Gia trưởng một gia đình tử đạo.
Thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích, một mẫu gương sáng ngời cho những người gia trưởng, đặc biệt trong việc giáo dục hướng dẫn đức tin cho con cái. Không kể thánh Lý Mỹ, người con rể chí hiếu, đã cùng tử đạo một ngày, gia đình ông đã cống hiến hai chứng nhân đức tin khác (hai vị này không có trong số 117) : ông Lý Thi, bị xử giảo năm 1858 thời vua Tự Đức (con thứ hai ông Trùm Đích), và ông phó Nhâm, người con thứ tư, cương quyết không bước qua Thập Giá, bị đầy lên Cao Bằng và qua đời tại đó.
Thánh nhân đã giáo dục con cái không chỉ bằng lời nói. Mà bằng chính mẫu gương chứng tá đức tin sống động của mình.
Lý lịch thân phụ tôi
Muốn biết lý lịch của thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích, không gì bằng nghe chính lời con cái ngài là cô Maria Mến (Miều), góa phụ của thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, cung khai trước tòa điều tra phong Chân Phước : Bố tôi là Nguyễn Tiến Đích, quê ở Chi Long, huyện Nam Sang, tỉnh Nam Định. Ông bà nội tôi vốn có lòng đạo đức, thấy xa nhà thờ có linh mục thì lấy làm tiếc, nên dọn đến làng Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị), rồi bố tôi lập gia đình ở đó.
“Hồi đó bố tôi tên là Khiêm, khi sinh con đầu lòng đặt tên là Hiếu, người ta gọi bố tôi là Hiếu, đến khi sinh người con thứ hai đặt tên là Đích, bố tôi lại mang tên là Đích và giữ tên đó mãi… “Gia đình chúng tôi làm nghề nông rất cần cù, nhưng không vì thế mà sao lãng việc đạo đức, trái lại vẫn siêng năng xưng tội, rước lễ. Bố tôi luôn quan tâm đếnm đời sống đạo đức của mười người con và của những gia nhân giúp việc. Mỗi ngày, ông chỉ định một hay hai người coi nhà, còn những người khác đi lễ. Tôi thấy bố tôi làm tròn các nghĩa vụ trong đạo. Ngài rất chăm sóc việc giáo dục con cái, mời thày đồ đến nhà dạy chữ Nho cho con trai, từ chối gả con gái cho những thanh niên gia đình giàu có mà không giữ đạo sốt sắng…”.
Bốn vị tử đạo đạo trong một gia đình, thật là kết quả hết sức lớn lao của nền giáo dục đạo đức đó.
Một lòng vì Giáo Hội
Đặc biệt quan tâm đến tương lai của Giáo Hội, ông Trùm Đích rất yêu quý các giáo sĩ và chủng sinh, quảng đại tiếp đón và giúp đỡ về vật chất. Thời gian chủng viện Kẻ Vĩnh bị nạn dịch tả, nhiều chủng sinh ly trần, các bề trên quyết định phân tán các chú. Ông trùm Đích tình nguyện nhận một số, vừa nuôi dưỡng, vừa săn sóc chữa bệnh cho đến khi hoàn toàn bình phục, không xá kể lao nhọc tốn phí.
Đức bác ái của ông còn tỏ ra qua lòng thương người nghèo, và việc thường xuyên thăm viếng an ủi những người mắc bệnh phong cùi. Chính thế giá và nhân đức của ông mà người ta gọi ông là “Trùm”, mặc dù ông không giữ nhiệm vụ ấy.
Gặp thời cấm đạo ngặt nghèo, ông cho trú ẩn tại nhà và nuôi dưỡng trong hai năm một lớp chủng viện. Đức cha Havard Du, Giám mục giáo phận, cũng đã trú ẩn tại nhà ông trong thời kỳ cấm đạo triều vua Minh Mạng.
Vị gia trưởng đáng kính
Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh dùng mọi phương thế, từ thuyết phục đến tra tấn, để bắt ông trùm Đích bỏ đạo : “Ông đã cao niên, các con đã trưởng thành, các cháu chắt đông đảo, có nhà cửa phong lưu, ông hãy quá khóa để vui hưởng tuổi già với đàn con cháu có hơn không?”. Ông Đích trả lời với giọng vững vàng : “Thưa quan, con cháu chi cũng mặc, tôi đã lo liệu cho chúng. Tôi có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa, quan tha hoặc kết tội thì tùy, chứ đừng ép tôi bỏ đạo”.
Quan truyền khiêng ông qua Thánh Giá nhưng ông co hai chân lên, tức giận quan truyền đánh đòn ông. vì phải mang gông xiềng, bị tra tấn lại thấy mình già nua yếu đuối, có lúc ông tưởng không chịu nổi gian truân thử thách đến cùng, nhưng may mắn ông vẫn kiên trung tới ngày tử đạo, nhờ ơn Chúa giúp, nhờ sự khuyên nhủ của cha Năm, nhờ lời khích lệ của các bạn tù, nhất là nhờ tấm lòng hy sinh cao cả của con rể chí hiếu, Micae Lý Mỹ. Ông Lý mỹ sau khi lãnh phần mình xong, ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ, ông trùm Đích được mang gông nhẹ hơn.
Ít phải chịu cực hình thân thể, ông gia tăng công nghiệp bề trong bằng việc bác ái và đạo đức. Thực phẩm, tiền bạc cho gia đình tiếp tế, ông chia sẻ cho các bạn tù ngoại giáo. Ông chuyên chú đọc kinh cầu nguyện, xưng tội rước lễ sốt sắng ngay trong nhà giam.
Thấy không thể khuyên dụ ông trùm Đích bỏ đạo, quan làm sới tâu về kinh. Đây là nội dung sớ tâu luận tội:
“Tên Đích tin theo và thực hành tà đạo, dù đã bị cấm. Đã không nộp đạo trưởng Mai Năm cho quan, alị còn chứa chấp, không nghe lời khuyên cáo dạy bảo, nhất là không chịu quá khóa, thật là người cố chấp, bất tuân luật nước. Chúng thần đã nhiều lần truyền buộc y quá khóa trước công đường, nhưng y trả lời : ‘Tôi giữ đạo từ nhỏ, tôi sẵn sáng thà chết chẳng thà bỏ đạo’. Vậy xin luận xử trảm quyết làm gương cho kẻ khác”.
Bản án được vua Minh Mạng châu phê chấp thuận ngày 12.08.1838, ông trùm Antôn Nguyễn Đích cùng với linh mục Giacôbê Đỗ Mai Năm và người con rể Micae Nguyễn Huy Mỹ bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Sau khi hành quyết linh mục Mai Năm, lý hình chém đầu ông trùm Nguyễn Đích, rồi mới xữ tử ông Lý Mỹ.
Thi hài ông Antôn Nguyễn Đích, 69 tuổi thọ, được rước về làng Kẻ Vĩnh ngay trong đêm đó. dân làng tổ chức lễ qui lăng rất trọng thể, rồi an táng trước nhà ông, nơi ông đã để lại bao gương sáng của một chức sắc và một gia trưởng đáng kính.
Cùng với linh mục Mai Năm và ông Lý Mỹ, ông trùm Antôn Nguyễn Đích, được Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ thư viện Đa Minh
Trường thi tử đạo
Ông Trùm Ðích sinh năm Kỷ Sửu (1769)
Tại Chi Lăng thuộc tỉnh Thành Nam (Ðịnh)
Sau về Kẻ Vĩnh đạo ngoan
Nhà thờ gần gũi dễ dàng sinh nhai
Ông Trùm Ðích lâu dài lập nghiệp
Lập gia đình ở miệt này luôn
Canh nông căn bản bán buôn
Trời cho sinh hạ được luôn mười người
Gia đình sống vui tươi hạnh phúc
Chịu khó làm sung túc ấm no
Việc lành đạo đức chăm lo
Ðọc kinh cầu nguyện Chúa cho an bình
Với làng xóm trọng tình huynh đệ
Ông hiền lành tử tế hài hòa
Vợ con chẳng có chửi la
Nhưng luôn khuyên nhủ thực thà tín trung
Người túng thiếu trong vùng đến trọ
Ông sẵn sàng cho họ ở ngay
Phải tuân điều kiện sau này
Kinh chung sớm tối chẳng thay đổi gì
Tôi chấp nhận thực thi lời hứa
Ðây hồng ân do Chúa thương ban
Gương lành ông Ðích đã làm
Dắt dìu huynh đệ cùng tham gia vào
Với con cái đề cao giáo dục
Chẳng nuông chiều, hối thúc hiếu trung
Ông người uy tín trong vùng
Phong là Trùm họ tôn sùng quý ông
Với các Ðấng ông không quản ngại
Cả gia đình con cái đảm lo
Ðón đưa các Ðấng giúp cho
Thừa sai tu sĩ chỉ lo rao truyền
Một năm ấy bỗng thì dịch tả
Trong nhà dòng như đã bị lây
Ông Trùm Ðích đón các Thầy
Về nhà săn sóc lo đầy thuốc thang
Lúc hết dịch dân làng mạnh khỏe
Ðưa các Thầy vui vẻ nhà chung
Ðức Giám mục ở trong vùng
Muốn bù phí tổn góp cùng giáo dân
Ông Trùm Ðích nhận phần đài thọ
Ít lâu sau tình thế đổi thay
Vua ra sắc lệnh ác này
Thừa sai chứa chấp thẳng tay chém đầu
Ông Trùm Ðích từ lâu vẫn đón
Ðức Cha Dụ thường trốn ở nhà
Cha Năm liên tục vào ra
Như tình huynh đệ rất là thân thương
Ông còn giúp lỡ đường sớm tối
Người bệnh cùi tìm lối thuốc thang
Ông đâu có phải trùm làng
Ðược người quý mến phong mang tên Trùm
Ông tìm kẻ làm dùm giúp việc
Tên Tỷ, Xuân quanh miệt tới làm
Ai ngờ đâu kẻ mưu gian
Vào nhà do thám để làm nội công
Chúng về tỉnh lập công tố cáo
Bắt Cha Năm trói ráo cả Trùm
Cha Năm ông Ðích bị cùm
Củi tre chật hẹp cúi khum khổ hình
Chúng dẫn giải lý hình xử trảm
Cả ba người thê thảm pháp trường
Lý Thi lãnh xác đảm đương
Quan tài tẩm liệm trên đường tiễn đưa
Về Kẻ Vĩnh không thua đám rước
Ðông giáo dân đốt đuốc sáng trưng
Thật là náo nhiệt tưng bừng
Ba vị tử đạo đón mừng hồng ân
Mộ Trùm Ðích vua cần khai quật
Tưởng giấu vàng mở lật tấm thiên
Gia đình đau xót buồn phiền
Trở về tro bụi không yên dưới mồ
Phúc tử đạo tung hô Mậu Tuất (1838)
Ðẹp danh Cha chẳng khuất phục vua
Roma lừng lẫy tung hô
Suy tôn Canh Tý (1900) tín đồ trung kiên
Lời bất hủ: Quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh dùng mọi phương thế để bắt ông Trùm Ðích bỏ đạo. Ông Ðích trả lời với giọng vững vàng: “Thưa quan, con cháu chi cũng mặc, tôi đã lo liệu cho chúng. Tôi có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa, quan tha hoặc kết tội thì tuỳ, chứ đừng ép tôi bỏ đạo”.