“Jubilee” – “Năm Thánh” là tên gọi dành cho một năm đặc biệt; tên gọi này bắt nguồn từ khí cụ được dùng để ghi dấu khởi điểm của Năm Thánh. Trong trường hợp này, khí cụ được nhắc đến là “yobel” – tù và, sừng của con cừu đực, được dùng để công bố Ngày Xá tội (Yom Kippur). Ngày lễ (của người Do Thái) này diễn ra hằng năm, nhưng nó mang ý nghĩa đặc biệt khi nó đánh dấu sự bắt đầu của Năm Thánh. Chúng ta có thể nhận thấy một dấu chỉ sớm về Năm Thánh trong Kinh Thánh: một Năm Thánh phải được ghi dấu mỗi 50 năm, bởi đây là một năm “thêm”, năm mà sẽ diễn ra mỗi bảy lần bảy năm, nghĩa là mỗi 49 năm (x. Lv 25,8-13). Mặc dù không dễ dàng để tổ chức, Năm Thánh được dự định để đánh dấu một thời điểm nhằm tái thiết lại mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, với tha nhân, và với tất cả mọi tạo vật, và kèm theo đó là sự tha thứ nợ nần, trả lại đất đai bị chiếm dụng, và một thời kỳ ruộng đồng không canh tác.
Trích dẫn lời tiên tri I-sai-a, Tin Mừng Thánh Lu-ca mô tả sứ mệnh của Chúa Giê-su trong phương thế này: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19; x. Is 61,1-2). Chúa Giê-su sống những Lời này trong cuộc sống hằng ngày của Người, trong các cuộc gặp gỡ với tha nhân và trong các mối tương quan của Người, tất cả đều mang đến sự giải thoát và lòng hoán cải.
Vào năm 1300, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Bônifaciô VIII đã gọi tên“Jubilee” lần đầu tiên, cũng được biết đến là “Holy Year” – Năm Thánh, bởi vì Năm Thánh là thời gian để sự thánh thiện của Thiên Chúa biến đổi chúng ta. Chu kỳ của Năm Thánh đã thay đổi theo thời gian: ban đầu, Năm Thánh được cử hành mỗi 100 năm một lần; sau đó, vào năm 1343, ĐGH Clêmentê VI đã giảm khoảng cách giữa các Năm Thánh xuống còn 50 năm, và vào năm 1470, ĐGH Phao-lô II cử hành năm Thánh 25 năm một lần. Cũng có những Năm Thánh “ngoại thường”: ví dụ như vào năm 1933, ĐGH Pi-ô XI đã chọn tưởng niệm 1900 năm Ơn Cứu độ, và vào năm 2015, ĐGH Phan-xi-cô đã công bố Năm Lòng Thương Xót là một Năm Thánh Ngoại Thường. Cách mà năm Thánh được ghi dấu cũng đã thay đổi qua các thế kỷ: lúc đầu, Năm Thánh bao gồm một cuộc hành hương tới Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô ở Rôma và Vương cung Thánh đường Thánh Phao-lô ngoại thành, sau này những dấu chỉ khác được thêm vào, như là Cửa Thánh. Khi tham dự Năm Thánh, người tham dự được lãnh Ơn Toàn xá.
Các đặc trưng của Năm Thánh:
- Hành hương
- Cửa Thánh
- Bí tích Hòa giải
- Cầu nguyện
- Phụng vụ
- Tuyên xưng Đức tin
- Ơn xá
Ban biên tập TTHH – lược dịch
Nguồn: iubilaeum2025