Trong khoảng một thế kỷ, đời sống đức tin và sống đạo của cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận được nuôi dưỡng bằng những cuốn sách đạo đức bình dân, dễ hiểu và thu hút đến nỗi nhiều người thuộc lòng nội dung. Tác giả những cuốn sách đó được mọi người quen gọi là Cố Lương.
Cố Lương tên thật là Pierre Marie Cadro, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1845 ở làng Plouguenast thuộc Giáo phận Saint-Brieuc, vùng Tây Bắc Nước Pháp. Với ước mong trở thành linh mục, ngài theo học Chủng viện Giáo phận, tới những năm học Thần học thì ngài được thôi thúc muốn sang vùng Viễn Đông để truyền giáo nên tháng 9 năm 1866, ngài xin gia nhập Chủng viện Hội Thừa sai Paris. Ngài được truyền chức linh mục ngày 22 tháng 5 năm 1869 và được sai đi truyền giáo tại Địa phận Tây Đàng Ngoài. Ngày 6 tháng 7 năm đó ngài cùng cha Bonfils lên tầu để đi Việt Nam.
Khi đến Đàng Ngoài, trước hết ngài học tiếng Việt ở Kẻ Sở một thời gian, nhận tên Việt Nam là Lương, rồi Đức cha sai ngài đi tập mục vụ với sự hướng dẫn của cha Joseph Landais tại Sơn Tây. Năm 1872, Đức cha Phước bổ nhiệm Cố Lương làm hạt trưởng Vĩnh Trị và cư trú tại xứ Vĩnh Trị. Cộng đoàn giáo dân ở đây đã có hơn một trăm năm trước, là thủ phủ của cả vùng. Năm 1860, Vua Tự Đức ra lệnh phân sáp[1], san bằng và xoá sổ làng này. Lúc ngài về làng mới được phép thành lập lại từ đống đổ nát, những người bị phân sáp đi các làng bên lương dần dần trở về. Năm 1892, xứ Vĩnh trị đã có tới 5.500 giáo dân. Cố Lương mặc dù sức khỏe yếu, nhưng ngài luôn là chỗ dựa vững chắc cho cộng đoàn giáo dân của mình vượt qua mọi khó khăn, nhất là tình trạng chính trị bất ổn năm 1873 và 1885, với phong trào bài Tây đã làm dấy lên tư tưởng thù địch chống lại những người theo Đạo.
Với tính tình ôn hoà, bình tĩnh thu xếp khéo léo, dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng ngài vẫn giữ cho cộng đoàn được yên ổn và thiết lập thêm hơn chục cộng đoàn nhỏ do số những người ở các làng xung quanh xin học giáo lý để trở lại Đạo.
Từ năm 1906 đến năm 1927, Cố Lương ở tại xứ Kẻ Đại, gần ngay bên Kẻ Vĩnh; như vậy trong suốt 55 năm, ngài luôn luôn ở vùng Nam Định, chỉ trừ thời gian đi dưỡng bệnh tại Hồng Kông từ năm 1881-1884. Tại Kẻ Đại, ngài đã cổ động lòng sùng kính Thánh Tâm – ngày thứ sáu đầu tháng và biến giáo xứ này thành một giáo xứ đạo đức nhiệt thành nhất trong Địa phận. Ngài dùng tiền của gia đình cha mẹ để lại cho việc bác ái, giúp đỡ dân chúng học nghề để phát triển cuộc sống.
Bề trên cũng giao cho Cố công việc đào tạo mục vụ cho các thừa sai trẻ vì ngài nhiệt thành, có nhiều kinh nghiệm và thông thạo ngôn ngữ cũng như phong tục Việt Nam. Ngoài thông thạo tiếng Hán, ngài còn rất giỏi tiếng Nôm, xử dụng ngôn ngữ này thành thạo và bình dân để ai cũng có thể hiểu được. Ngài đã dịch, viết và xuất bản nhiều tác phẩm đạo đức, giáo lý và hạnh các thánh bằng tiếng Việt[2]. Năm 1908, ngài đã soạn cuốn “Cuộc đời của Cha Chân phước xứ Ars”. Ngài viết sách miệt mài và ít đi đâu xa giống như một nhà ẩn tu chiêm niệm. Cha Girod kể vào năm 1925: “Gần đây tôi có gặp ngài sống trong một ngôi nhà tranh nghèo nàn, tuy yếu bệnh nhưng tôi vẫn thấy nơi con người của ngài một tinh thần của Dòng Tên, làm việc như một thầy dòng khổ tu Chartreux và minh mẫn của một tu sĩ Benedicto”.
Là con người cầu nguyện, ngài gắn bó và tôn kính các Đấng Tử Đạo Đàng Ngoài, với Chân phước Vianney cha xứ Ars. Một linh mục Việt Nam làm cho ngài một cỗ quan tài, ngài luôn giữ nó bên mình để suy ngắm về cái chết và sự sống đời đời. Năm 1927, ngài cảm thấy sức khỏe kiệt quệ và buộc phải điều trị tại bệnh viện Nam Định. Đức cha Đông tới thăm và nghĩ rằng phải đưa người về Kẻ Sở để tiện chăm sóc.
Ngày 22 tháng 5 năm 1929, Cố Lương đã mừng Ngọc Khánh 60 năm linh mục tại Kẻ Sở. Ngài có thể cử hành Thánh lễ trước sự hiện diện của Đức cha Đông và Đức cha Thành. Đức cha Đông đã nhắc lại những giai đoạn trong cuộc đời truyền giáo của ngài. Đức Thánh Cha cũng gửi một điện thư tặng ngài danh hiệu “Bene Merenti” với phép lành Toà Thánh và một số ân huệ thiêng liêng.
Bảy tháng sau, vào ngày lễ Giáng sinh năm 1929, vào quãng 20h30, ngài đã ra đi về với Chúa trong lời cầu nguyện của mọi người trong cộng đoàn Kẻ Sở. Đức cha Phê-rô Đông đã chủ sự lễ an táng cho ngài tại Kẻ Sở ngày 27 tháng 12 năm 1929.
(Dựa theo Hồ sơ các thừa sai của MEP số 1022)
Lm. Tô-ma A-qui-nô Nguyễn Xuân Thuỷ
Trích “Nội san Nhà Chung” – Số 21
________
[1] Phân tán giáo dân và bắt sáp nhập vào các làng lương dân.
[2] Ngài đã xuất bản: Sách Dẫn Đàng cho Linh mục – Kẻ Sở 1886; Thiên Chúa Thánh Mẫu – Kẻ Sở 1890; Bài Giảng 2 tập và Chầu Thánh Thể 1902; Chúa ngự trong Bí Tích Thánh Thể – 1906; Gương linh mục – 1907; Sách Cấm phòng cho bổn đạo; Tháng Đức Bà – 1898; Tháng Mân Côi – 1899; Tháng Trái Tim – 1900; Đức Mẹ Lộ Đức
Nguồn: TGP Hà Nội