Cha Đa-minh Xuyên sinh năm 1786 ở làng Hương Hợp, tỉnh Thái Bình trong một gia đình đạo đức làm ruộng. Cha mẹ thấy con thông minh thì cho đi học chữ Nho. Ít lâu sau lại đưa con vào xin Đức Cha I-nha-xu Đen-ga-đô (Y) coi sóc. Chú Xuyên không những chăm chỉ học hành lại tập luyện các nhân đức, Đức Cha thấy thế cho chú học thần học. Sau những năm cần cù học hành, thử thách đầy đủ, thày được Đức Cha Đen-ga-đô truyền chức linh mục năm 1819. Năm sau ngày 20-4-1820 Cha lại tuyên khấn trọng thể trong dòng Thánh Đa-minh, Cha là một tu sĩ nhiệt thành chăm giữ luật dòng, siêng năng cầu nguyện, ăn chay.
Cha kẻ khó khăn
Đức nổi bật ở nơi Cha là đức thương kẻ khó khăn, Cha thường dặn người coi cửa rằng: “Hễ kẻ khó nào đến xin phải cho ngay, dù cơm của Cha cũng cho, còn thừa bao nhiêu Cha sẽ dùng”. Khi Cha phải giam trong tù cũng vẫn giữ thói quen tốt lành ấy. Còn tiền bạc bổn đạo biếu Cha, Cha bảo người trông coi việc nhà phải lấy phần cho kẻ khó trước. Cha còn thương linh hồn người ta nhiều hơn bội phần. Cha phải trốn ẩn nay đây mai đó để khỏi bị bắt, để đi làm phúc các xứ các họ. Cha làm phó xứ Phạm Pháo một thời gian, rồi đổi về xứ Kẻ Miêu. Ở đây Cha khuyên được nhiều người ngoại trở lại, Cha lập một họ cho bổn đạo mới, chọn ông Thánh Vi-xen-tê làm quan thày họ ấy, có công giúp bổn đạo tránh sự dối trá. Bốn năm sau Cha đổi coi xứ Đông Xuyên 13 năm. Tám năm cuối cùng ở đây, Cha phải đau đớn trăm đường, nào mất mùa, đói khát, trộm cướp hoành hành, bổn đạo phải khổ sở, Cha cũng phải chia sẻ với những con chiên nỗi khổ cực đó.
Một lần Cha mất hết đồ lễ, nhưng Cha không hề phàn nàn, gặp hoàn cảnh nào cũng xin tuân theo Thánh ý Chúa, Cha thường dùng lời ông Gióp để tự an ủi mình và an ủi con chiên: “Chúa ban cho, bây giờ Chúa cất lấy, xin đội ơn Chúa”.
Sau Cha đổi về nhà trường Ninh Cường giúp Cha Phéc-năng-đê (Hiền) một năm, rồi về Bùi Chu giúp Đức cha Đen-ga-đô. Được ít lâu Đức cha phải trốn sang làng Kiên Lao, và bị bắt. Cha phải ẩn ở làng Hạ Linh coi sóc bổn đạo, năm ấy lại mất mùa đói kém, nên Cha gặp nhiều khó khăn.
Theo Thánh ý Chúa là nhất
Ngày 18-8-1830 là lễ quan thày họ Phú Đường. Cha đến làm lễ rồi về Hạ Linh ngay. Chẳng may có người trước dạy học ở Bùi Chu biết Cha ẩn ở làng Hạ Linh, vội báo quan đi tuần ở đấy rằng: “Có đạo trưởng trốn ở ở hai làng Hạ Linh và Phú Đường”. Quan đem quân đi vây hai làng ngay; Ở Hạ Linh cũng có một Cha đang làm lễ, nghe tiếng loa, Cha này vội uống Máu Thánh rồi chạy vào hang gần đó; Còn Cha Xuyên trốn không kịp vì hang ở xa nên bị bắt. Quân hỏi Cha: “Tên là gì, quê quán ở đâu?” Cha thưa: “Tên tôi là Xuyên, tôi là đạo trưởng, quê tôi không ở đây”. Quan giơ tượng Thánh Giá hỏi Cha: “Tượng này có phải của ông không?” Cha nói: “Chúng tôi thờ Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa Trời thật”. Quan bảo: “Chạy được tiền, ta sẽ tha”. Cha thưa: “Nếu quan tha, tôi xin cám ơn quan, tôi không có tiền, quan bắt giam, tôi xin chịu”. Thấy thế quan giải Cha nộp cho quan Phủ Xuân Trường. Bốn đạo Hạ Linh định đến quan Phủ để xin chuộc, nhưng Cha can họ rằng: “Chúng con lo liệu phần họ chúng con thôi, còn về phần Cha để Thánh ý Chúa, Chúa rất thương Cha nên mới ban ơn trọng cho Cha, không mất tiền vô ích, có khi trái thánh ý Chúa”. Bổn đạo không nghe kéo nhau lên quan. Quan bảo họ: “Tội các ngươi chứa đạo trưởng, ta lo được, còn việc đạo trưởng, quan tỉnh đã biết, không thể tha được”. Họ buồn rầu hết sức về trình bày công việc cho Cha và thưa rằng: “Xin Cha chịu khó làm vui lòng mà cầu nguyện cho chúng con”. Cha an ủi họ: “Chúa đã định, không ai làm khác được, chúng con hãy yên tâm trở về, nhớ cầu nguyện cho Cha được vững vàng xưng đạo, đừng buồn, thánh ý Chúa là nhất”.
Cha bị giải lên tỉnh Nam Định, phải đóng gông rất nặng, đến nỗi Cha phải thuê hai người đỡ đầu gông, gần đến tỉnh quan không cho ai giúp đỡ, những người lính phải buộc dây vào gồng lôi Cha đi cho nhanh.
Maria! Nguồn sức mạnh
Ngày hôm sau Cha phải ra công đường, quan hỏi Cha tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp. Cha thưa: “Tên tôi là Đa-minh Xuyên, quê cha tôi ở Hương Hợp, mẹ tôi ở làng Xa Cát. Khi còn nhỏ, tôi ở với Đức Cha Đen-ga-đô, chính người truyền chức đạo trưởng cho tôi” . Quan hỏi: “Từ khi làm đạo trưởng đã ở những đâu, làm việc gì?”. Cha thưa: “Khi vua cấm đạo, tôi phải trốn nhiều nơi sợ bị bắt, chỗ này mai chỗ khác không nhớ được”. Quan đưa ảnh Chuộc tội ra bảo Cha: “Hãy khóa quá đi, thì ta tha, nếu không sẽ phải chết nhục nhã như nhiều tên bướng bỉnh khác”. Quan vừa dọa nạt vừa dỗ dành, bày các khổ hình ra cho Cha kinh khiếp, lại thêm ma quỷ cám dỗ nên bên ngoài Cha chạy sợ hãi, nhưng bên trong Cha còn vững vàng, Cha lạy ảnh Chuộc tội và thưa quan: “Quan thương, tôi hết lòng cám ơn, còn khóa quá, tôi không dám”.
Quan giận sỉ vả nhạo báng Cha. Lính ở chung quanh xúm lại dỗ Cha: “Ông cứ xuất giáo kẻo phải chết thì thật phí hoài”. Nhưng Cha cứ một mực nói: “Tôi không dám, chết thì chết”. Quan nổi giận quát lính: “Chúng bay cho tan xác thằng mê muội này đi”. Lính nọc Cha ra đánh dữ tợn, Cha chỉ kêu: “Giêsu, Maria, xin cứu con”, đó là nguồn sức mạnh giúp Cha đương đầu với trận đòn dã man, sau Cha đau quá, mất cả tiếng, ngất lịm, quan tưởng Cha chết, sai lính khiêng Cha về ngục.
Bảy ngày sau, quan lại đòi Cha ra tra hỏi, những dấu đòn cũ chưa khỏi, nhưng Cha không còn run sợ như trước, Chúa đã ban sức mạnh để Cha nên gương cho những người yếu đuối khóa quá bắt chước mà ăn năn trở lại. Đến trước mặt quan Cha nghiêm trang mạnh bạo thưa: “Dù sống chết tôi cũng không khóa quá, tôi không dám phạm đến Chúa cả trời đất. Tôi thà chết để được sống vô cùng với Chúa tôi, chẳng ham sống ít lâu để sau phải chết vô cùng”. Quan tức giận quát: “Không phải nghe thằng dại nữa, nó ăn phải bùa bả nào mà không ai khuyên được, quân bất trị cứ cho ăn đòn”. Rồi roi đòn lại tới tấp, lần này Cha không kêu một tiếng. Đánh được 30 roi thì quan truyền thôi và giao Cha cho quan án xử.
Kìm sống, kìm chín
Ai cũng tưởng là chỉ còn chờ án, nhưng ma quỷ chưa chịu thua, nó bày một mưu kế thâm độc hòng làm nhụt chí tông đồ Chúa. Lòng tham của thường làm cho người ta ra mù quáng tàn ác. Nói xui giục một người đến tố các quan rằng: “Tên Xuyên là kẻ nối quyền ông đạo trưởng Đen-ga-đô và giữ tài sản của ông ấy”. Vì lòng tham, ban đêm quan lại bắt Cha ra công đường, ở đây đã bày sån các khổ hình. Quan hỏi: “Có phải ông là người nối quyền đạo trưởng Đen-ga-đô không? Cha nói: “Thưa quan lớn, tôi không phải là người nối quyền Đức Cha Đen-ga-đô, khi tôi còn bé người nuôi tôi ăn học, rồi truyền chức đạo trưởng cho tôi, một năm tôi chỉ được gặp người một lần. Tôi biết sao được tài sản của người. Cha không nói, không kêu, chịu cực hình cách bình thường vui vẻ vì Chúa đã ban ơn nâng đỡ Cha.
“Kìm chín”, không xong, quan dùng “kìm sống”. Cha đau đớn quá cũng lịm đi, ai cũng tưởng Cha chết, một hồi lâu Cha tỉnh trở lại, nhưng trước sao sau vậy, Cha vẫn trung thành bền vữmg như núi đá trước cơn cuồng phong; thịt Cha xông mùi thối tha không ai chịu được, bấy giờ quan mới cho mời thầy thuốc vào chữa thương tích cho Cha.
Các quan không còn kế hoạch nào nữa thì kết án Cha bị trảm quyết và đệ vào kinh, rồi giam Cha chung một ngục với Cha Tô-ma Đinh Viết Dụ. Hai cha vui mừng tạ ơn Chúa, xưng tội với nhau, giúp nhau dọn mình chết theo thánh ý Chúa.
Ngày 26-11-1839, án tới Nam Định vua châu phê y án. Ngay hôm ấy các quan điệu Cha cùng với cha Dụ đi xử. Tới pháp trường Bảy Mẫu, Cha quỳ xin nguyện xin sức mạnh trong giờ cuối cùng. Sau hồi hiệu lệnh lính chém đầu Cha, giáo dân xông vào thấm máu Cha. Linh hồn Cha bay thẳng về trời lĩnh triều thiên tử đạo rực rỡ, còn xác Cha chôn ngay ở nơi xử. Năm sau, người ta cải táng Cha đem về chôn ở nhà trường họ Lục Thủy Hạ chờ ngày sống lại vinh quang.
Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Cha Đa-minh Xuyên ngày 27-5-1900.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn