Gioan Lu-i Bô-na Hương, linh mục thừa sai Paris; sinh 1824 tại Saint-Christo-em-Jarez, Pháp; chết 1/5/1852 tại Nam Ðịnh. Ngài trực thuộc vào Hội Thứa Sai Ba Lê trong khi hoạt động tại Trung Phần, bị xử trảm ngày 1/05/1852 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức. Ngày 27-05-1900, Đức Lêô thứ VIII suy tôn cha Gioan Louis Bonnard Hương lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính ngày 01 tháng 05
Quê hương và trầm hương
Cuộc đời thánh Louis Hương, và nhất là cuộc tử đạo của Ngài gắn liền với tên gọi đã được Đức Cha Retordd Liêu đặt cho khi mới tới Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rõ ý của vị giám mục qua lá thư gởi cho thánh nhân ở trong tù.
“… Tôi đã chúc lành cho cha khi đặt cho cha danh xưng đẹp đẽ CỐ HƯƠNG, nghĩa là người cha của quê hương là hương trầm và là hương thơm. Chính lúc này đây quê hương yêu dấu đó đang xuất hiện cho cha trong ánh huy hoàng, vì cha sắp là một trong những công dân hạnh phúc. Chính lúc này đây hương trầm chuẩn bị đốt lên trên bàn thờ tử đạo và bay đến tận ngai Đấng Vĩnh Cửu, chính lúc này đây hương thơm đáng ca ngợi sẽ làm hài lòng Đức Giêsu như bình hương của cô Malađêna, sẽ làm cho Thiên Thần và loài người, trời và đất hân hoan vì hương vị ngọt ngào của nó.”
Vậy đó, suốt đời thánh nhân đã rao giảng về quê hương trên trời, đã chịu đốt cháy trong lao khổ và tỏa hương thơm ngào ngạt cho ngàn muôn thế hệ.
Gioan Louis Bonnard sinh ngày 01-03-1824 tại St. Chisrtoten-Jarret, giáo phận Lyon, nước Pháp. Năm 12 tuổi, cha mẹ lo liệu cho cậu vào chủng viện Alixe. Tuy học hành không xuất sắc, cậu được mọi người mến thương vì tính hiền lành và đời sống đạo đức. Trong thời gian này, cậu được nghe nhiều tin tức và mẫu gương truyền giáo ở vùng Viễn Đông, nên cũng ước ao sang Việt Nam giảng đạo. Ngày 04-11-1846, Bonnard xin vào hội Thừa Sai Paris hoàn tất chương trình thần học và thụ phong linh mục ngày 14-12-1848. Đầu năm 1849, cha Bonnard lên đường sang Việt Nam.
Khi vừa đến Phố Mới (Singapour), các bề trên định cử cha sang Ai Lao. Nhưng vì đường bộ không thể đi được, cha phải vòng về Hương Cảng tìm đường khác. Cuối cùng các bề trên quyết định bổ nhiệm cha vào Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Đức Cha Liêu đón tiếp cha ân cần, đặt tên mới là Hương và tạo điều kiện học ngôn ngữ và phong tục ngôn ngữ Việt Nam.
Trái chín của trời cao
Sau đó Đức Cha đặt cha Hương coi hai xứ Kẻ Trình và Kẻ Báng. Mùa chay 1852, cha mời 5 linh mục Việt Nam đến giảng phòng cho xứ Kẻ Báng, nhiều tín hữu ở chung quanh cũng đến dự. Cuối tuần tĩnh tâm, một số tín hữu ở họ Bối Xuyên mời cha Hương về giúp cho xứ của mình. Khi đó vua Tự Đức đã ra chiếu chỉ cấm đạo gay gắt, nên cha lưỡng lự mãi nhận lời. Ngày 21-03-1852 tại Bối Xuyên, sau khi dâng lễ cha ban bí tích rửa tội và làm nghi lễ bù cho một số trẻ em thì thấy quân lính đến bao vây làng. Một viên quan bị cách chức muốn lập công, đã báo tin cho quan huyện biết. Cha Hương vội cởi áo lễ, chạy băng qua đồng lúa, nhưng vì nước ngập đến thắt lưng nên không thoát kịp và bị bắt. Trên đường áp giải cha về huyện, quân lính đi nhanh quá cha nói với họ rằng : “Anh nào gấp cứ đi trước, còn tôi lúc nào đến cũng được, chẳng có gì phải vội” lính mới đi chậm lại.
Đức cha Liêu nghe tin cha bị bắt liền cho người đem tiền đến chuộc, nhưng quan huyện không tiếp. Đức cha gởi thư cho cha Hương như sau :
“Theo tính tự nhiên, việc cha bị bắt làm tôi buồn phiền quá đỗi. Tôi rất đau lòng khi bị mất cha, đang lúc cha có thể đảm trách những nhiệm vụ lớn lao cho miền truyền giáo. Có thể thấy rõ rằng cha được hạnh phúc là người con rất yêu dấu của Đức Kito khổ nạn, nếu không nghĩ như thế, tôi muốn khiển trách cha. Tại sao đang ở một nơi có thể phục vụ đắc lực hơn nữa, cha bỏ Kẻ Báng để chui đầu ngõ cụt Bối Xuyên?”
“Tại Kẻ Báng, cha đã gặt hái biết bao nhiêu thành quả. Những bó lúa chín vàng ở đây thật nhiều, thật nặng với những hạt lúa chắc nịch. Tại đây cha đã ép cho Chúa Cha tràn lan thứ rượu nho là các nhân đức… Thôi, tôi sẵn sàng tha thứ cho cha, vì chính Thiên Chúa đã muốn thế. Dưới mắt Ngài cha là trái cây chín mọng giữa trời cao, trái cây sắp được Ngài hái về….”
Ngọt ngào biết bao đau khổ vì Đức Kitô
Quan huyện chỉ giam giữ cha một đêm, sáng sớm hôm sau cho áp giải Ngài đến Nam Định. Hơn một tháng tù cha bị đưa ra tra khảo bốn lần. Cũng như các vị thừa sai khác, quan Tổng Đốc hỏi cha về tên tuổi, quê quán, lý do đến và những gì làm tại Việt Nam . nhiều lần các quan đã hỏi những nơi cha đã đi qua hay đã trú ngụ, và dọa đánh đòn nếu không khai. Cha đáp : “Các ngài muốn đánh thì cứ đánh, chư đừng mong tìm được một lời có hại đến tín hữu. Tôi đến đây để phục vụ cho đến chết. Các ngài sẽ lầm to nếu tôi tiết lộ điều gì dù rất nhỏ”. Khi các quan nói cha đạp lên Thánh Giá và dọa kết án tử hình, cha trả lời : “Tôi đã nói tôi không sợ đòn đánh hoặc cái chết, tôi sẵn sàng chịu tất cả…. Tôi không đến đây để chối đạo, hay làm gương xấu cho các Kitô hữu..”
Trong một lá thư cha Hương tâm sự rằng :
“Nói chung trong mọi cuộc khảo cung, tôi có kinh nghiệm cụ thể hiệu lực lời Đức kitô : ‘Các con đừng sợ phải trả lời những gì các quan trần thế, Chúa Thánh Linh sẽ nói thay các con’. (Mt.10,20). Thực vậy tôi không thấy bối rối chút nào, không thấy sợ gì và chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt Nam dễ dàng và lưu loát như thế”.
Thứ sáu tuần thánh năm đó, Đức Cha Liêu tìm gởi cha Lê Bảo Tịnh vào ngục giải tội và đưa mình thánh. Cha Hương tâm sự : “Đã lâu chưa bao giờ tôi vui đến thế, khi mang trong mình vua các Thiên Thần. Quả thật phải vô tù mang gông xiềng để hiểu được việc chịu đau khổ vì Đức Kitô Đấng chúng ta hằng yêu mến, thật ngọt ngào biết bao. Các bạn tưởng gông cùm của tôi nặng lắm sao ? Ồ, không ngược lại tôi thấy vui mừng vì có thể nói như thánh Phaolô : “Người tù của Đức Kitô’.
Cha Hương cũng viết tư an ủi song thân rằng : “Cha mẹ đừng buồn khi hay tin con bị bắt giam và đổ máu vì Đức Kitô. Cha mẹ có yêu con thì hãy vui mừng vì được phúc trọng ấy… sẽ có ngày cha mẹ và con đoàn tụ trên Thiên Đàng, khi đó chẳng còn lo phải xa cách nhau nữa.”
Về phần các quan, thấy không làm được cha xuất giáo thì viết án gởi về kinh đô rằng : “Chúng thần đã tra khảo nhiều lần nhưng y không chịu khai gì cả. Không cần kéo dài vụ án nữa, đây là tên mọi Tây một loại trọng phạm, hiển nhiên là đáng bị tử hình…”
Nhận được tin về bản án, Đức Cha Liêu viết vào tù :
“Xin cha cứ bình an… Tôi sẽ săn sóc đặc biệt những bạn tù và những tín hữu của cha. Tôi sẽ là một người cha nhân từ của họ… Cha xin tôi ban phép lành, nhưng tôi đã chúc lành cho cha từ ngày cha mới đến, ơn lành đó vẫn ở với cha đến muôn đời, phải tôi đã chúc lành cho cha khi đặt tên cha là “CỐ HƯƠNG’… Nguyện xin sức mạnh của Chúa cha nâng đỡ cha trên đấu trường cha sắp bước vào. Nguyện xin công nghiệp Chúa Con an ủi cha trên đồi Canvê cha sắp bước lên. Và nguyện xin tình yêu Chúa Thánh Thần sưởi ấm cha trong ngục tù, nơi cha sẽ khởi hành đi đón nhận nghành vạn tuế tử đạo”
Trong tay ngài, lạy chúa !
Và đây là bảng di chúc của vị chứng nhân : “Giờ long trọng đã điểm. Vĩnh biệt, xin chào tất cả mọi người đã thương mến và nhớ đến tôi. Xin hẹn gặp nhau trên trời… trông cậy vào lòng nhân từ của Đức Kitô, tôi tin Ngài tha thứ muôn vàn tội lỗi cho tôi, tôi tự nguyện hiến dâng mạng sống và máu vì yêu thương Người và vì những linh hồn yêu dấu mà tôi muốn phục vụ hết mình. Ngày mai thứ 7, ngày 01-05, lễ thánh Philiphê và Giacôbê Tông Đồ, giáp năm ngày sinh nhật trên trời của cha Đông, tôi nghĩ sẽ là ngày hiến tế của tôi. Xin cho ý Chúa được thể hiện. Tôi vui lòng chịu chết. Xin chúc tụng Chúa. Xin chào tất cả trong Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Trong tay Ngài lạy Chúa xin phó thác linh hồn con ngừơi tù của Đức Kitô”.
Sáng ngày 01-05-1852, cha Hương rước lễ lần cuối, vui vẻ theo quân lính ra pháp trường Bảy Mẫu, cách đó một dặm rưỡi về phía Nam. Đến nơi cha quỳ trên chiếu cầu nguyện. Cha phải chờ mộr giờ đồng hồ, vì quân lính quên mang dụng cụ tháo gông, phải chạy vền nhà kiếm. Sau đó họ trói vị chứng nhân vào cọc. Theo hiệu chiêng trống, lính chém đầu cha rơi trên cát. Dân chúng ùa vào thấm máu làm kỷ niệm, nhưng lính dùng roi đuổi tất cả ra xa, sau đó họ lấy áo ngoài, áo lót và hai ống quần cắt ra làm nhiều mảnh bán cho dân. Thân mình và đầu tử đạo được đưa lên thuyền bỏ trôi sông. Đức cha Liêu đã cho người đi một chiếc thuyền lảng vảng gần đó kịp thời vớt đưa về Vĩnh Trị. Đêm đó Đức Cha và vài linh mục âm thầm dâng lễ và an táng vị tử đạo trong chủng viện.
Ngày 27-05-1900, Đức Lêô thứ VIII suy tôn cha Gioan Louis Bonnard Hương lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ tu viện Đa Minh
Các cuộc hỏi cung và sự đối đáp.
Cha Bonnard bị điệu ra trước mặt quan lớn tra hỏi bốn lần. Lần thứ nhất quan hỏi: “Tên ông là gì?”
-“Tên Việt Nam của tôi là Hương, tên gia đình là Bonnard”.
Các quan lúng túng mãi vì không biết đọc và viết tên của ngài như thế nào, sau cùng ghi là Bona, và hỏi tiếp:
– “Ông bao nhiêu tuổi?”
– “29 tuổi”.
– “Ông người nước nào và đến đây từ bao lâu?”
– “Tôi người Pháp, đến đây từ hai năm, trước hết bằng tầu Pháp đến Macao rồi bằng tầu nhỏ của người Trung Hoa”.
– “Ông xuống từ hải cảng nào?”
– “Tôi không còn nhớ rõ”.
– “Các nơi ông đã đi?”
– “Tôi đi rất nhiều nơi không còn nhớ tên, nếu tôi nhớ tôi cũng không bao giờ nói cho các quan biết”.
– “Ông làm gì ở Bối Xuyên?”
– “Tôi qua đó có vài công chuyện chứ không định ở lại đó”.
– “Ông ở nhà ai tại đó?”
– “Tôi không muốn nói”.
Cứ thế các quan vặn hỏi để tìm cách bắt tội người giáo dân Việt Nam và kiếm thêm tiền đút lót. Biết vậy nên cha Bonnard vừa cười vừa nói:
-“Các quan cứ việc đánh đòn tôi đi theo như ý thích các quan, đừng trông tôi khai một lời nào có hại cho giáo dân. Tôi đến đây để phục vụ cho đến chết”.
– “Chúng tôi không muốn làm hại dân”.
– “Vậy tại sao các quan cứ ép buộc tôi khai ra người đã cho tôi trú?”
Mọi người chỉ biết cười. Quan hỏi tiếp:
– “Ông có muốn đạp ảnh dưới chân không? Nếu ông ưng chịu chúng tôi sẽ gửi trả ông về Tây Phương. Ngược lại, ông sẽ bị đánh đòn và kết án phải xử tử”.
– “Tôi đã thưa với các quan lớn là tôi không sợ roi đánh cũng chẳng sợ chết, tôi sẵn sàng chịu mọi hình khổ, còn bắt tôi làm một tội ghê tởm thì không bao giờ tôi chịu theo. Tôi đến xứ nầy không phải để chối bỏ đạo của tôi hay làm gương xấu cho các tín hữu”.
Nghe những lời khôn ngoan vững mạnh như thế, các quan im lặng và sai mang ngài trở về nhà tù.
Ngày hôm sau các quan lại cho điệu ra tra hỏi những câu hỏi như hôm trước và cũng không biết được thêm gì. Các quan nói với nhau chúng ta không có cách nào biết ngoài việc tra hỏi hắn. Cha Bonnard lại được cho về nhà tù.
Lần thứ ba quan cho điệu Cha Bonnard và Thầy Kim ra công đường để thúc ép tiết lộ tên người cho trọ và những nơi đã đi qua. Cha Bonnard trả lời: “Chính vì để làm ích cho người đồng hương của quí quan chứ không phải để làm hại họ mà tôi bỏ Âu Châu đến đây. Nếu tôi, một người ngoại quốc, còn yêu mến nhân dân xứ này và không muốn nói điều gì có hại cho họ thì các quan càng có lý mạnh hơn là cha mẹ của dân phải tránh những câu hỏi có hại cho họ chứ?”
Cha Bonnard học lời khai của Cha Charrier nói thêm rằng: “Nếu tôi bị bắt ở tỉnh khác, các quan có muốn tôi khai ra rằng tôi ở trong tỉnh này của quí quan không? Và nếu tôi khai như thế các quan có bị khiển trách không?”
Không lung lay được vị thừa sai, các quan nạt nộ Thầy Kim. Cứ mỗi lời của Thầy Kim họ kèm theo lời dọa nạt và roi đánh. Thầy bị đánh hai chục roi, miệng ú ớ. Cha Bonnard lại lên tiếng với giọng mỉa mai: “Tôi biết rõ việc của các ông và tôi cũng biết các câu hỏi đều dư thừa. Nếu các quan muốn tránh khỏi bẽ bàng và bớt khổ cho người này, các quan hãy làm tờ trình một cách khôn ngoan. Các ngài không thấy rằng đánh đập người trẻ này chỉ có được những lời khai dối trá làm liên lụy đến những người vô tội sao?”
Trước những lời nói khí phách và sâu sắc của ngài, các quan bảo Thầy Kim đến hỏi cha để trả lời các câu hỏi cho hợp và các quan có thể kết thúc nội vụ. Cha Bonnard đọc cho thầy viết lời khai rất chính xác và an toàn.
Trích Từ Dòng Máu Anh Hùng
Tập I-III của Lm Vũ Thành
Trường thi tử Đạo.
Bonnard Hương thừa sai linh mục
Sinh Giáp Thân (1824) quê thực Paris
Thừa sai truyền giáo lãnh đi
Sang miền Ðông Á thực thi loan truyền
Thừa Sai đến tại miền Bắc Việt
Nước Việt Nam thuộc miệt Á Ðông
Phép lành truyền giáo tươi hồng
Ðức Cha hy vọng cây trồng xanh tươi
Mới mười tuổi nghe lời ơn gọi
Xa gia đình học hỏi nhà tu
Hai mươi tuổi Chúa hộ phù
Học xong chủng viện, viễn du rao truyền
Ðược bề trên trao quyền Linh Mục
Hai tháng sau tiếp tục xuống tàu
Á Ðông lồng lộng biển sâu
Ðại Dương nước biếc một mầu xanh xanh
Vừa cập bến hoành hành dịch tả
Cha bắt tay vội vã học hành
Học tiếng Việt biết rất nhanh
Bắt đầu giải tội nhiệt thành đơn sơ
Các giáo họ nhà thờ giảng dạy
Khắp giáo dân ai nấy mến thương
Hiền lành mẫu mực khiêm nhường
Tinh thần cao quý, Cha Hương kiêm toàn
Ðức Cha Retorô Ngài đoan vững chắc
Linh Mục Hương tâm đắc đương đầu
Dù cho sóng gió dài lâu
Thì Ngài vững lái, con tàu vượt khơi
Ngài chỉ định coi thời hai xứ
Xứ Kẻ Báng, với xứ Kẻ Trinh
Trong khi lệnh của triều đình
Nhà vua cấm đạo, quân binh truy lùng
Ðến Bối Xuyên để cùng làm phúc
Số giáo dân hối thúc khuyên Cha
Ðừng đi ở lại xứ nhà
Không ngờ ai đó, đến mà báo quan
Cho quân lính vây tràn bốn mặt
Ðang rửa tội người giật áo lôi
Lính vây đã đến làng rồi
Xuống ngay ao nước hạ hồi tính sau
Ðang định hướng ra mau đồng lúa
Lính ập tới chửi rủa trói ngay
Sợi dây xiết chặt sưng tay
Cha xin nới lỏng, bọn nầy không cho
Cha bị bắt kéo co người khác
Là Thầy Kim nhớn nhác cháu Kha
Lội bùn hối thúc quá mà
Làm Cha kiệt sức, chảy đà máu chân
Cha cười nói đâu cần vội thế
Cứ từ từ đã để tôi đi
Trên đường dân chúng tưởng gì
Ra xem mới biết thế thì ông Cha
Tới xẩm tối về đà tới huyện
Ngoài Cha Thảo thực hiện lo tiền
Mười nén bạc để làm duyên
Ðem lo đút lót, quan quyền chuộc ra
Nhưng cửa đóng quan đà uống rượu
Với những người đàm tiếu báo quan
Cha con bị nhốt luận bàn
Hai người muốn chuộc, hỏi han cai tù
Họ nói thẳng ai ngu cho chuộc
Bắt được rồi là buộc xử thôi
Giải lên tỉnh võng cho ngồi
Khiêng đi cổ vẫn, liên hồi mang gông
Tới sảnh đường có đông dân chúng
Xem ba người bắt trúng hay sai
Cây cột lớn trước sảnh đài
Cả ba bị cột, lính cai canh chừng
Quan tổng trấn trợn trừng đôi mắt
Ra nhận tù cho dắt nhà giam
Ba tù nhân trí vững vàng
Mân Côi lần chuỗi, kho tàng đức tin
Mang xiềng xích ngắm nhìn thấy Chúa
Chịu cho nên chan chứa ơn thiêng
Có người thăm viếng bớt phiền
Về sau quan cấm, thấy liền cô đơn
Cha bị điệu quan lớn xét hỏi
Bốn năm lần chẳng nói chẳng khai
Chỉ trừ tên tuổi của Ngài
Hay là quốc tịch, không sai chút nào
Quan đưa ảnh đem vào bắt đạp
Cha Hương Ngài đã đáp lại ngay
Tôi tôn thờ hình ảnh này
Yêu cầu quan xử tôi ngay bây giờ
Xin đừng có tưởng tôi khờ dụ dỗ
Chỉ uổng công xấu hổ với dân
Vua quan khổ nhục lãnh phần
Còn ta vì Chúa, không cần quan tha
Quan làm án chúng là miệng sắt
Hễ hỏi tra im bặt không lời
Nghe tin ngày xử tới nơi
Dân tuôn về tỉnh, xem thời khá đông
Quan thấy vậy nên ông tránh né
Qua ngày sau dân sẽ bớt đi
Giáo dân quyết chí gan lỳ
Cánh đồng Ðan Thủy, cạnh thì bờ sông
Lý hình tới tháo gông xử trảm
Quân với quan cả đám hò reo
Ðầu rơi máu vọt một lèo
Giáo dân đứng ngắm, buồn teo muốn vào
Quân lính cấm làm sao lấy xác
Ðem xuống thuyền chỗ khác trôi sông
Dân theo sát rất kỳ công
Tam Tòa bỏ xác với gông xích xiềng
Ngay lúc đó tới liền vị trí
Dân thuyền chài quyết chí thay phiên
Tìm ngay thấy xác Người liền
Ðem về Vĩnh Trị, thuộc miền tỉnh Nam
Mặc áo chức nhập quan tẩm liệm
Ðóng nắp quan tưởng niệm tiễn đưa
Giáo dân thăm viếng sớm trưa
Hôm sau an táng, trời mưa đông người
Ðức Cha, Linh Mục thời đồng tế
Các chủng sinh hát lễ rất đông
Giáo dân hiệp ý thông công
Thừa sai tử đạo máu hồng chiếu soi
Nêu gương sáng giống nòi Lạc Việt
Mộ thánh nhân học viện chủng sinh
Nghĩa trang Kẻ Vĩnh quê mình
Hồn về trên chốn, Thiên Ðình thưởng công
Máu tử đạo tươi hồng Nhâm Tý (1852)
Chịu đầu rơi đấu lý uổng công
Tới mùa lúa đã đơm bông
Suy tôn Canh Tý (1900) cánh đồng phì nhiêu
Lời bất hủ: Quan điều tra về nhiều vấn đề, cha Hương đáp: “Các ông muốn đánh thì đánh, chứ đừng mong tìm được cái gì có hại cho các tín hữu. Tôi đến đây là để phục vụ cho đến chết. Các Ngài đã lầm to nếu nghĩ tôi sẽ tiết lộ điều gì dù là rất nhỏ”. Cha trả lời tiếp: “Tôi đã nói tôi sẽ không sợ đòn đánh lẫn cái chết và sẵn sàng chịu tất cả. Tôi không đến đây để chối đạo, hay làm gương xấu cho các Kitô hữu”.