Anrê Phú Yên – Sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị, do chính cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644. Ngày 5 tháng 3 năm thánh 2000, Ðức Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước một thanh niên Việt Nam, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, và được biết dưới tên thánh Anrê, và đồng thời cũng là thầy giảng.
Ba thế kỷ rưỡi đã trôi qua kể từ ngày Thầy anh dũng dâng hiến mạng sống vì trung thành với đức tin Kitô và những lời Thầy cam kết với Chúa Kitô trong tư cách là người truyền bá Tin Mừng và giáo lý Kitô, nhưng ký ức về Thầy vẫn không suy giảm; trái lại, tấm gương của Thầy Anrê vẫn là một nguồn mạch nâng đỡ và khích lệ đích thực cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giúp đỡ họ sống phù hợp và trung thành với đức tin, mặc dù đất nước phải trải qua nhiều thăng trầm phức tạp và khó khăn.
Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh Phú Yên (giáo xứ Mằng lăng, Giáo phận Quy Nhơn), là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Ðắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.
Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thày trạc độ 19 hay 20 tuổi.
Một năm sau khi chịu phép Rửa Tội, tức là năm 1642, Anrê được cha Ðắc Lộ nhận vào nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là “Nhà Ðức Chúa Trời” mà cha Ðắc Lộ đã khôn ngoan thành lập: các thành viên Nhà Ðức Chúa Trời cam kết, bằng lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các linh mục và truyền bá Tin Mừng.
Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.
Trước cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá đạo Kitô trong nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng.
Cha Ðắc Lộ không hề hay biết ý định này của quan, nên tới thăm quan vì xã giao, nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có đông người dân bản xứ theo đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Ðàng Trong để trở về Macao và không được phép dậy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì bị trừng phạt rất nặng nề.
Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Ðắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một thầy giảng già 63 tuổi tên là Anrê, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy, quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio. Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thày Anrê trẻ: để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm 1644, Thày đựơc dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một “thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo”.
Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê “từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin”.
“Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng: nên xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”.
Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa, quan truyền đóng gông và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ thầy Anrê già.
Cha Ðắc Lộ và một vài thương gia Bồ Ðào Nha tới thăm hai thầy: Thầy Anrê trẻ thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự nhạo cười mình và xin họ cầu nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, “dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Ðấng đã hiến mạng sống vì loài người… những lời Thày luôn lập lại cho đến khi trút hơi thở cuối cùng là: Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp trả tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp trả mạng sống”.
Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Anrê già 63 tuổi và Anrê trẻ, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan khác, lôi kéo họ về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê trẻ, rồi ra lệnh dẫn Thầy trở về ngục thất.
Còn thầy Anrê già thì được tha vì lý do tuổi tác nhờ lời xin của cha Ðắc Lộ và các thương gia Bồ Ðào Nha.
Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành. Cha Ðắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Ðào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.
Theo thói quen tại đây, cha Ðắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy Anrê không muốn nhận điều ấy, Thầy muốn máu mình thấm xuống đất, để được giống như máu cực trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho Thày được trung thành tới cùng.
Cuộc hành quyết Thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thày lớn tiếng kêu lên “Giêsu”.
Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.
*****
Lạy Chúa, xin cho các giáo lý viên và các bạn trẻ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù nơi bị cấm cách, hay trong xã hội tân tiến với nhiều quyến rũ, biết noi gương Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên, hăng say loan truyền Tin Mừng Tình Yêu và Hòa Giải và trung kiên theo Chúa Giêsu, hiến mạng sống đáp trả lại tình yêu của Ngài. (Lời Nguyện Giáo Dân Thánh Lễ Tôn Phong Chân Phước Anrê Phú Yên tại Công Trường Thánh Phêrô, Vatican 5.3.2000)
VĂN PHÒNG PHỐI KẾ
TÔNG ÐỒ MỤC VỤ VIỆT NAM HẢI NGOẠI
/o C.I.A.M.
ia Urbano VIII, 16 – 00165 ROMA
Trường thi tử đạo
Thầy Anrê quê ở Phú Yên
Kiên cường tử đạo đầu tiên anh hùng
Tìm tòi tra cứu khắp vùng
Không cùng hộ tịch không cùng tiếng tăm
Một sáu bốn bốn hai lăm
Tháng bảy bị bắt tối tăm ngục tù
Tuổi đời mười chín ưu tư
Cha Ðắc Lộ dịch lấy từ Ðào Nha
Tuổi mười sáu phúc giao hòa
Ðược thanh tẩy nhận Chúa Cha trên trời
Hai năm sau khấn trọn đời
Là Thầy Kẻ giảng dạy lời Chúa ban
Ðược truyền chức tại Hội An
Thầy được Chúa gọi hoàn toàn vâng theo
Hai lăm gặp cảnh ngặt nghèo
Lính hùng hổ tới, gươm đeo vào nhà
Lính do Nghè Bộ ban ra
Bắt một Nha sống với Cha ngoại kiều
Tháp tùng theo sát Nha Xiêu
Với Cha Ðắc Lộ làm điều nghĩa ân
Một Thầy đau ốm đương cần
Thầy lo săn sóc trọn phần người thân
Ý nhà tư ý chọn phần
Lính vào Thầy tiến đến gần hỏi han
Tượng hình Chúa chúng phá tan
Thầy nhìn xúc phạm muôn vàn khổ đau
Ân cần Thầy nói một câu
Một Nha Xiêu vắng ông hầu nói chi
Thầy vừa rời bước ra đi
Nếu bắt không được hãy thì bắt ta
Tôi đây theo đạo Chúa Cha
Còn là Thầy giảng Ngài đà ban cho
Tội tôi chẳng khác Nha Xio
Tội Thầy chẳng lẽ tôi vô tội tình
Các ông lấy tượng đóng đinh
Ðể tôi gói giữ theo mình dễ mang
Bệnh nhân chúng chẳng nể nang
Nắm đầu đứng dậy oang oang chửi thề
Thầy năn nỉ chúng u mê
Xin cho người bệnh yên bề thấy cai
Vì Cha Ðắc Lộ nước ngoài
Chúng không dám bắt cấm ngài giảng rao
Thầy Anrê bị điệu vào
Nghe tin Thầy trẻ lính sao bắt Thầy
Người chân thiện mỹ tràn đầy
Quan trên bảo chúng mày bắt oan
Quân binh khúm núm thưa quan
Tự mình nhận thuộc cộng đoàn Giatô
Dọc đường chúng vẫn bi bô
Hiên ngang giảng đạo Kitô mọi người
Một Nha Xiêu vắng mặt rồi
Bắt giao nộp nó sau rồi răn đe
Nghe dùng lời ngọt vỗ về
Quan rằng sẽ giúp Anrê huy hoàng
Dựng xây đời sống giàu sang
Nghe qua Thầy chẳng hề màng lợi danh
Quan liền tức tối nên đành
Tống giam vào ngục hôi tanh gông cùm
Ngày hai lăm lúc chiều hôm
Ðến tù ngục, vẫn luôn mồm đọc kinh
Khấn xin cùng Chúa Thiên Ðình
Cho con sớm hưởng phúc vinh bên Ngài
Quả vào sáng sớm ngày mai
Bị đem xử tử chẳng nài, chẳng van
Giết xong họ vẫn không yên
Cha rằng ảnh hưởng căn nguyên sai lầm
Hủy thiêu cho trọn phần trăm
Ði theo Chúa chẳng sai lầm đâu quan
Lời Thầy giảng ở trần gian
Trước quân vương với hàng ngàn thần dân
Bao người cảm phục đến gần
Thầy Anrê vẫn ân cần cầu xin
Lòng tôi tội lỗi muôn nghìn
Chẳng mong sánh với trái tim nhân hiền
Van Ngài tha thứ tội khiên
Xin Thầy anh chị nhủ khuyên nghĩa tình
Yêu nhau trong Chúa Thánh Linh
Chúa Giêsu chết nhục hình vì ta
Yêu nhau phải biết thứ tha
Hãy dùng mạng sống để mà đền ơn
Với người ngoại giáo van lơn
Ði theo Chúa ắt chẳng sờn chi đâu
Ðừng thù ai chớ mưu cầu
Ðừng tìm chức tước sang giàu trần ai
Tội tôi thờ Chúa muôn loài
Chết vì Cha Cả vẫn hài lòng ưng
Anh em cũng hãy coi chừng
Phúc lành anh chị em đừng chối ân
Chối ơn Ngài bị trầm luân
Bị hình phạt chẳng được phần phúc vinh
Thấy lâu Thầy hỏi lý hình
Bao giờ tôi hưởng uy linh Nước Trời
Mọi điều tôi đã sẵn rồi
Chờ gì nữa hãy cho tôi lìa trần
Tưởng như chính Chúa hiện thân
Cửa thiên đàng mở thưởng phần nghỉ ngơi
Thánh Thần hoan hỷ đón mời
Chờ hoài chưa thấy mặt trời lặn mau
Mặt trời lặn mới chém đầu
Ðóa hoa mười chín rực màu ngát hương
Thêm đôi phút giữa pháp trường
Uống thêm ly nước nửa đường cười tươi
Uống ăn chừng ấy đủ rồi
Ðể còn dự tiệc trên trời thiêng liêng
Tới giờ vang tiếng cồng chiêng
Gươm đao lấp lánh gồng xiềng trổi vang
Lời kinh Thầy vẫn chứa chan
Lòng can đảm tạo bàng hoàng thế nhân
Chiếu còn mới trải dưới chân
Khiêm nhường Thầy đã ép thân chối mà
Trước khi chết vẫn thiết tha
Hãy luôn trung tín với Cha trên Trời
Mọi người nghe tiếng kêu mời
Trung thành kính Chúa đến hơi cuối cùng
Gông cùm được lính tháo tung
Dứt chiêng, dứt trống sau cùng giáo đâm
Lý hình theo lệnh thì thầm
Giết người lành, miệng lâm râm nguyện cầu
Nỗi lòng rõ nét âu sầu
Xin Thầy tha thứ cúi đầu van xin
Mũi gươm đâm phía trái tim
Miệng luôn vang tiếng đức tin cực lành
Giêsu cứu chữa chúng sanh
Maria Ðức Mẹ đồng hành tươi xanh
Giuse công chính nhiệt thành
Xin cho con được an lành nghỉ ngơi
Anrê kiên dũng rạng ngời
Phú Yên nước Việt đời đời khắc ghi
Lời bất hủ: Khi bắt được thầy Anrê Phú Yên, ngày hôm sau quan trấn tuyên bố ngay án tử hình: “Thanh niên này cứng đầu cứng cổ đã dám thưa với quan rằng: dù có chết cũng nhất định không bỏ tên người có đạo, vì thế phải y án, để cho dân chúng biết phép chúa mà tôn trọng”. Khi ra pháp trường chịu xử: khi quân lính đâm phát thứ nhất thì thầy nhìn như chào biệt cha Ðắc Lộ, lính đâm phát thứ hai, mắt thầy Anrê ngước lên trời miệng kêu tên Cực Trọng Giêsu, lính vung gươm chém đầu, thầy còn kịp kêu tên Cực Trọng Giêsu lần sau cùng, rồi ngã gục xuống đất.
Hôm ấy là ngày 26-07-1644. xác thầy được đưa đến Faifo (Hội An) nơi cha Ðắc Lộ cư trú, Ngài ướp muối trong quan tài rồi đưa về Macao, cuối năm 1645 cha Ðắc Lộ đưa thủ cấp của thầy Anrê về Roma, còn thân giữ lại ở Macao.
Chân Phước Anrê Phú Yên được phong Chân Phước Tử đạo ngày 05-03-2000 tại Rôma do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.