Trang chủCác ThánhThánh Tử Đạo Việt NamGiuse Nguyễn Duy Khang (1832-1861)

Giuse Nguyễn Duy Khang (1832-1861)

Thày Giu-se Nguyễn Duy Khang sinh năm 1832 ở làng Cao Mai, xã Trà Vi, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cha cậu Khang mất sớm, mẹ cậu là một phụ có một lòng đạo đức sâu xa, một đức tin sống động, tính tình cương nghị bất khuất, bà đã đào tạo con thành một người dũng cảm tận tụy.

Năm 13 tuổi cậu dâng mình vào Nhà Đức Chúa Trời và được Cha già Năng dòng Thánh Đa-minh coi sóc.

Đàn ong vỡ tổ

Sau mười năm sống cạnh Cha già thánh thiện, chú Khang không bao giờ sao nhãng việc tu thân tích đức. Chú được mặc áo dòng Thánh Đa-minh và được nhận vào chủng viện Kẻ Mốt để chuẩn bị tiến dần lên chức linh mục.

Nhưng cơn bách hại nổi lên phá tan mộng đẹp của người thanh niên 29 tuổi. Ngày 5-8-1861, vua Tự Đức công bố sắc chỉ phân sáp giáo dân vào các làng lương dân. Cùng chung số phận với bổn đạo, Chủng viện Kẻ Mốt phải giải tán.

Tối ngày 14-8-1861, Cha Khoa, đại diện Đức Cha Giê-tôm Héc-mô-di-la[1] (Liêm) đến giải tán trường và từ giã các học sinh như sau: “Đức Cha dạy tôi đến nói với anh em rằng: từ trước đến giờ phút này, người cố gắng bảo vệ trường để duy trì ơn kêu gọi, đào tạo các linh mục tương lai của địa phận, nhưng bây giờ tình thế bó buộc phải giải tán. Đức Cha dạy ai biết đầu thì đi đấy, cố gắng giữ phép tắc nết na chờ ngày trở về. Nếu Đức Cha có sẵn tiền, người cũng phát cho anh em mỗi người một ít để lấy tiền đi đường, nhưng lúc này người không còn đồng nào, người xin anh em cứ ra đi phó thác mọi sự cho Chúa, sau này nếu Cha con còn sống sẽ gặp lại nhau. Người cũng dặn tôi nói với anh em rằng: đừng ai lên chào người vì người sợ đau đớn quá mà không cầm được nước mắt.

Thày Giu-se Khang và các bạn bùi ngùi cảm động buồn sầu. Sáng sớm hôm sau Chủng viện phải phá bình địa theo lệnh vua. Học sinh trốn đi như đàn ong vỡ tổ, đau khổ đến dồn dập làm con tim mọi người héo hắt.

Hai cha con như hình với bóng

Ngay đêm hôm chia tay với học sinh Chủng viện, Đức Cha Héc-mô-di-la trốn khỏi làng Kẻ Mốt đến ẩn ở làng Thọ Ninh. Thày Khang được đi theo Đức Cha, thày từ giã các bạn rằng: “Anh em ở lại, tôi nhất định theo Đức Cha. Các quan bắt Đức Cha thì cũng chẳng tha tôi, Đức Cha có được chết vì đạo thì tôi cũng được phúc ấy, mất đầu còn chân”. Câu nói vui này sau hóa thành sự thực. Từ đây Đức Cha với thày như hình với bóng, hai cha con chia sẻ vui buồn, thày lo liệu mọi sự cho Đức Cha, từ cơm nước đến viết thư từ, liên lạc với giáo dân. Với tuổi trẻ đầy sức sống thày là người chu đáo bảo vệ Đức Cha trong mọi tai biến.

Bao gian lao nhọc nhằn vất vả, bao cảnh chết chóc thảm thương Thày Khang được chứng kiến hằng ngày không làm thày nao núng. Thày chỉ buồn khi Danh Thánh Chúa bị nhục mạ, khi nghe tin nhiều linh mục phải trảm quyết trong khi giáo đoàn bơ vơ thiếu người chăn dắt, các thày giảng, các giáo hữu phải giam cầm tra tấn dã man.

Cuối cùng Đức Cha và thày bị bắt, phải điệu về Hải Dương. Rồi Đức Cha Héc-mô-di-la bị trảm quyết, Thày Khang đau buồn vì không được chết bên cạnh người Cha kính mến.

Người chiến sĩ Đức Tin này còn phải chiến đấu thêm một tháng nữa. Thày phải giam với một số bổn đạo. Hằng ngày thày tổ chức đọc kinh chung và ăn năn tội ba lần. Thày ra trước công đường ba lần. Lần thứ nhất quan bắt khai Đức Cha đã ẩn ở đâu, thày nhất định không nói nên phải trận đòn dã man, hai bên mỏng mất hai miếng thịt, máu chảy lênh láng đau đớn, về đến ngục các bạn tù có đạo phải đem nước lá tre rửa bóp cho thày đỡ đau. Về sau thày viết thư kể lại cho các bạn đang trốn ở làng Bảo Bội rằng: “Các quan chỉ hỏi tôi nơi Đức Cha đã ẩn, tôi không thưa, bằng lòng chịu đòn, xin các thày cầu nguyện cho tôi”. Lần sau các quan lại hỏi nơi ở các Đấng, lý lịch quê quán và bắt khóa quá, vì thày Khang không chịu nói, không khóa quá nên phải tấn 180 roi, sau đó thày mới chịu khai rằng: “Năm nay tôi 29 tuổi, cha mẹ anh em quê quán ở đâu không rõ vì đi theo các đạo trưởng từ bé. Phải bắt với Đức Cha Héc-mô-di-la, không biết các đấng khác ẩn ở đâu, còn khóa quá thì không bao giờ”.

Cách ba ngày, các quan lại đòi thày lên tra hỏi thêm mấy điều nữa, nhưng như mọi lần trước, thày nhất định không nói gì. Sau cùng có quan bảo thày rằng: “Khoá quá, ta sẽ tha ngay”, thày Giu-se Khang mạnh bạo thưa: Quan thương tôi được nhờ, không tha thì thôi, xin đừng nói đến việc ấy nữa, đừng ép tôi khóa quá”. Nghe những lời ấy quan nổi giận vì cho là vô phép và truyền đánh thày 120 roi.

Thày thường viết thư cho các thày bạn kể lại những sự khốn khó mình phải chịu và xin các bạn cầu nguyện Chúa ban ơn sức mạnh cho mình được vững vàng, một lần thày nói thêm: “Xin gửi cho tôi một ít quần áo vì quần áo cũ bị đòn đã rách hết và xin gửi cho một cái chăn để liệm xác”.

Ngày 6-12-1861, Thày Giu-se Khang phải trảm quyết ở Năm Mẫu – Hải Dương. Xử xong chôn ngay cạnh pháp trường. Khi bổn đạo họ Thọ Ninh và họ Lai Tê đi lấy xác Đức Cha Héc-mô-di-la thì cũng định lấy cả xác thày, nhưng sợ lâu làm không kịp. Đến năm 1867, Thày Cai Hinh là anh ruột người, theo lệnh Đức Cha Hi-le[2] (Hy) đem về táng ở nhà nguyện họ Kẻ Mốt.

Khi làm án phong chân phúc cho Thày Giu-se Khang thì phải tìm cho được xác người, các cụ già trong làng Kẻ Mốt nói không hợp nhau nên các đấng làm lễ cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, xin Chúa vì công nghiệp Thày Khang và các linh hồn này, giúp cho chóng tìm được mộ Thày.

Lễ xong người ta đào gian nhà bếp là gian xưa để bàn thờ ở nhà nguyện cũ, nửa tiếng sau thấy một tiểu sành có viên gạch đề chữ: “Xác Thày Giu-se Khang tử đạo”. Khi mở tiểu ra, lại có thẻ đồng đề chữ: “Xác Thày Giu-se Khang tử vì đạo ở Hải Dương, năm Tân Dậu, Tự Đức thập tứ niên cũng là năm 1861”. Hài cốt thày được đưa táng ở nhà thờ Kẻ Mốt.

Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho thày Giu-se Nguyễn Duy Khang ngày 15-4-1906. Sau ngày ấy đầu thày được đưa về tôn kính ở nhà thờ tỉnh Hải Dương, xác thày vẫn để ở Kẻ Mốt, một ít xương thì để ở đền thánh Năm Mẫu là nơi thày chịu tử đạo.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong thày lên bậc hiển thánh.

-o0o-


[1] Jérome Hermozilla.

[2] Hilaire.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments