Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamPhanxicô Ðỗ Văn Chiểu (1797-1838)

Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu (1797-1838)

Thày Phan-xi-cô Đỗ Minh Chiểu sinh năm 1797 ở làng Trung Lễ, tỉnh Nam Định, một làng toàn tòng công giáo từ lâu đời, thuộc xứ Liên Thủy địa phận Bùi Chu. Thày dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời từ bé, được Đức Cha Hê-na-rét (Minh) là Đức Cha Phó địa phận coi sóc. Sau khi mãn trường La-Tinh, thày học lý đoán bốn năm và đã khấn dòng ba Thánh Đa Minh. Học xong Thày về giúp Đức Cha Hê-na-rét, từ đây cuộc sống của thày hòa nhịp với Chúa chăn, thày theo Đức Cha đi kinh lược, làm phúc các nơi, thông chia những vất vả, khổ sở, nhất là khi phải trốn tránh các quan, phải bắt cùng với Đức Cha và sau hai cha con được lĩnh triều thiên tử đạo một ngày với nhau.

Thày Chiểu có lòng đạo đức sốt sắng, thương giúp linh hồn người ta. Sau đây là hai việc làm chứng: được tin em phải bắt vì đạo, thày vội đến xin Cha Phéc-năng-đê (Hiển) hai lễ cầu cho em được sức mạnh xưng đạo vững vàng. Lại một hôm có người lính đến làng Kiên Lao tìm linh mục để được xưng tội chịu lễ trước khi phải chuyển vào kinh, vì sợ vào đó mình sẽ yếu đuổi bỏ đạo, thày tỏ lòng thương khuyên bảo anh sốt sắng và xin anh cương quyết thà chết chẳng thà chối Chúa.

Thánh Lô-ren-xô Việt Nam

Năm 1838, quan Trịnh Quang Khanh tổng đốc Nam Định bị vua Minh Mệnh triệu về kinh khiển trách nặng lời vì đã không đắc lực trong việc phá đạo. Ông trở về với ý định tiêu diệt hết đạo Gia-tô để được lòng vua. Nghe tin ấy hai Đức Cha Đen-ga-đô (Y), Hê-na-rét (Minh), cùng hai cha người Tây Ban Nha Đa-minh đến ẩn ở làng Kiên Lao.

Cuối tháng tư năm ấy, quan Tổng đốc bắt được sáu lá thư Cha Viên ở Bắc Ninh gửi cho hai Đức Cha và bốn cha, quan đệ trình các thư ấy về kinh, vua Minh Mệnh ra lệnh trong một tháng phải bắt được các Tây dương đạo trưởng, nếu không quan Tổng đốc Nam Định sẽ phải thế mạng, và vua cấp thêm cho quan 6000 lính để giúp việc truy nã này.

Cuối tháng 5, do một người đã xuất gia tố giác, quan đến vây làng Kiên Lao, Đức Cha Hê-na-rét và thày Chiểu chạy thoát, nhưng chỉ mấy ngày sau hai cha con bị bắt ở họ Hà Quang xứ Trung Thành, bị giải về Nam Định ngày 11-6-1838.

Thế là mơ ước của Thày Chiểu được thực hiện, Thày muốn bắt chước Thánh Lô-ren-xô tử đạo không muốn bỏ thày mình. Khi phải giam thày có viết thư rằng: “Tôi đã nhất định theo chân Đức Cha cho đến chết, nên Đức Cha chịu khó thế nào, tôi cũng chịu khó như vậy, ước gì tôi được phúc tử đạo cùng với Người”. Chúa đã nhận lời thày xin, thày sẽ được phúc trọng trong cũng một ngày, cũng một cách như thày mình.

Đến cửa thành Nam Định, một cây Thánh giá lớn đã đặt ở đấy cho mọi người bước qua. Thày Chiểu chạy đến mà dù đang mang gông rất nặng thày cũng cố cúi đầu xuống cầm lấy Thánh giá hôn kính, lính đánh thế nào cũng không chịu bỏ cho đến khi cũi khiêng Đức Cha Hê na-rét đã đi qua.

Mười lăm ngày sóng gió

Thầy Chiểu phải ra công đường nhiều lần, lần nào thầy cùng can đảm xưng đức Tin. Một hôm quan bắt thầy bước qua, nếu không sẽ phải giết, và biên bản ghi lại câu thầy trả lời như sau: “Đức Chúa Trời là Chúa thật, là căn nguyên mọi sự, mọi người phải thờ phượng kính mến làm tôi Chúa, vì thế tôi không dám bước qua ảnh, dù phải chết tôi cũng vui lòng. Không bao giờ tôi khóa quá”.

Quan truyền nọc thầy ra, đánh 30 roi rồi đóng riêng giải về ngục. Các quan làm án cho thầy rằng: “Đỗ Minh Chiểu đã theo và học tên Trùm Hai (Đức Cha Hê-ra-rét) dạy những điều gian trá. Vua đã ra sắc cấm Gia tô tả tạo mà không cải tà quy chính, nay bị bắt giam, tra khảo cũng không chịu bỏ, nên phải khép án trảm quyết”.

Thày Chiểu phải giam 15 ngày mà thầy chỉ còn da bọc xương, trong thư viết cho thày Quỳnh, Thày Chiếu kế lại rằng: “Từ ngày vào tù tôi phải khốn cực không thể nào tả được. Tôi không có đồng tiền nào để mua một hạt cơm. Nếu thày gặp được các cha, thày xin các ngài liệu cách giúp tôi. Thày cũng xin mọi người tha lỗi cho tôi, nếu tôi đã làm mất lòng ai cách nào. Chắc chắn là tôi sẽ phải chết và nhờ ơn Chúa tôi đã cương quyết không bao giờ khóa quá”.

Trận đòn khủng khiếp trước khi lãnh triều thiên tử đạo

Không ai có thể vào thăm vị tuyên xưng đức tin. Ngày 25-6 án trong kinh đã ra, vua châu phê y án. Hôm sau là ngày hành quyết.

Nhưng trước khi nhận lãnh cành lá thắng trận, Thầy Chiểu phải qua một cuộc chiến đấu rất gay go. Các quan gọi thày lên công đường nghe bản án và dụ dỗ thày khóa quá sẽ được tha ngay. Thày cương quyết đáp lại rằng: “Nếu quan có một người con mà quan rất yêu dấu, khi quan nằm nghỉ, quan có bằng lòng cho đứa con ấy đạp lên mình quan không. Phương chi đối với Chúa là Chúa cả trời đất, mọi người phải tôn thờ, lẽ nào tôi lại dám đạp lên ảnh tượng Chúa”.

Nghe thế, các quan nổi giận đưa thày đi xử ngay nhưng vì muộn, phải để đến mai, và để trả thù, các quan truyền đánh thày một trận đòn kinh khủng, toàn thân tan nát, thày ngất lịm, lính phải khiêng thày về ngục. Chúa muốn in trên thân hình tôi tớ Chúa những vết đòn dã man xưa kia đã in trên thân mình Thày chí thánh.

Cha dâng con làm của lễ hy sinh

Ngày 26-6-1838, Thày giảng dòng Ba Thánh Đa-minh Đỗ Minh Chiểu, 41 tuổi cùng với Chúa chiên của mình là Đức Cha Hê-na-rét dòng Nhất đã ngoài 70 tuổi tiến ra pháp trường. Đức Cha ngồi trong cũi có lính khiêng, Thày Chiểu cổ mang gông, tay đeo xiềng theo sau cũi Đức Cha.

Đến Bảy Mẫu, Đức Cha Hê-na-rét ra khỏi cũi. Thày Chiểu đến quỳ trước mặt Đức Cha chịu phép giải tội lần sau hết. Rồi trong khi thày đang cầu nguyện, ba lát gươm kết liễu cuộc sống của thày ở trần gian đưa thày vào cuộc sống vĩnh cửu hạnh phúc.

Lính tung đầu thày lên ba lần. Chính Đức Cha Hê-na rét đã cầm đầu ấy trong tay, dâng của lễ hy sinh quý báu đó lên Thiên Chúa trước khi Đức Cha chịu chém. Thi hài thày được khâm liệm và mai táng ngay ở pháp trường, sau khi đưa về quê thày.

Thày Phan-xi-cô Đỗ Minh Chiểu được Thánh Cha Lê ô XIII tôn phong lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 cùng với Đức Cha Hê-na-rét để hai cha con được cùng sống cùng chết và cùng hưởng vinh quang trên Nước hằng sống.

Ngày 19-6-1988, thày lại được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn lên bậc hiển thánh, cùng với Đức Cha He-na-rét.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments