Đức Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn
Tham dự đêm canh thức Giáng sinh vừa qua, tại Giáo xứ Thượng Thụy nơi có nhà Hưu dưỡng linh mục, tấm phông lớn trước Nhà thờ với hàng chữ “Cùng Hài Nhi Giê-su – Dân Chúa canh tân đời sống Phụng vụ”, khơi dậy trong tôi chủ đề “Phụng vụ” trong bối cảnh Hội Thánh đã bước vào “Năm Thánh 2025”. Xin được tản mạn về hai chủ đề này để góp phần nhỏ vào “Hành trình Năm Thánh 2025.”
Trước hết là vẻ đẹp của phụng vụ vốn là nét đặc sắc lâu đời của Đạo chúng ta. Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta được sống trong kho tàng phong phú để nuôi dưỡng đức tin và đời sống Ki-tô hữu trên đường lữ hành. Nói như thế nhằm “làm nổi bật sự nối kết giữa quy luật cầu nguyện (lex orandi) và quy luật đức tin (lex credendi), và nhấn mạnh vị trí hàng đầu của hành động phụng vụ (actiones liturgicae). Thánh Thể cần được cảm nghiệm như một mầu nhiệm đức tin, được cử hành một cách chân thực và với một ý thức rõ ràng rằng “sự hiểu biết của đức tin (intellectus fidei) liên hệ chặt chẽ với hành động phụng vụ của Hội Thánh”. Trong lãnh vực này, suy tư thần học không bao giờ có thể bỏ qua trật tự bí tích do chính Chúa Giê-su thiết lập. Mặt khác, không quan tâm đến mầu nhiệm đức tin thì hành động phụng vụ cũng không thể có được cái nhìn bao quát. Đức tin của chúng ta và phụng vụ Thánh Thể, cả hai đều bắt nguồn từ cùng một biến cố: đó là Đức Ki-tô tự hiến chính mình trong Mầu nhiệm vượt qua” (x. Đức Bênêđictô XVI, tông huấn Sacramentum Cartitatis ngày 02-02-2007, s. 34).
Bí tích Thánh Thể được cử hành hằng ngày là nguồn mạch, sự sống và cao điểm của đời sống các Ki-tô hữu và cả Hội Thánh. “Việc cử hành phụng vụ mà Hội Thánh mong muốn, và chính bản chất việc cử hành đòi hỏi, lại cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của dân Ki-tô, phát xuất từ bí tích Thánh Tẩy, để khuyến khích việc tham dự ý thức, tích cực và đầy đủ của các tín hữu, nghĩa là tham dự với cả xác hồn, với lòng tin, cậy, mến nồng nàn” (QCTQ/SLR 2002, số 18). Mỗi người tín hữu trong ơn gọi và tác vụ của mình đều được mời gọi tham dự vào phụng vụ “một cách tích cực, ý thức, hữu hiệu và sốt sắng” (Hiến chế về Phụng vụ thánh, s. 48).
Chúng ta cũng cần hồi tâm để nhìn lại cách thức tham dự và cử hành của chính mình. Đến với bí tích Thánh Thể, “mầu nhiệm đức tin”, chúng ta đã biểu lộ một lòng tin chân thực và sâu xa trước mầu nhiệm được cử hành chưa? Cám dỗ bởi thời gian và ngoại cảnh, cùng với các phương tiện truyền thông trong thế giới hôm nay, đôi khi làm cho chúng ta, người tham dự cũng như tác viên cử hành xao lãng. Hãy ghi nhớ, trước mầu nhiệm, con người cần kính cẩn chiêm ngắm, thờ lạy Đấng đã yêu thương đang hiện diện, tuy mắt phàm không thấy. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Phụng vụ thánh đã dạy: “Chúa Ki-tô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, không những trong con người của thừa tác viên, vì “như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục”, nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể. Người hiện diện thật trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai rửa tội thì chính là Chúa Ki-tô rửa. Người hiện diện thật trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: “Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20)” (số 7).
Trước đây, cho tới năm 1970, khi canh tân phụng vụ theo Nghị quyết của Công đồng Vatican II, cung thánh được tách riêng với cộng đoàn phụng vụ bởi hàng rào và câu lơn, dễ đưa người đi vào nhà thờ hướng tới bầu khí linh thánh… Nay “Cung thánh là nơi đặt bàn thờ, nơi công bố lời Chúa, và là nơi linh mục, phó tế và các thừa tác viên khác thi hành phận vụ. Cung thánh phải được tách biệt cách thích hợp khỏi lòng nhà thờ, bằng cách được nâng cao hơn, hoặc nhờ một cấu trúc và sự trang trí đặc biệt. Cung thánh phải rộng rãi đủ để việc cử hành Thánh Thể có thể diễn tiến và được nhìn thấy cách dễ dàng (QCTQ/SLR 2002 s. 295).” Khác biệt này có thể tạo nên sự gần gũi nhưng dễ làm con người đánh mất ý thức về sự linh thánh …
Cùng với cả Hội Thánh, chúng ta đang hân hoan sống trong hồng ân mừng Năm Thánh 2025, và trong Năm Thánh có ân xá với các điều kiện thông thường xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng và dứt khoát mọi nghiêng chiều tội lỗi, dẫu là tội nhẹ, khi làm những việc có ân xá.
Xin được trích lại bài viết của Cha Giu-se Phạm Đình Ái về các điều kiện thông thường cho việc lãnh ân xá https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cac-dieu-kien-de-lanh-nhan-an-xa-46688 ngày 25-10-2022:
1. Xưng tội
Việc xưng tội ở đây được hiểu là trực tiếp đến tòa giải tội để lãnh nhận Bí tích Giao Hòa (SBAX, “Quy Chế”N. 20 §2). Dẫu rằng việc ăn năn tội cách trọn rất đáng ca ngợi, nó giúp chúng ta chống lại khuynh hướng nghiêng về đàng tội, và khi được thực hiện với lòng thành, sẽ làm tâm hồn chúng ta trở nên trong trắng, nhưng hành vi này không đáp ứng yêu cầu là lãnh nhận Bí tích Hòa Giải thì mới được hưởng ơn toàn xá. Thời điểm xưng tội có thể diễn ra trước hoặc sau dịp lãnh nhận ân xá vài ngày (SBAX, “Quy Chế”N. 20 §3). Chính hạn từ “vài ngày” dẫn đến sự cắt nghĩa chủ quan và sai chệch của một số người về thời hạn xưng tội. Chúng ta phải dựa vào hướng dẫn của Hội Thánh: Trước đây, luật cũ định là trước hoặc sau 8 ngày (BGL [1917] 931 §1). Còn theo chỉ dẫn của Tòa Ân Giải Tối Cao ngày 29-01-2000, việc xưng tội phải diễn ra “trong vòng khoảng 20 ngày trước hoặc sau hành vi lãnh nhận ân xá”. Như vậy, những ai xưng tội hằng tháng coi như đã thỏa mãn đòi hỏi này vì trước hoặc sau 20 ngày của hành vi lãnh nhận ân xá sẽ lên đến 40 ngày, tức là đủ điều kiện về xưng tội để lãnh ơn toàn xá cho mọi ngày.
2. Rước lễ
Rước lễ ở đây phải là rước lễ Bí tích chứ không phải rước lễ thiêng liêng và cũng không phải là rước lễ cách bất xứng/phạm thánh, nhưng là rước lễ trong tình trạng ân sủng (GLCG 1385, 1475) “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể” (BGL 916). Tốt nhất việc rước lễ được thực hiện mỗi ngày / cùng ngày khi lãnh nhận ân xá. Tuy nhiên, cũng như việc xưng tội, thời điểm chịu lễ có thể diễn ra trước hay sau hành vi / dịp được ơn toàn xá một số ngày, theo quyết định của Tòa Ân Giải Tối Cao hiện nay, là trong vòng khoảng 20 ngày trước hoặc sau hành vi / công việc kèm theo lãnh nhận ân xá.
Lưu ý 1: Bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn việc xưng tội và rước lễ cho những người không thể tuân giữ được vì những lý do bất khả kháng (chẳng hạn như ở quá xa nhà thờ, hoặc đau ốm bệnh tật…). Những người này phải dốc lòng ăn năn tội, cùng có ý hướng xưng tội và rước lễ sớm nhất có thể (SBAX, “Quy Chế” N. 25).
3. Cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng
Đối với điều kiện này, thứ nhất, chúng ta không cần thiết phải biết tường tận và chi tiết ý nguyện của ĐGH là gì; thứ hai, Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy chế và Ân ban hướng dẫn rõ rằng cầu nguyện theo ý ĐGH được diễn tả bằng việc đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng là đủ, nhưng vì lòng đạo đức mà đọc thêm những kinh khác cũng là điều tốt (SBAX, “Quy Chế”N. 20 § 5); thứ ba, hiện nay Hội Thánh không đòi hỏi một tư thế đặc biệt nào khi đọc kinh cầu nguyện theo ý ĐGH nữa.
Lưu ý 2: “Quy chế” số N. 19 trong “Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy chế và Ân ban” cho biết: Việc làm để lãnh ơn toàn xá liên hệ tới nhà thờ hay nhà nguyện thì gồm hành vi kính viếng nhà thờ / nhà nguyện, đồng thời nguyện cầu một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, trừ khi có chỉ dẫn khác. Đây là việc làm được chỉ định của ơn toàn xá. Còn việc cầu nguyện theo ý ĐGH thì vẫn phải thi hành, không nên hiểu cách khác và không được tự miễn. Nhiều người nhầm lẫn việc cầu nguyện theo ý ĐGH là đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính. Trong tất cả các ấn bản của cuốn “Sổ Bộ Các Ân Xá: Quy chế và Ân ban” được công bố / xuất bản sau Công Đồng Vatican II (lần thứ I vào tháng 6/1968; lần thứ II vào tháng 10/1968; lần thứ III vào năm 1986 (18/05/1986) và lần thứ IV vào năm 1999 (16/07/1999), không có bản văn nào ghi rằng cầu nguyện theo ý ĐGH thì đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính cả, nhưng đều ghi là được hoàn thành bằng việc đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng.
Lưu ý 3: Ba điều kiện xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH, có thể làm trước, hoặc sau mấy ngày của ngày làm việc có ơn toàn xá. Tuy nhiên, Rước Lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH nên cùng ngày với ngày làm việc của ơn toàn xá (SBAX, “Quy Chế” N. 20 § 3). Nếu việc thực hiện ơn toàn xá thiếu hoàn hảo, hoặc nếu việc làm và ba điều kiện vừa nêu không trọn vẹn, thì chỉ còn là ơn tiểu xá/ơn phần xá (Ibid., N. 20 § 4). Chỉ một lần xưng tội là đủ cho việc lãnh nhận một số các ơn toàn xá, còn rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH thì phải thực hiện cho mỗi lần lãnh ơn toàn xá (Ibid., N. 20 § 2).
4. Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội, dù là tội nhẹ
Đây là đòi hỏi được xem là khó khăn nhất trong tất cả những điều kiện cần thiết để hưởng ơn toàn xá. Cần lưu ý rằng thoát khỏi mọi tội lỗi và dứt bỏ lòng quyến luyến các tội là hai điều rất khác nhau. Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội không phải là thoát khỏi mọi tội, mà là không có tội nào mà linh hồn không muốn xa tránh hoặc không sẵn sàng từ bỏ chúng. Người dứt bỏ lòng quyến luyến các tội vẫn có thể sẽ phạm tội, điều quan trọng là tỏ ra thực sự ghét tội, thực lòng sám hối ăn năn lập tức về những yếu đuối tội lỗi của mình, kể cả những tội nhẹ nhất, tìm kiếm và đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội không chỉ dừng lại ở cam kết và tìm cách tránh xa tội lỗi, dù là tội nhẹ, vì chúng chống lại sự thiện hảo vô cùng của Thiên Chúa. Đó chỉ là bước đầu. Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội đòi hỏi phải loại trừ mọi nuông chiều hướng về tội và không tự mở đường cho tội hoành hành dưới bất cứ điều kiện nào. Tất cả hành xử này phát xuất từ lòng kính sợ Chúa, ước muốn làm đẹp lòng Chúa, khao khát phụng sự Chúa mạnh mẽ đến độ vượt lên trên sức hút của cám dỗ phạm tội, và không muốn bản thân quay về với đường xưa lỗi cũ mà làm mất lòng Chúa nữa. Khi gặp cám dỗ, nếu đầy quyết tâm và nhiều kháng cự, thì với ơn Chúa giúp, cám dỗ sẽ bị trục xuất. Đó là sự thể hiện lòng không quyến luyến với tội lỗi. Tóm lại, mặc dù vẫn có thể phạm tội, hoặc bị nghiêng chiều về tội lỗi thường xuyên, nhưng bao lâu tâm hồn không dính mắc vào tội lỗi hoặc không còn mong muốn phạm tội với động cơ là kính mến Chúa trên hết mọi sự, chúng ta được coi là dứt bỏ lòng quyến luyến các tội.
Với Năm Thánh 2025, Tòa Ân Giải Tối Cao ban hành quy định về việc ban ân xá:
(…)
III.- Trong công việc của lòng thương xót và sám hối
Hơn nữa, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá Năm Thánh nếu, với tâm hồn đạo đức, họ tham gia vào các hoạt động truyền giáo bình dân, linh thao hoặc các cuộc gặp gỡ huấn luyện về các tài liệu của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, được tổ chức tại một nhà thờ hoặc một nơi nào khác thích hợp, theo ý của Đức Thánh Cha.
Bất chấp quy định về việc chỉ được lãnh một ơn toàn xá mỗi ngày (xem Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 18, § 1), các tín hữu thực thi hành động bác ái vì lợi ích các linh hồn trong Luyện ngục, nếu lãnh nhận bí tích Thánh Thể lần thứ hai trong cùng một ngày một cách hợp pháp, thì họ sẽ có thể lãnh ơn Toàn xá hai lần trong cùng một ngày, chỉ dành cho những người đã qua đời (điều này được hiểu là trong bối cảnh cử hành Thánh Thể; xem điều 917 và Ủy ban Giáo hoàng giải thích có thẩm quyền về Giáo luật, Trả lời cho sự nghi ngờ, 1, 11 tháng 7 năm 1984). Qua việc trao hiến kép này, tín hữu thực hiện một hành động đức ái siêu nhiên đáng ca ngợi, vì mối liên kết qua đó các tín hữu còn lữ hành trên trần thế được kết hợp với Thân Mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô, cùng với những người đã hoàn tất cuộc hành trình của mình, nhờ thực tế là “ân xá Năm Thánh, bởi sức mạnh của lời cầu nguyện, được dành một cách đặc biệt cho những người đi trước chúng ta, để họ có thể nhận được lòng thương xót trọn vẹn” (Spes non confundit, 22).
Nhưng, một cách đặc biệt hơn, chính “trong Năm Thánh, chúng ta sẽ được mời gọi trở thành những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho nhiều anh chị em đang sống trong điều kiện khó khăn” (Spes non confundit, 10): Do đó, Ân Xá cũng được đi kèm với các công việc của lòng thương xót và sám hối, qua đó thực hiện việc hoán cải. Các tín hữu, theo gương và mệnh lệnh của Chúa Kitô, được khuyến khích thực hiện các công việc bác ái hoặc lòng thương xót thường xuyên hơn, chính yếu là để phục vụ những anh chị em đang bị đè nặng bởi nhiều nhu cầu khác nhau. Một cách cụ thể hơn, họ tái khám phá “các việc của lòng thương xót thể xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, tiếp đón người lạ, giúp đỡ người bệnh, thăm tù nhân, chôn cất kẻ chết” (Misericordiae vultus, 15) và cũng tái khám phá “các việc của lòng thương xót thiêng liêng: khuyên nhủ kẻ ngờ vực, dạy dỗ kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, tha thứ kẻ xúc phạm, chịu đựng kẻ làm phiền, cầu nguyện với Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết” (ibid.).
Tương tự như vậy, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá nếu họ đến thăm vào một khoảng thời gian thích hợp những anh chị em đang gặp khó khăn hoặc túng thiếu (người bệnh, tù nhân, người già cô đơn, người khuyết tật…), như thể thực hiện một cuộc hành hương đến với Chúa Kitô hiện diện trong họ (xem Mt 25,34-36) và tuân theo các điều kiện thiêng liêng, bí tích và cầu nguyện thông thường. Chắc chắn, các tín hữu sẽ có thể lặp lại những chuyến viếng thăm này trong Năm Thánh, nhận được ơn toàn xá cho mỗi cuộc viếng thăm, thậm chí hàng ngày.
Ơn Toàn xá Năm Thánh cũng có thể nhận được thông qua các sáng kiến thực hiện một cách cụ thể và quảng đại tinh thần sám hối như tinh thần của Năm Thánh, đặc biệt là tái khám phá giá trị sám hối của ngày Thứ Sáu: tiết độ, trong tinh thần sám hối, ít nhất là trong suốt một ngày, khỏi những phân tâm vô ích (thực cũng như ảo, chẳng hạn do phương tiện truyền thông và mạng xã hội gây ra) và khỏi sự tiêu dùng dư thừa (ví dụ bằng cách ăn chay hoặc kiêng thịt theo các quy tắc chung của Giáo hội và các quy định của các Giám mục), cũng như bằng cách quyên góp một khoản tiền tương ứng cho người nghèo; hỗ trợ các công việc có tính chất tôn giáo hoặc xã hội, đặc biệt là ủng hộ việc bào chữa và bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn và chất lượng cuộc sống, của trẻ em bị bỏ rơi, thanh thiếu niên gặp khó khăn, người già neo đơn hoặc túng thiếu, người di cư từ nhiều quốc gia khác nhau “những người rời bỏ vùng đất của mình để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình của họ” (Spes non confundit, 13); dành một phần hợp lý thời gian rảnh của mình cho các hoạt động tình nguyện được cộng đồng quan tâm hoặc cho các hình thức dấn thân cá nhân tương tự khác.
Là “những người lữ hanh của niềm hy vọng” chúng ta hân hoan bước vào Năm hồng phúc và cầu chúc cho nhau tràn đầy phúc lành và bình an.
Nguồn: TGP Hà Nội