Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamThánh Phanxicô Jaccard Phan – Linh mục Thừa sai Paris (1799-1838)

Thánh Phanxicô Jaccard Phan – Linh mục Thừa sai Paris (1799-1838)

Cuộc đời ly kỳ của Cha Phan-xi-cô Giắc-ca

Sinh trưởng ở Châu Âu, sang Á Châu để thực hiện ước mơ truyền giáo phương xa, trở thành nhà phiên dịch lỗi lạc, phục vụ vua Minh Mệnh trong vòng 10 năm, đem hết kiến thức trình bày binh pháp của vua Na-pô-lê-ông, giảng giải lịch sử Âu Mỹ, dịch các tài liệu thư từ để sau cùng được lĩnh “phần thưởng” của vua Minh Mệnh là án tử hình. Theo lý luận trần gian còn gì phũ phàng đắng cay hơn, nhưng Chúa đã biến đổi ác tâm của người này thành phúc lộc cho người kia, Chúa đã dùng sự dữ để nâng Cha Phan-xi-cô Giắc-ca lên địa vị cao sang là hiển thánh tử đạo của Chúa Ki-tô, là viên ngọc quý gắn trên triều thiên vinh hiển của Giáo Hội Việt Nam.

Cậu bé trốn học

Không ai ngờ được tương lai rực rỡ của cậu bé nông thôn này. Cậu Giắc-ca sinh ngày 6-9-1799, ở làng Ô-ni-ông (Onnion) thuộc tỉnh An-nơ-xi (Annecy) nước Pháp trong một gia đình nông dân đạo đức. Cậu học trò kém trí khôn, chậm trí nhớ được cha mẹ gửi vào chủng viện Mê-lăng, cậu chán học trốn về nhà theo cha mẹ ra đồng làm việc. Nhưng biến cố ngẫu nhiên do Chúa quan phòng xảy ra, cậu gặp lại hai bạn học cũ, ơn kêu gọi bừng sáng lên trong lòng cậu, cậu nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con đã quyết định rồi, con sẽ trở về chủng viện và không bao giờ bỏ nữa”. Cậu bé chậm trí khôn, kém trí nhớ chuyên cần nhẫn nại vượt thắng những nhược điểm bẩm sinh của mình. Năm 23 tuổi được nhận vào đại chủng viện Căm-bê-ri (Chambéry) và may mắn thay cậu gặp được Cha linh hồn khôn ngoan thông thái sau này là Đức Hồng Y Bi-ê (Billet). Đến tháng tư thày tình nguyện vào đại chủng viện Hội Thừa sai Pa-ri. Ở đây thày Giắc-ca nổi bật cả về đạo-đức lẫn học thức, đến nỗi vừa chịu chức linh mục xong Cha được cử làm Giám đốc đại chủng viện. Cha từ chối vinh dự đó và nói rằng: “Tôi tình nguyện vào đây để đi truyền giáo phương xa, chứ không phải ở lại Pa-ri”.

Cha từ giã Pa-ri ngày 10-7-1823, qua Ấn Độ, Áo Môn, Hà Nội và mãi đến năm 1826 Cha mới tới địa phận Đàng Trong là nơi hoạt động truyền giáo của mình.

Học tiếng ở chủng viện An-Ninh (Quảng Trị) xong, Cha bắt đầu khởi sự việc mục vụ ở Như Lý, Phủ Cam, sau làm Giám đốc tiểu chủng viện An Ninh.

Cng tác phiên dịch

Một ngày tháng 7-1828, hai thị vệ mang trát son võng điều đến An Ninh mời Cha Giắc-ca về kinh theo lệnh vua Minh Mệnh. Mọi người bỡ ngỡ vì biết vua ghét đạo, cách đây ít lâu vua đã ra sắc chỉ cấm các giáo sĩ ngoại quốc không được nhập cảnh và tiếp đến là lệnh tập trung về kinh, nhưng các lệnh trên đây đã bị bãi bỏ ngay nhờ sự can thiệp của Quan Tả quân Lê Văn Duyệt. Đến kinh đô, sự việc được sáng tỏ. Căn cứ theo lời chỉ dẫn của ông Đội Thật, người có đạo ở làng Cổ Vưu đã xuất giáo làm việc trong triều, vua Minh Mệnh mời Cha Giắc-ca về kinh ở dinh Công Quán, gần Mang Cá để dịch thư của nhà bác học Đi-a (Diard) người Pháp ra tiếng Việt. Xong việc Cha được phép trở về An Ninh, đến tháng 8 lại được mời đến dịch một số giấy tờ khác.

Ở dinh Công Quán như bị giam lỏng, Cha xin phép vua ra ở Dương Sơn cách Huế 12 cây số, để có thể giúp bổn đạo. Ở đây Cha dịch tóm các sách về cuộc chiến tranh của vua Na-pô-lê-ông, các cuộc chinh phục của Anh ở Ấn Độ, giải thích bản đồ, tranh ảnh, phiên dịch thư từ tài liệu. Để đền ơn, vua ban bổng lộc chức tước cho Cha nhưng Cha từ chối.

Tuần bát nhật chúc thọ vua

Tháng 5-1830, nhân dịp mừng lễ Tứ tuần nhà vua, Cha Giắc-ca nhờ một thị vệ dò ý vua về việc các người có đạo muốn mở lễ cầu cho Hoàng Gia, vua cho biết: Tất cả các tôn giáo đều làm lễ cầu an chúc thọ vua, lẽ gì bên đạo lại không và vua cho phép. Qua sự việc này vua Minh Mệnh đã công khai nhìn nhận đạo Gia-tô.

Thế là tuần bát nhật được tổ chức linh đình ở họ Dương Sơn với nhiều nghi lễ trọng thể. Lương, Giáo, đều đến tham dự rất đông. Hôm rước kiệu bế mạc, bà Quận Chúa chị cả vua, ông Hoàng cháu vua và nhiều võ trong triều tới dự. Cuộc lễ này gây nên một dư luận quan văn thuận lợi cho Giáo Hội, đến nỗi có người đồn vua Minh Mệnh đã theo đạo và cấp tiền bạc cho Cha Giắc-ca.

Nhưng chỉ bốn tháng sau, Cha Giắc-ca đã phải điệu ra trước tòa án huyện Hương Trà rồi đến phủ Thừa Thiên.

Án sung quân

Lúc đầu chỉ là vụ tranh chấp do lời tố cáo của dân làng Cổ Lão với Cha và họ Dương Sơn về ruộng đất. Dần dần vụ án chuyển sang hướng bài xích tôn giáo kèm thêm những lời vu cáo do lòng thù ghét và sau cùng đến tháng 9-1832, phủ Thừa Thiên tuyên án xử giam hậu Cha Giắc-ca với ông trùm họ Dương Sơn. Vua Minh Mệnh đổi án này ra án sung quân nghĩa là Cha Giắc-ca phải phục vụ như lính trong quân đội, nhưng trong thực tế nhà vua lại bắt Cha vào dinh Công Quán để dịch sách vở thư từ. Từ năm 1832 đến năm 1833, Cha được gặp và nói chuyện với vua Minh Mệnh nhiều lần.

Trong thư đề ngày 31-1-1833, Cha kể rằng: “Vua Mịnh Mệnh rất tò mò, hỏi tôi rất nhiều vấn đề và tôi cũng tìn dịp thuận tiện nói về đạo cho vua nghe. Tôi nói về Thiên Chúa tạo thành trời đất muôn vật, về linh hồn thiêng liêng bất tử, về sự thưởng phạt đời sau và nhiều vấn đề giáo lý khác … Cuối tháng 11-1832 vua gọi tôi vào đền để cắt nghĩa một số hình ảnh trong Tân ước và Cựu ước. Tôi xin vua đưa cho tôi tất cả, để tôi giải thích theo thứ tự từ đầu đến cuối, nhưng vua giấu kỹ … Một dịp khác tôi biếu vua một bản tóm tắt Kinh Thánh cho các người mới học đạo”.

Trong thư đề ngày 1-2-1833 Cha phàn nàn rằng: “Tiếc thay, vua Minh mệnh lại đang có một cung phi có đạo, mà vua đã đưa cho bà nhiều tiền để bà xin lễ Cầu hồn trọng thể cho mẹ bà”.

Bức thư gửi nhóm giáo hữu theo ông Lê Văn Khôi

Ngày 6-1-1833, vua Minh Mệnh ra sắc chỉ cấm đạo gắt gao và mở đầu giai đoạn cấm cách này là Cha Ga-giơ-lanh (Kính) tử đạo ngày 17-10 năm ấy. Cha Giắc-ca đã gặp vị tử đạo này và chính Cha cũng đang ước mơ phúc trọng ấy.

Vào năm 1833, ông Lê Văn Khôi con nuôi quan tả quân Lê Văn Duyệt nổi dậy chống triều đình ở thành Phiên An (Gia Định) vì vua đã tước quyền và quật mồ Cha nuôi ông.

Trong bốn nghìn lính theo ông Lê Văn Khôi, chỉ có 30 người lính có đạo, khoảng 40 đàn bà trẻ em có đạo trốn vào thành Phiên An và có Cha Mác-săng (Du) bị cưỡng bức đưa vào đấy.

Nghe tin đồn có nhiều giáo dân theo ông Lê Văn Khôi, vua Minh Mệnh lo ngại. Cuối tháng 10, vua viết một bức thư kêu gọi các người này ra đầu hàng và vua bắt Cha Giắc-ca phải ký tên. Vì trong thư viết nhiều điều sai sự thực nên Cha không ký, nhưng Cha viết một bức thư khác, vua không bằng lòng lại căn cứ vào đấy buộc tội Cha.

Cha Giắc-ca đã gửi bức thư này cho Cha Đơ-la-mốt. Đây là một nội dung:

“Anh em thân mến, các Cha rất buồn nghe tin có một số giáo dân trong hàng ngũ phiến loạn ở Đồng Nai. Từ trước đến nay các Cha vẫn tự hào vì anh em là những người dân tuân phục triều đình hơn cả, bây giờ hành động của các anh em làm các Cha đau lòng và làm hại sự đạo. Xin anh em hãy nhớ lại những điều chúng tôi đã dạy bảo ảnh em, hãy nhớ lại những kinh nguyện anh em đã cầu xin Chúa ban phúc lành cho những người đứng đầu cai trị đất nước. Anh em không nhớ rằng vua quan cầm quyền thay mặt Đức Chúa Trời sao? Anh em không thể thay đổi trật tự Chúa đã an bài cũng không thể sửa lại đạo Chúa Giêsu đã lập …

“Có lẽ anh em tưởng lầm rằng: “Chúng tôi nổi loạn vì vua quan đã bách hại đạo, triệt hạ nhà thờ? Anh em quên Lời Chúa rồi ư? Phúc cho người bị bách hại vì sự công chính vì Nước Trời là của họ. Anh em muốn tránh một sự dữ nhưng nếu thất bại, anh em sẽ gặp một sự dữ khác lớn hơn.

“Không những thế anh em lại bị Chúa phán xét nghiêm khắc. Anh em hãy nghĩ đến những hậu quả tai hại do chiến tranh gây ra: bao nhiêu người phải đói khổ, chết chóc. Anh em phải chịu trách nhiệm về cảnh lầm than của đồng bào và về máu đồng bào đổ ra, và anh em phạm đến điều răn thứ năm. Anh em tưởng mình không mắc tội trọng khi giết những người mà anh em phải thương yêu như chính mình? Xin Chúa cho anh em nghe thấy những tiếng rên xiết của giáo hữu than khóc hành động và số phận của anh em. Anh em không khiếp sợ khi thấy cảnh hoang tàn của các thành phố và nông thôn do chiến tranh gây ra ư?

“Sau cùng, anh em thân mến, chúng tôi xin anh em hãy suy xét kỹ những lời chúng tôi khuyên dạy anh em, rồi lựa chọn một trong hai đường, hoặc làm người dân vâng phục đức vua hay là theo giặc làm loạn. Chúng tôi tin chắc nhiều người trong anh em đã hối hận nhưng không dám ra hàng vì sợ bị kết án tử hình. Vậy chúng tôi báo để anh em biết rằng: “Đức vua đại xá nếu anh em bỏ hàng ngũ phiến loạn quay về”.

Bà Hoàng Thái hậu can thiệp

Bức thư này không được hưởng ứng, lại làm cớ cho vua Minh Mệnh tức giận thêm. Vua truyền xử tử Cha Giắc-ca và Cha Ô-đô-ri-cô (Phương). Bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu là vợ thứ hai của vua Gia-long và là mẹ vua Minh Mệnh động lòng thương các giáo hữu cùng là con dân trong nước bị khổ cực vì tôn giáo, lại lo cho vận mệnh Tổ quốc vì việc giết hại các giáo sĩ phương tây, nên bà can ngăn vua. Vua nể mẹ đổi án hai Cha sang án lưu đày chung thân ở Lao Bảo biên giới Lào để bệnh sốt rét rừng và bệnh kiết lỵ thủ tiêu hai môn đệ của Chúa Ki-tô.

Sau 12 ngày vất vả trèo non lặn suối, ngày 12-12-1833, hai Cha đến nơi lưu đầy, thân xác suy nhược mệt mỏi, nhưng tâm hồn vững mạnh lạ lùng. Cha Giắc-ca đã ghi lại trong một bức thư viết sau khi tới Lao Bảo được bốn ngày: “Chúng tôi như con chiên bị ném vào giữa bày sói, nhưng chúng tôi vững vàng trông cậy vào Chúa quan phòng đã đưa chúng tôi đến đây. Thân xác có khổ cực nhưng tôi có thể quả quyết rằng: suốt đời, chưa bao giờ tâm hồn tôi được bình an như hiện nay”.

Trên nơi rừng thiêng nước độc, vua Minh Mệnh vẫn theo dõi hai Cha. Ngày 6-1-1834, vua sai quan Thanh tra đến tận nơi xem xét và dụ dỗ nếu bỏ đạo sẽ được trả lại từ do và được hưởng mọi ân huệ của nhà vua. Cha Giắc-ca dũng cảm trả lời dứt khoát:

Mạng sống chúng tôi ở trong tay vua, nhưng chúng tôi bằng lòng chết nghìn lần còn hơn phạm tội phản bội này. Chúng tôi đến đây chỉ để giảng đạo Chúa Ki-tô, xin quan đừng tốn công sức khuyên chúng tôi bỏ đạo”.

Quan Thanh tra ra lệnh phải xử với hai Cha rất nghiêm khắc, rút khẩu phần cơm mỗi ngày, không ai được cho đồ ăn củi nước để hai Cha chết đói. Hai Cha bằng lòng chấp nhận hình phạt với tinh thần hoàn toàn phó thác cho Chúa; Nhưng tháng sau vua đổi ý, lại cho cấp gạo nước để hai Cha sống qua ngày. Cha I-đô-ri-cô kiệt sức đã qua đời ngày 25-5-1834 ở nơi lưu đày.

Cha Giắc-ca còn lại một mình, rất xúc động, nhưng không nao núng, Cha tiếp tục việc tông đồ trong trại giam, Cha khuyên răn an ủi các tù nhân. Cha học và soạn một tập ngữ vựng Lào, mơ ước một ngày kia sẽ sang giảng đạo ở nước ấy.

Sau 21 tháng ở nơi lưu đày, vào khoảng tháng 9-1835, Cha Giắc-ca được đưa về Lao Xá – Cam Lộ (Quảng Trị) vì vua Minh Mệnh đang cần một tù nhân thông thái dễ sai bảo lại rẻ tiền. Thế là Cha Giắc-ca cặm cụi tận tụy làm việc giúp vua Minh Mệnh. Ngoài việc dịch thư từ sách vở biên chép lịch sử Âu Mỹ, Cha còn tường trình các điều hiểu biết, nhận xét về các nước Châu Á nhất là nước Nhật. Công việc này vất vả mệt nhọc phải 10 người mới làm nổi mà đây chỉ có mình Cha phải thu xếp cho xong. Tháng 8-1836, vua lại đưa sáu thanh niên trạc 16 đến 18 tuổi để Cha dạy tiếng Pháp, nhưng trật tự thày trò đổi ngược, vua cấm học sinh không được gọi Cha là thày mà chỉ gọi trống không là “Phan”, lại cấm Cha không được nói về đạo với họ, mỗi tháng vua cấp cho Cha một đấu gạo với năm quan tiền.

Nhất quyết ở lại trong tù

Lính canh trông thấy ông đạo trưởng giúp vua nhiều việc, cũng kính nể, không đối xử khe khắt, không canh phòng kỹ lưỡng. Cha có thể trốn dễ dàng. Chính Đức Cha Quy-ê-nô (Thể) cũng đã gợi ý để Cha định liệu, nhưng sợ liên lụy đến cả cộng đoàn, Cha nhất quyết ở lại trong tù. Chúng ta biết được tâm trạng Cha trong lá thư Cha viết từ giã mẹ già, lời lẽ rất cảm động:

Thưa mẹ, đã 15 năm rồi kể từ ngày con từ giã mẹ ra đi 15 năm trôi qua như một giấc mộng. Con đau khổ rất nhiều nhưng nào có là gì, mọi sự đã qua, sức con đã mòn mỏi. Con hy vọng con không còn phải đau khổ bao lâu nữa và những đau khổ con đã chịu vì Chúa Giê-su sẽ đem lại cho con ơn thương xót và sự sống vĩnh cửu. Con hằng ước ao được phúc tử đạo và lòng ước ao ngày càng mãnh liệt hơn. Khi con cầu xin Chúa ban cho con ơn trọng này, xin mẹ cũng hợp ý cầu nguyện với con”.

Hai năm rưỡi trôi qua, ngày 7-3-1838, quan Trấn Quảng Trị đến tận trạm Cam Lộ điều tra Cha Giắc-ca về việc thông đồng với Cha Căng- đan (Kim) và giáo dân ở An Ninh và Di Loan như người ta tố cáo. Cha nhận có trao đổi thư từ với các Cha và giáo dân vì nhiệm vụ truyền giáo, nhưng không khai điều gì có thể liên lụy đến người khác. Quan giận truyền đóng gông Cha giải về Quảng Trị để tra khảo.

Đồi Can-vê miền Trung

Ở trại Quảng Trị, Cha vui mừng gặp lại chú Tô-ma Trần Văn Thiện, chủng sinh An Ninh, rồi đây chú sẽ được phúc tử đạo và phong chân phúc cũng như phong hiển thánh cùng một ngày với Cha.

Những lời dụ dỗ ngọt ngào, những lời đe dọa kinh sợ, những cuộc tra tấn dã man không lung lạc được đức tin sắt đá của tông đồ Chúa. Có lần Cha Giắc-ca bị 45 roi liền, cứ 5 roi quan lại hỏi: “Có bỏ đạo không?” lần nào Cha cũng cương quyết trả lời: “Không”. Sau đó Cha phải già hiệu giữa trời nắng như thiêu, đến chiều trở về ngục vai mang gông nặng, tay chân bị xiềng xích. Khủng khiếp nhất là buổi tra tấn độc ác bằng kìm nung đỏ, mùi thịt cháy khét tỏa khắp công đường, trở về ngục thân xác mang đầy thương tích ghê rợn, Cha tâm sự với chú Thiện: “Cha bằng lòng chịu khó đến cùng”.

Một quan mới đến Quảng Trị, ông này hiền từ hơn ông trước, ông chỉ tra khảo lấy lệ rồi kết án trảm quyết và đệ vào kinh vì ông biết rõ ý vua Minh Mệnh muốn thủ tiêu nhân chứng của Chúa Ki-tô. Vua đổi thành án xử giảo, ngày 29-7 năm Minh Mệnh thứ 19 tức là ngày17-9-1838, bản án được châu phê như sau :

“Tên Phan Văn Minh (tên Cha Phan trong giấy tờ chữ Hán) Tây dương đạo trưởng, khác nòi giống, vào nước ta giảng tà đạo Gia-tô lừa gạt dân chúng. Tội trạng rõ ràng. Ta đã ân xá khỏi chết, nhưng vẫn khinh để luật nước, truyền bá sách tà đạo, thông đồng với giáo dân. Không chịu nhận tội nhưng có chứng cớ hiển nhiên, nên tên Phan Văn Minh phải án xử giảo”.

Chú Tô-ma Thiện cũng bị kết án như vậy. Ngày 20-9-1838, án về tới Quảng Trị. Ngày 21-9-1838, hai cha con cùng phải điệu đi xử, ra khỏi nhà giam, đi dọc theo bờ sông Thạch Hãn, sang qua đò, đến ngọn đồi Bãi Cát thuộc làng Nhan Biều ở phía bắc Quảng Trị. Đây là đỉnh Can-vê của hai môn đệ Chúa Kitô.

Cha Giắc-ca xin cho chú Thiện ngồi đối diện với Cha. Hai Cha con cùng cầu nguyện và hiên ngang chờ đợi giờ chiến thắng.

Đúng 9 giờ, tiếng cồng vang lên, lính kéo mạnh hai đầu dây, linh hồn Cha bay về trời với 39 tuổi xuân, sau 12 năm truyền giáo ở Việt Nam mà 10 năm ở trong tù. Cha Giắc-ca là một trong những vị tử đạo chịu cực hình lâu dài nhất.

Ngày 27 – 5 -1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha Giắc-ca.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho người.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments