Martinô Thọ (1787 – 1840)

Ông Mát-ti-nô Thọ sinh năm 1787 ở làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tên thật ông là Nho; sau gọi là Thọ là tên người con thứ chín.

Dân làng biết ông là người đạo đức thật thà, thì chọn ông đứng đầu việc thu thuế. Ông luôn giữ đức liêm chính công bằng khi làm nhiệm vụ. Ông thường khuyên các con đừng vì nể ai mà lỗi hai nhân đức ấy.

Ông chăm chỉ làm việc ngoài đồng, khi về nhà lại nuôi tằm dệt vải luôn chân luôn tay, ông chịu khó không phải vì túng thiếu hay tham giầu nhưng có ý để giúp đỡ các đấng, làm phúc cho người nghèo, ông thương những người này cách riêng, khi người nhà đi vắng, đến bữa ăn có kẻ khó thì ông gọi vào ăn cùng với mình.

Ông chuyên cần đọc kinh cầu nguyện và thường giục vợ con xưng tội, rước lễ.

Khi vua ra sắc lệnh cấm đạo, ông giấu các Cha, các đồ đạo trong nhà, dù đã bốn năm lần quan quân đến vây làng Kẻ Báng, ông cũng không sợ. Khi có lệnh triệt hạ các nhà thờ, nhà xứ, ông đứng ra nhận xứ Kẻ Báng, đưa vợ con và các dụng cụ ăn làm vào đấy để nhà xứ khỏi bị phá.

Ước ao phúc tử đạo

Ông Mat-ti-nô Thọ ước ao được phúc tử đạo, nghe tin ông Lý Mỹ bị bắt và chịu khó vì đạo, ông nói rằng: “Ước gì tôi được phúc trọng ấy”. Sau khi vào viếng xác hai ông.

Trùm Đích và Lý Mỹ mới chết vì đạo, về nhà ông bảo các con: “Nếu Chúa thương cho cha được phúc như hai đấng ấy, các con hãy vui mừng, dù mất của cải cũng bằng lòng đừng phàn nàn. Bà Maria Tên là con gái ông đã khai trước toà án lập hồ sơ xin phong chân phúc rằng: “ Cha tôi còn dặn chúng tôi: “ Nếu chúng ta bị bắt vì đạo, phải đau khổ vì Đức Tin, hãy can đảm phó mình cho Chúa, sẵn sàng đón nhận phúc tử đạo, để được bay thẳng về thiên đàng”.

Đạo tại tâm

Ngày 30-5-1840, quan Trịnh Quang Khanh đem 1000 lính, 3 voi trận, bổ vây làng Kẻ Báng. Lục soát đến ngày thứ hai thì bắt được ba Cha Giuse Nghi, Mát-ti-nô Thịnh, Phao-lô Ngân và hai giáo hữu là ông Mát-ti-nô Thọ vì Cha Nghi trốn ở nhà ông và ông Cỏn; tất cả bị giải về Nam Định.

Các quan bắt ông Thọ và ông Cỏn khóa quá không được, truyền buộc Thánh giá vào bàn chân hai ông, hai ông cương quyết phản đối nên phải đánh đòn và giam vào ngục.

Lần thứ hai ngày 6-7-1840, quan sai lính cầm gông lỗi hai ông qua Thánh giá, ông Thọ nói lớn tiếng: “ Đạo tại tâm, quan cưỡng bức tôi, tôi không bằng lòng, tôi không có tội”.

Quan bắt hai ông liếm máu ở vết thương ba Cha, hai ông đến quỳ trước mặt ba Cha rồi cung kính liếm máu chảy ra. Quan Tổng đốc tức giận nói với quan án: “Đấy ông xem, chúng nó kính đạo trưởng đến thế, lẽ nào chúng không bị mê hoặc”. Rồi quan bắt hai ông già hiệu cả ngày.

Lần thứ ba, ông Thọ phải 150 roi, máu chảy chan hoà nhưng ông không kêu một tiếng. Về sau có ai hỏi đến ông nói rằng: “50 roi trước đau lắm, nhưng nhờ ơn Chúa, 100 roi sau như làn gió nhẹ mát”.

Quan làm khổ ông Thọ quá sức vì ông khoẻ mạnh hơn ông Cỏn. Có lần quan treo gông lên xà nhà, chân ông cách mặt đất hai thước, rồi truyền cho lính cầm thước, dùi trống, cọc, nọc đánh vào chân ông từ đầu gối trở xuống, nên chân thối tha hôi hám, phải giam riêng một nơi.

Quan định bắt vợ con hai ông đến để dụ dỗ các ông bỏ đạo, nhưng biết trước, các ông đã nhắn tin bảo vợ con trốn đi, nên lính phải về không.

Một lần quan bảo ông Thọ và ông Cỏn rằng: “Khóa quá rồi ta cho về coi sóc nhà cửa, vợ con”. Ông Thọ thưa: “Cửa nhà, vợ con tôi là của Chúa, đã có Chúa lo”. -“ Nếu ta làm khổ chúng trước mặt các người, các người có thương chúng mà khóa quá không ?” Ông Thọ thưa: “Dù quan có giết chúng, tôi cũng không khóa quá kẻo mất linh hồn”.  “Chúng bay ước ao lên thiên đàng có phải không?” Ông Thọ thưa rằng:“Vâng, vì thế chúng tôi mới sẵn lòng chịu khó thế này”.

Quan giận lắm, bắt ông Thọ dìm xuống cống rãnh hội thổi ngập đến vai trong bảy tám tiếng đồng hồ và bắt nhịn đói 3 ngày. Cô Thuyên con gái ông tìm cách vào thăm, thấy ông bất tỉnh nhân sự, cô đổ nước cháo vào miệng ông, ông mới hồi tỉnh.

Những lời trối cuối cùng

Sự yếu đuối phần xác, chẳng làm suy giảm Đức Tin vững vàng của ông. Trước khi về cùng Chúa, ông đã trối lại cho các con ông những lời sau đây: “Cha không về với các con nữa, vì đó là ý Chúa. Nhưng còn mẹ chúng con, chúng con phải tôn kính và vâng lời mẹ. Anh, chị phải săn sóc các em bé, các em phải vâng lời anh chị. Chúng con chịu khó làm việc giúp mẹ và nhất là phải chăm chỉ đọc kinh sớm tối, lần hạt Mân Côi hàng ngày. Chúa trao cho mỗi người một bổn phận, một Thánh giá, chúng con hãy bằng lòng vác và giữ đạo đến cùng. Ở thế gian này, cha không còn làm gì giúp chúng con , cha chỉ biết phó chúng con trong tay Chúa và lo chịu khó cho nên. Chú Châu và và mẹ chúng con sẽ chia gia tài cho chúng con. Khi đưa xác cha về, các con hãy chôn ở chỗ Cha Nghi bị bắt”.

Lần khác ông dặn thêm: “Cha sắp về cùng Chúa, chúng con dù lớn hay bé phải nhớ mình có linh hồn, phải xin Chúa ban ơn cho được giữ đạo vững vàng. Chúng con hãy thương yêu nhau”.

Bản án tử hình của ông gửi vào kinh đã được vua châu phê và tới Nam Định ngày 6-11-1840, hai ngày sau là ngày 8-11, ông Mát-ti-nô Thọ bị đưa ra pháp trường Bảy Mẫu xử cùng với bốn vị tử đạo là ba Cha và ông Cỏn.

Đến nơi xử, ông đọc kinh, chịu phép giải tội, nghe. hiệu lệnh, lý hình chém đầu ông và linh hồn ông bay về Trời như lòng ông mong ước, sau 53 năm kiên trung với đạo Thánh Chúa ở trần gian.

Xác ông được đưa về làng Kẻ Báng và chôn ở nơi ông đã trối.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho ông Mát-ti-nô Thọ ngày 27-5-1900. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh cho ông ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments