Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamPhaolô Nguyễn Văn Mỹ (1798 – 1838)

Phaolô Nguyễn Văn Mỹ (1798 – 1838)

Thầy Phao-lô Nguyễn Văn Mỹ sinh năm 1798 ở xứ Kẻ Non, làng Sơn Nga, huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam trong một gia đình đạo đức khá giả. Hai ông bà sinh được năm người con, con cả tên là Nguyễn Văn Hữu tức là thầy Mỹ sau này. Cậu Hữu hiền lành, thông minh, thuộc kinh bổn, lại được cha mẹ dạy dỗ chu đáo nên cậu sớm mộ mến sự đạo, nết na đức hạnh. Năm 13 tuổi, cậu xin cha mẹ vào nhà Đức Chúa Trời, hai ông bà vui mừng dâng con làm việc trong vườn nho của Chúa.

Chú Hữu trước được Đức Cha Gia-cô-bê Lông-giê (Gia) coi sóc và đổi tên là Mỹ. Hai năm sau chú Mỹ về ở với Cha Luật chính xứ Kẻ Đầm. Năm 19 tuổi chú được nhận vào chủng viện Vĩnh Trị.

Ở nhà trường chú Mỹ tỏ ra có lòng đạo đức khác thường, chăm giữ luật phép, học hành tấn tới, tuy chú là người ít nói nhưng được các bạn mến phục. Được Bề trên tín nhiệm đặt đứng đầu trong trường, đó là chức vụ rất dễ làm mất lòng người khác vì phải phân công việc cho các bạn, có việc không hay xảy ra lại bị Bề trên khiển trách. Thầy Mỹ làm việc này êm xuôi nhẹ nhàng, không làm mất lòng ai, và các bạn vâng lời thày như vàng lời chính các đấng Bề trên.

Thày giảng tươi vui nhưng cương quyết

Học xong chủng viện, Thày Mỹ về giúp Nhà Chung một thời gian, sau Bề trên cử thày đến xứ Bầu Nọ tỉnh Sơn Tây giúp việc hai Cha Ma-rét (1) (Phan) và Coóc-nây (2) (Tân), vì ở đây đang cần một thày giảng đảm đang, tài giỏi, hơn nữa Cha Coóc-nây còn trẻ, ốm yếu, phải được chăm sóc chu đáo tận tình. Ai đã quen biết Thày Mỹ đều khen ngợi Thày. Thày chịu khó làm các việc bậc mình, dạy dỗ cẩn thận, giúp bổn đạo chịu các phép bí tích cách sốt sắng, khuyên bảo người có tội ăn năn trở lại, khôn ngoan đưa những người ngoại đạo vào đạo thánh. Thày không xét đến bản thân, chỉ lo làm sáng danh Chúa, thầy mỉm cười bỏ qua những lời người ta xúc phạm đến mình, gặp ai sai lỗi thày nói ngay và tuy hiền lành tươi vui thày còn là người cương quyết thẳng phép với những người không chịu sửa mình.

Hôm ấy là ngày 15-5 đời vua Minh Mệnh năm thứ 18 cũng là ngày 20-6-1837, khi quan tỉnh Sơn Tây đưa 1500 lính về làng Bầu Nọ để bắt Cha Coóc-nây theo đơn tố cáo của bà Yển vợ tên Đức. Thày Mỹ thấy quan quân vây kín làng thì sai người thân tín đưa Cha Coóc-nây đi ẩn ở bụi rậm, Còn thày thu xếp giấu đồ lễ, rồi ra ngoài đình ngồi với dân làng phải ra điểm mục.

Quân lính khám xét trong làng từ sáng đến trưa không bắt được Cha Coóc-nây, định rút quân về, nhưng bà Yển đến lậy quan nói cương quyết rằng: “Nhất định có cố Tây ẩn ở làng này”, và bà chỉ Thày Mỹ và Thày Truật mà nói rằng: “Đây là hai đầy tớ ông ấy”. Hai thày bị đóng gông ngay. Quan nọc Thày Mỹ đánh 10 roi, hỏi cho biết Cha Coóc-nây trốn ở đâu, nhưng thày không chịu khai. Đến chiều quan bắt được Cha Coóc-nây và hôm sau quan giải cha và ba Thày Mỹ, Truật, Đường về Sơn Tây.

Những trận đòn dã man ở công đường tỉnh Sơn Tây

Hôm sau cả ba thày phải ra trước công đường. Quan bảo các thầy rằng: “Có phải các anh liên lạc với bọn Nhờn, Thạch, giúp chúng tiền bạc để chúng làm loạn không? Phải khai hiện giờ chúng ở đâu?” Thày Mỹ thưa rằng: “Chúng tôi không biết Nhờn, Thạch là ai, chúng tôi không giúp chúng tiền bạc, chúng tôi chỉ ở với đạo trưởng và làm thày giảng đạo”.

Vì có người tố cáo Thày Mỹ giữ khóa hòm Cha Coóc nây nên quan cũng tra khảo thày về của cải vàng bạc. Rồi cuộc lấy khẩu cung chuyển sang vấn đề tôn giáo. Các quan hỏi: “Đạo các anh hay dở thế nào không biết, nhưng vua đã cấm, tại sao còn tụ tập nhau làm những việc càn bậy, khoét mắt người chết để làm bùa quyến rũ người ta” Thày Mỹ trả lời rằng: “Chúng tôi bỏ mọi sự, chịu mọi nỗi khốn khổ để giữ đức tin, chúng tôi làm những điều cần bậy thì ai theo chúng tôi, ai cho chúng tôi đến các gia đình của họ?”.

Quan lại hỏi rằng: “Các anh theo cố Tây từ bao giờ, đã ở những đâu?” Thày Mỹ không trả lời. Quan bảo rằng: “Vậy nếu khóa quá, ta sẽ tha”. Thày Mỹ thay mặt các ban thưa rằng: “Chúng tôi theo đạo trưởng đi giảng đạo, chúng tôi không khóa quá, tuỳ ý quan muốn làm gì thì làm”. Các cuộc thẩm vấn trên đây diễn lại bốn kỳ và thường kỳ nào cũng có cuộc tra tấn dã man bằng roi mây. Chúng ta hãy nghe các chứng nhân của Chúa Ki-tô kể lại trong bức thư sau đây: “Lính lột áo chúng tôi, bắt chúng tôi nằm xuống đất, lấy thừng buộc chặt chân tay căng ra bốn cọc, nguyên việc này đã là hình khổ đau đớn không thể tả nổi. Rồi lính bắt đầu đánh đòn”.

 “Trận đòn lần thứ tư không phải bằng một chiếc roi mây mà một bó roi. Mỗi lần đánh là cả trăm đầu roi in lằn trên da thịt chúng tôi, làm thành những vết thương đẫm máu”.

Sau mỗi lần tra tấn như vậy, Thày Mỹ không còn đủ sức chịu đựng, không thể lết đi được, lính phải khiêng thày vào ngục.

Một lần lính đánh dữ quá, thịt nát, roi giập, roi lẩn vào thịt, đến nỗi Cha Coóc-nây khi ấy phải chứng kiến đã vật mình kêu khóc lớn tiếng rằng: “Ở nước tôi người ta không đánh dã man thế này”.

Những khổ hình trong ngục

Ở trên công đường đã vậy, về đến ngục, lại chịu những chuỗi khổ hình khác liên tục, đây là thư các thày thuật lại rằng: “Trong bốn tháng chúng tôi phải gông cùm, xiềng xích, lính canh ngược đãi, không khí ẩm thấp, hôi hám, ruồi muỗi tha hồ cắn, băng bó những vết thương nhức nhối đau buốt”.

Cha Triệu vào thăm các thày một lúc, khi ra sợ quá mồ hôi chảy ra như tắm, khỏi một trống canh mới tỉnh lại. Thày Mỹ bị xiềng không đi thẳng được, lúc nào cũng lom khom. Từ khi các quan kết án thày phải xử giảo giam hậu thì thày được dễ chịu hơn.

Vì là án ‘giam hậu’ nên không xử ngay, Thày Mỹ phải giam 14 tháng nữa, mãi cho đến tháng chạp năm 1838. Một thời gian thử thách lâu dài, Thày Mỹ luôn nhẫn nại chịu khó, hằng khao khát phúc tử đạo.

Sáng chiều Thày Mỹ và các bạn đọc kinh chung, lần hạt một tràng trăm rưởi, ai vào thăm, thày cũng khuyên phải chịu khó giữ đạo và làm việc bổn phận cho nên.

Thày Mỹ thỉnh thoảng cũng làm thuốc giúp các bạn tù và cả lính canh nữa, nên được mọi người kính nể. Thày phân phát của ăn, áo mặc cho các bạn tù, nhất là với tên Đức là người tố giác các thày được thày thương cách riêng, vì nhà anh nghèo không có ai giúp đỡ, thày chia phần thức ăn của thày cho anh, đối xử với anh cách êm ái dịu dàng như không có chuyện gì.

Trong thời gian phải giam, thày được Cha Triệu vào thăm giải tội và cho chịu lễ bốn lần.

Biết mình thế nào cũng phải xử, Thày Mỹ lối cho anh em họ hàng ba điều này:

“ 1- Anh em hãy ở hoà thuận yêu thương nhau, giữ đạo sốt sắng vì cuộc sống ở đời này chóng qua mau hết.

   2 – Phần tôi, Chúa đã định thế này tôi xin vâng. Khi nào tôi phải xử, anh em hãy đến để chúng ta gặp nhau lần sau hết, rồi đem xác tôi về quê ở với anh em.

   3 – Của cải cha mẹ cho tôi, tôi xin chia làm hai phần, một phần cho anh em, một phần tôi dâng vào Nhà Chung, vì Nhà Chung đã nuôi tôi, và Nhà Chung sẽ lấy của ấy để nuôi các người giúp việc Hội Thánh”.

Mỗi năm cứ mùa thu đến, trong Kinh các quan xét lại án các nơi, năm ấy là năm 18 đời vua Minh Mệnh, triều đình xét lại án Thày Mỹ và các thày phải xử giảo giam hậu và vì không chịu xuất giáo nên truyền phải xử giảo ngay. Án đến Sơn Tây vào buổi tối, ông đề lao đưa tin cho Thày Mỹ rằng: “Mọi khi có án tôi không dám báo trước cho tù nhân, nhưng phần các thày tôi không ngại, tôi chúc các thày mạnh bạo chịu khó bằng lòng vì ngay ngày mai sẽ xử các thày”. Thày Mỹ vui mừng cám ơn rồi vội cho người báo tin cho Cha Triệu để Cha đi đón làm phép giải tôi.

Một buổi chiều mùa đông

Ngày 18-12-1838, hồi 10 giờ sáng, lính kéo đến trại giam giải thày Mỹ và hai bạn đến pháp trường. Bốn người lính đi vây quanh thày, một người đi trước cầm bản án ghi rằng: “Nguyễn Văn Hữu ở làng Sơn Nga, huyện Thanh Liêm, phải tội theo đạo Gia-tô. Nó nhận. Án phát vào mùa thu năm nay. Nó phải xử giảo”. Hai người lính đi hai bên nâng gông và nâng xiềng, người đi sau cầm thanh gươm.

Thày vừa ra khỏi công đường thì gặp Cha Triệu đang chờ sẵn, theo hẹn trước, thày làm dấu Thánh Giá, Cha Triệu giơ tay làm phép giải tội.

Theo thói quen, thường cho tù nhân ăn trước khi xử, Thày Mỹ không muốn ăn nhưng sau thày nói với một bà bổn đạo rằng: “Tôi không muốn người ta ngờ rằng tôi sợ chết”, nên thày ăn hai cái bánh, một miếng trầu và uống một chén nước.

Đến nơi xử gần Đò Voi thuộc làng Mông Phu, lính quây vòng tròn, Thày Mỹ và hai thày quỳ xuống chiếu đã trải sẵn, rồi đưa mắt nhìn chung quanh, thấy Cha Triệu giơ tay lên, Thày Mỹ cúi đầu xuống chịu phép giải tội. Rồi thày nằm sấp xuống để chịu xử, lính buộc chân tay vào cọc, trong giây thừng vào cổ.

Tiếng cồng ghê rợn vang lên giữa cánh đồng vắng trong một chiều đông ảm đảm, tiếng cồng thứ ba vừa nổi lên, lính kéo hai đầu dây, vì lính kéo dây lên cao quá, thày bị tức hơi nứt mặt mũi, máu chảy ra. Khi xác nằm yên, lính đốt ngón chân Thày Mỹ, biết đã chết thật, quan giao xác cho bổn đạo.

Xác Thày được đưa về làng Kẻ Máy. Cha Ma-rét (Phan) và hai cha bản quốc đón xác Thày, khâm liệm rồi đọc kinh, cử hành thánh lễ, đến quá nửa đêm đem về táng ở nhà bà Tín. Sáu năm sau ở Kẻ Non quê Thày đến đưa hài cốt thày về Kẻ Non. Mồ Thày xây rất đẹp, mỗi năm đến ngày lễ kính Thày, người ta tổ chức trọng thể, rước hài cốt Thày quanh làng và nhờ thày người ta được nhiều ơn phần hồn phần xác.

Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Thày Phao-lô Nguyễn Văn Mỹ. Sau đó Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã tôn phong Thày lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments