Phêrô Vũ Văn Truật (1817 – 1838)

Thày Phê-rô Vũ Truật bị bắt cùng với hai Thày Phao-lô Nguyễn Văn Truật và Phê-rô Trương Văn Đường, cả ba thày được phúc tử đạo và được phong thánh cùng một ngày với nhau.

Thử thách

Cậu Phê-rô Truật sinh năm 1817 ở họ Kẻ Thiếc thuộc xứ Bầu Nọ cách tỉnh Sơn Tây chừng sáu dặm. Cha mẹ cậu nghèo, giữ đạo bình thường, năm cậu lên chín cha qua đời, mẹ cậu phải nuôi ba con nhỏ nên càng nghèo hơn.

Khi còn ở nhà, cậu Truật siêng năng học kinh bổn, chăm chỉ đi nhà thờ cầu nguyên, giữ phép tắc nết na, đó là cậu bé đạo đức khác thường nhưng thiếu sức khoẻ. Năm cậu 15 tuổi, Cha Coóc-nây (Tân) nhận cậu vào nhà Đức Chúa Trời.

Nhưng chú Truật yếu đau luôn, học hành không bằng anh em nên Cha Coóc-nây phải cho chú về gia đình. Chú Truật buồn bã sầu não vì chú vẫn ước ao dâng mình cho Chúa. Đến sau Cha Trạch về coi xứ Bầu Nọ thương lại nhận chú vào ở địa vị khiêm tốn làm người giúp việc, vì chú không đủ sức khoẻ để tiếp tục học. Chú lần lượt đi giúp các cha; từ năm 1838 về giúp Cha Ma-rét (Phan) lúc ấy đang coi xứ Bầu Nọ với Cha Coóc-nây. Chú ít học nhưng cũng biết đủ lẽ để dạy kinh bổn cho trẻ em. Chú lại thật thà hiền lành vui vẻ nên trông sau này chú có thể làm nổi các việc của các thày giảng trong nhà Đức Chúa Trời.

Chức vụ thày giảng

Khi quan quân đến vây làng Bầu Nọ để bắt Cha Coóc- nây theo đơn tố cáo của bà Yển vợ tướng giặc Đức, chú Truật cũng ra đình điểm mục với dân làng. Đến trưa, vẫn chưa bắt được đạo trưởng, bà Yển chỉ chú Truật mà thưa quan rằng: “Anh này là đầy tớ đạo trưởng, theo đạo trưởng liên lạc với giặc”. Chú bị đóng gông ngay và bị tra tấn để cho biết đạo trưởng trốn ở đâu, nhưng chú vững vàng không khai, dù quân đánh đập, chú thà chịu đòn vọt còn hơn phản Thày mình.

Khi bắt được Cha Coóc-nây rồi, đáng lẽ chú được tha, nhưng quan thấy chú còn trẻ ốm yếu, hy vọng chú phải tra khảo sẽ liều mình xưng Cha Coóc-nây đồng tình với giặc. Chú phải tra tấn dã man, thịt nát máu chảy, nhưng chú một mực xưng đạo vững vàng và không chịu nhận tội làm giặc.

Chú bị tra tấn hai lần, phải 60 roi, còn đòn vặt thì vô kể. Các người ngoại bỡ ngỡ nói với nhau rằng: “Hẳn có ơn trời giúp anh ta, vì lý trưởng và những người rất khoẻ chỉ bị tra tấn một hai kỳ thì khóa quá ngay, còn anh ít tuổi, ốm yếu, đòn tấn như bổ củi mà vẫn một mực không lay chuyển, không khóa quá”.

Đức Cha Ha-va[1] (Du) nghe tin chú vững vàng can đảm tuyên xưng đức Tin nên nhận chú vào danh sách các thầy giảng trong địa phận. Đức Cha nâng cao địa vị xã hội của người tôi tớ Chúa, để khuyến khích thày làm tròn sứ mệnh xưng danh Chúa trước mặt vua quan. Thày Phê-rô Truật, trước kia chưa làm thày giảng cho các giáo hữu và lương dân thì bây giờ thày trở nên thày giảng đích thực cho quan quân.

Sau bốn tháng bắt, thày bị kết án xử giảo giam hậu và bản án vua Minh Mệnh châu phê đến Sơn Tây hồi tháng 10-1837.

Từ đây quan quân không xử ngặt như trước, và bước đường thương khó của thày còn kéo dài thêm 14 tháng nữa. Thày luôn chứng lòng nhẫn nại, can đảm, đạo đức. Thày lợi dụng thời gian này để chuẩn bị dọn mình đầy đủ hơn cho xứng với phúc tử đạo, thày được xưng tội, rước lễ nhiều lần. Tâm hồn được biểu lộ qua bức thư thày viết từ giã Cha Ma-rét (Phan):

“Cuộc sống trần gian của con sắp qua con xin bái lạy Cha. Con rất mừng vì Chúa đã thương ban cho con phúc tử đạo, con không còn tiếc gì đời này nữa, con chỉ phàn nàn một điều phải xa cách Cha mà con chưa kịp đến ơn nghĩa Cha đã thương con bấy lâu. Ngờ đâu giông tố xảy đến khiến cha con lìa nhau, anh em tản mát… Còn các điều Cha khuyên con phải giữ khi đi xử, con xin tuân giữ đầy đủ”.

Sau 14 tháng, bản xử giảo giam hậu biến thành bản án thực sự, vì các chiến sĩ đức tin vẫn vững vàng không tỏ dấu thay đổi. Quan đưa tin ấy vào ngục đã bảo Thày Truật rằng: “Anh dại dột quá! Hy sinh tương lai, mạng sống vì những mơ ước viển vông hão huyền”. Thày giảng trẻ tuổi vui vẻ lời: “Quan không hiểu gì, chúng hy sinh cho sự thật, một hạnh phúc bất diệt đích thực đang chờ đợi chúng tôi, chúng tôi không dại đâu”.

Mùa đông hoa nở

Một buổi sáng mùa đông năm Mậu Tuất, ngày 18-12-1838, Thày giảng Phê-rô Vũ Truật cùng hai đồng bạn hiên ngang tiến ra pháp trường gần ngọn đồi nhỏ gọi là Đò Voi thuộc làng Mông Phụ.

Thày Truật quỳ cầu nguyện bên cạnh thẻ án, mặt trước của thẻ viết rằng: “Tên Truật, họ Vũ, quán làng Hà Thạch, huyện Sơn Vi bị xử vì theo đạo Gia-tô, đã thú nhận. Bản án mùa thu năm nay, truyền xử giảo”. Mặt sau thẻ ghi ngày hành quyết: “Minh Mệnh năm thứ 19, tháng 11 ngày mồng 2”.

Sau khi lãnh nhận phép giải tội do Cha Triệu ban, thày dâng mạng sống mình cho Chúa. Một hiệu lệnh, chiếc dây thừng thắt chặt lại cho đến khi thày tắt thở, thày nhẹ nhàng về đời sau như chiếc lá rụng.

Ngày hôm ấy giữa tiết đông lạnh giá đã nẩy ra một bông hoa xuân tươi thắm kỳ diệu cho Nước Trời. Thày Phê-rô Truật về thiên đàng mới 22 tuổi thanh xuân, là một trong những vị tử đạo trẻ nhất nước ta.

Giáo hữu đưa xác thày về táng ở họ Kẻ Máy.

Ngày 27-5-1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII tôn thày lên bậc chân phúc.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại tôn phong thày lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Havard.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Translate »
Lên đầu trang