Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamThánh Phêrô Almatô Bình – Linh mục (1831-1861)

Thánh Phêrô Almatô Bình – Linh mục (1831-1861)

Cha Phêrô An-ma-tô sinh ngày 01-11-1831, ngày lễ các Thánh, ở làng Săng-tô Phê-li-sơ Sa-se-ra (Sangto Feesliche Saserra), xứ Vích, tỉnh Ca-ta-lun-ha nước Tây Ban Nha.

Thân sinh của Cha, ông Sa-vi-ô An-ma-tô là thày thuốc có tiếng trong miền ấy. Mẹ là bà An-tô-ni-a. Hai ông bà đạo đức sốt sắng rửa tội cho con ngay hôm sinh ra.

Từ bé cậu An-ma-tô tính nết hiền lành, có lòng kính mến Chúa và Đức Mẹ. Cậu thường tụ tập các bạn đến chơi, lần hạt đọc kinh với nhau, bắt chước những nghi lễ làm trong nhà thờ.

Khi cậu An-ma-tô lên tám hay chín tuổi thì cha mẹ chuyển chỗ ở sang làng khác. Cha xứ ở đây là một Cha dòng Thánh Đa-minh vừa coi xứ, vừa dạy học nên cha mẹ cậu gửi cậu học Cha dòng ấy, và có lẽ vì thế mà cậu biết dòng Thánh Đa-minh và ước ao vào dòng ấy.

Nhân đức của cậu bé 11 tuổi

Năm cậu 11 tuổi, cha mẹ gửi cậu lên tỉnh học. Trường này có danh tiếng và đã đào tạo được nhiều linh mục, nhưng thày dạy ở đây cứng cỏi, thẳng phép hay sửa phạt học sinh nên cậu bé An-ma-tô phải nhiều điều cay cực, đây cũng là dịp chứng tỏ nhân đức của cậu. Vừa mới vào, thày giáo đã không ưa mái tóc dài của cậu. Một lần ông bắt cậu học sinh của mình cắt tóc rồi đi một vòng chung quanh trường, đi xong phải quỳ giang tay giữa sân trường trước mặt học sinh toàn trường, các bạn nhạo cười, cậu bằng lòng nhịn nhục. Nhiều lần bị châm chọc, cậu im lặng không bao giờ nói lại. Khi nào tủi thân quá cậu chỉ khóc một mình.

Năm 15 tuổi, cậu vào trường các Đức Giám Mục địa phận, ở đây cậu được biết công cuộc giảng đạo của các Cha dòng Đa-minh bên phương Đông, biết tập viện Ô-ca-na thuộc tỉnh dòng Mân Côi Phi Luật Tân chuyên huấn luyện các chiến sỹ truyền giáo cho khu vực này. Cậu nhất quyết vào dòng và cậu cảm thấy ý Chúa muốn cậu phải ở bậc này mới được nên Thánh. Sau khi bàn hỏi Đức Cha Cờ-la-rét (Claret) là đấng khôn ngoan thông thái, cậu đã từ giã cha mẹ. Hai ông bà đau đớn vì phải xa con, nhưng không dám cưỡng lại ý Chúa.

Con đường rộng mở đến phương Đông

Ngày 25-9-1847 thày mặc áo dòng ở tu viện Ô-ca-na. Sau một năm tập luyện, ngày 26-9-1848 thày tuyên khấn trọng thể giữ ba lời khuyên Phúc Âm và thêm một lời khấn thứ tư là buộc phải sang Ma-ni-la, tùy theo ý Bề trên cử đi nơi nào mà ngài thấy cần thiết.

Sau đó thày học tập chuẩn bị tiến tới chức linh mục. Khi đã chịu chức năm, ngày 7-7-1849, Bề trên cử thày sang phương Đông cùng với Cha Ri-a-nô (Hòa) và Cha Ét-tơ-vê (Nam).

Sau hơn hai tháng vượt biển, ngày 18-9-1849 tàu cập bến Ma-ni-la bằng yên. Thày lại tiếp tục học. Năm 1854 thày thụ phong linh mục và năm 1855 được cử sang truyền giáo tại Việt Nam.

Đức cha Hi-le (Hy) đã nói về Cha Phê-rô An-ma-tô như sau: “Tôi tin thật, Chúa gửi Cha An-ma-tô sang Việt Nam chỉ có ý cho người thêm công phúc. Trước đây người đã giữ được ơn giữ mình sạch tội và giữ nhân đức đồng trinh trọn vẹn, Chúa muốn ban thêm cho người một ơn trọng nữa là phúc tử đạo”.

Đúng thế, trước Bề Trên không có ý sai Cha An-ma-tô sang Việt Nam vì Cha đau ốm, mà ở đây đang trong thời kỳ bách hại, sợ Cha không đủ sức chịu nổi.

Đến Việt Nam, Cha ở Nam-am, Đông Xuyên, rồi ở xứ Kẻ Mốt học tiếng. Sau được cử coi xứ Thiết  Nham, ở đây Cha nổi tiếng nhân đức mà người ta còn truyền lại cho đến bây giờ.

Vừa đến vùng truyền giáo được ít lâu, Chúa gửi đến cho Cha một chứng bệnh nan y, không thuốc nào chữa khỏi, Cha vui lòng chịu sự khó này mãi.

Cơn bách hại theo các sắc chỉ tăng dần, đến năm 1858, các Cha không thể ở đâu cho yên được, nguy cơ lúc nào cũng theo sát. Cha An-ma-tô phải ẩn trong hang dưới đất như trong ngục. Ban đêm xuống thuyền đi giúp bổn đạo. Khi ẩn trong bụi rậm, bụi tre, khi phải qua bãi lầy, lội qua sông, đường trơn, đói khát, ăn mặc rách rưới, thiếu thốn mọi sự cần. Những cái đó tuốn đến hành hạ thân xác đau yếu của Cha An-ma-tô.

Trên đất không còn chỗ nương thân

Tình hình gay go, Cha không thể ở Thiết Nam được nữa, giáo dân thu xếp thuyền đưa Cha xuống Kẻ Mốt, Cha cũng muốn về đây thăm Đức cha Héc-mô-di-la. Giữa đường bị thuyền lính tuần đuổi riết, nhưng thuyền Cha nhẹ hơn nên chạy thoát.

Các Bề trên ở Man-ni-la thấy cơn bách hại càng ngày càng trở nên gay gắt, nếu các thừa sai ở lại cả có khi sẽ phải giết hết, nên đòi một số lánh nạn sang Ma Cao chờ thời. Cha An-ma-tô là một trong các tình nguyện ở lại liều mạng sống vì đoàn chiên. Cha ở Kẻ Nê rồi lại về ẩn ở Thọ Ninh và ở đây chừng một năm. Dịp ấy Cha viết thư cho cha mẹ rằng: “Con đã ẩn ở đây bảy, tám tháng nay với một Cha nữa. Nhà này có hang dưới đất, khi quan quân vây đến chúng con ẩn xuống đấy. Nếu nghe tin con phải bắt và chịu chết vì đạo, cha mẹ đừng buồn, đừng khóc, cha mẹ hãy vui mừng vì con được phúc trọng. Con gửi lời từ giã cha mẹ, anh em họ hàng, bạn hữu. Sau này nếu cha không nhận được thư từ hay tin tức của con thì xin cha mẹ nhớ cầu nguyện cùng Chúa và Đức Mẹ ban ơn cho con được vui lòng chết vì Danh Chúa”.

Khi thi hành sắc lệnh phân sáp ngày 5-8-1861, đất không còn nơi nào cho Cha nương thân. Cha với chú giúp lễ xuống thuyền cùng với Đức Cha Va-lăng-tanh (Vinh) đi Hải Dương tìm dịp trốn ra phố Vạn Ninh.

Khi Đức Cha Héc-mô-di-la và thày Giuse Khang bị bắt, Đức Cha Va-lăng-tanh và Cha An-ma-tô trốn lên bờ, nhưng không biết ẩn ở đâu. Sau bổn đạo thuyền chài giữ hai đấng tạm trú ở nhà ông phó lý ngoại đạo là nơi tin cẩn, ai ngờ chính ông này đi báo quan. Ngày 25-10-1861, Đức cha Va-lăng-tanh và Cha An-ma-tô bị bắt cùng với chú giúp lễ. Cha An-ma-tô xin quan tha cho chú bé, quan bằng lòng, về sau này chú này được chịu chức linh mục ở địa phận Trung, quen gọi là cụ già Nghiêm.

Trước công đường, ông Nguyễn Quốc Cẩm, Tổng đốc Hải Dương hỏi Cha An-ma-tô quê quán ở đâu? Sang Việt Nam từ bao giờ, đã ở nơi nào, Cha An-ma-tô đáp: “Tôi người Tây Ban Nha, sang Việt Nam được bảy năm, đã đi nhiều nơi”. Quan lại hỏi: “Ông có biết ông đạo trưởng Tuấn (Héc-mô-di-la) không?” Cha thưa: “Có, chúng tôi gặp nhau luôn”.

Quan biết có tra hỏi nhiều cũng vô ích nên làm án trảm quyết và tâu vào kinh. Nhưng tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Tân cũng gọi là: Hưng Đắc Thế” là bố vợ vua, được toàn quyền xét xử và ra án ở ngoài Bắc, nên truyền quan tỉnh Hải Dương phải trảm quyết ngay không cần chờ lệnh vua.

Thiên quốc vui mừng

Ngày 1-11-1861, cả thế giới Công giáo tưng bừng mừng lễ Các Thánh, bao Thánh lễ, kinh nguyện, lời ca tiếng hát dâng lên Thiên Chúa, ngợi khen ca tụng vinh quang các thánh. Riêng Giáo Hội Việt Nam hôm ấy, dâng lên Thiên Quốc ba lễ quý giá và càng quý giá hơn nữa vì ngoài phúc tử đạo, ba ngài còn là ba tư sĩ dòng Thánh Đa-minh, trước khi máu đổ làm chứng Đức Tin, các ngài đã tuyên khấn trọn đời hiến dâng cho Thiên Chúa, cả Thiên Quốc vui mừng đón thêm ba công dân mới, ba viên ngọc đỏ chói tô điểm thành Giê-ru-sa-lem mới.

Đó là hai Đức cha và Cha An-ma-tô. Các ngài phải xử ở Năm Mẫu – Hải Dương. Riêng Cha An-ma-tô là người trẻ nhất vì hôm nay cũng là ngày sinh của Cha. Cách đây 31 năm, Chúa đã cho một bông hoa trắng nhỏ xuống trần, Chúa chăm nom để nó giữ nguyên được vẻ trắng trong tươi tốt, Chúa đưa nó đến một miền đất xa xôi như lòng nó sở nguyện để điểm tô thêm màu đỏ tươi thắm. Hôm nay ngày lễ Các Thánh, Chúa hái nó về trời để nó vui hưởng vinh quang muôn đời.

Xác và đầu Cha An-ma-tô gửi sang thành Mi-ni-la. Bề trên giữ lại một phần xương ở đây, còn bao nhiêu rước về quê người cách trọng thể và táng trong nhà thờ dòng chị em Thánh Đa-minh ở thành Vích.

Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho Cha Phêrô An-ma-tô ngày 15-4-1906, và Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã tôn người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments