Thánh Phêrô Borie Cao (1808-1838)

Cậu Phê-rô Bô-ri sinh ngày 20-2-1808 ở xứ Bê-nát (Beynat) thuộc trung tâm cao nguyên Li-mu-sanh, (Limousin) nước Pháp. Bà mẹ thường kể lại chuyện cậu bị bỏng nước sôi để chứng tỏ lòng dũng cảm của cậu bé. Năm cậu lên ba tuổi, người giúp việc vô ý đổ chậu nước sôi vào người cậu, cậu không kêu tiếng nào, chỉ thấy nước mắt cậu chảy giàn giụa trên má, khi chị cậu cởi áo cậu ra làm vết bỏng loét thêm, cậu chỉ nói rằng: “Chị làm em đau quá”.

Hình thành ơn kêu gọi

Khi đã khôn lớn cậu Bô-ri là một thiếu niên can đảm tự tin, có lòng quảng đại, cậu muốn hiến thân phục vụ những người chưa biết Thiên Chúa. Được Cha xứ Si-ô-ni-ắc (Sionniac) là chú hướng dẫn dạy dỗ, ơn kêu gọi tận hiến cho các linh hồn lớn dần lên trong tâm hồn cậu. Cậu là một thiếu niên ngoan ngoãn, đạo đức. Cậu học ở trường trung học Bô-li-ơ (Beaulieu), sau được Cha xứ Bê-nát gửi vào chủng viện Se-vi-ê (Serviers).

Các bạn đồng học đều khen ngợi cậu, nhưng cũng có một số người hiểu lầm. Chúa muốn dùng sự việc này để tôi luyện tông đồ tương lai của Chúa, nhưng vì Chúa đã chọn cậu nên Chúa để các đấng Bề trên nhận cậu cách miễn cưỡng. Cậu Bô-ri biết tất cả, cậu khiêm tốn đón nhận, phó thác đời mình trong tay Chúa quan phòng. Cậu chỉ biết hiến toàn thân cho Chúa và cho các linh hồn.

Chúa ban cho cậu có sức cảm hóa được mọi người bằng gương sáng và đức khiêm nhường.

Một thử thách nặng nề khác lại xảy đến, cậu bị bệnh sốt rét rừng ghê sợ đe dọa tính mạng. Trong thời kỳ này cậu thường xin với Chúa: “Lạy Chúa, nếu Chúa ban cho con được bình phục, con xin đem hết năng lực để phục vụ Chúa”. Chúa nhận lời, và năm sau cậu được gọi vào đại chủng viện Tuy-lơ (Tulle). Cậu thường nói với các bạn rằng: Tôi là người tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn thương tôi, tha thứ cho tôi, bỏ qua các khuyết điểm của tôi”.

Tôn sùng phép Thánh Thể

Từ nay Thày Bô-ri không còn phải lo lắng gì ngoài việc tận hiến cho Chúa và trở thành một đại chủng sinh thánh thiện. Đức khiêm nhường, lòng quảng đại cộng thêm với các nhân đức khác thường giúp thày tránh xa mọi trở ngại để thực hiện lý tưởng. Thày siêng năng hãm mình đánh tội, người ta thường thấy quần áo thày dính máu.

Thày nêu gương sáng về sự rước lễ hàng ngày và chầu Thánh Thể cho các đại chủng sinh đồng khóa. Ngày nào thày cũng tìm được thời giờ cầu nguyện trước nhà chầu, xin Chúa ban cho mình trở thành tông đồ mở nước Chúa.

Thày Bô-ri đạo đức nhiệt thành dẫn đưa các linh hồn tội lỗi lầm lạc trở về cùng Chúa, săn sóc yêu mến trẻ em, hay thăm viếng an ủi bệnh nhân. Một bà già góa nghèo hơn 80 tuổi được thày khuyên bảo trở về cùng Chúa và bà đã chết êm ái, thày cảm động thốt lên rằng: “Không bao giờ tôi quên được những ân huệ thiêng liêng ấy”.

Hai mẹ con dũng cảm

Chúa lại gửi đến cho thày một tai nạn nặng nề nữa để thử thách lòng cương quyết tận hiến cho các linh hồn dân ngoại. Ông thân sinh thày qua đời để lại người vợ góa với một gia đình đông con, thày là con cả có nhiệm vụ lo cho mẹ và các em, nhưng thày vẫn can đảm đáp lại ơn Chúa, đi theo đường đã vạch ra là mở Nước Chúa nơi các dân tộc xa xôi, mặc dù thày biết nhiều tông đồ rao giảng Tin Mừng ở đó đang bị án tử hình. Trong dịp đau đớn này, thày nài xin Chúa và Đức Mẹ giúp thày vững vàng đến cùng.

Bà mẹ thày cũng không kém lòng dũng cảm, bà nói rằng: Chỉ có Chúa biết hết nỗi khổi tôi, người chồng thân yêu của tôi không còn nữa, bây giờ đứa con cả yêu dấu của tôi cũng bỏ tôi để đến một nơi xa xôi mà gian nan, nguy hiểm, chết chóc đang đón chờ nó”. Bà chỉ me còn biết phó thác tất cả cho Chúa. Một lần bà bảo Thày Bô-ri rằng: “Mẹ biết con bỏ mẹ và các em để theo đuổi một lý tưởng cao đẹp, dù đau đớn mẹ sẵn sàng dâng con cho Chúa, dù con là niềm hy vọng, là sự an ủi lớn lao của mẹ, mẹ cũng không cản trở con”.

Nhưng nghĩ đến giây phút ly biệt, cả hai mẹ con đều cảm thấy lòng đau như xé. Ngày 1-10-1829, thày để lại cho mẹ và các em một bức thư từ biệt lời lẽ thống thiết đầy tình thương mến, rồi ra đi giữa ban đêm.

Đại chủng viện Hội Truyền giáo Pa-ri

Đại chủng viện Hội Truyền giáo Pa-ri còn giữ nhiều kỷ niệm tốt đẹp của Thày Bô-ri. Ai cũng thấy thày có nhiều tài năng và nhiều nhân đức đặc biệt. Ông Đét-dơ-nét (Desgenette) là người sáng lập và quản lý thánh đường Đức Mẹ Thắng Trận ở Pa-ri và Cha xứ nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Át-si nhờ thày giúp đỡ những thanh niên và trẻ em lang thang, hướng dẫn và huấn luyện họ trở thành người tốt. Thày chủng sinh trẻ tuổi đầy tình thương của Chúa Ki-tô đã tìm được những phương pháp hữu hiệu để biến đổi họ.

Trong nhà thờ, người ta hay gặp thày quỳ gối lâu giờ, dù gặp đau khổ thử thách, thày vẫn giữ được vẻ vui tươi, không bao giờ ca thán. Thày thường nói rằng: “Khi nào tôi đến miền dân ngoại, tôi sẽ gặp nhiều đau khổ hơn, nhưng tôi vui lòng chịu để giúp họ”.

Thày ở đại chủng viện Pa-ri 13 tháng, vì thày còn trẻ chưa đủ tuổi chịu chức linh mục nên ngày 2-11-1830, thày được cử đến làm việc ở thành phố Pông-đơ-nơ-ri (Ấn Độ). Nhưng khi đang chờ tầu ở Ha-vơ-rơ (Havre) Thày nhận được phép chuẩn miễn tuổi, Thày trở về Pháp chịu chức linh mục.

Hòa nhịp vào nếp sống mới

Cha Bô-ri được cử sang truyền giáo ở địa phận Tây Đàng Ngoài, ngày 15-5-1832, Cha đến miền Nam Việt Nam và được cử đến tỉnh Nghệ An với một tên Việt Nam mà từ nay chúng ta thường gọi người là Cố Cao. Ngay từ ngày đầu, phương châm của Cha Bô-ri là lời thánh Phao lô: “Bác ái làm được mọi sự”. Cha Mát-sông (1) (Nghiêm) là Cha Chính địa phận bấy giờ đã làm chứng rằng: “Cha Bô-ri tự thu xếp hết mọi việc trong khi phần đông các Cha thừa sai cần phải có sự giúp đỡ của giáo dân. Suốt đời truyền giáo của vị linh mục trẻ tuổi này có điểm nổi bật nhất là tự túc, Cha còn thường nói với tôi là không có việc gì làm Cha chán nản, Cha thích hợp với các món ăn Việt Nam và khen đó là những món ăn đặc biệt, làm cho tôi rất phấn khởi. Còn một điểm đáng ngạc nhiên hơn nữa là Cha hòa mình ngay vào nếp sống của dân bản xứ. Họ coi Cha như người Việt vì Cha có tâm tình người Việt, hồn nhiên vui vẻ, Cha thường đi thăm gia đình các giáo hữu cũng như gia đình các người ngoại, nên mọi người đều quý mến Cha”.

Cha Bô-ri truyền giáo ở vùng đông giáo dân và có nhiều người đang học đạo, họ hiểu được những tư tưởng của Cha khiến Cha vui vẻ hăng say làm việc. Cha niềm nở tiếp đón mọi người không trừ ai, Cha khéo léo khôn ngoan khi gặp những trường hợp khó giải quyết, nhất là khi nói chuyện với những ai có sự bất đồng chính kiến. Cha mạnh bạo không biết sợ hãi, không bị bối rối trước những vấn đề khó khăn.

Từ khi có sắc lệnh cấm đạo đẫm máu năm 1833 dưới thời Minh Mệnh cho đến ngày 24-3-1833, Cha phải thay đổi chỗ ở 17 lần. Đời sống lang thang luôn bị đe dọa trầm trọng không làm Cha buồn sầu, Cha Mát-sông còn kể lại rằng: “Khi tôi hỏi người về số đàn chiên lạc lõng người mới đi thăm còn độ bao nhiêu, vẫn nụ cười tươi tắn, Cha nói với tôi rằng: Cha muốn gì? Theo con thì chẳng nghĩ được gì cả và chúng ta cũng chẳng làm được gì, chính Thiên Chúa muốn luyện lọc chúng ta bằng khổ đau”. Cha phải qua những ngày đêm ẩn trú ở túp lều tranh trong rừng rậm, ở hầm đất, thiếu thốn mọi sự, phải trốn tránh các giáo dân bội phản, những cặp mắt rình mò luôn luôn theo dõi để tố giác lấy tiền thưởng.

Cha chỉ có mỗi một nỗi buồn là không được hoạt động. Cha đã dự định sang Lào truyền giáo. Cha tĩnh tâm cầu nguyện và lên đường với niềm hy vọng chứa chan, nhưng cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc với triều đình Huế bùng nổ làm cản trở cuộc hành trình của Cha.

“Các ông tìm ai ?”

Không thực hiện được kế hoạch, Cha lại hăng say tiếp tục công việc mục vụ, vì trong nước có loạn nên sự đạo tương đối được tự do hơn năm trước. Cha hoạt động ở huyện Bồ Chính, ở đây có độ 20.000 giáo dân, nhưng công việc tông đồ bị cản trở vì bệnh dịch, nạn đói, cướp bóc. Một giáo dân bị bọn cướp đánh đau quá đã chỉ nơi Cha ở, Cha bị cướp bắt nhưng một người rất giầu trong vùng đã cứu Cha thoát nạn và đưa Cha đến một nơi trú ẩn chắc chắn để tránh những người phản bội. Năm 1834, tình hình bắt đầu khả quan hơn và kéo dài trong mấy năm. Vào khoảng tháng 8, Cha giải tội được 346 người, xây lại được hai trường nội trú và một trường học mới bị triệt hạ. Như thế Cha chưa lấy làm đủ, Cha còn soạn thảo một chương trình truyền bá Phúc âm trong toàn cõi Việt Nam sau khi bình an trở lại.

Bồ Chính là huyện rộng lớn, giáo dân ở đây vẫn còn ghi nhớ nhiều kỷ niệm về Cha. Một linh mục ngoại quốc nói tiếng Việt rất sõi nhất là khi giảng dạy và khi dạy kinh bổn, một linh mục nhân hậu, nói năng ngọt ngào, lúc nào cũng vui tươi nhiệt thành, cần phải đi đâu là sẵn sàng ngay.

Năm 1838 tình thế trở nên nguy kịch vì vua Minh Mệnh được tin các Cha thừa sai đã lập một trường học ở tỉnh Quảng Trị. Lệnh tầm nã rất nghiêm nhặt, phải bắt hết các đạo trưởng Tây và đạo trưởng Nam, nhất là ở huyện Bồ Chính. Họ bắt được Cha Khoa và hai chú bé. Bị tra khảo đánh đập tàn nhân, một chú đã khai những nơi Cha Bô-ri ẩn. Quan quân đến vây những nơi ấy, nhưng Cha đã đi chỗ khác, họ chỉ bắt được Cha Điểm và một chú bé ở gần làng Dân Xá.

Chưa bắt được đạo trưởng ngoại quốc nào, họ càng tầm nã ráo riết. Cha Bô-ri phải trốn tránh cực nhọc vất vả, nhưng cách đối xử của một giáo dân làm Cha buồn sầu và bị sỉ nhục. Trong một trường hợp rất nguy hiểm, Cha phải ẩn vội vào nhà ông, vì sợ quá ông đuổi Cha, chửi rủa đánh đập Cha, qua thái độ đó Cha biết giờ phải bắt đã gần. Trên đất không có nơi ẩn, Cha đành phải xuống thuyền chạy trốn đi chỗ khác, nhưng chẳng may cơn gió thổi mạnh, thuyền dạt vào bờ, Cha lại lên đất liền.

Vẫn chưa bắt được đạo trưởng ngoại quốc, các quan ra chỉ thị cho dân trong vùng nếu biết tin tức gì dù đúng dù sai cũng phải cấp tốc báo ngay. Quân lính bắt một cô gái 16 tuổi tra khảo nơi ẩn của Cha Bô-ri, nhưng cô cương quyết trung thành chối không biết, cha cô hoảng sợ đã chỉ cho lính biết một nơi có đất mới đào dưới rặng cây, ông nói lơ mơ rằng có thấy một người cao lớn trắng trẻo có râu dài mà ông không biết có phải là người Tây không. Quan thấy có những dấu vết chân nên bắt ông dẫn đến nơi lục soát, lúc đó khoảng hai giờ đêm, toán lính đi lại tìm kiếm nhiều lần vẫn chưa ra, vì người hướng dẫn không muốn nộp thày mình. Ngồi dưới hầm Cha nghe rõ tiếng chân đi lại, tiếng bàn tán, Cha biết mình không thể thoát được, ngồi mãi ở đây cũng không lợi gì, Cha quyết định ra khỏi hầm, tự nộp mình và hỏi lính bằng chính những lời mà xưa Thày Chí Thánh đã nói:“Các ông tìm ai?” Giữa đêm tối một người cao lớn từ dưới đất hiện lên, toán lính sửng sốt bỡ ngỡ không ai nói được câu nào, Cha im lặng đứng yên tại chỗ, một lúc sau hoàn hồn họ truyền cho Cha phải ngồi xuống và phải tuân hành mệnh lệnh, Cha làm theo ngay và từ giờ phút này tông đồ của Chúa hoàn toàn vâng phục và hy sinh tất cả vì danh Chúa cao cả.

Tôi chỉ xin quan thương dân

Cha phải giải về Đồng Hới, phải mang gông nặng, vào ngục Cha vui mừng vì được gặp Cha Khoa và Cha Điểm đang phải giam ở đây, Cha được thêm sức chịu đựng nhưng cũng là lần đầu tiên Cha hiểu rõ cảnh tù ngục của những người già phải khốn khó chừng nào.

Lần đầu tiên Cha phải ra công đường với Cha Điểm. Quan hỏi tên tuổi, quê quán Cha rồi bắt khóa quá. Cha can đảm đáp: “Thà chết trăm lần chứ không bao giờ khóa quá”. Cha Điểm cũng trả lời như thế.

Quan bắt Cha Bô-ri khai từ khi đến đây đã ở những nơi nào, ở nhà ai, Cha chỉ trả lời: “Tôi xin quan thương dân, đừng ép tôi nói việc này, tôi xin chịu một mình”. Quan án giận truyền đánh đòn Cha, lính trói hai chân hai tay Cha vào cọc, để một viên gạch dưới bụng và một viên gạch dưới cằm, rồi trận mưa roi bắt đầu. 20 roi trước, Cha không tỏ dấu gì đau đớn dù máu chảy đầm đìa, 10 roi sau chỉ nghe thấy tiếng rên. Sau 30 roi quan ra lệnh ngừng đánh. Quan hỏi Cha: “Ông có thấy đau lắm không?” Cha đáp: “Tôi cũng có xương thịt như ai, tại sao tôi lại không đau đớn? Nhưng không hề gì, như con rùa tôi bằng lòng chịu”. Quan lại tiếp tục tra hỏi. Cha Bô-ri chỉ trả lời: “Tôi không có việc gì nói, tôi chỉ xin quan thương dân”.

Ngày 4-8, Cha Bô-ri, Cha Khoa, Cha Điểm lại phải ra công đường. Quan hỏi Cha Khoa: “Ông có biết đạo trưởng Bô-ri và Điểm không?” Cha Bô-ri trả lời: “Bảy giờ chúng tôi biết nhau cả, còn những thời gian trước vì cấm cách chúng tôi phải trốn mỗi người một nơi”. Quan lại hỏi Cha Điểm: “Từ trước ông có gặp ông Bô-ri không?”. Cha Bô-ri nói: “Chúng tôi mới gặp nhau khoảng chừng năm tháng trước”. Quan bảo: “Để ông Điểm trả lời, tôi sẽ hỏi ông sau”.

Một lần khác ra công đường, Cha thấy Thày Tự cùng bị bắt với Cha bị đánh rất dã man, và quan nói nếu Cha không khai, quan sẽ đánh Thày Tự dữ tợn cho đến khi thày phải khai ra nơi Cha Bô-ri đã ở vì Thày Tự là người giúp Cha. Cha thương Thày nên khai hai ba tên làng Cha đã ở, nhưng cha chỉ khai tên mấy người đã chết, vì thế không ai bị liên quan.

Cha còn bị tra khảo nhiều lần, Cha vẫn cương quyết can đảm, các quan kết án trảm quyết và đưa vào kinh để vua châu phê. Trong thời gian chờ đợi Cha vui vẻ ca hát những bài tán tụng Thiên Chúa. Cha thường giữ giờ cầu nguyện chung với Cha Điểm và Cha Khoa. Cha siêng năng lần hạt Mân Côi, tràng hạt của Cha lính đã lấy khi bắt Cha, Cha dùng nan quạt để lần hạt. Giáo dân biết tin gửi cho Cha một cỗ khác khiến Cha rất cảm động. Đông người đến thăm Cha, một em bé thường đem Mình Thánh vào ngục cho Cha. Cha viết thư từ giã an ủi mẹ và các em, xin họ cám tạ Chúa vì ơn trọng Chúa đã ban cho Cha là được đổ máu làm chứng cho Chúa, cho đạo thật ngay trên đất nước cha đến truyền giáo. Cha cũng viết thư từ giã Cha xứ Si-ô-ni-ác là chú và cho các Cha Bề trên chủng viện Hội Thừa Sai Pa-ri để cám ơn và xin mọi người cầu nguyện cho mình được bền vững đến cùng.

Sắc phong giám mục

Trong khi chờ đợi ngày tử đạo vinh quang, Cha Bô-ri nhận được sắc phong Toà Thánh cử Cha làm Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài, vì khiêm tốn Cha không nói với ai, và lấy thế làm vui, sẵn sàng chấp nhận đau khổ để làm sáng danh Chúa Ki-tô và ước mong ngày được đổ máu.

Trong ngục bị ốm nặng, Cha sợ không sống được đến ngày xử, nên bảo mấy người giáo dân đến thăm rằng: “Chúng con liệu thuốc thang cho Cha để Cha sống thêm ít ngày nữa, Cha muốn chết vì tay vua quan, không muốn chết vì bệnh, như thế làm vinh danh Chúa hơn”.

Ngày 24-11-1838, án trong kinh đến, quan án truyền đọc án cho Đức Cha và mọi người nghe. Đức Cha Bô-ri phải trảm quyết và bêu đầu ba ngày. Án đọc xong, Đức Cha mạnh dạn đứng lên xin nói mấy lời sau đây: Từ thời thơ ấu đến nay tôi không hề quỳ lạy một người nào, nhưng bây giờ tôi sẽ quỳ lạy quan để tỏ lòng biết ơn của tôi về đặc ân quan đã ban cho tôi”. Rồi Đức cha quỳ lạy. Quan xúc động rơi lệ từ chối sự cung kính này.

Sau đó người ta điệu Đức cha Bô-ri ra pháp trường ngay. Đức cha hớn hở, cổ đeo gông, tay lần hạt xin Đức Mẹ ban ơn giúp trong giờ phút cuối cùng, quan sợ các giáo hữu và đám đông đi theo nhiều quá nên ra sức ngăn cản mà không được. Đức cha vừa đi vừa nói: “Tôi là đạo trưởng, tôi không phải là giặc, là trộm cướp, vì thế tôi không sợ chết. Tôi chỉ kính sợ một Thiên Chúa. Ngày hôm nay tôi chết, ngày mai sẽ đến người khác”.

Trước khi chém quan còn hỏi Đức Cha rằng: “Nếu ông thực tình hối cải, sẽ được ân xá”. Đức cha không trả lời. Sau hồi chiêng báo hiệu, lính chém đầu Đức cha, phải bảy nhát đầu mới rơi, lính tung đầu lên cho quan xem thấy rồi bêu ba ngày để mọi người sợ.

Xác Đức cha chôn ngay ở nơi xử, năm sau cải táng đưa về Kẻ Gốm Nghệ An, xác vẫn còn nguyên vẹn.

Năm 1842, hài cốt Đức cha được đưa về Pháp để ở chủng viện Hội Truyền Giáo Pa-ri.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Đức cha Bô-ri ngày 27-5-1900.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh cho Người ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn

Nguồn: TGP Hà Nội

Translate »
Exit mobile version