“HẠT GIỐNG ĐỨC TIN
DI SẢN QUÝ BÁU CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM ĐÃ ĐỂ LẠI”
Lược sử Giáo xứ Sở Kiện – nơi lưu giữ truyền thống Đức tin
Nằm cách Hà Nội khoảng 65km về phía Nam, Sở Kiện xưa vốn là giáo xứ Chính tòa của Giáo phận Tây Đàng Ngoài.
Hiện nay, Giáo xứ Sở Kiện có 5.133 giáo dân, với 8 họ đạo.
Giáo xứ Sở KiệnNhà thờ Sở Kiện
Tiểu Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Sở Kiện – Ngôi Thánh đường với hơn 140 năm lịch sử
Tin Mừng được gieo xuống mảnh đất truyền giáo Sở Kiện từ rất sớm, có thể nói, từ thời kỳ đầu Đàng Ngoài được đón nhận Đức tin. Đến năm 1827, Kẻ Sở đã trở thành một trong những giáo xứ lớn của giáo phận Đàng Ngoài do cha thừa sai Journoud cai quản. Tới năm 1855, Kẻ Sở đã là một trong những nơi đào tạo các chủng sinh và linh mục cho giáo phận.
Sau Hòa ước Nhâm Tuất giữa quân Pháp và Triều đình nhà Nguyễn thời Vua Tự Đức năm 1862 cơn bách hại đạo tạm lắng. Tòa Giám mục Địa phận Tây Đàng Ngoài chuyển về Sở Kiện. Từ đó, Nhà thờ Sở Kiện trở thành Nhà thờ Chính Tòa và trung tâm của Địa phận.
Ngày 25 tháng 10 năm 1877, Đức cha Puginier Phước cho khởi công xây dựng nhà thờ Chính Tòa Sở Kiện và hoàn thành tháng 1 năm 1883. Nhà thờ Sở Kiện có chiều dài 67m, rộng 32m, trần cao 23 m, tháp chuông cao 27m. Trên tháp chuông này treo 4 quả chuông lớn được đúc bên Pháp với quả chuông “Bồng” lớn nhất là gần 2,5 tấn. Với kích thước đồ sộ của nhà thờ, lại được xây dựng trên khu vực xưa kia là đầm lầy, các cụ truyền lại rằng phần nền móng được các đấng lót bằng nhiều phiến gỗ lim dày xếp đan thành nhiều lớp. Hơn nữa, những dãy nhà xung quanh nhà thờ (dùng cho việc học giáo lý và mục vụ, xưa kia là nơi cho giáo dân phương xa về có chỗ nghỉ chân) cũng là một phần kết cấu của quần thể kiến trúc nhà thờ để tạo nên sự cân đối trọng lực và chống sụt lún. Phần kiến trúc bên ngoài nhà thờ hiện nay vẫn nguyên vẹn chưa sửa chữa gì và mang đậm nét cổ kính và dấu tích thời gian.
Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic với mái vòm nhọn, hút ánh nhìn lên cao và giúp người giáo dân dễ dàng nâng tâm hồn mình lên với Chúa khi bước vào. Lối kiến trúc này kết hợp với bàn thờ được sơn son thếp vàng mang đậm nét Á Đông rất hài hòa giúp cho người giáo dân Việt Nam có cảm giác gần gũi và thân quen khi bước vào thánh đường. Nhà thờ cũng có 4 bàn thờ phụ trong đó bàn thờ cạnh bên phải được đặt là bàn thờ tôn kính các Thánh Tử Đạo với 41 Thánh tích của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trong Nhà thờ hiện còn giữ Tòa giảng cũ ở gian giữa nhà thờ và một cây Đại phong cầm (đáng tiếc là qua thời gian bị hư hại và chưa có điều kiện phục hồi để sử dụng).
Trên gian cung thánh nhà thờ hiện nay là nơi an nghỉ của 4 Đức Giám mục: Đức cha Retord Liêu, Đức Cha Theurel Chiêu, Đức Puginier Phước người xây dựng nhà thờ, và Đức Cha Gendreau Đông người có công rất lớn thu thập tài liệu và làm hồ sơ phong Thánh cho các vị Tử Đạo Việt Nam.
Với truyền thống lịch sử và ý nghĩa đặc biệt của Sở Kiện trong đời sống đức tin của Giáo phận Hà Nội và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, năm 2010, Tòa Thánh đã nâng nhà thờ Sở Kiện lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường.
Bên trong Tiểu Vương cung Thánh Đường Sở KiệnBàn thờ sơn son thếp vàng
Mái vòm cong với kiến trúc Gothic
Tòa giảng cũ Đàn Đại phong cầm
Trung tâm Hành hương Toàn quốc kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Ngày 23/12/2009, Đức nguyên Tổng Giám mục Giu-se Ngô Quang Kiệt công nhận Sở Kiện là Trung tâm hành hương cấp giáo phận.
Ngày 17/4/2024, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định đặt Sở Kiện là “Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”.
Tại Trung tâm Hành hương Sở Kiện lưu giữ rất nhiều Thánh tích của các Thánh Tử Đạo Việt Nam:
Nhà Thánh Tích – Dấu chứng anh dũng của các vị tiền nhân
Có thể nói Sở Kiện là một trong những nơi quan trọng và linh thiêng nhất của Giáo Hội Việt Nam bởi nơi đây lưu giữ vô vàn thánh tích (nhất là phần xương thánh) của các vị Tử Đạo Việt Nam. Trong thời gian Tòa Giám Mục hiện diện ở đây, các Đức Giám Mục đã quy tụ hài cốt của các đấng tử đạo về đây. Từ cuối thế kỷ XIX, Đức Cha Gendreau Đông đã thu thập tài liệu để làm hồ sơ và chính Ngài là người đứng đầu để xin với Tòa Thánh phong Chân Phước cho các đấng tử đạo Việt Nam. Những vị đầu tiên được phong Chân Phước là vào năm 1900. Năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tuyên phong 117 vị tử đạo của Việt Nam lên hàng hiển thánh và kính vào ngày 24 tháng 11 hàng năm.
Nhà Thánh Tích Sở Kiện đang lưu giữ hơn 90 hài cốt các vị tử đạo, đặc biệt là phần hài cốt của Thánh Phê-rô Trương Văn Thi, người con của quê hương Sở Kiện và linh mục của Địa phận Tây Đàng Ngoài. Nơi đây cũng lưu giữ rất nhiều hũ lớn, nhỏ chứa đất thấm máu của các Thánh. Sau khi các Ngài bị hành quyết tại pháp trường, các giáo hữu sốt mến đã gom những đất và cỏ thấm máu đó bỏ vào những hũ này đem về cất giữ mà giáo phận còn lưu giữ được cho đến ngày nay.
Nhà Thánh tích – Nơi lưu giữ Hài cốt các Thánh Tử Đạo
Các Thánh tích
Đền Hai Thánh và Nhà Xin Khấn Hai Thánh Quê hương
Quê hương Sở Kiện rất vinh dự có hai vị tử đạo (là chú cháu ruột) được tôn phong hiển thánh là Cha Thánh Phê-rô Trương Văn Thi và Thầy Thánh Phê-rô Trương Văn Đường. Thánh Phê-rô Thi được phúc tử đạo năm 1839 khi ngài 76 tuổi và thánh Đường được phúc tử đạo năm 1838 khi ngài mới 30 tuổi. Nhà Xin Khấn hiện nay được mở với hai thánh tích (thủ cấp của Thánh Phê-rô Thi, và một phần xương của Thánh Phê-rô Đường) cho mọi người tôn kính và xin ơn của hai thánh cầu bầu. Những ai thành tâm đến với hai Thánh, các Ngài sẽ chuyển cầu cùng Chúa cho được muôn ơn lành hồn xác.
Đền hai Thánh quê hương
Nhà xin khấn Hai Thánh Quê hương
Hang đá và cây Si cổ thụ
Hang đá được xây dựng từ rất sớm, cũng được gọi là hang toại đạo, nơi ẩn náu của các vị Thừa Sai khi các ngài rao giảng tại đây. Bên trong hang đá có nhà nguyện nhỏ, và giấu bên dưới là hai phòng nhỏ làm nơi trú ẩn. Các vị Thừa sai khi rao giảng tại Sở Kiện đã gặp phải không ít khó khăn và bách hại do triều đình cũng như các phong trào đánh đuổi người Tây và giết hại người Công giáo (ảnh hưởng của phong trào Văn Thân với khẩu hiệu “Bình Tây sát Tả”), vì thế nên căn hầm là nơi kín đáo, an toàn để các ngài trú ẩn, và cử hành các bí tích. Các cụ nơi đây truyền lại xưa kia có đường hầm từ hang đá đi ra đến bờ sông. Mỗi khi có biến động cảm thấy không được an toàn, thì các ngài xuồng đường hầm ra bờ sông, ở đó có thuyền trở các ngài lên núi trú ẩn. Đường hầm này có lẽ từ khi xây dựng nhà thờ đã bị dỡ bỏ.
Cây Si cổ thụ cao lớn sừng sững trên vách đá cheo leo đã chứng kiến biết bao chặng đường lịch sử mà Giáo xứ đã đi qua.
Hang đá và cây Si
Nhà nguyện nhỏ ẩn trên hang đá
Lối đi ẩn
Nhà In Ninh Phú
Nhà in Ninh Phú là một trong ba nhà in đầu tiên của Việt Nam (in chữ Hán Nôm và chữ Quốc Ngữ) với kỹ thuật in ấn của Châu Âu thời đó. Một trong những công việc quan trọng phục vụ cho công cuộc truyền giáo của của giáo phận Tây Đàng Ngoài đó là các tài liệu in ấn, chính vì thế nhà in đã được xây dựng và đưa vào hoạt động nhanh chóng với công nghệ hiện đại bậc nhất của Châu Âu thời bấy giờ. Do ảnh hưởng của thời cuộc và Tòa Giám mục chuyển về Hà Nội, nhà in Ninh Phú được di dời lên Hà Nội (khoảng năm 1929).
Quần thể Đại Chủng Viện Tây Đàng Ngoài
Năm 1897, Kẻ Sở được thiết lập nhằm đào tạo các linh mục cho Địa phận Tây Đàng ngoài. Mặc cho sự hủy hoại của chiến tranh và thời cuộc, nhiều kiến trúc vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Quần thể Đại Chủng Viện Tây Đàng Ngoài
Nhà thờ đổ
Nhà nguyện Tòa Giám Mục – Nhà nguyện Thánh Tâm
Nhà nguyện Thánh Tâm trước đây là Nhà nguyện của Tòa Giám Mục. Nhà nguyện được hoàn thành năm 1913. Hiện tại dùng cho các đoàn tĩnh tâm, các đoàn hành hương ít người (khoảng 150 người trở xuống) để dâng lễ và giảng phòng. Phía sau bàn thờ là nơi chờ lưu giữ hài cốt các thánh từ các nơi hay các giáo xứ khác chuyển về, riêng có vòng hào quang ở chính giữa có 118 hốc tròn nhưng mới có 67 ô nhỏ lưu giữ thánh tích của 62 Thánh Tử Đạo.
Nhà nguyện Thánh Tâm
Vòng hào quang lưu giữ Hài cốt các Thánh
Khu trưng bày các thánh tích
Ba căn nhà nằm dọc phía sau tượng đài Thánh An-rê Dũng Lạc là khu trưng bày các thánh tích. Được xây dựng với ba lối kiến trúc đặc trưng của ba miền Bắc Trung Nam, những căn nhà này trước đây là nhà của Đức Cha chính của giáo phận cũng như nơi ở của các cha làm việc tại Tòa Giám mục. Có một thời gian khá dài xã hội đã mượn các nhà này dùng làm các phòng cho học sinh trong khu vực của thị trấn Kiện Khê.
Hiện nay những tòa nhà này được dùng là nơi trưng bày các thánh tích của các vị tử đạo, trong đó nổi bật nhất là dây trói Cha thánh Phê-rô Lê Tùy, những hũ thấm máu Cha Thánh An-rê Dũng Lạc, Cha Thánh Phê-rô Thi, một bộ gông cùm xiềng xích duy nhất còn khá nguyên vẹn, các thẻ lệnh án làm bằng gỗ, kẽm, nhôm và đồng, …
Tượng đài Thánh An-rê Dũng Lạc
Khu trưng bày các Thánh tích
Các Thánh tích
Những bức họa về các cuộc Tử Đạo
Một điểm nổi bật trong các phòng thánh tích là 14 bức họa, mô tả một cách rất chi tiết và chân thực cuộc tử đạo của các thánh với sự kiên trung và ý chí bất khuất để bảo vệ đức tin ngay cả khi bị tử hình tại các pháp trường với nhiều hình thức như bị xử giảo (thắt cổ), xử trảm, lăng trì, tùng xẻo và nhiều những tra tấn cực hình khác. Tại đây cũng có hai tượng rất cổ xưa là tượng bà Thánh nữ tử đạo An-nê Lê Thị Thành được làm bằng đất nung và tượng Đức Mẹ bằng gỗ. Tượng Đức Mẹ cổ được tôn kính ngay từ khi thành lập Giáo Phận Tây Đàng Ngoài. Tượng được làm rất độc đáo: khung của tượng được làm bằng gỗ, một loại gỗ không mối mọt, áo của tượng được tạo bằng một loại vải đặc biệt với những đường nét và nếp gấp rất chân thực và sinh động.
Những bức họa về các cuộc Tử Đạo
Vườn Thánh các Đấng
Nơi đây cũng là nơi an nghỉ của các Đấng bậc, các vị tiền nhân. Mỗi năm khi tháng 11 về, con dân trong Giáo xứ lại quy tụ nơi đây để dâng Thánh Lễ và cầu nguyện cho các Ngài.
Vườn Thánh các Đấng
Kính thưa quý cộng đoàn, Sở Kiện – mảnh đất thiêng liêng này không chỉ lưu giữ hài cốt của các vị Tử Đạo, nhưng hơn thế, nơi đây giữ gìn “LỬA ĐỨC TIN” – ánh lửa mà Thiên Chúa đã thắp sáng, còn các Thánh Tử Đạo đã bảo vệ bằng tính mạng, và đến các tín hữu ngày nay có sứ vụ truyền giao ngọn lửa thánh thiêng ấy.
BTT TTHH Sở Kiện