Những điều cần biết để cử hành Năm Thánh 2025

Trong Do Thái giáo cổ xưa, Năm Thánh được gọi là năm yōbēl, “năm của con cừu đực”, vì người ta thổi tù và làm bằng sừng con cừu đực để công bố Năm Thánh, sừng này cũng được thổi vào ngày lễ Xá Tội (Yom Kippur) mỗi năm một lần. Sách Lêvi nói đến lệnh truyền của Chúa cho Môsê về Năm Thánh là năm thứ 50 như sau: “(Các) ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong Toàn xứ các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ Toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình” (Lv 25: 8-10).

Như vậy, trong Cựu Ước, Năm Thánh (năm Toàn Xá) được đánh dấu như một thời gian để đổi mới mối quan hệ đúng đắn giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, và giữa con người với tất cả các tạo vật.

Nó liên quan đến việc tha thứ các khoản nợ, trả lại đất đai bị chiếm đoạt và một thời gian bỏ hoang cho đất đai. Trong thời kỳ này, luật pháp Mô-sê quy định rằng nô lệ có thể giành lại tự do và đất đai, mà Thiên Chúa là chủ duy nhất, phải được trả lại cho chủ sở hữu cũ (Lv 25,11-17).

Tin Mừng Luca trích dẫn lời tiên tri I-sai-a để mô tả sứ mệnh của Chúa Giê-su: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:18-19; Is 61:1-2). Chúa Giê-su đã sống những lời này trong cuộc đời, trong các mối quan hệ và gặp gỡ, mang lại sự hoán cải, giải thoát và niềm vui cho người khác.

Trong lịch sử Hội Thánh, Năm Thánh đầu tiên là năm 1300, do Đức Giáo Hoàng Boniface VIII thiết lập. Khoảng cách giữa các Năm Thánh đã thay đổi theo thời gian: lúc đầu, Năm Thánh được cử hành 100 năm một lần.

Năm 1343, Đức Giáo Hoàng Clement VI đã chỉ định các Năm Thánh vào mỗi 50 năm.

Năm 1470, Đức Giáo Hoàng Phao-lô II quyết định Năm Thánh được cử hành vào mỗi 25 năm.

Ngoài ra, có những Năm Thánh “ngoại thường”: ví dụ, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI đã chọn năm 1933 là Năm Thánh để kỷ niệm 1900 Ơn Cứu Độ; cũng vậy, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II công bố năm 1983 là Năm Thánh để kỷ niệm 1950 Ơn Cứu Độ qua mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô và Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô tuyên bố Năm Lòng Thương Xót vào năm 2015 là một Năm Thánh đặc biệt.

Cách cử hành Năm Thánh cũng đã thay đổi qua nhiều thế kỷ: ban đầu Năm Thánh bao gồm một cuộc hành hương đến các Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô ở Roma, sau đó các hình thức khác đã được thêm vào, chẳng hạn như bước qua Cửa Thánh. Bằng cách tham gia vào Năm Thánh, các tín hữu được lãnh nhận ơn Toàn xá.

Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô nói về mục đích của Năm Thánh 2025:

“Nay đã đến lúc công bố một Năm Thánh mới, để một lần nữa Cửa Thánh lại được rộng mở hầu mang lại cảm nghiệm sống động về tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu khơi dậy trong tâm hồn niềm hy vọng chắc chắn về ơn cứu độ nơi Chúa Ki-tô.” (Sắc chỉ Năm Thánh 2025, số 6). Theo ngài, Năm Thánh cũng là một “thời điểm gặp gỡ Chúa Giê-su cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (1 Tm 1,1) để Hội Thánh được tăng thêm sức mạnh và nhiệt thành loan báo Chúa Ki-tô ở mọi nơi và cho tất cả mọi người (Sắc chỉ, số 6).

Chủ đề của Năm Thánh 2025 là: Những Người Hành Hương của Hy Vọng.

Trong Sắc chỉ Năm Thánh, Đức Phan- xi-cô đã trình bày những lý do khi ngài nhấn mạnh đến niềm hy vọng nơi các tín hữu trong Năm Thánh sắp đến:

  • Trước hết, hy vọng mang tính nhân bản; mỗi người đều “khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra ” Nhưng, tính bấp bênh của tương lai cũng thường đem lại những lo âu, chán nản hay nghi ngờ. Vì thế Đức Thánh Cha mong muốn “Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng” qua sự soi sáng của Lời Chúa (Sắc chỉ, số 1).
  • Đức tin sinh ra “niềm hy vọng hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” Chúng ta hy vọng vào lời hứa Nước Trời mà Chúa Ki-tô hứa trong Tám mối phúc thật. Thánh Phao-lô viết: “Niềm hy vọng này không làm cho chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ” (Rm 5,1- 2.5). “Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại, là lời loan báo niềm hy vọng sẽ hoàn thành lời hứa, sẽ dẫn đến vinh quang và không làm thất vọng vì có nền tảng là tình yêu” (Sắc chỉ, số 2). Tình yêu của Thiên Chúa làm chúng ta đứng vững trong hy vọng: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35.37-39). Theo Đức Thánh Cha, tình yêu tuôn đổ từ Trái Tim Chúa Giê-su bị đâm thâu trên thập giá: Chúa Ki-tô chết vì chúng ta là những kẻ tội lỗi thù địch để chúng ta giao hòa với Thiên Chúa (Rm 5:10) (Sắc chỉ, số 3).
  • Hy vọng là một nhân đức cần được tái khám phá trong các dấu chỉ của thời đại, bao hàm “sự khao khát của tâm hồn con người, cần đến sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Những dấu chỉ ấy xin được biến đổi thành dấu chỉ của niềm hy vọng” (Sắc chỉ, số 7), vốn trước hết phải được rút ra từ ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót trọn vẹn của Người. Thế giới hôm nay đầy những chiến tranh, bạo lực, khủng hoảng kinh tế, nhưng chúng ta cần tìm kiếm các dấu hiệu hy vọng qua sự tốt lành trong thế giới để không bị đè nặng bởi cái ác và bạo lực (Sắc chỉ, số 8). Khao khát hòa bình của mọi người, mong muốn về một mối quan hệ với Chúa Giê-su và mối quan tâm ngày càng tăng đối với môi trường, cũng như khao khát sinh con của các cặp vợ chồng là tất cả những dấu hiệu cho thấy hy vọng vẫn còn tồn tại (Sắc chỉ, số 9,10).
  • Các Ki-tô hữu chúng ta không chỉ củng cố ý thức hy vọng của chính mình, mà còn phải trở nên “những dấu hiệu hữu hình của hy vọng cho những người đang sống trong hoàn cảnh khốn cùng” hay nên chứng nhân của tình yêu Chúa bởi việc sinh con, chào đón người di cư, thăm viếng tù nhân, chăm sóc người bệnh hay tàn tật, người cao niên, xây dựng hòa bình, phản đối án tử hình, đề nghị các nước giàu tha nợ cho nước nghèo, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục (Sắc chỉ, số 9-14).
  • Năm Thánh 2025 chuẩn bị cho Hội Thánh đến một sự kiện quan trọng hơn là Năm Thánh 2033 kỷ niệm 2000 năm Chúa Ki-tô chết và phục sinh mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.
  • Các tù nhân là những người đầu tiên cần hy vọng. Khi mở một cánh Cửa Thánh trong một nhà tù, Đức Giáo Hoàng muốn quảng diễn sự gần gũi của Hội Thánh với những ai đang mất hy vọng và yêu cầu các chính phủ trên thế giới xem xét các chương trình ân xá và ân xá năm thánh cho các tù nhân, đồng thời giúp họ hòa nhập vào xã hội sau khi được tự do (Sắc chỉ, số 11).

Sắc chỉ Năm Thánh cho biết: Năm Thánh sẽ khai mạc tại Vatican vào ngày 24/12/2024 và kết thúc vào ngày 06/01/2026, lễ Hiển Linh. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng yêu cầu các Giám mục trên khắp thế giới khai mạc Năm Thánh tại giáo phận địa phương vào ngày 29/12/2024 và cử hành kết thúc Năm Thánh tại địa phương vào ngày 28/12/2025 (Sắc chỉ, số 7).

Năm Thánh kêu gọi chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình và đi ra khỏi chính mình để luôn đến cùng Thiên Chúa. Khi đi xa, chúng ta tìm hiểu nơi đến và chuẩn bị cho cuộc hành trình. Cuộc hành hương Năm Thánh bắt đầu trước khi chúng ta bước chân ra đi: điểm khởi đầu là quyết định lên đường. Từ nguyên gốc của “hành hương – pilgrimage” khá rõ ràng và đã rất ít thay đổi về ý nghĩa trong những năm qua. Từ này xuất phát từ tiếng La-tinh “per ager”, có nghĩa là “băng qua các cánh đồng”, hoặc có lẽ từ “per eger” có nghĩa là “vượt biên giới”: cả hai nguồn gốc đều chỉ ra khía cạnh đặc biệt của việc thực hiện một cuộc hành trình.

Trong Kinh Thánh, ông Áp-ra-ham được mô tả là một người đang trên cuộc hành trình: “Hãy ra khỏi xứ mình, người thân và nhà cha ngươi” (St 12:1). Với những lời này, Áp-ra-ham bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình, kết thúc ở Đất Hứa, nơi ông được nhớ đến như một “người A-ram phiêu bạt” (Đnl 26:5). Sứ vụ của Chúa Giê-su cũng có thể được xem như một cuộc hành trình, từ Ga-li-lê đến thành thánh Giê-ru-sa-lem… “Khi đến lúc Chúa Giê-su sắp được cất lên trời, Ngài rắp lòng đi lên đường lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9:51). Chính Chúa Ki-tô kêu gọi các môn đệ bước đi trên con đường này, và ngay cả ngày nay Ki-tô hữu đi theo Ngài và làm cuộc hành trình nối gót Ngài.

Đức Phan-xi-cô viết trong Sắc chỉ Năm Thánh: “Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu” (Sắc chỉ, số 5). Hành hương tượng trưng và nhắc nhở chúng ta về hành trình cuộc đời của người môn đệ là bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa Ki-tô lên Giê-ru-sa-lem (Mc 8:34) để trở về cùng Cha (Ga 13:1). Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta (Ga 14:2). Các môn đệ là những người hành hương, “ở trong thế gian” nhưng “không thuộc về thế gian” mà “thuộc về Cha” (Ga 17, 9,10,14). Chúa Ki-tô về cùng Cha Ngài cũng là Cha chúng ta, về cùng Thiên Chúa của Ngài cũng là Thiên Chúa chúng ta (Ga 20:18). Tiếng gọi của Chúa: “Hãy theo thầy” luôn mời gọi chúng ta làm cuộc hành hương là rời bỏ, để lại đằng sau, tin tưởng và hy vọng vào lời hứa của ngài để đi ra khỏi “con người cũ” mà trở nên “con người mới” (Ep 4: 22,24), nên đồng hình dạng với Chúa Ki-tô (Rm 8,29). Đức Phan-xi-cô viết: “Hành hương là một kinh nghiệm hoán cải, biến đổi chính bản thể của một người để phù hợp với sự thánh thiện của Thiên Chúa” (Sắc chỉ, số 5).

Cửa Thánh mang một ý nghĩa biểu tượng đặc biệt: nó là dấu hiệu mạnh mẽ nhất của Năm Thánh, vì mục đích cuối cùng của người hành hương là đi qua Cửa Thánh. Cửa Thánh tượng trưng cho ơn cứu độ mà Thiên Chúa mở ra cho chúng ta qua Chúa Ki-tô. Việc Đức Giáo Hoàng mở Cửa Thánh là chính thức khai mạc Năm Thánh. Ban đầu, chỉ có một cánh cửa, tại Vương cung thánh đường Thánh Gio-an La-te-ra-nô, nhà thờ Chính Tòa của Đức Giám mục Rô-ma. Sau đó, để đáp ứng số đông các tín hữu về hành hương Năm Thánh, các Vương cung thánh đường Rô-ma khác của Đức Giáo Hoàng cũng mở Cửa Thánh cho các tín hữu.

Khi bước qua ngưỡng Cửa Thánh, người hành hương được nhắc nhở về đoạn Tin Mừng Gio-an: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10:9). Đi qua Cửa Thánh thể hiện quyết định đi theo và được hướng dẫn bởi Chúa Giê-su, Đấng là Đấng Mục nhân lành. Cửa là một lối đi dẫn người hành hương vào bên trong một nhà thờ. Đối với cộng đồng Ki-tô hữu, một nhà thờ không chỉ là một không gian thiêng liêng, được tôn trọng, nhưng là một biểu tượng của sự hiệp thông ràng buộc mọi tín hữu với Chúa Ki-tô: đó là một nơi gặp gỡ và đối thoại, của sự hòa giải và hòa bình cho mọi người hành hương; nhà thờ về cơ bản là nơi tụ họp của cộng đoàn tín hữu.

Ở Rô-ma, kinh nghiệm này có một ý nghĩa sâu sắc vì những liên kết đặc biệt giữa kinh thành vĩnh cửu với Thánh Phê-rô và Phao-lô, các tông đồ đã rao giảng Tin Mừng tại Rô-ma và đã chịu tử đạo làm chứng cho Chúa tại đây. Cùng với mộ của hai vị Tông Đồ cả của Giáo Hội, những địa điểm linh thánh tại đây là nguồn khích lệ đức tin của các tín hữu.

Lời kêu gọi hối cải của Chúa Ki-tô vẫn tiếp tục vang vọng trong đời sống các Ki-tô hữu, một yếu tố căn bản của Tin Mừng. “Việc thống hối là hành động của một ‘tâm hồn tan nát’ được ân sủng lôi kéo và thúc đẩy, để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước” (SGLCG, 1427). Thánh Am-brô-si-ô nói về hai cuộc hối cải: “Hội Thánh có nước và nước mắt, nước của bí tích Rửa Tội, và nước mắt của bí tích Thống Hối” (SGLCG, 1429). Bí tích Giao hòa giúp chúng ta sám hối, mở tâm hồn đón nhận tình yêu và ơn tha thứ của Chúa, đồng thời công bố và ca ngợi lòng khoan dung và thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta là những tội nhân. Bí tích Giao Hòa có tầm quan trọng cho đời sống thiêng liêng của chúng ta trong Năm Thánh để sám hối và canh tân mối quan hệ của chúng ta với Chúa và tha nhân.

Đức Phan-xi-cô mong ước trong Năm Thánh các nhà thờ, đặc biệt dọc theo các tuyến đường và ở kinh thành Rô-ma cũng như tại các Giáo hội địa phương, “sẽ là những ốc đảo thiêng liêng, tại đó chúng ta có thể canh tân đời sống đức tin và thỏa cơn khát nơi nguồn hy vọng, trước hết bằng cách đến với Bí tích Hòa giải, là điểm khởi đầu không thể thay thế của con đường hoán cải đích thực” (Sắc chỉ, số 5).

Cầu nguyện là hành vi thiêng liêng không thể thiếu trên đường hành hương và tại các nơi thánh. Có nhiều lý do và cách để cầu nguyện, nhưng gốc rễ của lời cầu nguyện luôn luôn là mong muốn được mở ra cho sự hiện diện của Thiên Chúa và đáp lại tình yêu của Ngài. Các cơ hội cầu nguyện trên đường hành hương cho thấy người hành hương đi trên con đường đến với Thiên Chúa “trong lòng” (Tv 83:6). “Lời Chúa, Phụng vụ của Hội Thánh, các nhân đức tin cậy mến, là những nguồn mạch của việc cầu nguyện” (SGLCG, 2662).

Chúa Giê-su luôn cầu nguyện và Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện để kết hợp với Chúa Cha. Kinh Lạy Cha là lời mà Chúa Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện nên kinh này có chỗ đứng quan trọng nhất và Hội Thánh cầu nguyện trong mọi cử hành phụng vụ chính thức. Vì thế tại nơi thánh, chúng ta cầu nguyện với lời kinh Lạy Cha.

Truyền thống Ki-tô giáo cũng cung cấp các văn bản khác, chẳng hạn như Kính mừng Maria, có thể giúp tìm ra những từ ngữ để nói với Thiên Chúa: “Nhờ việc lưu truyền sống động là Thánh Truyền, Chúa Thánh Thần dạy con cái Thiên Chúa, trong Hội Thánh, biết cầu nguyện.” (SGLCG, 2661).

Phụng vụ là lời cầu nguyện công khai của Giáo Hội. Công đồng Vatican II dạy rằng phụng vụ là “đỉnh cao mà hoạt động của Giáo hội hướng tới; đồng thời là nguồn mạch mà từ đó tất cả sức mạnh của Hội Thánh tuôn trào.” (Hiến chế về phụng vụ, 10). Trung tâm phụng vụ Ki-tô giáo là Thánh Lễ – cử hành Thánh Thể, nơi Mình và Máu của Chúa Ki-tô thực sự được chúng ta đón nhận. Là một người hành hương, chính Chúa Ki-tô bước đi bên cạnh chúng ta và mặc khải cho chúng ta những mầu nhiệm của Chúa Cha, để giống như hai môn đệ trên đường đến Em-mau, chúng ta có thể nói với Chúa: “Xin ngài ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24:29).

Một nghi thức phụng vụ đặc biệt cho Năm Thánh là mở Cửa Thánh. Vào những năm không phải Năm Thánh, người ta xây tường gạch để che kín Cửa Thánh. Khi khai mạc Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng đẩy cửa từ bên ngoài, đi qua nó với tư cách là người hành hương đầu tiên. Bước qua ngưỡng Cửa Thánh đi vào bên trong thánh đường là một dấu chỉ về cuộc hành trình của Toàn thể dân Thiên Chúa đang tiến tới Vương quốc Thiên Chúa. Trong nghi thức kính viếng các địa điểm thánh của Giáo Hội địa phương, cuộc rước của các tín hữu với Thánh giá dẫn đầu tiến vào bên trong nhà thờ tượng trưng cho cuộc hành hương và diễn tả đoàn dân đi theo Chúa Ki-tô đang tiến về Nhà Cha.

Khi hành hương viếng một địa điểm Năm Thánh, các tín hữu sẽ tuyên xưng đức tin, thông thường bằng kinh Tin Kính, diễn tả sự gắn bó cuộc đời mình với mặc khải của Thiên Chúa và sự hiệp thông trong một đức tin duy nhất của Hội Thánh.

Lời tuyên xưng đức tin – còn được gọi là “biểu mẫu” – là một dấu chỉ căn cước của người đã được rửa tội. Lời tuyên xưng đức tin qua Tín biểu (Kinh Tin Kính) là bản toát yếu những chân lý chủ yếu của đức tin mà một tín hữu tín đã tuyên xưng khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, xác tín và sống những chân lý này cùng Hội Thánh trong suốt quãng đời còn lại của họ.

Theo truyền thống, có hai bản Tuyên xưng đức tin chính thức của Giáo Hội (còn được gọi là Tín biểu): Kinh Tin Kính các Tông Đồ và kinh Tin Kính Nicea – Constantinopoli. Kinh Tin Kính của các Tông Đồ là “bản tóm lược trung thành đức tin của các Tông Đồ. Đây là Tín biểu dùng khi rửa tội, được Giáo Hội Rô-ma sử dụng bảo tồn từ thời xa xưa, nơi có thánh Phê-rô là thủ lãnh các Tông Đồ lãnh đạo (SGLCG, 194). Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli được hình thành bởi hai Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội vào năm 325 và năm 381. Sách Giáo Lý Công Giáo nhắc lại lời thánh Ambrosiô: “Tín biểu là dấu ấn thiêng liêng, là điều chúng ta tâm niệm, và như là người canh giữ luôn hiện diện, chắc chắn đó là kho tàng của linh hồn chúng ta” (SGLCG, 197).

Thánh Phaolô nhấn mạnh việc loan báo mầu nhiệm đức tin đòi hỏi một sự hoán cải sâu sắc không chỉ trong lời nói, nhưng trên hết là trong sự hiểu biết về Thiên Chúa, về bản thân và về thế giới. “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10:9-10).

Sách Giáo Lý của Hội Thánh định nghĩa: “Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù những tội đó đã được tha thứ. Để hưởng nhờ ân xá, Ki-tô hữu phải hội đủ những điều kiện được thẩm quyền của Hội Thánh quy định, vì với tư cách là thừa tác viên của Ơn cứu chuộc, Hội Thánh có thẩm quyền phân phát và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Ki-tô và các Thánh” (SGLCG, 1471).

Do chính từ bản chất của tội lỗi là xa rời Thiên Chúa, mỗi tội lỗi đều sinh ra hai hình phạt như hậu quả của nó: hình phạt đời đời là mất hiệp thông với Thiên Chúa (trong trường hợp tội nặng) và hình phạt tạm như quyến luyến lệch lạc về các thụ tạo, hậu quả tâm lý, đau khổ, sự rối loạn nội tại hay với người khác …

Sự tha thứ tội lỗi và tái lập hiệp thông với Thiên Chúa làm chúng ta được tha các hình phạt đời đời do tội. Nhưng những hình phạt tạm do tội vẫn còn. Khi chúng ta nhẫn nại chịu đựng những đau khổ và thử thách như để thanh tẩy chính mình qua những việc lành bác ái, cầu nguyện và hành động sám hối.

Mầu nhiệm “các thánh thông công” là sự thông hiệp giữa các tín hữu trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô: giữa các thánh nam nữ trên trời, các linh hồn nơi luyện ngục và các tín hữu đang lữ hành trên trần gian. Như mỗi chi thể đều thông hiệp vào sự sống của cơ thể, thì mỗi tín hữu đều được hưởng lợi nhờ lời cầu nguyện và việc lành của tất cả các tín hữu. Họ “có một dây liên kết vững bền trong tình yêu và một sự trao đổi dồi dào tất cả các điều thiện hảo. Trong sự trao đổi kỳ diệu này, sự thánh thiện của một người sinh lợi cho những người khác, vượt xa sự thiệt hại mà tội lỗi của một người có thể gây ra cho những người khác” (SGLCG, 1475). Mầu nhiệm “các thánh thông công” cho phép tội nhân thống hối được thanh tẩy khỏi các hình phạt do tội một cách nhanh chóng và hữu hiệu hơn” (SGLCG, 1475).

Những điều thiện hảo thiêng liêng của mầu nhiệm “các Thánh thông công là kho tàng giá trị vô cùng tận trước nhan Thiên Chúa của những việc đền tội và những công phúc dư dật của Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc, cùng với giá trị vô lượng vô biên và luôn luôn mới trước nhan Thiên Chúa của những lời cầu nguyện và những việc lành của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc và của tất cả các Thánh… Các ngài đã thánh hóa bản thân, làm chứng cho lòng thương xót và quyền năng của Chúa, đồng thời góp phần làm cho các anh em mình được cứu độ trong sự hợp nhất của nhiệm thể (SGLCG 1476-1477).

Thuật ngữ “lòng thương xót” có thể thay thế bằng thuật ngữ “ân xá”, chính bởi vì nó có nghĩa là bày tỏ sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa, vốn là điều không có ranh giới” (Sắc chỉ, số 23). Vì thế, Ân xá là một ân sủng Năm Thánh, một biểu hiện cụ thể của lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa vì lòng thương xót của Thiên Chúa “trở thành ân xá của Chúa Cha, Đấng, qua Hiền Thê của Chúa Ki-tô, đến với tội nhân được tha thứ và giải thoát họ khỏi mọi tàn dư của hậu quả tội lỗi” (Sắc chỉ Năm Thánh 2025, số 22). Ân xá Năm Thánh cho phép chúng ta giải thoát tâm hồn mình khỏi gánh nặng của tội lỗi vì sự đền bù cho tội lỗi của chúng ta được ban cho một cách tự do và dồi dào. Ơn Toàn xá là tha hết mọi hình phạt bởi tội lỗi và Ơn tiểu xá là tha một phần những hình phạt qua thẩm quyền của Hội Thánh. Để đón nhận ân xá – lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cần có nội tâm và hành vi thiêng liêng hội đủ điều kiện được Đức Giáo Hoàng, đấng mà Chúa Ki-tô trao quyền đóng mở, chỉ định.

Sắc lệnh ban ân xá của Tòa Ân Giải Tối Cao chỉ ra những điều kiện cho một tín hữu lãnh ân xá trong các cuộc hành hương đến các địa điểm Năm Thánh, như Roma, Đất Thánh hay các địa điểm tại Giáo Hội địa phương do Giám mục bản quyền chỉ định: “Tất cả các tín hữu thực sự sám hối, loại trừ mọi ham muốn tội lỗi (x. Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 20, § 1) và được thúc đẩy bởi tinh thần bác ái, trong Năm Thánh, đã được thanh tẩy nhờ Bí tích Sám hối và được Rước lễ, cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha, từ kho tàng của Giáo Hội, họ sẽ có thể nhận được ơn Toàn xá, sự giải thoát và tha thứ tội lỗi của mình; những điều này có thể được áp dụng cho các linh hồn trong Luyện ngục dưới hình thức chuyển cầu” (Sắc lệnh ban ân xá Năm Thánh 2025).

Cụ thể, “các tín hữu sẽ có thể nhận được ân xá nếu, cá nhân hoặc theo nhóm, sốt sắng đến viếng bất kỳ địa điểm Năm Thánh nào và ở đó, trong một khoảng thời gian thích hợp, thực hành việc tôn thờ và suy niệm Thánh Thể, kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, Tuyên xưng Đức Tin dưới bất kỳ hình thức hợp pháp nào và những lời cầu khẩn lên Đức Maria,” hoặc sốt sáng tham dự Thánh lễ, cử hành Lời Chúa, giờ Kinh Phụng vụ, ngắm Đàng Thánh Giá; Kinh Mân Côi; cử hành sám hối, kết thúc bằng việc xưng tội cá nhân của hối nhân (Sắc lệnh ban ân xá).

Với những tín hữu vì lý do nghiêm trọng (như các đan sĩ ẩn tu, người bệnh, tù nhân, những người chăm sóc bệnh nhân…) không thể tham gia vào các buổi cử hành, các cuộc hành hương, nhưng có lòng ăn năn sám hối sẽ được lãnh Ân xá Năm Thánh, với cùng những điều kiện, nếu hiệp nhất thiêng liêng với các tín hữu hiện diện, đặc biệt trong những thời điểm những lời của Đức Giáo hoàng hoặc các Giám mục giáo phận được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, cùng với việc đọc Kinh Lạy Cha, Tuyên xưng Đức Tin qua kinh Tin Kính và những lời cầu nguyện khác phù hợp với mục đích của Năm Thánh, dâng lên những đau khổ hoặc khó khăn trong cuộc sống của họ (Sắc lệnh ban ân xá 2025).

Nguồn: TGP Hà Nội

Translate »
Exit mobile version