Cố chính Albert Schlicklin Linh (1857-1932) – Người đầu tiên dịch toàn bộ Kinh Thánh sang chữ quốc ngữ

Ngày nay, mỗi khi có những cuộc hội thảo về công việc dịch Kinh Thánh, người ta thường nhắc tới bộ Kinh Thánh Cựu – Tân ước tiếng Việt đầu tiên của Cố chính Linh. Tổng Giáo phận Hà Nội rất tự hào vì ngài chính là linh mục của mình.

Cố chính Linh tên thật trong sổ Rửa tội là Albert Schlicklin sinh ngày 12 tháng 11 năm 1857 tại làng Liebsdort, Giáo phận Strasbourg, miền Đông Bắc nước Pháp, giáp biên giới Thuỵ Sỹ. Khi nhỏ, học trường nhà xứ, cậu Albert đã tỏ ra thông minh đặc biệt, cha xứ gửi cậu lên học tại Tiểu Chủng viện, cậu tỏ ra rất ham học, chăm chỉ và có khả năng, nhất là các môn khoa học và tiếng La-tinh.

Sau cuộc chiến tranh giữa Pháp và Đức năm 1870, vùng Alsace quê hương của Albert thuộc về nước Đức, gia đình cậu vẫn ở lại đây. Năm 1876, Albert được gửi lên học Đại Chủng viện Strasbourg, nơi thầy chứng tỏ là một người trung thành lý tưởng muốn trở thành linh mục với những khả năng chịu khó học hỏi nghiên cứu các môn học của Giáo Hội, thậm chí cả các môn về y khoa. Thầy lấy bằng tiến sĩ Thần học ở Đại học Insbruck của Áo.

Ngay sau khi chịu chức linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1884, cha Albert đã xin gia nhập Hội Thừa sai Paris ngày 29 tháng 10, với mong muốn được đi truyền giáo. Ở Paris cha học thêm một năm ở Học viện Công giáo Paris[1], sau đó được sai đi tới xứ truyền giáo ở Địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Cha lên đường đến xứ truyền giáo của mình ngày 2 tháng 12 năm 1985.

Đến Hà Nội vào tháng Giêng năm 1986, ngài được Đức cha Phước đón tiếp tại ngôi nhà trụ sở của Đức cha cạnh Nhà Thờ Lớn đang xây dựng, rồi đưa ngài về gặp các cha ở Kẻ Sở. Sau đó Đức Cha gửi ngài về xứ Kẻ Sét để học tiếng Việt. Ở đây giáo dân gọi ngài với tên Việt là cố Linh. Năm 1892, Đức cha Đông đặt cố Linh làm thư ký và quản lý của Hội Thừa Sai. Năm 1900, Đức cha đặt ngài làm Cha chính Địa phận và trở thành cánh tay phải của Đức cha. Ngài đảm trách nhiều trọng trách liên quan đến chức vụ của mình như: Điều tra hồ sơ về các Đấng Tử Đạo, soạn thảo các văn bản chính thức và là cố vấn cho Đức cha v.v… Năm 1905, ngài được đặt làm Bề trên Đại Chủng viện Kẻ Sở, trách nhiệm này rất phù hợp với năng khiếu nghiên cứu và kiến thức thần học của cha, mà ở đây cha đã trải qua 20 năm hạnh phúc nhất vì những cống hiến của mình trong việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương. Ngài đã nghiên cứu và viết nhiều sách chuyên đề về Thần học Tín lý, về triết học, nhưng đáng kể nhất là phải nói tới công trình dịch toàn bộ Kinh Thánh Cựu Tân ước sang tiếng Việt, đây được kể như bộ Kinh Thánh tiếng Việt đầu tiên.

Vào thời gian này, Địa phận cũng lập một nhà thương ở Kẻ Sở và giao cho các sơ Saint Paul de Chartres phụ trách, Cố chính Linh, một cựu sinh viên y khoa, cũng tham gia vào việc chăm sóc những bệnh nhân nghèo.

Năm 1914, cuộc Thế chiến lần thứ nhất nổ ra, Đức và Pháp ở hai phe chiến tuyến. Cố chính Linh xuất thân từ vùng Alsace nên mang quốc tịch Đức, vì thế ngài bị chính quyền Pháp buộc phải lên Hà Nội cư trú, nhưng một thời gian sau người ta cũng cho Cố được trở về nhiệm sở của mình.

Vào tháng 6 năm 1922, sức khỏe của Cố chính Linh bắt đầu suy nhược, ngài phải sang Hồng Kông dưỡng bệnh. Sau một thời gian tình trạng sức khỏe phục hồi một chút, bề trên  Hội Thừa sai có ý định cử ngài sang Penang (Malaysia) để điều hành trường Chủng viện chung của cả vùng châu Á thuộc Hội Thừa sai Paris phụ trách. Tháng 6 năm 1923 ngài trở về Hà Nội để chuẩn bị đi nhận nhiệm sở mới, nhưng tháng 7 năm đó, ngài lại tỏ ra mệt mỏi, xuống sức. Bề trên cho ngài nghỉ công việc ở Chủng viện để ra làm mục vụ ở giáo xứ cho thay đổi không khí. Tháng 8 năm 1926, cảm thấy tình hình sức ngài càng ngày càng xấu đi, Đức cha gửi ngài về Pháp. Đức cha Guébriant, Bề trên Hội Thừa Sai Paris nhờ ngài đi giảng về công việc truyền giáo của Hội ở vùng Alsace quê hương ngài để kêu gọi tinh thần truyền giáo. Ngài đã tổ chức các cuộc hội thảo bằng tiếp Pháp và tiếng Đức để mọi người biết đến nhu cầu truyền giáo trong Giáo Hội ở Á châu. Đức cha cũng nghĩ rằng có lẽ khí hậu ở miền Nam nước Pháp sẽ tốt cho sức khoẻ của ngài hơn nên định để ngài dạy họ  ở chủng viện Bel-Air, nhưng sau Cố chính Linh cảm thấy mình không thể đảm đương được công việc này, ngài ở lại Marseille phục vụ giáo dân trong hai năm.

Mặc dù vẫn còn yếu, ngài vẫn quyết tâm trở lại Địa phận Kẻ Sở vào tháng 1 năm 1930, sau đó ngài ở lên Hà Nội và làm tuyên uý cho Nhà Kín Carmel, mở các khóa giáo lý hôn nhân, giảng tĩnh tâm và làm linh hướng cho nhiều người nên cũng khá bận rộn. Nơi ngài toát lên một tình yêu với sách vở và kiến thức nên đã viết nhiều tác phẩm uyên bác, trước hết là cho chủng sinh học, ngài vừa là dịch giả, vừa thích ứng trình bày tiếng Việt phù hợp, điều đó đòi hỏi một kiến thức uyên thâm, hiểu biết thông thạo ngôn ngữ, tính sáng tạo, kiên trì nghiên cứu và can đảm đi tiên phong trong công việc đòi hỏi kỹ thuật này nhưng vẫn gần gũi với ngôn ngữ của mọi thành phần dân Chúa, tạo nên một tên tuổi nhà dịch thuật đáng kính mà các thế hệ sau đều biết đến và kính trọng đánh giá cao.

Ngài qua đời tại Hà Nội ngày 2 tháng 3 năm 1932 một cách êm ái, hầu như không có bệnh tật gì, giống như ngọn đèn hết dầu, ngài tắt thở sau tất cả những nỗ lực hy sinh, làm việc quên mình để mang lại ơn Chúa cho xứ truyền giáo thân yêu của mình.

(Dựa theo hồ sơ các Thừa sai của MEP số 1680)

Lm. Tô-ma A-qui-nô Nguyễn Xuân Thủy

Trích “Nội san Nhà Chung” – Số 20

________

[1] Institut Catholique de Paris

Nguồn: TGP Hà Nội

Translate »
Lên đầu trang