Thánh Jacinta Castaneda Gia – Linh mục (1743-1773)

Thánh

JACINTO CASTANEDA – GIA

Linh mục dòng Đa Minh (1743 – 1773)

NGÀY TỬ ĐẠO: 07 THÁNG 11

“Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền. Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ, kể cả cái chết.”

Thánh Castañeda – Gia sinh năm 1743 tại Javita, Tây Ban Nha. Năm 1789, thầy Castañeda khấn trọn trong dòng Đa Minh và nhận tên dòng là Jacinto.

Thầy Jacinto mơ ước đi truyền giáo Viễn Đông nên tham gia hành trình đến Philippines, và tu học tại tu viện dòng Đa Minh ở Manila. Tại đây, thầy được truyền chức linh mục vào ngày 02-6-1765 và được sai  đi truyền giáo tại Trung Hoa.

Năm 1766, hai cha Jacinto Castañeda và Jose Lavilla đến Hán Khẩu. Trong 3 năm, hai nhà truyền giáo nhiệt thành mục vụ tại một xứ đạo đã được thiết lập trước khi hai cha tới.

Khi được mời đi xức dầu cho một bệnh nhân, do có người mật báo, hai cha bị bắt giải về Phúc Kiến, bị giam tại huyện Phú An và bị trục xuất sang Ma Cao. Từ Ma Cao, ngày 22-01-1770, cha Jacinto đến xứ Kẻ Bùi và được gửi học tiếng Việt tại Trung Linh, nhận tên Việt là Gia, rồi được bổ nhiệm làm việc tông đồ tại hạt Phú Thái.

Ngày 11-7-1773, khi đi từ từ Kẻ Non đến Lai Ổn để ban bí tích xức dầu cho một bệnh nhân, cha Gia và thầy Tân lọt vào vòng vây của quan phủ Thần Khê. Khi hai người cùng chạy trốn vào làng Gia Đạo thì bất ngờ chủ nhà đi báo quan để lãnh thưởng. Khi quan đòi 3000 tiền chuộc, cha đáp: “Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền. Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ, kể cả cái chết”.

Giữa tháng 10.1773, cha hân hoan gặp một tù nhân mới, linh mục Vinh Sơn Liêm bị bắt ngày 02.10 tại Lương Đống, cũng bị Chánh tổng Xích Bích giam giữ 12 ngày trước khi giải lên. Thật là niềm vui lớn, hai anh em cùng dòng từ nay sẽ đồng hành với nhau trong ngục tù cũng như trong vinh quang tử đạo. Ngày 20.10, quan Trấn truyền đóng gông hai cha có ghi chữ “Hoa Lang Đạo Sư”(1), rồi trao cho quan phủ Thần Khê áp giải lên Thăng Long.

Tại kinh thành Thăng Long, hai linh mục dòng Thuyết Giáo có nhiều cơ hội trao đổi về giáo lý với các quan. Cuộc trang luận nổi tiếng nhất được mệnh danh là “Hội Đồng Tứ Giáo”, giữa đại diện bốn tôn giáo: Khổng giáo, Lão Giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo. Ba đề tài được đưa ra: Người ta bởi đâu mà có ? Sống ở đời này để làm gì ? Và chết rồi đi đâu ? Cha Gia với kinh nghiệm giảng đạo ở Phú Kiến, đã thành thạo trưng dẫn những điển tích, châm ngôn của Trung Hoa, khiến viên quan tổ chức, chú của Chúa Trịnh Sâm, phải hết sức khâm phục.

Chính Đô Tĩnh Vương Trịnh Sâm cũng thích hỏi hai cha nhiều chi tiết về đạo. Một hôm, ông yêu cầu cha Gia cử hành vài nghi lễ cho các quan xem, cha liền mặc áo lễ, cắt nghĩa lễ phục và trình bày giáo lý cho các quan. Sau đó, cha đặt tượng Thánh Giá trước ngài Tĩnh Đô Vương, quỳ xuống hôn kính sốt sắng và đọc kinh bằng tiếng Việt các kinh Ăn Năn Tội, kinh tin Kính, kinh Lạy Cha. Tiếp đó, cha nâng cao ảnh Đức Mẹ và đọc kinh Lạy Nữ Vương. Cử chỉ và lời kinh của cha gây nhiều xúc động cho những người hiện diện. Nhưng số phận của cha đã được định đoạt trong chiếu chỉ của phủ chúa rồi. Có điều bản án đến sớm hơn vì bà mẹ chúa Trịnh Sâm.

Nguyên do bà mẹ của Tĩnh Đô Vương rất sùng đạo Phật. Khi nghe tin có hai linh mục trẻ tuổi, thông thái lại điển trai và ăn nói văn hoa, liền yêu cầu được gặp mặt và nói chuyện. Thế là hai vị được dẫn đến trước mặt Thái Tôn. Rồi một hồi trao đổi thân mật, bỗng nhiên bà hỏi: “Nếu các thày nói chỉ có đạo các thày là đạo thật, vậy những người không theo đạo, chết đi về đâu “. Cha Liêm điềm nhiên trả lời : “Bẩm bà, sa hỏa ngục ạ !”(2). Câu trả lời của vị linh mục làm Thái Tôn nổi giận, không thèm nghe giải thích thêm, đòi xử tử hai ông đạo sư ngay lập tức. Từ đó, hai cha bị cách ly, không cho gặp ai nữa. Ngày 04.11.1773, sau một buổi nghị án, chúa Trịnh Sâm tuyên án trảm quyết cả hai vị.

Ngày 07.11.1773, quan quân điệu hai vị tông đồ đến pháp trường Đồng Mơ thi hành bản án. Trên đường, hai vị cùng thầm thĩ cầu nguyện xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, đọc kinh Tin Kính và hát “Salve Regina” (Kinh Lạy Nữ Vương). Hai chứng nhân Chúa Kitô cùng lãnh triều thiên tử đạo. Cha Jacintô khi ấy mới 30 tuổi, với sáu năm truyền giáo ở Trung Hoa và Việt Nam. Nhưng máu ngài đổ ra đã vun tưới cho hạt giống Tin Mừng âm thầm trổ bông.

Thi hài hai vị tử đạo được an táng trọng thể ở nhà thờ Trung Linh. Ngày 13.11.1775, trong diễn văn trước Hồng Y đoàn, Đức Piô VI đã nhắc đến chiến thắng vinh quang của hai vị.

Ngày 20.05.1906, Đức Piô X đã suy tôn hai chứng nhân anh hùng lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam

Translate »
Lên đầu trang