Phú Nhai, mảnh đất phúc lộc vì nơi đây có một nhà thờ nguy nga vào bậc nhất Việt Nam dâng kính Đức Nữ Vương Vô Nhiễm, để tạ ơn Đức Mẹ đã ban cho Giáo Hội Việt Nam được qua cơn bách hại gần ba thế kỷ. Ngày nay hàng năm đến ngày 8-12 giáo dân các nơi về đây đông đúc, thể hiện một Đức Tin vững vàng sâu xa. Trong thời cấm cách, Phú Nhai cũng là đất phúc lộc vì là quê hương của nhiều vị anh hùng tử đạo, trong số đó có Cha Đa-minh Hà Trọng Mậu.
Cha sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, song cuộc đời vất vả về phần xác nhưng về phần hồn dồi dào ơn phúc. Hai cụ thân sinh đạo đức thánh thiện thường khuyên các con rằng: “Tìm Nước Chúa, tìm vinh danh Chúa, rồi Chúa sẽ giúp sức”, nhờ đó các con cái trong nhà đã học được đức trông cậy và phó thác hoàn toàn, và đó cũng là câu châm ngôn định hướng cho mọi bước đường của vị linh mục dòng Thánh Đa-minh này.
Lớn lên, cậu Mậu theo đúng đường lối của cha mẹ là tìm vinh danh Chúa, cậu từ giã gia đình, dâng mình cho Chúa trong dòng Thánh Đa-minh, sau thời gian thử luyện thày được khấn trọng thể và năm 1830 được thụ phong linh mục. Một linh mục hoạt động, một thày dòng thánh thiện, với ơn trợ giúp của Đức Mẹ Mân Côi quan thày dòng, Cha đem cả bầu nhiệt huyết ấp ủ từ bé là “tìm vinh danh Thiên Chúa” để mở nước Chúa trong cánh đồng truyền giáo mà Bề trên ủy thác cho Cha. Gần 20 năm trời vất vả ngược xuôi, Cha thu được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Tự nộp mình đế giải vây
Năm 1858 cơn bách hại lại bắt đầu tái diễn gay gắt. Hồi ấy Cha đang hoạt động ở Ngọc Đồng, quan quân về vây làng lùng bắt đạo trưởng, đạo đồ. Cha và Cha Hương vội vào ẩn trong một túp lều lợp lá mía, nhưng tình hình không ổn, quan quân sục sạo ngay gần đấy, Cha Mậu chạy sang Kẻ Điền ẩn trong hầm cùng với hai Cha thừa sai Tây Ban Nha. Nhưng rồi một ngày, quan quân kéo đến vây miền này, tìm kiếm truy nã gắt gao, biết khó thoát khỏi, nếu cả ba người cứ ở trong hầm, Cha Mậu muốn cứu hai Cha thừa sai nên đã hy sinh tự ý ra nộp mình.
Vớ được miếng mồi ngon, quân lính xồ đến bắt trói Cha, đóng gông điệu về tỉnh Hưng Yên và giải vây. Hai Cha thừa sai thoát nạn, còn Cha Mậu vui mừng vì mọi sự xảy ra theo đúng kế hoạch đã định. Trên đường về Hưng Yên, Cha âm thầm cầu nguyện xin Chúa ban ơn trợ giúp và nhận của lễ hy sinh Cha tự ý dâng để tìm vinh danh Chúa. Đến tỉnh Cha phải tống giam ngay.
Tìm vinh danh Chúa trong tù ngục
Trong ngục tối cũng như khi phải ra trước công đường để bị tra tấn, dù đòn vọt như bổ củi, gông cùm xiềng xích ngày đêm, Cha vẫn giữ một niềm tin sắt đá, lợi dụng mọi dịp để thực hiện lý tưởng tìm vinh danh Thiên Chúa.
Ngày 17-10-1858, Cha kể lại một số chiến công Cha thu được trong nhà tù: “Nhờ ơn Đức Mẹ, tôi đã giải tội được 398 người, nhà tù là gia đình thân yêu của tôi, các tù nhân là bạn hữu, là con cái tôi, tôi cảm hóa cả những người tuyệt vọng mà tình yêu trong tâm hồn họ đã chết tự bao giờ”. Cha nói rất đúng. Cha luôn tìm cách an ủi, giúp đỡ, thân mật, khiến mọi người cảm phục, yêu mến Cha. Có một câu chuyện người ta thường kể lại và coi đó là chiến công oanh liệt nhất của Cha trong việc thu phục lòng người, ở nhà giam có một tướng cướp, chuyên môn chặn đường giết người cướp của, bàn tay anh đã nhuốm máu bao nhiêu nhân mạng. Nhưng một hôm, anh sa lưới pháp luật để đền tội ác, anh bị bắt giam với Cha Mậu. Như con thú sa lưới, anh bực tức lồng lộn với người chung quanh. Đối với anh, mọi người đều là thù địch, anh không thèm nói chuyện với ai và hoàn toàn sống trong tình trạng tuyệt vọng. Mọi người đều tránh xa, chỉ mình Cha Mậu có tìm dịp gần anh: từ ngày gặp anh, Cha luôn luôn cầu nguyện lần hạt, lại gần nói chuyện với anh, nhờ thế dần dần Cha thu phục được anh, uốn được tâm hồn sắt đá của anh đến nỗi anh trở nên người con ngoan, vâng theo lời Cha dạy, thống hối ăn năn tội xưa và sau anh xin theo đạo để tìm cách đền bù tội ác. Cha Mậu rửa tội cho anh ở trong ngục và anh cũng bị xử một ngày với Cha.
Tràng hạt Mân Côi sẽ đem lại phúc tử đạo
Từ khi bị bắt, tràng hạt Mân Côi không rời tay Cha Mậu. tràng hạt như mỏ neo giúp Cha vững vàng đối phó với các cuộc tra tấn. Mọi mưu mô kế hoạch các quan đưa ra tấn công Cha đều thất bại, Cha cương quyết không khai lời nào làm hại người khác, Cha đón nhận mọi hy sinh và say mê lần hạt, hy vọng chắc chắn tràng hạt sẽ đưa Cha đến phúc tử đạo vinh quang.
Giáo dân vào thăm Cha rất đông, tỏ lòng tôn kính Cha xin hôn áo dòng, xiềng xích, tràng hạt của Cha. Chiều ý họ, Cha bằng lòng và thường khuyên họ siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ.
Tướng chỉ huy dũng cảm dẫn quân ra chiến trường
Không lay chuyển được ý chí cương quyết của Cha Đa-minh Hà Trọng Mậu, các quan kết án Cha phải trảm quyết.
Đến ngày xử, Cha vui vẻ hân hoan, mặc áo dòng, cổ đeo tràng hạt Mân Côi, tay bị xiềng xích chắp lại trước ngực, mạnh bạo đi đầu, theo sau là một đoàn người cùng bị xử với Cha hôm ấy. Cha như vị tướng chỉ huy dẫn đạo binh ra trận, cả đoàn vừa đi vừa đọc kinh, cầu nguyện, ăn năn tội, dọn mình vào cuộc chiến đấu cuối cùng. Cảnh tượng này làm mọi người theo xem bỡ ngỡ, tiếng đọc kinh trầm bổng sốt sắng tha thiết từ đáy lòng vang lên suốt dọc đường, tỏa bầu không khí bình an, trông cậy.
Đến pháp trường, Cha xin quan Giám sát xử mình sau cùng vì Cha muốn được chứng kiến và dâng lễ hy sinh của đoàn con thân yêu, đã cùng Cha sống những ngày giờ đau thương trong tù ngục, đã cùng Cha xưng Đức Tin cách anh dũng. Quan Giám sát chấp nhận.
Cha quỳ trên chiếu cùng với các bạn, Cha ban phép giải tội cho họ; Cha con cùng nhau cầu nguyện Chúa nhận các lễ hy sinh này để nước Việt Nam mau chóng nhận biết ánh sáng Phúc Âm.
Tiếng chiêng lệnh nổi lên, lý hình chém từng người một, Cha Mậu âm thầm cầu nguyện, sau cùng đến lượt Cha, Cha ngước mắt nhìn lên trời như muốn nói rằng: “Lạy Chúa, con xin tìm vinh danh Chúa !” Đầu Cha rơi theo giữa dòng máu đỏ thắm tượng trưng cho cả cuộc đời luôn hăng say tìm vinh danh Thiên Chúa. Giờ đây linh hồn Cha về trời để tiếp tục làm công việc này cách hoàn hảo nhất, là làm vinh danh Chúa đời đời trên thiên đàng. Lúc ấy là trưa ngày 5-11-1858.
Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong chân phúc cho Cha Đa-minh Hà Trọng Mậu ngày 29-4-1951, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn
Nguồn: TGP Hà Nội