Thánh Vinh-sơn Đỗ Yến – Linh mục (1764-1838)

Cha Vi-xen-tê Đỗ Yến sinh năm 1764 dưới thời nhà Lê, ở xứ Phú Nhai, làng Trà Lũ, tỉnh Nam Định. Ngày nay quê hương cha nổi tiếng khắp nơi vì có thánh đường đồ sộ dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm; trải qua bao cơn sóng gió, ngôi đền thánh hiện nay vẫn đang sừng sững ở Phú Nhai với hai ngọn tháp cao vươn hẳn lên không trung tượng trưng một đức tin sắt đá vững vàng của Giáo Hội Việt Nam nói chung và của địa phận Bùi Chu nói riêng. Cha Vi-xen-tê Đỗ Yến đã hiên ngang xưng đức tin và đã đổ máu ra để tưới cho cây Đức Tin được vững mạnh sinh nhiều hoa trái.

Cha dâng mình cho Chúa từ khi còn bé, được đào tạo đầy đủ về đạo đức và học vấn. Về sau Đức Cha Đen-ga-đô[1] (1) (Y) truyền chức linh mục cho cha, năm ấy Cha Yến đã 40 tuổi. Bấy giờ đang lúc cấm đạo, nhưng cha không nề quản dù liều mình bị bắt cha cũng cứ làm việc bổn phận mình vì thương linh hồn người ta.

Linh mục dòng thánh Đa – Minh

Đến đời vua Cảnh Thịnh, con vua Quang Trung, cha bị bắt vì có người tố giác. Sau một tháng trời bị giam cầm khổ sở, Cha được giáo dân nộp tiền chuộc về. Khi ở tù ra, Cha càng thêm sốt sắng hơn, Cha xin vào dòng thánh Đa-minh, và ngày 22-7-1808 Cha được tuyên khấn trọng thể, từ khi trở thành môn đệ của thánh Đa-minh, Cha là một tu sĩ luôn hãm mình và sống nội tâm, lửa mến Chúa yêu người càng bùng cháy trong lòng Cha thúc giục Cha tận tụy, lao mình vào công cuộc truyền giáo không xem sao sự nguy hiểm theo sát Cha từng bước.

Vua Gia Long thống nhất đất nước, bầu không khí tương đối bình an dưới triều vua Gia Long và buổi đầu triều đại vua Minh Mệnh. Cha được cử coi xứ Kẻ Mốt, sau về làm chính xứ Kẻ Sặt thuộc tỉnh Hải Dương. Cha cố gắng lợi dụng thời cơ thuận tiện, nâng cao tinh thần đạo đức và tinh thần đức tin của giáo dân, chuẩn bị cho họ đương đầu với những cơn bách hại dữ tợn sau này mà các điềm báo chẳng lành đang mờ mờ xuất hiện. Vào kỳ này Cha cũng giúp được nhiều người ngoại trở lại.

Trận cuồng phong

Cha Yến về Kẻ Sặt được sáu năm thì vua Minh Mệnh ra sắc chỉ triệt hạ các nhà thờ, chủng viện, bắt bớ các linh mục, thày giảng. Cha đau đớn chứng kiến cảnh các giáo hữu phải cưỡng bách phá ngôi nhà thờ thân yêu của họ. Vì thương con chiên, Cha trốn ẩn nay nhà này, mai nhà khác để lo giải tội, làm lễ. Nhưng quan biết tin, ra lệnh lùng bắt Cha, phá bình địa làng Kẻ Sặt. Không muốn cho giáo dân phải khổ, Cha Yến bỏ xứ, tìm nơi khác, dù giáo dân can ngăn nài xin thế nào cũng không được. Vị linh mục râu tóc bạc phơ, cải trang thường dân, một mình lủi thủi ra đi trên con đường vô định, phó thác tất cả cho Chúa quan phòng.

Đi về đâu

Cha đến họ Kẻ Thứa, nhưng ở đây cũng không chắc chắn, Cha lại một mình lên đường định đến họ Lực Điền (Hưng Yên). Vị linh mục tuổi tác mải miết đi, đường xa, mệt mỏi, Cha đành phải ngồi nghỉ ở một bụi tre. Một người đi qua thấy Cha hỏi: “Ông cụ này ở đâu mà ngồi đấy?”. Có ý tránh Cha hỏi lại người ấy: “Đường nào đi Sặt, đường nào đi Lực Điền”. Ông kia chỉ lối rồi bỏ đi.

Cha đứng dậy đi được một quãng, Cha gặp ông Cai Phan, ông này đoán Cha là đạo trưởng nên tỏ ý thương hại, cố nài năng mời Cha về nhà nghỉ chân đỡ mệt, sáng mai tiếp tục cuộc hành trình. Cha nhận lời. Ông Cai Phan đưa Cha về nhà ông ở làng Trung Độ ngoại đạo, rồi đi bảo quan. Đang đêm có tiếng trống, tiếng reo hò ầm ĩ vì bắt được đạo trưởng, bổn đạo Kẻ Sặt và Lực Điền biết tin đưa trâu bò đến xin chuộc, nhưng Cai Phan không bằng lòng, mong được các quan thưởng công hậu hơn. Bổn đạo Kẻ Sặt định đánh tháo nhưng Cha can rằng: “Chúng ta phải theo thánh ý Chúa, để Chúa làm việc Chúa muốn”. Cha phải đóng gông giải về ti tỉnh Hải Dương, hôm ấy là ngày 8-6-1838. Ba ngày sau Cha Vi-xen-tê Đỗ Yến bị đòi ra tòa tỉnh Hải Dương, các quan bắt Cha khóa quá không được, ra lệnh giam Cha vào ngục. Quan Án là người nhân hậu, lại có ông lang Hàn chữa bệnh cho các quan, ông này là người thần thế, nhờ ông can thiệp, nên Cha không phải gông cùm khổ sở, ông thu xếp cho Cha ở một nơi riêng có người săn sóc hẳn hoi. Cả ngày Cha chỉ lo cầu nguyện xin ơn can đảm bền vững. Quan án phần thì nể ông lang Hàn, phần thì không muốn đổ máu kẻ vô tội nên bảo Cha hãy nhận mình là thày thuốc thì quan tha ngay, nhưng Cha không bằng lòng nói: “Tôi không phải là thày thuốc, tôi là đạo trưởng, việc của tôi là tế lễ Thiên Chúa và giảng đạo cho mọi người ở mọi nơi, tôi sẵn sàng chịu chết vì đạo này, tôi không nói dối để được sống”.

Quan thương Cha hiền lành tuổi tác cố tìm mọi cách để tha cho môn đệ Chúa Kitô. Quan lại gọi Cha lên công đường, ở giữa nhà đã vẽ một vòng tròn, quan bảo; “Cụ cứ bước qua vòng này, cũng kể như bước qua thập giá”. Cha kêu lớn tiếng: “Thưa quan như vậy cũng là chối đạo, không thể được”.

Cử chỉ can đảm thành thực này làm các quan rất khâm phục.

Vua Minh Mệnh trực tiếp kết án

Các quan vẫn không nỡ kết án Cha, không muốn xử vụ này nên xin phép triều đình cho giải đạo trưởng về nguyên quán là tỉnh Nam Định.

Vua Minh Mệnh không chấp nhận, tự động kết án Cha, vì quá căm ghét đạo, Vua không cần theo một thủ tục nào. Bản án ký ngày 20-6-1838, đến Hải Dương ngày 30-6-1838. Án ghi: “Tên Đỗ Yến, người bản quốc, đạo trưởng đạo Gia-tô từ lâu, đã giảng dạy quyến rũ nhiều người theo đạo dối trá ấy, bị bắt vẫn không chịu khóa quá, nó là đứa ngu muội dốt nát, không biết đường chính thật, phải trảm quyết ngay, không cần giao cho tòa khác xét, không phải điệu về Nam Định”.

Nhận được án, các quan thi hành án ấy. Vị linh mục tuổi tác, khuôn mặt hiền từ, vai đeo gông vui vẻ tiến ra pháp trường Kim Đôi, gần họ Bình Lao cách thị xã Hải Dương một cây số về phía tây. Giáo hữu và dân chúng theo Cha rất đông. Tới nơi xử, Cha quỳ trên đệm chiếu đã trải sẵn. Sau khi để Cha cầu nguyện ít phút, lính chém một nhát đầu Cha rơi xuống đất, linh hồn vị linh mục dòng thánh Đa-minh áo trắng, râu tóc bạc trắng như tuyết với ngành lá vạn tuế xanh tươi về với Chúa hưởng phúc trường sinh. Hôm ấy là ngày 30-6-1838. Cả giáo lẫn lương xô vào thấm máu vị tuyên xưng đức tin để làm di tích, là vật quý báu giúp họ trong những lúc gian nguy.

Quan cho khâu đầu Cha vào cổ, cho vải liệm xác để tỏ lòng thương người quá cố, giáo dân đưa xác Cha về táng ở họ Bình Lao. Tám tháng sau, cải táng đưa về họ Thọ Ninh táng ở đất nhà thờ. Khi đào lên xác đấng tử đạo còn tươi tốt nguyên vẹn như người mới chết. Ông Trưởng Dong là người ngoại đã chứng kiến lúc ấy nói rằng: “Cụ đạo sống khôn chết thiêng, đã tám tháng rồi mà xác không thối rữa, không tanh hôi, lại xông mùi thơm”. Mọi người ở đấy đều làm chứng như vậy.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Delgado

Đức Hồng Y Giuse Marian Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

Translate »
Lên đầu trang