Đức cha Joseph Simon Theurel sinh ngày 27 tháng 10 năm 1829 tại La Rochelle, Giáo xứ Laître (tỉnh Haute-Saône, miền Bourgogne, miền Đông nước Pháp). Từ khi còn bé, ngài đã có lòng ước ao dâng mình cho Chúa để trở thành linh mục, nên ngài đã theo đuổi ơn gọi bắt đầu từ chương trình phổ thông tiểu học và trung học trong Tiểu Chủng viện Luxeuil, rồi chương trình triết học tại Chủng viện Vesoul, và một thời gian tại Đại chủng viện Besancon. Trong thời gian theo học Thần học tại chủng viện này, ngài cảm thấy mình được thôi thúc muốn theo chân các thừa sai lên đường đến các vùng đất xa xôi để truyền giáo cho những người chưa biết Chúa.
Ngài xin gia nhập Chủng viện Hội Thừa sai Paris (MEP) ngày 28-9-1849, cùng thời với Cha thánh Théophane Vénard (Ven) và giữa các ngài đã nảy sinh một tình bạn gắn kết bởi cùng một lý tưởng nhiệt thành ra đi mở Nước Chúa. Ngài được thụ phong linh mục ngày 5 tháng 6 năm 1852 thì ngày 19 tháng 9 năm đó ngài lên tàu ở hải cảng Marseille để đi tới miền truyền giáo được sai đến là Địa phận Tây Đàng Ngoài.
Ngày 13 tháng 10 năm 1853, ngài tới Nhà Chung Kẻ Vĩnh để trình diện Đức Giám mục của mình là Đức cha Retord Liêu, Đức cha giữ ngài lại Kẻ Vĩnh để học ngôn ngữ, ban đầu ngài nhận tên Việt Nam là Đông. Chỉ trong vài tháng, ngài đã nói tiếng Việt thông thạo và có thể phụ trách một cộng đoàn giáo dân ở gần đó. Ngài đã thành lập một nhà in chữ quốc ngữ để xuất bản các thư mục vụ và thông cáo của giám mục cũng như nhiều sách chuyên môn cần thiết cho các trường đạo.
Năm 1856, ngài được Đức cha bổ nhiệm làm bề trên Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên và dạy học cho các chú. Năm 1857, ngài được bổ nhiệm làm cha chính địa phận. Tháng 6 năm 1858, xảy ra cuộc bách hại đạo tàn khốc và quy mô theo sắc lệnh cấm đạo của vua Tự Đức nhằm vào các đạo trưởng, ngài phải ẩn mình tránh cơn bão táp này. Cùng lúc đó, một bức thư từ Pháp gửi sang mời gọi ngài trở về để làm Giám đốc Chủng viện Hội Thừa sai Paris. Đức cha Khiêm và các cha thừa sai ở Việt Nam vẫn coi ngài như một người đứng đầu xứ truyền giáo trong tương lai, nên đều mong muốn ngài ở lại Đàng Ngoài giữa lúc phong ba bão táp này, vì thế ngài đã xin được ở lại địa phận mà không phải về Pháp.
Đức cha Liêu qua đời tháng 10-1858, Đức cha phó Jeantet Khiêm lên kế vị, thì hầu như liền ngay sau đó, ngày 6-3-1859, giữa lúc cuộc bách hại vẫn còn gắt gao, Đức cha Jeantet Khiêm tấn phong giám mục cho Cha Theurel tại Kẻ Trừ (xứ Từ Châu ngày nay). Trong một bức thư gửi về Pháp, ngài kể về lễ tấn phong của ngài là: Lễ nghi chẳng có vẻ trọng thể bề ngoài như thường thấy trong các lễ tấn phong, ngài chỉ có một cây tre làm gậy, lấy giấy vàng tết một cây Thánh giá và buộc bằng sợi dây rơm để đeo, mũ cũng bằng giấy, còn găng tay thì không thể kiếm ra nổi. Lễ tấn phong kết thúc lúc 2 giờ sáng trước khi mặt trời mọc. Từ đó, với cương vị giám mục phó, ngài đã trở thành bề trên địa phận trong hoàn cảnh hết sức khó khăn của cuộc đàn áp. Ngài phải ẩn náu ở nhà những giáo dân trung thành bảo vệ mình. Tháng 2 năm 1861, Đức cha rất xúc động tiếc thương khi nghe tin người bạn thân thiết của mình là cha thánh Théophane Venard (Ven) chịu tử đạo tại Thăng Long.
Với hiệp ước Nhâm Tuất 1862, triều đình phải nhượng bộ Pháp và cơn bách hại tạm lắng. Đức cha đã tận dụng thời gian bình an này để đi dựng lại những nơi bị tàn phá trong cuộc bách hại. Ngài cùng các cố thừa sai và các linh mục Việt, sử dụng quyền tự do một cách thận trọng, đi khắp cả địa phận rao giảng, giải tội, tổ chức tĩnh tâm. Ngài cũng cố gắng hoàn thiện những bản dịch sách vở của mình cũng như viết lại cuốn từ điển mà bản thảo duy nhất trước đó đã bị những quan quân đốt trong cuộc bách hại. Trong thời gian này, ngài đổi tên Việt Nam là Chiêu.
Năm 1865, Đức cha có trở về Pháp để chữa bệnh vài tháng rồi trở lại địa phận để kế vị Đức cha Jeantet Khiêm làm Đại diện Tông Tòa ngày 24-7-1866. Thấy sức khỏe của mình suy kiệt, giữa lúc công việc lại nhiều, Ngài đã chọn Cố Puginier Phước làm giám mục phó cho mình và tấn phong cho Đức cha phó ngày 26-1-1868 tại Hoàng Nguyên. Cùng năm đó ngài vui mừng nhận được chiếu của nhà vua cho tái thiết lập lại làng Vĩnh Trị mà trước đó đã bị san bằng, bán đất xung công, dân làng bị phát lưu, phân sáp[1]. Thế là giáo dân Kẻ Vĩnh từ các nơi vui mừng trở về quê hương để cùng tái lập lại một trung tâm có từ lâu đời của địa phận. Đời sống đạo trong địa phận rất nhanh chóng được phục hồi lại, tuy không còn bị cấm đạo nữa, nhưng Đức cha cùng giáo dân vẫn phải đương đầu với phong trào Văn thân bài Pháp của những người quá khích, họ coi người có đạo là theo Pháp nên chống đối và tấn công các làng đạo.
Kiệt sức vì bao vất vả nỗ lực không ngừng nghỉ, Đức cha Theurel Chiêu qua đời ngày 3-11-1868 tại Kẻ Sở. Đức cha đã để lại hình ảnh một vị chủ chăn đầy dũng cảm, thông thái và năng động trên cánh đồng truyền giáo, một vị chủ chăn yêu thương đoàn chiên, sống chết vì đoàn chiên được trao phó.
Lm. Tô-ma Aquino Nguyễn Xuân Thủy
Trích Nội san Nhà Chung, Số 12 (tháng 01/2024)
Đọc thêm:
Đức cha Edme Bélot – Vị Giám mục Đại diện Tông Toà thứ hai của Địa phận Tây Đàng Ngoài (1714 – 1717)
Đức cha Louis Néez – Đại diện Tông Tòa coi sóc Địa phận Tây Đàng Ngoài từ 1738 đến 1764
Đức Giám mục Bertrand Reydellet – Đại diện Tông Tòa tại Địa phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1764 đến 1780
Đức cha Jean Davoust – Đại diện Tông Tòa tại Địa phận Tây Đàng Ngoài từ 1780 đến 1789
Đức cha Joseph Havard Du – Đại diện Tông Tòa ở Tây Đàng Ngoài từ 1831 đến 1838
Đức cha Pierre André Retord Liêu – Giám mục Đại diện Tông tòa Địa phận Tây Đàng Ngoài từ 1838-1858
Đức cha Charles Jeantet Khiêm – Đại diện Tông tòa tại Tây Đàng Ngoài từ 1858 đến 1866
[1] Phân sáp: chính sách của triều đình nhà Nguyễn phân tán giáo dân và bắt sáp nhập vào các làng ngoại đạo.
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org