Cha Phaolô Nguyễn Ngân sinh năm 1771 ở họ Cự Khanh thuộc xứ Kẻ Bền, tỉnh Thanh Hoá. Cha học chủng viện cùng với Cha Giuse Nguyễn Đình Nghi. Chịu chức linh mục rồi Cha được cử đi truyền giáo nhiều nơi; khi Cha làm Cha phó giúp Cha già Nghiêm là Cha xứ Phúc Nhạc, coi sóc họ Duyên Mậu và các họ chung quanh, Cha mắc bệnh nặng phải về Nhà Chung Vĩnh Trị uống thuốc bảy năm. Rồi Cha làm Cha phó xứ Trình Xuyên ba năm, sau đó làm Cha Phó xứ Kẻ Báng khoảng một năm, Cha bị bắt.
Tính nóng nảy
Đức Cha Giăng-tê (Du) khen Cha Ngân là người tốt, chịu khó làm các việc bậc mình, tuy có tính nóng nhưng sau đó phàn nàn trách mình ngay. Cha thường dặn người nhà rằng: “Khi chúng con thấy Cha đang cơn nóng, chúng con hãy tránh đi, khi nào Cha hết cơn nóng hãy về”. Tính Cha nhút nhát, khi nghe tin người nào bị bắt, phải tra tấn gông cùm, Cha kinh khiếp sợ hãi. Nghe biết quan quân sắp đến vây làng Cha đang ở, Cha giục người ta đưa Cha đi nơi khác. Trong lúc cấm đạo ngặt, các linh mục phải trốn tránh, nay đây mai đó, Cha Ngân lấy sự ấy làm khốn cực lắm. Cha phàn nàn thở than rằng: “Vua cấm đạo ngặt thế này, bổn đạo ít đến với các linh mục, các linh mục không đi làm phúc được, thiệt hại cho linh hồn người ta quá”. Cha được cử về làm Cha Phó xứ Kẻ Báng giúp Cha Nghi là bạn học, Cha mừng lắm, hai cha sống hoà thuận thân ái không làm mất lòng nhau bao giờ.
Ba ngày đóng quân để lục soát dân
Một lý trưởng ngoại đạo quê ở miền bể phải giam ở Nam Định, ông muốn lập công đền tội thì xin với quan Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh là người nổi tiếng ghét đạo đi do thám làng Kẻ Báng để bắt các đạo trưởng Tây và đạo trưởng Nam. Người ấy do thám làng Kê Báng ba tháng, khi biết chắc ở đây có chứa đạo trưởng và các đồ đạo, thì đưa quan quân đến vây làng Kẻ Báng.
Quan Trịnh Quang Khanh và quan Phủ Thiện Bổn đem một nghìn quân và rất đông dân hàng tổng đến vây làng Kẻ Báng trong ba ngày. Ngày thứ hai, đến quá trưa chúng bắt được Cha Ngân ẩn dưới hầm nhà ông Thọ. Cha Ngân và ông Thọ đang ẩn trong hầm lính lấy đòng đâm mọi nơi, Cha Ngân và ông Thọ sợ nó đâm chết nên lên khỏi hầm. Lính bắt cả hai người giải nộp cho quan ngay. Cha Ngân bị bắt thì trở nên can đảm, không còn sợ hãi như trước. Vừa ra khỏi hầm, lính hỏi dồn Cha: “Ông có phải là đạo trưởng Tây không?” Cha bảo: “Xem mặt ta thì biết, việc gì các anh phải hỏi; khi quan hỏi, ta sẽ nói, ta không nói với các anh”. Khi Cha Ngân bị giải đến chỗ quan đã thấy Cha Nghi đeo gông ở đấy. Quan truyền đóng gông Cha Ngân và ông Thọ.
Sau đó quan truyền cho lính phá phách cướp của làng Kẻ Báng. Thế là chúng reo hò tha hồ hoành hành cướp phá. Quan cho đóng gông ba cha, ông Thọ, Ông Cỏn, là chủ nhà chứa Cha Ngân và Cha Thịnh, hai mươi người làng Kẻ Báng giải về Nam Định, còn các người khác quan tha. Tối hôm ấy quan rút quân về Nam Định.
Từ khi Cha bị bắt đến khi phải xử
Cha Ngân bị bắt ngày 30-4 và phải giam ở Trại Lá cũng còn gọi là trại quan Thượng Nam Định. Một tháng sau là ngày 1-6 quan mới đòi Cha Nghi, Cha Ngân và Cha Thịnh ra công đường tra hỏi, nhưng chỉ hỏi qua mấy điều rồi cho về. Ngày 3-6 quan Trịnh Quang Khanh đích thân hỏi cung ba cha, và bắt phải khóa quá. Cha Nghi bao giờ cũng thưa thay mặt anh em. Còn Cha Ngân, trước kia rất sợ hình khổ, nhưng bây giờ Cha can đảm lạ thường, Cha không nói câu nào, yên lặng cầu nguyện, luôn tỏ thái độ hợp ý với Cha Nghi, dù quan bày những hình khổ ghê rợn ngay trước mặt, Cha cũng không nao núng.
Cha phải đòi ra công đường nhiều lần như Cha Nghi, Cha Thịnh, phải phạt già hiệu hai lần, phải đánh đòn hai lần, một lần 40 roi, một lần 50 roi. Cha dũng cảm chịu mọi hình khổ không phàn nàn, Cha luôn nghĩ đến Chúa Kitô xưa đã phải chịu sỉ nhục, phải đánh đòn, Cha dâng mọi đau khổ Cha chịu cho các giáo hữu xứ Kẻ Báng, xin Chúa ban cho họ được vững vàng trong cơn thử thách nặng nề.
Khi ở tù, Cha được xưng tội nhiều lần và rước lễ một lần.
Các quan làm án Cha, đệ vào kinh, ngày 14-10 án trong kinh ra tới Nam Định. Biết tin ấy, Cha vui mừng dọn mình về đời sau. Ngày 15-10, quan Giám sát cưỡi voi cùng với 500 lính điệu Cha Nghi, Cha Ngân, Cha Thịnh ra pháp trường Bảy Mẫu. Khi Cha Ngân cầu nguyện xong, lính chém một nhát, đầu Cha rơi xuống và linh hồn Cha bay về nơi hạnh phúc không còn lo âu sợ hãi.
Mọi người xông vào thấm máu Cha để làm di tích. Thày Sự đem xác Cha về an táng ở làng Kẻ Báng.
Cha Phao-lô Nguyễn Ngân lĩnh ngành lá tử đạo ngày 15-10-1840, thọ 69 tuổi. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900. Dù yếu đuối chúng ta hãy bắt chước Cha Phao-lô Nguyễn Ngân, xin Cha cầu bầu cùng Chúa cho ta được ơn can đảm vững vàng khi gặp sự khó phần hồn phần xác.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Nguồn: TGP Hà Nội