Cậu bé mồ côi vất vả nhưng tốt nết
Đó là lời các giáo hữu xứ Đồng Chuối thường khen ngợi Cha Gio-an Đạt thuở bé. Cha sinh năm 1765 ở làng Khê Câu, xứ Trung Lương (cũng gọi là xứ Đồng Chuối), thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Khi còn bé, trong làng ai cũng biết tiếng cậu bé Đạt vất vả vì sớm mồ côi cha, nhưng lại ngoan ngoãn nết na hơn nhiều trẻ em khác. Cậu thương mẹ nên rất chịu khó làm ăn để an ủi giúp đỡ mẹ.
Mẹ cậu thì tuy phải làm lụng khó nhọc mới đủ nuôi hai con nhỏ, nhưng không hề sao nhãng việc săn sóc dạy dỗ con cái. Bởi vậy, cậu Đạt càng ngày càng thêm đức hạnh và sớm nhận ra tiếng Chúa gọi. Cậu đã xin mẹ cho đi tu, nhưng mẹ cậu can, không muốn, vì vừa tiếc đứa con hiếu thảo, vừa lo thiếu người giúp đỡ mình. Cậu nài nẵng xin nhiều lần nên cuối cùng bà mẹ ngoan đạo này bằng lòng cho đứa con đến nhà xứ Đồng Chuối, xin Cha Lu-ca Loan là cha xứ thương nhận giúp đỡ. Thế là cậu Đạt được yên lòng không ước ao gì nữa, ngày ngày vui vẻ sống trong nhà Chúa, làm mọi việc cha xứ dạy. Đến năm 18 tuổi, cha xứ cho cậu đi học ở chủng viện của địa phận.
Khi mãn tràng, cậu Đạt thủa xưa đã trở thành một thày giảng đạo đức chín chắn, được Bề Trên cử đi giúp các xứ, các họ trong địa phận. Thày hết lòng vâng lời các Cha, tận tâm thương giúp các giáo hữu và luôn luôn chăm lo mọi việc bậc mình.
Đến tháng 2 năm 1798, tức là năm thứ 7 triều vua Cảnh Thịnh, thày Đạt được gọi về chịu chức linh mục. Bấy giờ thày đã 33 tuổi.
Một linh mục đơn sơ, nhưng luôn nói thẳng, nói thật
Cha Gio-an Đạt chịu chức hồi đầu mùa Chay, Đức Cha địa phận sai người đi làm phúc cho giáo hữu xứ Hảo Nho. Vị tân linh mục giảng giải sốt sắng, lại hết lòng thương coi sóc con chiên, nên các bổn đạo kính người lắm.
Cha chính địa phận thuở ấy (là cố Le Roy) về sau cũng làm chứng về người rằng: “Cụ Đạt rất giàu nhân đức, tôi thấy cụ nhiệt thành vâng lời và thực sự sống nghèo khó. Đức Cha và các Cha đều kính trọng cụ không hề làm mất lòng ai, lại luôn tỏ ra đơn sơ khiêm tốn, nhưng cụ cũng là một linh mục hăng hái nóng nảy như lửa, nêu được một tấm gương không dễ bắt chước, đó là cách dùng lời lẽ khiêm tốn, mềm mại, nhưng nói thẳng nói thật, không pha phôi phỉnh nịnh lấy lòng, cho nên Đức Cha coi cụ như một vị thánh. Tôi cảm phục thấy cụ kém sức khoẻ, hay ốm đau mà không hề phàn nàn, luôn chu toàn việc bổn phận, chăm khuyên giảng, giải tội và săn sóc con chiên, nên người khô khan tội lỗi trở lại rất đông. Các giáo hữu ai cũng mến cụ, mặc dù cụ ít nói, chỉ yêu sống thầm lặng và thích đọc sách. Phần tôi cũng hết lòng kính nể cụ Đạt”.
Như Chúa Giêsu, phó mình cho quân lính bắt
Chính năm 1798, Cha Gioan được chịu chức linh mục thì vua Cảnh Thịnh đang nối nghiệp vua Quang Trung mà trị vì ở kinh đô Huế. Ngoài Bắc, vua Lê và Chúa Trịnh đã bị tiêu diệt, nhưng trong Nam, ông Nguyễn Ánh nổi lên toan phục thù và đang tiến dần ra miền Bắc. Nhà Tây Sơn vốn đã cấm đạo, thì từ nay, từ tháng 7 năm 1798, lại ra chiếu chỉ cấm đạo ngặt hơn và truy nã các giáo hữu gay gắt hơn. Vì vậy trong cùng một tháng 8 năm ấy, ngày mồng 7, Cha Triệu vừa bị bắt ở tỉnh Phú Xuân, đến ngày 25, Cha Đạt lại bị bắt tiếp ngay ở làng Thần Phù, thuộc tỉnh Thanh Hoá. Bấy giờ, cha mới bắt tay vào công việc mục vụ được bốn năm tháng. Các quan thi hành sắc chỉ của vua thì sai lính đi lùng bắt các đạo trưởng Tây và các đạo trưởng ta, cùng phá hết các nhà thờ đạo Gia-tô. Quan trấn thủ miền Bắc hết sức can vua Cảnh Thịnh rằng những người theo đạo ấy không làm tội gì, chẳng nên bắt bớ họ, nhưng vua không nghe, cứ truyền phải phá đạo. Và lệnh cấm đạo đã được thi hành triệt để khắp nơi trong nước, các giáo hữu rất khổ cực, nhiều người phải trốn tránh để khỏi bị bắt. Các quan nghĩ ra không biết bao nhiêu hình khổ để hành hạ họ.
Bấy giờ Cha Gioan Đạt đang ở làng Hảo Nho, nghe biết có mấy người ngoại giáo đã tố cáo mình với quan trên rồi đi lại theo dõi và rình bắt mình, nên Cha trốn lên núi trú ẩn ít lâu. Tưởng rằng tình hình đã tạm yên, một hôm đang đêm, cha kín đáo về làng Thần Phù là một họ lẻ trong xứ để làm phúc cho bổn đạo. Cha ở nhà ông Trùm Mới và làm lễ mồ tại đây, ngay sáng sớm hôm sau, ngày 14-7-1798, lúc canh 5, Cha vừa làm lễ xong, thì có mấy tên lính xông vào bắt Cha.
Dẫn đầu đám ấy là ông Năm Cường, họ từ trong rừng đi ra, qua làng Kẻ Dừa, đến sông, gặp thuyền đang đậu thì bắt chở họ đi, đêm đóng tại làng Hoàng Cương, đến sáng đi qua làng Chính Đại để đến Hảo Nho, đến làng Thần Phù thì bắt được Cha Đạt.
Thoạt đầu họ bắt được một bô già tưởng là Cha Đạt nhưng khi hỏi bô có phải đạo trưởng không, bô thưa không, nên họ bắt ông Trùm Mới là chủ nhà với mấy người nữa. Lúc ấy, đồ lễ vẫn còn bày ra ngoài, chưa kip dọn đi cất giấu, vì vậy ông Trùm Mới bị tra khảo mãi, đành phải nhận có cụ ở nhà mình. Chính lúc ấy, Cha Đạt ẩn ở gian trong, các giáo hữu xin Cha trốn đi cho thoát, nhưng Cha không nghe và bảo họ rằng: “Cha mà trốn thoát thì cả làng chúng con sẽ phải khổ cực lắm và thiệt hại rất nhiều”. Nói thế rồi Cha thản nhiên thong thả bước ra, tự nộp mình cho quân lính. Các giáo hữu khóc thương Cha và bảo nhau rằng: “Chẳng khác gì Chúa Giê-su xưa cũng đã tự ý phó mình cho quân dữ bắt”.
Dạy đạo thì phải có can đảm xưng đạo
Vừa trông thấy Cha Đạt, bọn lính đã reo hò ầm ĩ, ùa vào trói chặt Cha và đánh Cha rất đau. Các giáo hữu xót xa thì tình nguyện xin chịu đòn thay, nhưng họ không cho. Thày Tâm là kẻ giảng giúp cha cũng bị bắt cùng với ba người chức sắc trong làng là ông Trùm Mới, Nhiêu Danh và ông Việt. Ba ông này chảy nước mất ra xin chịu đỡ Cha ít roi, họ cũng không nghe, lấy lẽ rằng: “Chúng bay không phạm gì đến phép vua, chỉ có một mình lão này chống cưỡng nên chính nó phải chịu đòn”. Thế rồi họ giải người xuống thuyền sai chở đi Thanh Hóa, qua lối làng Chính Đại, có nhiều giáo hữu làng Hảo Nho đi theo, mang cả tiền bạc, hy vọng sẽ chuộc được Cha. Còn bọn lính thì ở lại lục soát cướp của cải của ông Trùm Mới, của mấy nhà giàu và nhà xứ nữa.
Bấy giờ có một nữ tu tên là chị Phong (có người gọi là chị Đối) cùng với mấy giáo hữu, xin đánh tháo Cha, nhưng Cha không cho, lại khuyên các con cái mình rằng: “Chúa đã định thế này rồi, các con hãy yên tâm để Cha theo thánh ý Chúa. Chúng con ở lại bình an, chịu khó giữ đạo và cầu nguyện cho cha được vững vàng”. Rồi Cha Đạt lại vui vẻ lên đường vào Thanh Hóa. Khi đi qua làng Kẻ Dừa, trời nắng gắt quá, có người đưa nón cho Cha đội, quân lính giằng lại không cho. Cha vẫn thản nhiên như thể không trông thấy cử chỉ tàn ác quá tệ ấy, và tiếp tục tiến bước cùng với các bạn đồng hành.
Từ khi bị bắt, đã mấy lần cha than thở với người nhà rằng: “Chúa đã định cho tôi vất vả suốt đời, tôi xin theo ý Chúa. Từ thuở bé, khi còn ở với cha mẹ, tôi đã khó nhọc lắm, vào nhà Đức Chúa Trời, tôi cũng chẳng được nhàn hạ bao giờ, từ nay bị bắt rồi, chắc chắn tôi sẽ còn gian khổ nhiều”.
Bọn lính giải cha đến Thanh Hoá thì điệu ngay ra công đường để các quan tra hỏi. Cha phải khai tên tuổi, quê quán, lý lịch, đã học đạo với ai, quen biết những đạo trưởng nào, người Tây hay người Việt, đã xuất ngoại học đạo bao giờ chưa. Cha Gio-an Đạt trả lời rất khôn khéo, ngắn gọn, không nói dối, mà cũng không nói điều gì liên quan đến người khác, nhưng cương quyết, rõ ràng, mạnh dạn tuyên xưng đức tin, thà chết chẳng thà bỏ đạo.
Dù phải điệu đến trước mặt vua, tôi cũng không đổi ý
Các quan cho điệu Cha đến nhà ông Hoàng Đệ là em vua và đang làm quan cai quản tỉnh Thanh Hóa. Ông Hoàng Đệ cũng hỏi lại những điều các quan đã hỏi trước, rồi bắt Cha giải thích ý nghĩa một bức ảnh vẽ cảnh phán xét chung. Nghe giải thích xong, ông truyền cho Cha giẫm lên bức ảnh ấy, nhưng Cha Đạt khoan thai nâng ảnh lên và hôn rất cung kính. Ông Hoàng Đệ mắng Cha rồi tiếp tục ra lệnh cho Cha phải khóa quá. Ông cũng truyền cho các quan có mặt ở đấy phải khuyên dụ Cha. Các quan tuân lệnh mà dỗ Cha Đạt rằng: “Xem ra các người có đạo mến Thày lắm, nhiều đứa đang khóc thương Thày, Thày hãy khóa quá đi, rồi ta tha về với chúng ngay”.
Cha Đạt kính cẩn đáp lại như sau: “Bẩm các quan, nếu tôi khóa quá, tôi chỉ chuốc nhục cho mình. Bổn đạo mến tôi vì tôi là cha dạy cho họ biết đạo thật để tìm thấy hạnh phúc đời đời. Họ khóc thương tôi vì thấy tôi vô tội mà phải khổ cực, nếu tôi can đảm trung thành chịu khó, thì họ sẽ theo gương sáng của tôi và được phấn khởi, có thêm sức mạnh giữ đạo vững vàng, rồi họ sẽ mến tôi hơn nữa. Nhưng nếu tôi khóa quá, tự tôi biết mình không đáng là cha họ, mà họ cũng chẳng thèm gọi tôi là cha, không còn ai thừa nước mắt khóc thương tôi. Trái lại, bổn đạo nhắc đến tên tôi thì họ cũng chỉ răn bảo nhau chớ ai hèn nhát, phản bội như tôi, làm cha dạy đạo rồi lại bỏ đạo. Như thế chẳng nhục nhã lắm sao? Vì vậy, nếu các quan tha, tôi xin về ngay với các con chiên của tôi. Nếu các quan giết tôi, tôi xin sẵn lòng chịu chết, sẽ có cha khác săn sóc dạy dỗ họ. Dù tôi có phải điệu đến trước mặt vua, tôi cũng không đổi ý và không thể chối đạo được”.
Ông Hoàng Đệ tiếp tục tra hỏi, bắt Cha Gio-an Đạt đọc tiếng La-tinh, rồi đọc một đoạn chuyện các thánh bằng chữ Nôm và đọc kinh cho ông và các con ông nghe.
Sau đó cha Đạt bị giải vào giam trong ngục.
Linh mục đem yêu thương vào nơi oán thù
Cha Gioan Đạt chỉ phải giam độ hơn một tháng thì được đem đi xử. Trong tù, Cha vẫn khoẻ mạnh, lại vui vẻ hơn khi còn ở nhà; Cha vẫn tiếp tục giảng khuyên và giải tội cho các giáo hữu cùng bị giam giữ ở đấy, hoặc dạy đạo cho những người chưa biết Chúa.
Nhưng các lính canh thì hành hạ Cha khổ cực lắm, vì họ muốn ăn tiền mà Cha không có tiền cho họ. Những ngày đầu, họ đối xử khắc nghiệt quá, Cha phải cởi áo đang mặc mà nộp cho họ, rồi cứ điềm đạm bình tĩnh, đối xử lại hết sức hiền lành và yêu thương. Các giáo hữu thấy vậy thì vận động để Cha được giao cho một ông cai tù có đạo trông coi. Và ông này rất kính trọng Cha. Một hôm, có người mang chuối đến cho Cha, lính ăn cấp mất. Ông cai tù biết việc ấy thì tức mình định đánh đòn cả bọn lính để tra xem ai lấy. Nhưng cha Đạt can ông cai ấy rằng: “Xin ông bỏ qua cho, quả chuối thì có gì quan trọng đâu, tôi ăn hay người khác ăn cũng thế thôi, không hệ gì”. Quân lính được tha khỏi phải đòn thì mừng rỡ, cảm ơn Cha lắm.
Các giáo hữu đến thăm Cha rất đông, Cha tiếp chuyện họ vui vẻ bình an như thường, ai tỏ vẻ lo buồn, thương tiếc Cha hoặc khóc lóc than phiền thì Cha an ủi và nói đùa cho họ vui lên.
Thấy một số giáo hữu cũng bị bắt, bị giam tù và chịu nhiều hình khổ, Cha sợ có người nhát đảm mà ngã lòng chăng, nên thường khuyên họ rằng: “Chúa định cho ai được chịu khó và chịu chết vì đạo, là ban cho người ấy một ơn rất trọng. Chớ gì chúng ta vững vàng theo thánh ý Chúa thì phúc lắm, và Cha rất mừng: Từ xưa đến nay, Hội Thánh đã có vô số các thánh chịu tử vì đạo, ở khắp thế gian, nước nào cũng có, nước ta cũng có, nhưng còn rất ít, Chúa đang muốn ban ơn đặc biệt này cho chúng ta, chúng ta hãy cần thận giữ lấy, đừng để mất”.
Cha cũng sợ khi phải tra khảo, mà có ai thưa lại nhỡ nhàng cách nào chăng, nên cha dặn tất cả mọi người cùng phải giam với mình rằng: “Hễ phải ra trước mặt các quan, anh em cứ lo giúp đỡ khuyên bảo nhau ở vững vàng, có nghe thấy ai nói phạm đến đạo Chúa, anh em cũng đừng lo, tôi sẽ cãi lẽ thay cho tất cả anh em, tôi sẽ không chịu để yên. Còn phần anh em muốn thưa lại để xưng đạo thật, phải lượng sức mình trước, kẻo đến lúc sợ quá ngã lòng, rồi lại nhỡ nhàng cách nào mà làm gương xấu cho người khác thì uổng công chịu khó bấy lâu”.
Lúc đó ở trong tù, có một giáo hữu là thày Thông Huy mến phục Cha, sấp mình xuống xin hôn chân Cha, nhưng Cha không cho, vì vốn Cha rất khiêm nhường. Cha thường bảo thày Tâm và thày Huy cùng bị giam ngồi ăn cơm chung với mình. Hai thày kính Cha lắm, không dám ngồi như vậy, nhưng khi hiểu ý Cha không bằng lòng thì vâng lời.
Sau mấy lần điệu Cha ra công đường và ai dụ dỗ khóa quá cũng không được, các quan truyền cho lính cầm gông kéo Cha bước qua ảnh chuộc tội. Cha vội sấp mình xuống cung kính lạy, lính không thể lôi Cha đi được. Đến lần khác, các quan lại giục Cha khóa quá, Cha im lặng quỳ xuống, rồi cất kinh Ăn năn tội, bảo cả các thày và các bổn đạo ở đấy đọc chung với mình.
Trông thấy người hiền lành nhân ái, khiêm tốn và vui vẻ, ai cũng tỏ lòng cảm mến, chẳng những người có đạo mà cả người ngoại giáo cũng thương tiếc Cha. Có một bà bên lương nghĩ đến cảnh đau đớn Cha sắp phải chịu khi xử thì động lòng thương, làm ít thuốc độc đưa đến cho Cha uống mà chết trước khi xử để đỡ phải đau đớn, nhưng Cha từ chối không nhận thuốc và bảo cho bà hiểu rằng: “Cám ơn bà thương tôi chịu khổ. Phần tôi lại sẵn sàng chịu khổ để làm chứng đạo thật. Vả lại, Chúa chúng tôi cấm không được giết người thì tôi cũng không được tự giết mình. Cho nên tôi không thể theo lời bà khuyên. Dù có phải chính vua truyền cho ai đổ thuốc độc vào miệng tôi, tôi cũng sẽ hết sức liệu cách nhổ ra ngay”.
Một linh mục xứng đáng
Sau hơn một tháng giam giữ Cha Đạt trong tù, dùng đủ mọi cách dụ dỗ và đe doạ để thuyết phục Cha khóa quá nhưng không được, các quan hiểu rõ đây là một linh mục đạo đức và can đảm, không mong lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của Cha, nên đã lập án cho Cha.
Hôm 13-10-1798, ông Hoàng Đệ cho điệu Cha Gio- an Đạt ra công đường và tuyên bố: “ Đức vua đã kết án tử hình cho ông vì tội theo tả đạo và dạy tả đạo. Còn ít ngày nữa, ông sẽ phải xử để làm gương cho người khác”. Cha Đạt nghe báo tin này, chẳng những không sợ hãi bối rối mà lại mừng rỡ tươi tỉnh. Gặp các bạn đến thăm mình, Cha vui vẻ khoe ngay rằng: “Tôi vừa có tin mừng, tôi cho ông biết để cùng vui với tôi vì tôi sắp được lìa biệt thế gian”.
Về đến nhà giam, Cha tâm sự với các bạn tù rằng mình không hề sợ chết, nhưng cũng có lúc nghĩ mấy ngày nữa sẽ phải xử, thì tự nhiên lại cảm thấy muốn sống. Dẫu vậy, tôi hằng quyết tâm theo thánh ý Chúa.
Các quan cũng nhận thấy Cha Đạt biết mình sắp phải chết mà không mảy may xúc động, vẫn một mực bình thản vui tươi, nên ai nấy đều ngạc nhiên và bảo nhau rằng: “Ông đạo trưởng này thật xứng đáng là đạo trưởng để giảng dạy mọi người”. Phần Cha Đạt rất khiêm nhường, Cha chỉ lo lắng một điều là mình mới chịu chức linh mục, còn non nớt và thiếu sót phạm nhiều lỗi lầm, nếu không được xưng tội trước khi chết thì đáng phàn nàn lắm. Cha cũng nói chuyện với các bạn tù và các giáo hữu đến thăm như thế. Mọi người hợp một lòng với nhau tìm cách lo liệu cho Cha được xưng tội. Thế là có một hôm, Cha Huấn ở xứ Bạch Bát cải trang giả làm thày đồ bạn học cũ của Cha Đạt đến thăm Cha, các giáo hữu xếp đặt với lính canh tù cho hai đấng được gặp nhau tự do, và hôm ấy, Cha Đạt đã xưng tội chung lần cuối đời, rồi vui vẻ chờ ngày chịu xử.
Dọn mình chết bằng những việc bác ái
Có một người lính vừa nghe tin Cha Đạt sắp phải xử thì đến xin rằng: “Lạy Cha, Cha sắp được lên thiên đàng rồi, ở trên ấy, xin Cha cầu bầu cho con với”. Cha bảo chú lính ấy như sau: “Không biết tôi đã sắp được lên thiên đàng chưa, tôi không rõ, đó là việc Chúa định. Như giả khi tôi được phúc trọng ấy, được thanh nhàn vui vẻ vô cùng lẽ nào tôi quên các anh em còn ở dưới đất này. Chú không cầu xin tôi cũng nhớ đến và cầu cho chú được mọi ơn lành”.
Rồi khi Cha đi chào ông Đốc canh trong tù, quen gọi là ông Đô Thường. Ông này tiếp Cha rất lịch sự và nói với Cha rằng: “Tôi chưa gặp được ai khôn ngoan, đạo đức như cụ, tôi cảm phục cụ đã lâu và muốn kết nghĩa anh em với cụ, nhưng không thể được nữa, nay đã có án, cụ sắp phải xử. Vậy tôi muốn bày tỏ hết lòng chân thành của tôi quý mến cụ, tôi xin dâng cụ một cỗ quan tài, xin cụ vui lòng nhận và hiểu cho lòng tôi”. Cha vui vẻ cám ơn rồi từ giã ông.
Ra ngoài, cha gặp một chú lính khác, cho chú một miếng trầu rồi nói đùa rằng: “Mời chú xơi trầu mừng cụ, mấy bữa nữa, ta sẽ đi chơi chợ Ra[1] với nhau”. Chú lính nghe Cha nói thế thì buồn.
Còn Cha vẫn tươi cười vui vẻ, khuyên hai thày bạn tù hãy dọn mình chết lành, dù phải khổ cực đến đâu, dù phải chết cách nào, thì khổ cực cũng sẽ qua đi, chết thì chỉ chết một lần thôi, hãy vững vàng can đảm. Cha không muốn anh em phải chịu đòn dữ quá mà chết trước để Cha chết một mình. Cha vẫn cầu xin chớ gì Chúa cho cả Cha và cả anh em được chết cùng với nhau thì phúc lắm. Nói đoạn, Cha quay ra dặn người nhà dọn một bữa cho lính canh ăn sau khi Cha chịu xử, để rồi ra mà có ai bị bắt giam nữa thì họ nể và không xử tệ như trước nữa.
Chiều hôm ấy, Cha lại đi tạ quan Đề đốc Điều, vì ông đã cho Cha được ở riêng, không phải giam chung với các người tù khác. Tiện dịp này, Cha cũng xin quan thương họ và liệu cách cho các thày bạn tù được tha đòn, vì quan trấn đã đe đánh các thày 50 roi. Cha sai các thày mang trầu đi mời các lính canh để từ giã họ, mà các thày chưa kịp đi thì Cha đã sấp mình xuống định tạ các lính ấy, nhưng họ không dám chịu mà thưa rằng: “Quan Đề đốc và ông Đô Thường còn không dám để cụ lạy tạ, phương chi chúng tôi? Xin cụ tha cho”. Cha Gioan Đạt mỉm cười hiền lành và dặn dò thế này: “Vậy cụ thấy các chú đêm ngày khó nhọc với cụ bấy lâu. Các chú vất vả đưa cụ đi đón cụ về, lúc nào cũng bận rộn lo lắng canh giữ cụ, nên cụ muốn tỏ lòng cụ biết công lao các chú, mời các chú ăn một bữa sau khi cụ chịu xử. Cụ đã giao việc này cho các thầy đây là người nhà cụ lo liệu. Còn các chú, cụ chỉ xin các chú thương giúp và xử dễ dàng rộng rãi với các người có đạo vẫn đang phải giam ở đây”. Có chú lính cảm động thưa với Cha rằng: “Lạy cụ, cụ phải chết rồi, chúng tôi ăn uống ngon lành gì nữa? Vua có tha cho cụ, thì chúng tôi ăn mới thấy ngon được”. Chú khác nói tiếp: “Cụ chết thì vui vẻ gì mà còn ăn uống!”. Mấy chú khác vừa khóc vừa trách vua và ông Hoàng Đệ như sau: “Rõ thật ngược đời, người lành vô tội thì bị khuấy khuất, bắt bớ, còn kẻ nghịch phản với nhà vua thì lại vẫn vô can, yên ổn. Khốn nạn quá!”
Một số bổn đạo được tha vào chào Cha được nghe Cha khuyên bảo những lời sau cùng và dặn dò câu này: “Bây giờ về nhà, hễ lúc nào gặp các Cha, anh em nhớ nói tôi gửi lời kính thăm và kính chào các đấng. Xin các đấng hết lòng chịu khó vì đạo. Các đấng nên hiểu rõ rằng các giáo hữu rất cần được nâng đỡ nhất là về tinh thần, để vững vàng giữ đạo trong những cơn cấm cánh”.
Đến lượt các thày đang bị giam trong tù sấp mình lạy chào Cha Gio-an Đạt, xin người cầu nguyện cho được nhẫn nại can đảm. Cha an ủi khuyến khích họ rằng: “Chúa gọi Cha trước, Cha vui lòng vâng theo. Các thầy còn ở lại, cứ yên tâm theo thánh ý Chúa. Chúa cho sống thêm ở đời này để lập thêm công nghiệp, các thày hãy sốt sắng ăn ở đạo đức thánh thiện, luôn luôn dọn mình sẵn sàng chịu chết, vững vàng xưng đạo ra để tôn vinh Thiên Chúa”.
Sau những lời trối trăn trên đây Cha Gioan Đạt bắt đầu im lặng, cầu nguyện suốt đêm. Sáng hôm sau, có một thày vừa gặp cha đã hỏi xin chiếc khăn tay của Cha đang dùng. Cha hỏi thày xin làm gì, thì thày nói mình ước ao có một kỷ niệm của Cha để nhớ Cha lâu dài và nhớ gương Cha mà noi theo cho được vững vàng chịu khó đến chết. Cha nghe nói thế thì ừ và cho ngay.
Những lời giảng đạo cuối đời
Hôm ấy là ngày 28-10-1798. Ngay từ sáng, ông Hoàng đệ đã cho điệu Cha ra công đường và quở mắng rằng: “Khốn nạn quá, người như cụ mà đi làm tướng, làm đầu bè đảng phản quốc, lừa dân. Được cha mẹ sinh ra, lớn lên trong làng trong nước, có dân thương mến, có quan cai trị, mà còn dại dột nghe theo lũ tây dỗ dành theo đạo man ri ấy? Cơm ăn áo mặc bởi đâu mà có ? Nhà ở đất nước nào? Thử nói ta nghe. Nếu muốn thờ vua Phu-tu-rê[2] thì sang xứ Phu-tu-rê mà ở. Còn bọn bổn đạo kia, không làm nghề lừa đảo ấy, mà chỉ vì dốt nát bị mê hoặc trót theo tả đạo, ta mở lượng khoan dung tha cho tất cả, hãy trở về nhà mình, bảo nhau mà làm ăn lương thiện, giữ đạo của cha ông tổ tiên và cấm chỉ không đứa nào được theo tà đạo nữa”.
Cha Gio-an Đạt vẫn quỳ yên cầu nguyện. Nhưng khi ông Hoàng đệ vừa dứt lời, Cha cất tiếng nói to và rõ: “Hỡi các anh em giáo hữu, chúng ta phải giữ 10 điều răn của Chúa trước hết. Sau đó ta cũng có bổn phận vâng phục lệnh trên của các bậc vua quan, nhưng chỉ được vâng phục trong những điều lành, những điều hợp lý mà thôi. Vua quan ra lệnh nào trái với các điều răn của Chúa thì anh em không được vâng theo”.
Mọi người còn có mặt đông đủ ở đấy, ông Hoàng Đệ lục các đồ đạo bắt được, truyền cho lính mang một mẫu ảnh Bảy sự thương khó Đức Mẹ ra và hỏi Bà này là ai? Sao lại bế ẵm các xác chết? Ai đâm bảy lưỡi gươm này vào trái tim Bà làm gì? Cha Đạt giảng to cho mọi người nghe tiếng: “Đây là ảnh Đức Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Cứu Thế. Đức Mẹ thấy Con mình rất tốt lành, thương xót mọi người, làm ơn cho mọi người, chịu khổ cực hết sức để cứu độ mọi người, thế mà có những kẻ dữ tợn tàn ác bắt con Đức Mẹ nằm lên Cây Thánh giá, kéo chân tay Con mình ra rồi đóng đinh vào Cây Thánh giá ấy. Đức Mẹ thương Con, trái tim đau nhói như bị lưỡi gươm nhọn đâm vào. Thực ra chẳng có ai cầm gươm đâm vào lòng Đức Mẹ. Mà đây là một cách vẽ để giúp người xem ảnh hiểu Chúa cứu độ thế gian phải đau đớn đến chết và Mẹ Chúa cũng đau đớn với Con đến nỗi trái tim Mẹ cũng như bị đâm nhói liên.
Ông Hoàng Đệ và các quan im lặng thản nhiên, còn các giáo hữu động lòng sốt sắng chảy nước mắt.
Cha đang định nói tiếp, nhưng lính đã được lệnh điệu ra pháp trường.
Tế lễ mình năm 33 tuổi như chúa Giêsu
Quan quân chia làm hai đoàn điệu cha sang qua sông Triêng để đến Chợ Rạ. Trên đường đi, chỗ nào bổn đạo cũng tụ tập nhau khóc lóc chào biệt vị linh mục tử đạo. Tới sông, phải chờ đò ngang hàng tiếng đồng hồ. Khi nửa đoàn người vừa sang sông thì trời nổi cơn giông tố lớn cho nên số còn lại phải chờ sóng yên lặng gió mới dám lên đò. Rồi vì sợ sắp đổ mưa nên lính tráng chạy như giặc. Cha Đạt vai mang gông nặng cũng phải chạy theo, nhưng nét mặt bình tĩnh vui vẻ hơn hết mọi người. Ra đến Chợ Rạ khoảng 2h chiều, quan Đề Đốc sai tháo gông để Cha ngồi vào chiếu, cho phép dọn những món ăn ngon bưng lên mời Cha dùng, nhưng Cha chỉ ăn vài múi cam. Theo lệnh trên lính canh cũng rót rượu mời Cha uống, nhưng cha từ chối rồi im lặng cầm trí lại, chắp tay trước ngực, ngửa mặt lên trời cầu nguyện.
Quan cho phép các bổn đạo đến lạy cha lần sau hết. Nhờ dịp này, Cha Đạt lại an ủi và khuyên các giáo hữu vững vàng giữ đạo, dù phải cấm cách, dù gặp khó khăn cũng bền lòng cậy trông mà trung thành theo Chúa. Bổn đạo ai cũng xúc động lắng tai nghe những lời cha lối cho con cái, rồi mọi người đều khóc. Còn cha lại tiếp tục chắp tay cúi đầu cầu nguyện. Có một thanh niên ngoại giáo đứng lẫn với các giáo hữu, chạy đến gần cha mà quát rằng: “Sao không ngửa mặt lên để mọi người nhìn xem cho kỹ một lần cuối cùng?” Cha ngửa mặt lên ngay thì có một thanh niên khác hạch cha rằng: “Đạo gì lại dạy người ta bỏ cha mẹ, phải giết những kẻ truyền bá các đạo bất hiếu ấy đi thì đúng lắm, có thể mới duy trì được luân thường đạo lý của dân tộc ta”.
Cha Đạt vẫn một mực ôn tồn bảo anh ta thế này: “Anh nói thế vì anh chưa học đạo nên chưa biết đấy. Đạo chúng tôi dạy con cái phải hết lòng kính mến cha mẹ, ăn ở hiếu thảo với cha mẹ chẳng những khi cha mẹ còn sống, mà khi họ qua đời, con cháu vẫn phải tiếp tục cầu nguyện và làm việc lành phúc đức để cầu nguyện cho cha mẹ mãi mãi về sau. Anh hãy xem gương tốt của các giáo hữu tốt, rồi anh sẽ hiểu ra, và nếu anh thành tâm, Chúa sẽ cho anh nhận biết đạo thật mà noi theo để được hạnh phúc”.
Không còn ai lên tiếng nói nữa. Mọi người đứng kín pháp trường Chợ Rạ im lặng nghe tiếng loa rao truyền sắc chỉ của vua, quan Đề đốc cũng im lặng một lát rồi tuyên bố: “Ta không muốn làm việc này, nhưng vì có lệnh vua truyền, nên phải thi hành”.
Vừa nghe dứt lời tuyên bố ấy, lính liền xông vào bảo Cha ngồi xuống. Cha thản nhiên ngồi xuống, tươi tỉnh vui vẻ như thường.
Quan án cho các giáo hữu đến gần lạy Cha một lần nữa. Họ chen chúc nhau vào sấp mình xuống hôn chân Cha. Rồi Cha xin quan cho nghỉ một lát để liệu việc riêng. Quan hỏi cho biết người muốn liệu việc gì riêng. Có người đứng đấy bẩm quan rằng : “Cha chúng tôi sắp chịu chết, nên xin cầu nguyện một lát để dọn mình”, Quan ưng cho.
Cha Gio-an Đạt quỳ lên chắp tay đọc kinh, mắt quay về phía nhà thờ làng Trinh Hà ở hướng Đông. Một lúc sau, quan chỉ huy ra lệnh, một đao phủ đứng mé sau phía Cha, vung gươm lên rồi chém một nhát, đầu vị tử đạo rơi xuống, lính nhặt lấy tung lên cao. Các giáo hữu xô nhau chạy vào thấm máu Cha Gio-an Đạt tử đạo, họ còn nhổ hết cỏ và cạo sâu xuống, lấy đất nơi Cha vừa chịu xử. Đoạn quan rao lớn tiếng, cho phép bổn đạo mang xác Cha về an táng. Các giáo hữu liền mang thuyền tới chở xác Cha về chôn cất trong nhà thờ Đức Bà ở làng Phúc Nhạc, thuộc địa phận Phát Diệm. Bao nhiêu người đến cầu nguyện ở mộ Cha đều lĩnh được rất nhiều ơn phần hồn phần xác. Về sau sợ dân ngoại lấy trộm mất xác thánh nên các giáo hữu kín đáo chuyển ra một nhà tư. Ông chủ nhà này là giáo hữu làng Phúc Nhạc, dọn một nơi trên tầng gác để cất xác Cha. Mọi người đều tôn kính trông cậy và thường xuyên cầu xin Cha Gio-an Đạt giúp đỡ trong những lúc khó khăn bệnh tật. Còn chính ông chủ nhà thì trưa nào cũng quỳ trên gác hoặc quỳ ở dưới giường thẳng gác ấy xuống mà đọc kinh lần hạt. Khi ai có việc gì phải chạm tới tiểu đựng hài cốt thì ông đòi phải kính cẩn lấy giấy hoặc vải lót tay mới được làm.
Phần chúng ta là con cháu của người, chúng ta cũng phải năng than thở kêu van Cha Gio-an Đạt phù hộ cho mình được vững vàng giữ đạo, can đảm xưng đạo ra, lập nhiều công phúc để sau này được Chúa cho lên thiên đàng với người và các thánh tử đạo khác hưởng hạnh phúc muôn đời. Chính Cha Đạt khi còn ở trong tù, cũng nói rằng người ở trên thiên đàng không thể quên các anh em con cháu còn ở dưới đất.
Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha Gio-an Đạt ngày 27-5-1900.
Chúng ta hãy sốt sắng sùng kính vị Thánh Tử Đạo này đã nêu gương nhân ái hiền hòa, nhưng cương quyết và can đảm, vui vẻ hiến dâng mạng sống mình để tuyên xưng Đức tin, làm của lễ toàn thiêu giữa tuổi 33 như Thày chí Thánh. Trong đời linh mục của Cha Gio-an Đạt, chẳng những Cha được dâng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, mà còn dâng chính Mình Máu cha để góp phần cứu độ các linh hồn. Ta hãy quyết chí noi gương can đảm của người, nếu chưa đổ máu thật được ít là ta đừng bỏ phí những dịp đổ máu thiêng liêng để tận dụng mọi đau khổ Chúa gửi cho ta mà lập công đền tội, đón nhận ơn cứu độ cho mình và cho người khác.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Cha lên bậc hiển Thánh ngày 19-6-1988.
[1] Chợ Rạ thuộc làng Trinh Hà (Thanh Hoá), là nơi quen xử những người bị kết án tử hình.
[2] Phu-tu-rê: Tiếng chỉ người Bồ Đào Nha
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn