Xuất thân trong thời bình an
Cha Phê-rô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790 tại làng Thuận Nghĩa, tỉnh Nghệ An. Cha là con thứ ba của ông Phao-lô Vũ Đình Tân và Bà Pi-a Hoan. Hai ông bà này đã cho con rửa tội từ bé và đặt tên thánh cho con là Phê-rô.
Trong cuộc điều tra phong chân phúc cho Cha Phê-rô Khoa, anh ruột người là ông Gia-cô-bê Vũ Xuân Tường đã khai rằng từ năm tám hoặc chín tuổi, em mình đã bắt đầu học chữ Hán, rồi vì em vừa thông minh vừa hiền lành, nên sau được nhận vào nhà Đức Chúa Trời. Sau một thời gian học tập với Cha Hoà và Cha Phượng, em được nhận vào chủng viện Vĩnh Trị, tỉnh Nam Định.
Ở đây, Thày Khoa học thần học với Cha Chính Giăng-tê[2], rồi chịu chức linh mục năm 1820, tức là năm cuối triều vua Gia Long. Bấy giờ Cha Khoa đã 30 tuổi. Vừa chịu chức linh mục xong, Cha được cử đi làm Cha phó giúp Cha xứ Nguyễn Thế Điểm. Cha xứ giao cho người coi các xứ Lu Dang và Vĩnh Phước, trong huyện Bố Chính. Suốt tám, chín năm làm tông đồ ở miền này, Cha Vũ Đăng Khoa đã tỏ rõ người có tấm lòng nhiệt thành hăng say cứu các linh hồn.
Tiếp đó, Cha được cử đi làm Cha xứ Cồn Dừa. Nét mặt và tính tình trang nghiêm của Cha khiến mọi người kính nể, Cha còn được yêu mến hơn nữa vì tấm lòng nhân từ của Cha.
Hai năm phiêu bạt
Những năm đầu tiên triều vua Minh Mệnh, đất nước được bình an thì công việc mục vụ của Cha Phê-rô Khoa cũng được dễ dàng. Nhưng rồi mây đen kéo đến, báo hiệu sắp có cơn giông bão. Ròng rã hai năm liền, Cha phải trốn tránh nay đây mai đó, không có nhà ở, không có nhà thờ, nhà nguyện. Tình trạng sống bất ổn và khó khăn như vậy nhắc Cha nhớ đến lời Chúa Cứu Thế xưa đã nói về chính mình Chúa rằng: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, song Con Người không có nơi mà dựa đầu” (Lc.IX,58). Vì vậy, Cha cảm thấy trong lòng tràn ngập một niềm vui mừng thánh thiện, nghĩ mình đang được nên giống Thày chí thánh, và Cha bình tĩnh năng than thở trong lòng câu Phúc âm, bởi đọc đi đọc lại nhiều lần đến nỗi Cha đã thuộc lòng: “Lạy Thày, Thày đi đâu, tôi xin theo Thầy đi đấy”.
Ngày mồng 2 tháng 6 năm 1838, Cha đang trú ẩn ở làng Lê Sơn, thì đột nhiên ông Tú Khiết, đang đêm đến bắt Cha, trói Cha và hai thày giảng là Thày Đức và Thày Khang, rồi đóng gông vào cổ Cha mà giải lên huyện, đến ngày 10 tháng 6, lại giải từ huyện tới thành Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình.
Chịu roi đòn, nhưng quyết trung kiên
Ở Bình Dương, Cha Phê-rô Khoa bị tra hỏi nhiều lần. Người ta muốn bắt Cha bỏ đạo và khai nơi trú ẩn của Đức Cha Đuy-mu-lanh Bô-ri[3], giáo hữu quen gọi là Đức Cha Cao. Cha Phê-rô Khoa biết người ta đang lùng bắt Đức Cha, nhưng người cương quyết từ chối mọi cách dụ dỗ của họ, họ đe dọa, người cũng tỏ ra bình thản, không chút sợ hãi, quyết tâm thực hiện lời Chúa: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát”.
Vì vậy, Cha bị đánh bảy mươi sáu roi, máu chảy ướt đẫm, da thịt nát tan, hết sức đau đớn. Nhưng trước sau, Cha vẫn một lòng trung kiên, không hề nao núng.
Tiếc thay, hai thày giảng cùng bị bắt với Cha lại không theo gương sáng của Cha. Thày Khang còn khai rõ cả nơi trú ẩn của Đức Cha Bô-ri và Cha Vi-xen-tê Điểm. Cho nên chỉ ít ngày sau, nhà tù giam Cha Phê-rô Khoa lại đón thêm hai vị nữa đến tuyên xưng đức tin.
Từ hôm ấy, Cha bị giải ra toà nhiều lần cùng với Đức Cha Bô-ri Và Cha Điểm. Do lòng kính nể các đấng bề trên, Cha Phê-rô Khoa tỏ ra ít nói, chỉ trả lời vắn tắt những câu người ta hỏi, và mạnh dạn tuyên xưng Danh Chúa.
An vui trong ngục tù
Theo lời các nhân chứng có uy tín, thì khi sống trong tù, Cha Phê-rô Khoa luôn luôn tỏ nét mặt bình thản, vui tươi, và nêu gương đạo đức sốt sắng.
Cha muốn luyện lọc linh hồn mình thật kỹ để chuẩn bị cuộc chiến đấu cuối cùng, nên Cha đã xưng tội với Đức Cha Bô-ri nhiều lần.
Các quan tỉnh Quảng Bình thấy không thể lay chuyển nổi lòng trung kiên của vị linh mục công giáo này, thì kết án xử giảo Cha, rồi đệ án vào kinh đô tâu vua, cùng với án trảm quyết Đức Cha Bô-xi và xử giảo Cha Điểm. Vua y án.
Thế là ngày 24-11-1838, Cha Phê-rô Khoa cùng với Đức Cha Bô-ri và Cha Điểm bị giải ra pháp trường, ở ngoại thành Đồng Hới, mang theo tấm bảng ghi: “Đạo trưởng Khoa bất khẳng khóa quá phải xử giáo”.
Tới nơi, Cha Phê-rô Khoa quỳ xuống, cầu nguyện một lúc, rồi lý hình bắt Cha nằm, họ trong dây vào cổ Cha, Khi nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây hai bên kéo mạnh, xiết chặt cho đến lúc vị môn đệ dũng cảm của Chúa Kitô ngạt thở mà chết. Nhưng linh hồn Cha bước vào đời sống vĩnh cửu trên Nước Trời, trong tình yêu bất diệt của Thày Chí Thánh.
Cha Phê-rô Vũ Đăng Khoa tử đạo năm 48 tuổi, làm linh mục 18 năm.
Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho người ngày 27-5-1900.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
[1] Có sách viết là Cha Phêrô Vũ Đăng Khoan
[2] Jantet
[3] Pierre Dumoulin Borie
Đức Hồng Y Giu-se Maria Trịnh Văn Căn
Nguồn: TGP Hà Nội