Nhà thờ Kẻ Sở *
Nhà thờ Kẻ Sở xưa là Nhà Thờ Chính Tòa của địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm. Khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 10 năm 1877 và khánh thành vào tháng 1 năm 1883, dưới sự chỉ đạo của Đức Cha Puginier Phước (1835 – 1892).
Với kích thước dài 67m20, rộng 31m20, cao 23m20, nhà thờ có 5 lòng, gồm 9 gian, 4 hàng cột, trần hình cung nhìn cao vút theo kiến trúc Gô-tích. Giống như hầu hết các kiến trúc nhà thờ ở tây phương, nhà thờ này cũng có các ô cửa kính màu vẽ các thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh. Bàn thờ sơn son thiếp vàng. Vách quanh bàn thờ trang trí bằng gỗ chạm rất tỉ mỉ.
Nhà thờ được xây trên một cái đầm, bên dưới có một nền bằng các phiến gỗ lim. Do nhà thờ quá nặng nên theo dòng thời gian đã lún dần và lún đều, nay trông như thấp hơn các nhà xung quanh khoảng 1 mét. Khuôn viên xung quanh nhà thờ rộng khoảng 9 hecta.
Ngọn tháp cao 27m, treo bốn quả chuông. Quả lớn nhất nặng 2.461kg, quả nhỏ nhất là 318kg. Vào ngày lễ, người ta phải huy động đến cả chục thanh niên trai tráng đến kéo bốn quả chuông này. Quả chuông lớn được người dân ở đây gọi là chuông “Bồng” (phiên âm từ tiếng Pháp: Bourdon).
Nhà thờ Kẻ Sở nằm cách thị trấn Phủ Lý – tỉnh Hà Nam khoảng 5 km và cách Hà Nội khoảng 65 Km về phía Nam. Mặt tiến nhà thờ có đồng hồ với tiếng chuông điểm giờ, khi chuông vang lên cả thị trấn đều nghe rõ. Trên cung thánh có mộ các Đức cha: Retord Liêu (1803 – 1858), Theurel Chiêu (1829-1868), Puginier Phước (1835 – 1892) và Gendreau Đông (1850 -1935).
Giáo xứ Kẻ Sở ngày nay gọi là Sở Kiện, vì bao gồm hai làng Sở và làng Kiện hợp lại. Dân làng Sở làm nghề nông nghiệp còn dân làng Kiện sống ở thị trấn Kiện Khê, với nghề buôn bán và chẻ đá nung vôi. Ngày này đời sống ở đây đã từng bước đi vào công nghiệp hóa do có nhiều nguồn đầu tư của các nhà máy khai thác đá và xi-măng.
Kẻ Sở xưa kia không những là thủ phủ hành chánh về mặt tôn giáo cho toàn Địa Phận Tây Đàng Ngoài, mà còn là một trung tâm văn hóa công giáo cho cả Đàng Ngoài qua hai sinh hoạt độc đáo: Nhà In và Đại Chủng Viện.
Nhà In
Theo lược tính, Nhà In Kẻ Sở từ khi được thành lập đã xuất bản trên 100 đầu sách thuộc đủ loại : học tiếng Pháp, học tiếng La-tinh, triết học, thần học, giáo sử, sách kinh, phụng vụ, Kinh Thánh…Ngoài ra Nhà In còn xuất bản các loại sách giáo khoa dùng cho các trường học liên quan đến các bộ môn như: vật lý học, văn chương, văn phạm, toán học, địa lý.
Từ khi có Nhà In, Tòa Giám Mục Kẻ Sở đã không chỉ sử dụng phương tiện này để truyền bá Tin mừng mà còn để phổ biến kho tàng văn hóa và văn minh nhân loại cho dân tộc Việt Nam.
Đại Chủng Viện
Vào năm 1897, Tràng lý đoán Kẻ Sở chính thức được thiết lập để giúp vào việc đào tạo các linh mục cho Địa phận Tây Đàng Ngoài cho đến lúc chuyển lên Hà Nội vào năm 1934. Theo sử liệu thì vào ngày 31 tháng 3 năm 1935, vẫn còn lễ truyền chức cho 6 linh mục, 1 thầy phó tế, 7 phụ phó tế, 20 chức nhỏ và 4 chức cắt tóc. Sau 40 năm hoạt động, Đại chủng viện đã làm tròn nhiệm vụ cao cả là đào tạo biết bao linh mục và giám mục cho Địa phận Tây Đàng Ngoài nói riêng và cho Giáo Hội tại Việt Nam nói chung.
Sở Kiện hôm nay
Vào những năm 1934 – 1936, Nhà Thờ Chính Tòa được chuyển lên Hà Nội, nên nhà thờ Sở Kiện không còn là Nhà Thờ Chính Tòa và sau đó chỉ còn là nhà thờ của giáo xứ Sở Kiện. Đại Chủng Viện và Tòa Giám Mục cũng dời về Hà Nội. Sở Kiện không còn đóng vai trò trung tâm của Tổng Giáo Phận Hà Nội nữa, quần thể Sở Kiện không có ai coi sóc thường xuyên nên xuống cấp theo dòng thời gian.
Sau này, Nhà thờ Sở Kiện đã được Tổng Giáo Phận cho trùng tu lần đầu vào năm 1990. Vào năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ định Sở Kiện là Trung tâm Hành hương các Thánh Tử Đạo của Tổng Giáo Phận Hà Nội và đệ trình văn thư xin Thánh Bộ Phụng Tự nâng nhà thờ này lên tiểu Vương Cung Thánh Đường.
Năm 2010, kỷ niệm 350 năm truyền giáo và 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, Sở Kiện đã được chọn là nơi tổ chức Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010, diễn ra vào ngày 24 tháng 11 năm 2009, một sự kiện đã làm cho Sở Kiện đi vào trang lịch sử hào hùng của Giáo Hội tại Việt Nam.
Tiếp đến, từ ngày 1- 6 tháng 6 năm 2010, tại Trung tâm Sở Kiện đã diễn ra ngày ” Hội ngộ linh mục Giáo tỉnh Hà Nội Năm Thánh 2010″, quy tụ gần 820 linh mục đến từ 10 giáo phận của Miền Bắc. Sở Kiện tiếp tục trở thành điểm hẹn cho một ” cuộc lên đường mới với lòng nhiệt thành và những dự phóng mục vụ mới được gợi hứng do Chúa Thánh Thần” (trích Kỷ yếu hội ngộ linh mục Giáo tỉnh Hà Nội) của các vị mục tử trong sứ mạng dẫn dắt đoàn chiên của Chúa tiến vào công cuộc truyền giáo mới của Giáo Hội.
Sau khi nhận được sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã gửi thư ngỏ mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội chung tay góp phần trung tu ngôi nhà thờ tại Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo Sở Kiện để xứng đáng cho ngày công bố Tiểu Vương Cung Thánh Đường vào đúng lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12/2011).
Cụ thể, vào ngày Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên Trời – 15 tháng 8 năm 2011, các giáo xứ và giáo họ trong toàn TGP đã dâng lời cầu nguyện và quyên góp tiền để giúp cho việc trung tu được hoàn thành đúng với thời gian của ngày lễ công bố quyết định của Tòa Thánh về việc nâng Ngôi Thánh Đường Sở Kiện thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường.
Sau khoảng thời gian tám tháng thực hiện việc trùng tu ngôi thánh đường Sở Kiện, việc trùng tu đã hoàn thành giai đoạn I để sẵn sàng cho ngày đại lễ. Những hạng mục được trùng tu bao gồm: Trần nhà thờ và tường bên trong nhà thờ được trát và quét sơn màu sáng. Sơn son thiếp vàng các bức họa bằng gỗ và bàn thờ chính. Các cửa kính của nhà thờ được thay bằng kính màu. Bàn thờ tế lễ được làm bằng đá với bức phù điêu “Chúa Giêsu với hai môn đệ Emmaus” bằng đồng được đặt giữa Cung thánh. Hệ thống âm thanh và đèn chiếu sáng cũng đã được lắp đặt hoàn hảo. Công việc cuối cùng là lát lại nền nhà thờ và sắp đặt ghế ngồi đã hoàn thành.
Trong những ngày này, mọi việc chuẩn bị cho ngày đại lễ đã hoàn tất. Các thành phần Dân Chúa trong Tổng Giáo Phận đang hồi hộp chờ đợi đến giờ phút chính thức công bố sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự. Thời điểm lịch sử này sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 8 tháng 12 năm 2011, ngày đại lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
*Tham khảo “25 Giáo phận Việt Nam”, Lm Trần Phúc Long.