Thày Phê-rô Trương Văn Đường là cháu gọi Cha Phê-rô Trương Văn Thi bằng chú ruột. Thày sinh năm 1808 ở làng Kẻ Sở, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam trong một gia đình nghèo về phần xác, nhưng rất đạo đức.
Từ bé, cậu Đường đã ước ao dâng mình cho Chúa. Năm chín tuổi, sau nhiều lần nài xin, Cha Thi nhận nuôi cậu Đường, nhưng vì Cha đang coi xứ Sông Chảy nên gửi cậu Đường cho Cha Phương chính xứ An Tập để cậu học hành và làm quen với các công việc trong nhà Đức Chúa Trời.
Ở với Cha Phương được 6 năm, chú Đường về giúp Cha Trạch ở xứ Bầu Nọ. Chú chăm chỉ học tiếng La-tinh, chữ Nho để sau dễ làm các việc bậc mình.
Chú hiền lành, ít nói nhưng vui vẻ dễ dàng với mọi người. Năm 26 tuổi, chú được lên chức thày giảng và được cử giúp xứ Bầu Nọ ở với Cha Ma-rét (Phan). Thày tỏ ra nhiệm nhặt, cần mẫn chu toàn mọi việc bổn phận.
Khóa quá là tự giết cả linh hồn lẫn thân xác chúng tôi đời đời
Ngày 20-6-1837 quan quân vây làng Bầu Nọ để bắt Cha Coóc-nây (Tân). Thày Đường cũng ra đình làng điểm mục với hai thày Mỹ, Truật. Khi hai thày này bị đóng gông ngồi đấy rồi, Thày Đường hy vọng sẽ thoát, nhưng bà Yển là người tố giác, thấy chưa bắt được Cha Coóc-nây lại chỉ Thày Đường nói với quan rằng: “Tên này cũng là đầy tớ đạo trưởng Tân”. Thế là thày bị bắt, quan tra hỏi thày cho biết trưởng đạo trốn ở đâu, nhưng dù đe loi hay dỗ dành thế nào, thày cũng không chịu khai.
Quan chỉ được lệnh bắt đạo trưởng, nhưng vì chưa bắt được đạo trưởng nên bắt thày; khi bắt được đạo trưởng rồi thì lại giữ thày vì thày không chịu khóa quá và không chịu chỉ nơi đạo trưởng ẩn.
Hôm sau, ngày 21-6-1837, thày bị giải về tỉnh Sơn Tây cùng với Cha Coóc-nây và hai thày Mỹ và Truật, dọc đường vì giữa mùa hạ phải đói khát, nóng bức, quân lính đánh đập chửi bới.
Trước mặt Cha Coóc-nây và ba thày ở công đường, quan đưa tên Đức ra, hỏi nó rằng: “Những người này có đồng tình với mày không?” Nó chỉ Thày Đường và Thày Mỹ. Vì thế hai thày này phải đóng gông nặng hơn và Thày Đường phải thích chữ rằng: “Tên Đường là đầy tớ đạo trưởng Tân”.
Dù bị tra tấn dã man (phải 80 roi), thày vẫn kiên trung xưng Đức Tin, còn về án làm giặc thì các quan không tìm được bằng cớ chứng minh lời tố cáo gian dối kia. Cũng như hai thày Mỹ và Truật, thày quả quyết trước toà rằng: “Nếu các quan tha, chúng tôi được sống, nếu các quan giết chúng tôi bằng lòng. Chúng tôi nhất định không khóa quá vì làm như vậy chúng tôi sẽ tự giết cả linh hồn lẫn thân xác chúng tôi đời đời”.
Sau bốn tháng bị bắt, ngày 19-10-1837, các quan kết án thày phải án giảo giam hậu. Từ đó cho đến ngày xử thày còn phải giam 14 tháng nữa. Trong những ngày tháng ấy, thày phải chịu trăm nghìn nỗi khổ cực; đói, khát, nóng rét, gông cùm xiềng xích, thày cao lớn mà xiềng xích ngắn nên không đứng thẳng được, muốn đi đâu phải khom lưng. Nhưng thày vẫn bình tĩnh vui vẻ, lấy nguồn sức mạnh trong việc suy ngắm sự thương khó Chúa; ngoài giờ đọc kinh, thày lo việc giúp đỡ các bạn tù ốm đau, an ủi khích lệ những người ngã lòng đau khổ. Trong thời gian bị giam giữ, thày được xưng tội rước lễ bốn lần.
Lá thư tâm sự
Biết chắc cuộc đời trần thế của mình sắp kết liễu, thày viết thư cảm ơn Cha Ma-rét đã thương săn sóc mình, thày cũng tỏ cho Cha nỗi vui mừng vì được chịu khó vì danh Chúa, khi nói đến phúc tử đạo, thày viết rằng: “Thưa cha, hôm nay là ngày con được hưởng ơn trọng đại nhất, con được rước Mình Thánh Chúa vào lòng con, Chúa đến an ủi và nâng đỡ gánh nặng xiềng xích của con, giờ đây để được chết bình an, con chỉ còn việc cảm tạ Cha đã dạy dỗ săn sóc chúng con bấy lâu. Khi nghĩ đến cảnh đoàn chiên tan tác, các Cha phải gian nan nguy hiểm, con như muốn được ở bên Cha một thời gian nữa để được giúp đỡ, chia sẻ với Cha trong lúc khốn khó này. Nhưng mặt khác, nghĩ tới phúc trọng con sắp được, cửa thiên đàng đã gần kề, nghĩ đến hạnh phúc bất diệt đang chờ đợi con, con không còn mơ ước sự gì ở trần gian này nữa. Lạy cha, sắp đến ngày con phải xử, con xin bái lạy cha lần sau hết, xin Cha cầu cho con là người tội lỗi”.
Sợi dây hồng phúc
Mùa thu năm Minh Mệnh thứ 19, khi xét án lại, vua truyền phải xử ba Thày Mỹ, Đường, Truật ngay. Ngày 17. 12-1838, án tới Sơn Tây, ông đề lao đưa tin cho ba thày. Thày Đường mừng rỡ cám ơn ông rồi nhờ người dọn cỗ lịch sự mời các đàn anh trong tù đến ăn mừng.
Ngày 18-12-1838, quan điệu các thày đi xử, đến phố Nhi, cho các tù vào ăn uống. Một người lính mời Thày Đường uống rượu, thày từ chối bảo rằng: “Cám ơn, tôi vốn kiêng rượu”. Nhưng thày cũng chiều nể uống chén nước chè và ăn một miếng trầu.
Đoàn áp giải tù lại lên đường đến pháp trường gần Đò Voi thuộc làng Mông Phụ. Đi đường thày đọc kinh to tiếng ngợi khen Chúa. Tới nơi Cha Triệu làm phép giải tội cho thày lần sau hết, rồi lẩn đi ngay vì có người lính đã nhận được là đạo trưởng.
Cầu nguyện xong, thày nằm xuống, lính trói chân tay thày quàng sợi dây vào cổ thày. Bên cạnh thày lính đóng thẻ án ghi rằng: “Tên Đường họ Nguyễn[1], quán làng Ninh Phú, huyện Thanh Liêm, theo Gia-tô tả đạo, đã thú nhận và bị kết án vì tội ấy”. Bản án mùa thu năm nay phạt tội nhận phải xử giảo”. Tiếng chiêng hiệu lệnh nổi lên, lính kéo thật mạnh, nhưng khốn thay họ vụng về chưa quen nên thày phải khốn nạn quá vì sợi dây oan nghiệt này, nhưng đối với chứng nhận của Chúa lại là sợi dây hồng phúc; họ đo sai, kéo đi kéo lại, kéo lên kéo xuống, đập đầu thày xuống đất, khiến Thày Phê-rô Đường kéo dài mãi cơn hấp hối.
Khi thày đã chết, quan truyền lấy lửa đốt ngón chân thày, người lính lại đốt cả hai bàn chân thày cách dữ tợn quá đến nỗi các người chung quanh khó chịu kêu to phản đối, nên quan Giám sát lấy cán gươm đánh tên lính ấy ba cái và mắng rằng: “Làm sao người ta phải tội đã chết rồi, bay còn đốt mãi”.
Bổn đạo họ Bách Lộc lấy xác thày đem về Kẻ Máy, ở đấy Cha Ma-rét, Cha Trình, Cha Triệu nhận xác người an táng cách trọng thể.
Thày Phê-rô Trương Văn Đường được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc ngày 27-5-1900, và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại phong Thày lên bậc hiển thánh.
[1] Con cháu hai chân phúc Thi và Đường xác nhận hai chú cháu đều là họ Trương, thẻ ghi họ Nguyễn có lẽ do lời khai có ý tránh liên lụy đến họ hàng.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn
Nguồn: TGP Hà Nội