảo họ: “Không thể được”, rồi ông giải thích cho họ giáo lý chân thật và vẻ đẹp của đạo Chúa.

Một quan Văn cũng phải giam ở đấy khuyên các người có đạo bị bắt rằng: “Về ông Đội Bường, tôi không dám khuyên vì ông đã già, nhưng với các ông còn trẻ, các ông xem có đạo nào tốt mà lại dạy người ta bỏ cha mẹ già yếu, bỏ vợ con, của cải là những gì đáng tiếc xót? Vậy hãy khóa quá để được trở về với gia đình”. Ông Đội Bường giải thích: “Trong đạo chúng tôi, ai chết trẻ là đi đường ngắn, ai chết già là đi đường dài hơn, nhưng dù đi đường nào, chúng tôi cũng tới thiên đàng là quê hương thật”.

Đối với các lính canh, ông ôn tồn bảo họ: “Các anh hãy thử chịu đựng như chúng tôi, chúng tôi bị giam ở đây là do ý triều đình, không phải tại chúng tôi.

Chớ gì tôi được nêu gương cho hậu thế

Ở trong tù, ông Đội Bường viết cho Cha An một bài thơ ngắn đại ý như sau:

“Tôi vui mừng vì đây là những bằng chứng Chúa gửi đến cho tôi. Cổ tôi đeo xiềng, người ta canh giữ tôi rất ngặt không cho tôi được một phút tự do. Người ta đánh đập hành hạ tôi không lúc nào yên. Thân xác tôi rách nát, xương tôi bị dập gẫy, nhưng tất cả những sự đó vẫn chưa đủ để trả nợ Chúa. Sức tôi đã kiệt, tôi sắp chết, tôi không phàn nàn. Tôi chỉ cầu xin Chúa giúp tôi luôn vững vàng. Chớ gì tôi nêu gương cho hậu thế”.

Sự kiên cường dũng cảm này xuất phát từ lòng đạo đức sốt sắng. Mỗi ngày ông để nhiều thời giờ cầu nguyện suy ngắm, lần hạt. Tháng nào Cha An hay Cha Vựng cũng vào ngục giải tội và cho ông rước lễ. Đức Cha Giắc-ca[2] viết nhiều thư khuyến khích ông.

Thấy dọa nạt, tra tấn, khuyên bảo cũng không thắng nổi đức tin sắt đá này, quan Thượng Thư Bộ Hình Võ Xuân Cần xin vua tuyên án cho ông Đội Bường và các lính có đạo. Vua Minh Mệnh nổi giận truyền: “Hãy đánh cho đến khi chúng khóa quá. Chúng còn ngoan cố thì còn đánh cho đến chết rồi vất xác ra ngoài tường thành, không cần phải kết án”

Song lần khác quan Võ Xuân Cần tâu lại rằng: “Thưa đức vua, những người này bướng bỉnh lắm, không gì lay chuyển nổi, chúng đã bị đánh quá số roi quy định, bị đổi xử tàn tệ hơn bọn phản loạn, đã chết đi sống lại nhiều lần, chúng chỉ còn da bọc xương, xin vua lấy lòng nhân từ ban cho chúng một bản án cuối cùng là trảm quyết”.

Vua Minh Mệnh bằng lòng. Ông Đội Bường phải trảm quyết, bêu đầu nhiều ngày. Đối với dân Việt, hình phạt này làm cho án nặng hơn, các người có đạo chỉ phải trảm quyết.

Bản án ghi rằng: “Ngoan cố không bỏ đạo”.

Thời ấy dù án đã tuyên bố cũng để lại một thời gian, sau mới duyệt cho thi hành.

Ông Đội Bường phải đổi sang ngục Khám đường. Ở đây ông không bị tra tấn nữa, nhưng luôn luôn có người đến quấy rầy khuyên ông bỏ đạo. Một quan khuyên ông Đội Bường và các người có đạo rằng: “Vua tức giận đã ra lệnh tra tấn đánh đập các người. Nếu các người suy nghĩ mà bỏ đạo vua sẽ tha cho về nhà làm ăn, sao các người không theo lại bằng lòng chịu đau đớn thế này”. Ông Đội Bường thưa thay rằng: “Chúng tôi cám ơn vua, nếu vua ban ơn, chúng tôi xin đội ơn, nếu vua chém chết, chúng tôi bằng lòng, còn bỏ Chúa thì không thể được”.

Ước ao được đổ máu trên nền nhà thờ bị tàn phá

Ông Phao-lô Tống Viết Bường không được hưởng đặc ân xét duyệt lại án. Vua truyền xử ông ngay. Đầu tiên ông biết tin sắp có cuộc hành quyết nhưng không biết ai là nạn nhân, rồi ông được biết người ấy chính là ông, ông vội vàng gọi các bạn tù bảo rằng: “Ngày trọng đại sắp tới rồi, hãy ăn năn tội, xin Chúa giúp chúng ta.”

Hôm ấy là ngày 23-10-1833, vào quãng 5 giờ chiều, sau 15 tháng tù đầy, người ta đến giải ông đi xử. Ông phải xử ở Thợ Đúc cách kinh đô một quãng. Ông bình tĩnh từ giã mọi người rằng: “Xin anh em cầu nguyện cho tôi để tôi được theo thánh ý Chúa, đừng lo cho số phận tôi, hãy trung thành với Chúa đến cùng”.

Một người lính cầm thẻ án đi trước đọc to: “Rao cho hàng phố và xóm làng được biết: “Tống Viết Bường, theo đạo Gia-tô, không chịu khóa quá, nên vua truyền trảm quyết”.

Đoàn hành quyết tới đường Thợ Đúc thì một quan được lệnh vua phái đến gặp ông Đội Bường nói: “Vua truyền rằng: Dù người ta dẫn ông đi xử, nhưng nếu ông khóa quá, vua sẽ khoan hồng ngay”.

Ông Đội Bường trả lời: “Xin quan dẫn tôi đến nơi xử ngay để tôi được chết về cùng Chúa tôi. Còn khóa quá, không bao giờ”.

Ông lại tiếp tục đi, vui tươi dâng của lễ cao trọng.

Nghe tin ông phải xử, con gái ông chạy theo. Đây là lời bà kể lại: “Tôi trông thấy cha tôi, người nhìn tôi không nói lời nào. Tâm hồn tôi xúc động rối bời, tôi vừa khóc vừa đi theo đoàn lính. Gần đến nơi xử thì tối, quan truyền dân hàng phố phải đốt đuốc, họ làm ngay. Cha tôi xin quan Giám sát được xử ở nền cũ nhà thờ họ Thợ Đúc, quan bằng lòng, nhưng vì lính cưỡi ngựa không thể đi qua cầu được vì cầu ọp ẹp sắp gẫy. Thấy thế, quan Giám sát bảo: nếu vậy xử ngay ở đây. Chỗ này ở giữa đường, gần cạnh nhà tôi. Tôi thấy ông Thục ở Phủ Cam đưa chiếu cho lính, họ giải chiếu xuống đất và cha tôi quỳ vào đấy, đọc kinh dọn mình chết. Cha tôi cầu nguyện xong, lính trói người và chém đầu ngay. Lúc đó khoảng 8 đến 9 giờ tối ngày 23-10-1833”.

Đầu ông Phao-lô Tống Viết Bường phải bêu lên cao 3 ngày trên đống gạch đổ nát của nền nhà thờ họ Thợ Đúc, nêu lên một bằng chứng đức tin dũng cảm hiên ngang và như muốn nói với mọi người rằng: “Dù mọi sự bên ngoài có sụp đổ, tan hoang, thì niềm tin vào Chúa Ki-tô vẫn sáng chói vượt thắng tất cả.”

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho ông Phao-lô Tống Viết Bường ngày 27-5-1900, về sau, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại phong hiển thánh cho ông ngày 19-6-1988.


[1] Gagelin

[2] Jaccard.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

Translate »
Lên đầu trang