Lễ nhớ không buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Đi-ô-ni-xi-ô, giám mục tiên khởi của Paris, được mừng kính chung với hai bạn tử đạo của ngài là thánh Rustique và Éleuthère; ngài chịu tử đạo gần Paris – ở Montmartre hay ở Saint-Denis – khoảng năm 250. Đức Venance Fortunat, giám mục thành Poitiers († khoảng 600) làm chứng việc sùng kính thánh nhân đã lan xa tới tận Bordeaux, và lễ nhớ ngài được biết đến tại Rôma từ thế kỷ IX, và được ấn định mừng vào ngày 9 tháng 10 trong Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô.
Thánh Gregoire thành Tours (khoảng 538-594), trong sách Lịch Sử Dân Francs (I, 30), kể rằng, vào khoảng năm 250, dưới thời hoàng đế Decius, thánh giáo hoàng Fabianô sai bảy giám mục đi truyền giáo cho đất Gaule. Các vị này được chia đi các nơi như sau: Gatien đến Tours; Trophime đến Arles; Paul đến Narbonne; Saturnin đến Toulouse; Austremoine đến Auvergne; Martial đến Limoges và Denis đến Lutèce (Paris). Thánh Grégoire viết: “Thánh Đi-ô-ni-xi-ô, sau khi chịu biết bao đau khổ vì danh Chúa Kitô, đã hoàn tất đời mình dưới lưỡi gươm.” Bức tranh mô tả thánh nhân bị chém đầu và cầm lấy chiếc đầu của mình theo như một truyền thuyết kể lại: sau khi bị chém đầu, thánh tử đạo đứng dậy rồi đưa hai tay ôm lấy chiếc đầu của mình. Vào thế kỷ V, tại Catulliacus (nay là thành phố Saint-Denis), thánh nữ Geneviève đã cho xây một ngôi thánh đường tu viện trên phần mộ vị thánh bổn mạng của Paris này. Và vào thế kỷ VII, vua Dagobert cho trùng tu lại; ngôi thánh đường này đã trở thành khu nghĩa trang của các vua nước Pháp.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày nhắc chúng ta nhớ đến cuộc tử đạo của “thánh giám mục Denis và các bạn tử đạo”. Cuộc hy sinh của các ngài đã xây dựng nên Hội Thánh ở Paris cách nay mười bảy thế kỷ. Khi nhớ lại cuộc tử đạo của các ngài, chúng ta cũng nhớ đến nguồn gốc đức tin của chúng ta và tôn vinh Đức Kitô, Đấng Sáng Lập duy nhất của Hội Thánh. Chính Người đã làm cho máu các thánh tử đạo sinh hoa kết quả và làm cho các môn đệ của Người trở thành muối đất và ánh sáng thế gian (xem Tin mừng của ngày). Trong Phụng vụ Giờ Kinh Sách, thánh Ambrôsiô chú giải Thánh vịnh 118 như sau: “Mỗi ngày, bạn đều làm chứng nhân cho Chúa Kitô… Vì thế bạn hãy trung thành và can đảm trong những thử thách bên trong, để cũng chiến thắng trong những thử thách bên ngoài. Trong các cuộc thử thách bên trong, cũng có những vua chúa, những quan án có quyền lực kinh khủng. Việc Chúa Giêsu chịu ma quỉ cám dỗ là một ví dụ cho bạn về điều này.”
Thánh Đi-ô-ni-xi-ô là một vị thánh rất nổi tiếng, nhất là ở Pháp, nơi có nhiều làng mang tên ngài. Thành phố Paris chọn ngài làm thánh bổn mạng, và được ca tụng là một thành phố “có phước” trong một bài tán dương của vị cố vấn giám mục Giêrusalem ngày 3 tháng 10 năm 833: “Phước thay thành phố đang gìn giữ cái đầu thánh thiện và vinh quang và hài cốt quí báu của ngài – ngài vừa là một vị tử đạo, vừa là một nhà giảng thuyết và giám mục đáng ca ngợi –, cũng như hài cốt của các bạn ngài mà ngài đã giới thiệu với Thiên Chúa như những hiến tế tinh tuyền và toả ngát hương thơm ca tụng. Từ mảnh đất thấm đượm máu đào, vọt trào giòng nước sống để làm giải khát những ai được niềm tin thúc đẩy đến kêu cầu ngài chữa lành các bệnh nhân của họ. Thực vậy, phước thay thành phố Paris! Biết bao thành phố khác của nước Gaule rộng lớn hơn Paris, nhưng nó có thể hãnh diện vì có ngài, vị tiến sĩ đáng kính, một kho báu vinh quang hơn mọi của cải vật chất, một vị thánh quan thầy và bảo trợ. Thiên Chúa đã ban ngài cho Paris để ngài thánh hóa đoàn dân Kitô hữu và các khách hành hương, để ngài trở thành động lực thiêng liêng và nguồn mạch niềm vui sướng, không phải thứ vui sướng làm thoả mãn thể xác, tạo kiêu hãnh cho cung điện, là những thứ mau qua chóng tàn. Ngài là một thành lũy kiên cố cho Paris…một pháo đài được bảo vệ bởi các đồn bót, các tháp canh, các ổ trọng pháo, tựa một bức chắn bằng sắt. Không, cái mang lại sức mạnh cho thành phố là sự thánh thiện của ngài và các bạn tử đạo của ngài.”
Khi mừng kính một trong những vị truyền đạo vĩ đại nhất của đất Gaule, chúng ta nhớ lại nguồn gốc đức tin của chúng ta, và chúng ta tôn vinh chính Thiên Chúa, Đấng kỳ diệu nơi các thánh của Người.
Enzo Lodi