Ông Mát-thê-ô Nguyễn Văn Phượng sinh ở làng Kẻ Lái huyện Lý Nhân tỉnh Quảng Bình trong một gia đình đạo đức. Cha là ông Nguyễn Văn Đường làm đội trưởng. Chính tên ông là Đắc, nhưng khi có con, người ta gọi là Phượng, tên người con gái đầu lòng.
Cậu bé mồ côi
Năm lên 10 tuổi, cậu Đắc mồ côi cha, hai năm sau mẹ cũng qua đời. Cậu bé 12 tuổi lo kiếm nghề sinh sống, cậu học nghề làm thuốc với ông lang Nhu. Ít lâu sau, cậu bỏ học đến giúp Cha Vi-xen-tê Điểm, một chân phúc tử đạo thời Minh Mệnh. Bảy năm trời cậu tận tâm phục vụ Cha, đồng thời học thêm giáo lý kinh bổn. Cha Điểm thương cậu như con và khi cậu 22 tuổi, Cha lo cho cậu lập gia đình với cô Vốn là một thiếu nữ đạo đức con ông đội Khiêm ở họ Sáo Bùn. Rồi cậu về ở nhà vợ, làm thuốc, sau đi buôn, trở nên khá giả. Hai vợ chồng sinh được 8 người con, người con cả tên là Phượng nên dân làng gọi ông là ông Phượng.
Tông đồ giáo dân nhiệt thành
Dù bận rộn công việc buôn bán, làm ăn, nhưng ông rất chăm lo việc linh hồn. Khi có các Cha đến, ông xưng tội rước lễ và thúc giục người nhà, người trong họ dọn mình chịu các phép bí tích. Ông hay đi thăm các bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo khó thiếu thốn. Ông chăm lo giáo dục con cái biết mến Chúa và giữ các giới răn. Cô Thủ là con gái ông trở thành nữ tu Dòng Mến Thánh giá. Còn các con khác ông lo gây dựng gia đình, tìm gia đình đạo đức không xét đến giàu sang phú quý.
Năm 50 tuổi, vợ ông qua đời. Bà Phượng, con gái cả của ông lấy chồng ở Dinh Mười, lúc ấy chồng qua đời nên ông gọi về giúp đỡ ông để coi sóc các em.
Nhờ lòng đạo đức nhiệt thành, ông được đặt làm trùm họ Sáo Bùn. Ông lo việc rửa tội cho các em khi không gặp linh mục. Ông can đảm đón các linh mục trú ngụ ở nhà mình dù ông biết việc này dễ đưa ông đến án tử hình, ông vui lòng chấp nhận với lòng ước ao được chết vì Chúa.
Một bữa cơm dẫn đến án tử hình
Cơn cấm đạo thời Tự Đức đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, nhưng các tông đồ truyền giáo không nản chí, bí mật đi thăm các họ để làm phép bí tích. Ngày 2-1 1861, Cha Gio-an Đoàn Trinh Hoan ở địa phận Bắc Đàng Trong đến thăm họ Sáo Bùn, ông Trùm Phượng đón Cha về nhà mình. Ngay tối hôm sau, bị tố giác, lính ập đến lục soát họ Sáo Bùn.
Cha Hoan được tin báo, trốn ra bờ sông ẩn trong đống củi nhưng bị lộ nên phải bắt.
Bắt được Cha Hoan rồi, quan quân cố tìm cho được nhà nào đã cho Cha ẩn. Quan quân kéo đến nhà ông Trùm Phượng. Quan hỏi: “Đạo trưởng Hoan ở đâu?”
– Thưa quan không có ở đây.
– Ông nói đúng, đạo trưởng Hoan không có ở đây vì ta đã bắt giải lên tỉnh rồi, nhưng ông có chứa ông ấy không?
Ông Phượng không trả lời, quan lại hỏi: “Vậy mấy hôm trước đạo trưởng Hoan ở đâu? – Thưa quan, ở một nhà gần cuối làng.
Quan truyền đánh ông 40 roi và ra lệnh khám nhà. Họ bắt được đồ lễ, ảnh tượng, sách đạo. Họ lại bắt cậu Thắng, con út ông Phượng, chỉ chỗ giấu tiền bạc. Cậu Thắng nhất định không khai dù phải đánh 30 roi. Sau cùng họ cũng tìm được 20 nén bạc Cha Hoan cất giấu và họ chia nhau. Ông Phượng phải giải về Đồng Hới, giam trong ngục không cùng chỗ với Cha Hoan.
Lần thứ nhất ra công đường, các quan bắt ông đạp ảnh, ông từ chối nên phải 30 roi đòn. Còn việc oa trữ Cha Hoan, ông không chối hẳn, cũng không nhận hẳn vì không biết Cha Hoan khai thế nào, sợ nói mâu thuẫn không có lợi.
Lần thứ hai, các quan dỗ dành, dọa nạt, đánh đòn dữ tợn để không khóa quá, nhưng ông vẫn trung kiên không nao núng. Còn việc chứa Cha Hoan, ông Phượng nói: “Xin các quan cứ hỏi đạo trưởng”. Khi ấy có mặt Cha Hoan, các quan đe sẽ giết con cái nếu không khai thật. Cha Hoan quay lại bảo nhỏ ông Phượng: “Ông hãy khai đã mời tôi ăn một bữa cơm”. Quan ghi lời khai này và căn cứ vào đấy, kết án ông phải tử hình trảm quyết, rồi đệ án vào kinh.
Cầu hôn bị bác bỏ
Trong thời gian chờ đợi, ông Phượng còn phải ra công đường hai lần nữa, không phải tra tấn, nhưng để nghe các quan dọa nạt dỗ dành khóa quá. Đức Tin của ông càng bị thử thách, càng thêm can trường. Đêm ngày ông siêng năng cầu nguyện dọn mình đổ máu ra làm chứng đạo thật. Vì các con ông cho lính canh nhiều tiền nên ông được tự do đôi chút, không phải gông cùm, được họ hàng thăm viếng, nhất là được gặp Cha Hoan nhiều lần để xung tội.
Khi gặp các con, ông khuyên họ chịu khó giữ đạo, một lần ông bảo họ: “Cha vui lòng tuân theo ý Chúa, còn các con hãy thương yêu nhau, hòa thuận giúp đỡ nhau phần hồn phần xác, dù phải khốn khó cũng hãy bền lòng đạo, đừng bao giờ bỏ Chúa”.
Một đêm, được lính canh cho phép về thăm nhà chốc lát, ông bảo các con rằng: “Thế nào cha cũng phải chết, mà chết vì đạo là điều cha hằng mong ước. Các con hãy cầu nguyện cho cha. Các con ở lại bằng yên và thương yêu nhau”.
Một hôm, có người thư ký ở tỉnh vào ngục đến xin làm rể ông và hứa sẽ lo cho ông khỏi chết. Nhưng khó xử thay! Chàng rể tự nguyện này là người ngoại, con gái ông lại là nữ tu, còn ông thì lại mơ ước được chết vì danh Chúa hơn là được sống vì mưu mô bất chính. Việc trên đây không thành.
Gặp nhau trên đường lĩnh triều thiên vinh quang
Ngày 26-5-1861, như thường lệ, ông Trùm Phượng dậy thật sớm đọc kinh nguyện ngắm rồi chuẩn bị thổi cơm. Bỗng có ông đội đến báo tin bản án vua đã châu phê và phải thi hành ngay. Ông đội sai lính đeo gông vào cổ ông Phượng và điệu ra pháp trường. 30 lính cầm gươm giáo xếp thành hai hàng, dẫn đầu là một người lính cầm thẻ án ghi rằng: “Phạm nhân Nguyễn Văn Đắc, tức Phượng, theo Gia-tô tả đạo, oa trữ đạo trưởng, bất tuân quốc pháp, án xử trảm quyết ngay”.
Dọc đường đoàn áp giải ông Phượng gặp đoàn áp giải Cha Hoan cũng đang tiến trên đường đi lĩnh triều thiên vinh quang. Không hẹn mà gặp, hai cha con chào nhau vui vẻ, lòng càng thêm vững mạnh phấn khởi.
Ra khỏi cửa thành Quảng Bình, tới pháp trường, hai người từ giã họ hàng thân thuộc đến tiễn rất đông. Rồi ông Phượng quỳ như vậy để nhận nhát gươm đưa ông về hưởng vinh phúc muôn đời. Lúc ấy khoảng 8 giờ sáng ngày Lễ Chúa Ba Ngôi.
Giáo hữu đưa xác ông về táng ở họ Mỹ Hương. Năm 1909, Đức Cha An-ly[1] (Lý) khám lại hài cốt rồi đưa về Đại chủng viện Phú Xuân, Huế.
Ngày 2-5-1909 Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho ông Mát-thê-ô Nguyễn Văn Phượng và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn ông lên bậc hiển thánh.
[1] Ally
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Nguồn: TGP Hà Nội