Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh, Hạnh là tên hiệu; tên thật của ngài là Domingo Du, linh mục Ða Minh; sinh năm 1772 tại Năng A, Nghệ An, chết 1 tháng 8 năm 1838, tại Ba Tòa.
Đaminh Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1772 tại làng Năng A, tỉnh Nghệ An, thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. Ngay từ bé cậu đã có nguyện ước làm linh mục, được Đức cha Delgado Y hỗ trợ, và gởi cậu đến học với cha Liêm. Sau khi thụ phong linh mục, cha Hạnh xin gia nhập dòng thánh Đaminh, và khấn ngày 22.08.1826 trong tay bề trên Amandi Chiêu khi đã 54 tuổi. từ ngày đó, cha càng tích cực rao giảng danh Chúa và phục vụ các linh hồn. Lúc vua Minh Mạng bách hại những người công giáo, cha phải làm việc mục vụ cách lén lút, nhưng không bao giờ chịu bó tay. Ngài bị bắt và bị xử trảm (chém đầu) năm 67 tuổi. Phong Á Thánh 1900. lễ kính vào ngày 1/08.
Năm 1838, cha đến phục vụ ở Quần Anh Hạ. Tới khi tình hình ở đó căng thẳng, cha di chuyển qua làng Trung Thành. Hai người làng Quần Anh hứa đưa cha đến nơi trú ẩn cách an toàn, cha thật thà tin lời đi theo. Ngày 07.07, trên đường đi, chính hai người này bắt cha nộp cho quan. Cha bị giải về thị trấn Nam Định và tống giam chung với cha Bernadô Vũ Văn Duệ, một linh mục triều cùng giáo phận đã bị bắt trước cha bốn ngày.
Ai dại ai khôn
Khi tới cửa thành, cha Hạnh thấy một cây Thập Giá đặt dưới đất ngay lối đi, cha liền đứng lại yêu cầu quan cho lính cất đi. Thấy thái độ dứt khóat của cha, quan cho cất Thánh Giá, bấy giờ người chiến sĩ đức tin mới chịu vào thành, bình tĩnh vui vẻ ra mắt quan tòa. Sau khi hỏi về tuổi, quê quán quan hỏi: “Vậy ông dậy dân chúng những gì?. Cha đáp : “Tôi chỉ người ta làm điều lành, tránh điều dữ thôi”. Quan lại hỏi :- Tại sao không bước qua Thập Tự?
– Thưa quan, Thập Tự đối với chúng tôi là hình Thánh Giá, tượng trưng cho ơn cứu chuộc, nên không được ai chà đạp, vì đó là một trọng tội.
– Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo rồi được tha về, ông cứ làm như thế ta sẽ tha cho.
Nhưng cha Đaminh Hạnh cương quyết không chịu đạp lên Thánh Giá. Cha bình tĩnh giải thích cho quan các lẽ đạo rồi kết luận : “Kẻ trung thành với Chúa Giêsu, khi chết sẽ được lên Thiên Đàng”. Quan hỏi: “Thế nhưng người không tôn thờ ông Giêsu, chết sẽ đi đâu ?”. Cha đáp: “Xuống hỏa ngục”. Câu trả lời đã làm cho quan giận quá, tiện tay cầm quạt đập ngay vào đầu cha một cái, chửi mắng thậm tệ và cho lính đánh cha 15 roi. Đánh xong, quan bắt cha mang gông xiềng tống ngục.
Cha Hạnh còn phải ra tòa nhiều lần nữa. Một lần quan đưa ra mẫu ảnh Đức Bà, yêu cầu cha đạp lên thay cho Thánh Giá, nhưng cha kính cẩn cầm lấy mà hôn. Việc tôn kính Đức Mẹ ấy được quan “ban thưởng” 100 roi đòn, nhưng cha vui vẻ chấp nhận. Lần khác cha ra tòa với linh mục Duyệt, một người trước đây có nhiều tiếng xấu. Linh mục này bị bắt và đã bỏ đạo. Khi quan bảo bước qua Thập Giá, linh mục Duyệt vâng ngay, bước qua lại mấy lần.
Cha Hạnh thấy thế nổi nóng chỉ thẳng mặt nói : “Bớ ông kia ! Hãy xem đầu mình đã bạc, còn sống được bao năm nữa mà cả lòng bỏ Chúa mình vì năm ba ngày tháng chóng qua ru ? Ông làm ô danh đấng bậc mình để được lòng vua dữ ? Ông thêm cực lòng cho Giáo Hội đã nuôi nấng dạy dỗ bấy lâu, đi làm bạn với ma quỷ, chực làm hại đời mình”.
Nhưng kẻ phản bội quay qua cười chế nhạo và nói : “Tôi làm khôn, chỉ có ông là dại dột”. Quan và lính nghe nói vỗ tay reo hò cách đắc thắng. Người chiến sĩ quay ra cãi lý với các quan. Nói một hồi mất bình tĩnh, cha xưng hô “mày tao” nên bị phạt 30 roi đòn. Khi quan ra lệnh ngưng đánh, cha Hạnh ung dung nói: “Các ông đánh đủ chưa?”. Rồi chắp tay sau lưng nói tiếp: “Làm đến ông lớn mà còn bất công, bắt một mông chịu cả, còn mông kia chẳng chịu gì hết”.
Đạo thấm vào tâm can
Sau khi thấy không làm cha Hạnh và cha Duệ bỏ đạo được, quan liền làm án gởi vào kinh đô xin vua Minh Mạng châu phê. Án ấy như sau:
“Chúng tôi đã tra khảo hai tên Vũ Văn Duệ và Nguyễn Văn Hạnh. Chúng đã bị bọn Tây lừa, mà theo Gia Tô đã lâu. Chẳng những chúng tin, mà lại giảng đạo ấy cho nhiều người khác tin theo nữa… Xem ra đạo ấy đã thấu vào tâm can bọn chúng đến nỗi không thể bỏ được. Vậy chúng tôi luận chúng cho chúng án trảm quyết, để ai nấy đều biết tội chúng nặng, đáng phải phạt thế ấy”.
Nghe tin bản án đã được ký, cha Hạnh tỏ ra vui mừng và vững mạnh hơn trước: Cha tranh thủ những giờ giấc có thể để tùy ủy lạo các bạn tù và giải thích về đạo cho các lính gác. Ngày 24.07, cha Fernandez Hiền bị đem đi chém, cha Hạnh được đem đến dinh quan án thì mừng rỡ, tưởng sẽ được tử đạo như cha chính giáo phận, nhưng quan chỉ muốn tách riêng cha qua nhà tù khác.
Tuần lễ cuối cùng ở trong nhà tù của cha Hạnh không còn ghi dấu bằng những trận đòn đánh nữa. Quan cho người này đến người khác vào thăm và xúi cha bỏ đạo. Một lần có người nói: “Ông không thoát chết được đâu”. Cha đáp: “Phải, sự chết thì đã hẳn rồi. Trước tôi cứ ngỡ là được chết với cha chính Hiền, mà tôi chẳng được sự ấy thì lấy làm buồn lắm”. Lần khác, người của quan nói rằng nếu cha bỏ đạo, quan hứa sẽ nuôi dưỡng và đề nghị cho cha làm quan. Cha đáp: “Dù tôi được làm quan ngay hôm nay mặc lòng, tôi cũng không xuất giáo đâu. Tôi chỉ mong được làm con Đức Chúa Trời thôi”.
Chúng tôi về thiên đàng đây
Ngày 01.08.1838, hai cha Bernadô Duệ và Đaminh Hạnh được dẫn đi xử. Từ sáng sớm, khi biết tin đó, cha Hạnh liền chỗi dậy đọc kinh, rồi chào giã biệt và cám ơn các bạn tù đã giúp mình cách này cách khác. Quan cho dẫn hai cha lên tòa lần chót, để hỏi xem có đổi ý không. Cha Hạnh trả lời : “Được chết vì đạo là điều tôi mong đã lâu, rầy sự ấy đã gần thì tôi vui mừng lắm”. Cha Duệ già 83 tuổi thì được lính võng đi trước. Cha Hạnh 66 tuổi mang gông xiềng nặng nề theo sau, tới khi kiệt sức mới được lính cho lên cáng. Thế nhưng cha vẫn vui vẻ nói với các tín hữu đi theo rằng: “Anh chị em ở lại bình an, hai chúng tôi về Thiên Đàng hưởng phúc vô cùng”
Đến pháp trường Bảy Mẫu, cha Hạnh nói với cha già Duệ: “Đến nơi rồi, chúng ta hãy cầu nguyện cho sốt sắng hơn”. Cả hai vị quỳ xuống cầm trí cầu nguyện một lát. Sau đó lính tháo gông xiềng và chói hai vị vào cột. Theo lệnh quan, hai lý hình thi hành phận sự, họ chém và tung đầu lên cho mọi người thấy. Dân chúng ùa vào thấm máu hai vị tử đạo. Thi hài các ngài được chôn ngay tại pháp trường, sau các tín hữu xin phép được đưa về an táng tại nhà thờ Lục Thủy.
Hai linh mục đã cùng nhau uống cạn chén đắng khổ nạn, cũng được cùng nhau chung hưởng phúc vinh quang.
Đức Lêo XIII đã suy tôn cha Đaminh Nguyễn Văn Hạnh và Bernadô Vũ Văn Duệ lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ thư viện Đa Minh
Trường thi tử đạo
Ðôminicô Nguyễn Hạnh
Sinh Nhâm Thìn (1772) quê cạnh Nghệ An
Hồng ân Chúa xuống tuôn tràn
Mẹ cha đạo hạnh lo toan xóm làng
Cậu Hạnh đến hỏi han Giám mục
Chấp thuận ngay diễm phúc tu dòng
Ðức Cha nghe cậu nói xong
Ngài muốn gặp gỡ vui lòng mẹ cha
Từ ngày đó xuất gia dâng hiến
Trao Cha Liêm trực diện trông anh
Thánh Kinh lời Chúa học hành
Nhập vô chủng viện thông rành Phúc âm
Thần Triết học quan tâm đặc biệt
Sau bao năm hiểu biết tinh thông
Thầy Hạnh Chúa thưởng ấn hồng
Thụ phong Linh mục coi trông cộng đoàn
Ðaminh chọn xin sang dòng khấn
Cha rao truyền tiếp cận hăng say
Việc làm bao quản tháng ngày
Ði thăm kẻ liệt cứu ngay xức dầu
Thời cấm đạo đêm thâu lẩn trốn
Làng Ðình Hạ là chốn ở lâu
Giáo dân góp ý ngõ hầu
Kiên Trung đổi chỗ lần đầu tới đây
Nếu bị lộ quân vây lính bắt
Tên Hội Hậu xếp đặt bày mưu
Ðưa Cha đồng vắng điều hiu
Ðổi thay chỗ ở đặt mưu lãnh vàng
Hai ông ấy đi ngang đã báo
Quân với quan xông xáo bắt Cha
Trói ngay đánh đập quá mà
Cửa thành Thánh Giá phải là bước qua
Cha nhất định chẳng thà chịu chết
Tôi nằm đây bò lết trở ra
Cây Thánh Giá cất vào nhà
Trong dinh quan trấn hỏi tra vặn ngài
Ðiều lầm lỗi quản cai đạo rối
Ði khắp miền sớm tối lừa dân
Cha Ðạt nói, dạy điều cần
Làm lành lánh dữ tỏ phân rõ ràng
Quan lại dụ khuyên can xuất giáo
Tha cho ông gông tháo về ngay
Cha hiên ngang đứng trình bày
Ước ao được chết vì Thầy Giêsu
Quan Phủ nói ông ngu ông xuẩn
Ðạo Giatô vớ vẩn Thiên Ðàng
Quan đi bắt đạo, Chúa giam
Nhốt vào hỏa ngục khóc than muôn đời
Quan nghe nói tức thời nổi giận
Lấy cán dao đập tận mặt Cha
Nặng lời chửi rủa rầy la
Mười lăm roi đánh bắt đà đeo gông
Quan bảo lính cấm không ăn uống
Lính giải đi dẫn xuống ngục giam
Mặc dầu thịt nát xương tan
Cha không nao núng hay than thở gì
Một bữa nọ lính thì đem ảnh
Mẹ Maria cha tránh đạp lên
Cúi đầu tôn kính nâng lên
Ðọc kinh cầu nguyện kêu tên Mẹ hiền
Quan tức tối bồi liền roi vọt
Ðủ một trăm dụ ngọt hứa tha
Không sao khuất phục nổi cha
Lập ngay bản án đệ đà vô kinh
Vua chấp thuận triều đình xử trảm
Những kẻ nào dám phản lệnh vua
Quan quân dụ dỗ chuộc mua
Treo giải xuất giáo thi đua thưởng tiền
Cha Hạnh nói thêm xiềng thêm xích
Cám ơn quan tôi thích chém đầu
Lý hình đứng đó từ lâu
Vung gươm một phát cái đầu bay xa
Lính tới nhặt tung ba lần bổng
Cho giáo dân ngoài cổng tuốn vào
Xác ngài võng cáng lên cao
Ðưa về nghĩa địa liệm vào ván chôn
Phúc tử đạo no tròn Mậu Tuất (1838)
Ðược Nước Trời chịu mất thế gian
Canh Tý (1900) Toà Thánh chu toàn
Suy tôn Chân phước chứa chan ân tình
(Cha Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh Tử đạo 1/8/1838
an táng nghĩa trang làng Lạc Thuỷ)
Lời bất hủ: Quan tra hỏi: “Vậy ông dậy dân chúng những gì?”. Cha Minh đáp: “Tôi chỉ người ta làm điều lành, tránh điều dữ thôi”. Quan hỏi: “Tại sao không bước qua Thập tự?”.
Cha đáp: “Thưa quan, Thập tự đối với chúng tôi là hình Thánh Giá, tượng trưng cho ơn cứu chuộc, nên không ai được chà đạp, vì đó là một trọng tội”. Cha cắt nghĩa các lẽ đạo cho quan rồi kết luận: “Kẻ trung thành với Chúa Giêsu, khi chết sẽ được lên Thiên Ðàng”.
Cha thánh Hạnh cùng với cha Duyệt (người bước qua Thánh Giá), Khi cha Hạnh chứng kiến việc cha Duyệt bước qua Thánh Giá mấy lượt, cha Hạnh nổi nóng chỉ thẳng vào mặt nói: “Bớ ông kia, hãy xem đầu mình đã bạc, còn sống được bao năm nữa mà cả lòng bỏ Chúa mình vì năm ba ngày tháng chóng qua ru? Ông làm ố danh đấng bậc mình để được lòng vua dữ ? Ông thêm cực lòng cho Giáo Hội đã nuôi nấng dạy dỗ bấy lâu, đi làm bạn với ma quỷ, chực làm hại đời mình.” Một lần có lính nói: “Ông không thoát chết được đâu”. Cha đáp: “Phải, sự chết thì đã hẳn rồi. Trước tôi cứ ngỡ là được chết với cha chính Hiền, mà tôi chẳng được sự ấy thì lấy làm buồn lắm”. Quan có lời hứa rằng: “Nếu cha bỏ đạo sẽ cho làm quan!”. Cha đáp: “Dù tôi được làm quan ngay hôm nay mặc lòng, tôi cũng không xuất giáo đâu. Tôi chỉ muốn được làm con Ðức Chúa Trời thôi”.